Kim tự tháp của nền văn minh bí ẩn nhất Trái đất
Dẫu không đồ sộ bằng các kim tự tháp khổng lồ của Ai Cập, Pyramid of the Niches cũng có độ cao 20m, được xây dựng bằng những khối đá nặng 8 tấn.
Mặc dù được phát hiện từ năm 1785, đến nay vẫn chưa có ai xác định được công trình kiến trúc đồ sộ này là kiệt tác của nền văn minh nào.
Ẩn trong rừng Veracruz
Pyramid of the Niches hay còn gọi Kim tự tháp hang hốc là công trình kiến trúc cổ nằm trong rừng mưa Veracruz của Mexico. Nó được phát hiện vào năm 1785 bởi một viên quan người Tây Ban Nha tên Diego Ruiz khi đang truy tìm các đồn điền thuốc lá bất hợp pháp.
Thấy Pyramid of the Niches, Ruiz liền viết báo cáo, vẽ hình minh họa gửi cho ấn phẩm Gaceta de Mexico đăng tải. Lập tức, công trình kiến trúc này thu hút sự chú ý của giới học thuật Tây Ban Nha và châu Âu.
Những nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng đương thời như Jose Antonio Alzate y Ramírez và Ciriaco Gonazlez Carvajal không tiếc lời ca ngợi. Một số người còn đánh giá Pyramid of the Niches kỳ vĩ ngang tầm các công trình La Mã cổ đại.
Về cơ bản, Pyramid of the Niches là một kim tự tháp 4 mặt, cao 20m, được chia thành 7 tầng. Nó có tên Kim tự tháp hang hốc vì mỗi tầng đều được chia thành các ngăn nhỏ, nhìn giống như hốc, tổng cộng 365 hốc.
Mặt tiền của Pyramid of the Niches có cầu thang dẫn lên đỉnh tháp. Vật liệu xây dựng công trình là đá, mỗi phiến đều được cắt vuông vức. Kích thước của các khối đá tương đối lớn, ước tính nặng tới 8 tấn.
Là đền thờ thần?
Năm 1831, kiến trúc sư lừng danh người Đức, Charles Nebel ghé thăm Pyramid of the Niches. Ông hoàn thành bản vẽ chi tiết và giải thích tường tận cấu trúc của kim tự tháp.
Video đang HOT
Bên cạnh Pyramid of the Niches, người ta phát hiện thêm một số tàn tích khác. Nebel phỏng đoán, Kim tự tháp hang hốc chỉ là một phần của một thành phố lớn hơn. Ông đem bản vẽ và phân tích viết thành sách, đặt tựa là Voyage pittoresque et archéologique, xuất bản năm 1836.
Đúng như Nebel dự đoán, Pyramid of the Niches nằm trong quần thể kiến trúc đô thành cổ El Tajín. Sau 39 năm khai quật, mở rộng diện tích lên đến 310.000 m2, nhà khảo cổ Agustin Garcia Vega tìm thấy thêm nhiều tàn tích khác, trong đó có sân bóng, đền thờ và cung điện.
Kế tiếp Nebel là nhà khảo cổ Jrgen K. Brggemann bỏ ra 10 năm, phát hiện thêm 35 tòa nhà. Giới khảo cổ cho rằng, những gì đã lộ ra mới chỉ là một nửa của El Tajin.
Theo kết quả khảo cổ, El Tajin là thành phố siêu thịnh vượng trong khoảng năm 600 – 1200. Nó đóng vai trò là trung tâm thương mại quan trọng nhất vùng Đông Bắc Trung Bộ châu Mỹ. Nhờ kinh tế phát triển, các cư dân dư dả của cải, xây dựng các công trình khổng lồ phục vụ hoàng tộc, vui chơi giải trí, tôn giáo…
Pyramid of the Niches nằm tại vị trí trung tâm của El Tajin, được xây dựng một cách tinh tế và cầu kỳ nhất. Các phiến đá được mài mặt nhẵn mịn, chỉ cần một lượng vôi vữa rất ít để gắn kết với nhau.
Nghiên cứu mẫu vật cho thấy, bề mặt tháp ban đầu được sơn màu đỏ, còn các hốc là màu đen. Mặc dù số lượng các hốc là 365, chúng hình như không liên quan với 365 ngày/năm. Tín ngưỡng Mexico tin rằng, hang hốc là đường dẫn vào thế giới ngầm trong lòng đất, nơi trú ngụ của các vị thần. Có người đặt giả thuyết, mỗi cái hốc của Pyramid of the Niches đều có đặt một tượng thần.
Giới khảo cổ bác bỏ giả thuyết này. Từ các mảnh điêu khắc bị vỡ nằm rải rác trong kim tự tháp, người ta đoán nó là đền thờ thần mưa, hoặc là nơi để tư tế tiến hành nghi lễ tôn giáo.
Chưa rõ của ai
Một điêu khắc của Pyramid of the Niches
Xét thời gian hình thành, El Tajin có thể có mặt từ khoảng năm 5600 trước Công nguyên. Các cư dân săn bắn, hái lượm đã biết canh tác nông nghiệp, định cư tại một chỗ, xây dựng đời sống xã hội phức tạp. Tuy nhiên, các cư dân này thuộc bộ tộc, nền văn minh nào thì vẫn còn là một ẩn số.
Có giả thuyết cho rằng, tộc Totonacs và Xapaneca (hai dân tộc bản địa của Mexico) là chủ nhân của thành El Tajin. Song khám phá khảo cổ lại chỉ tìm thấy một vài bằng chứng thuộc về người Huastec (cũng là dân tộc bản địa của Mexico) Thế kỷ I, không có bằng chứng nào liên quan đến Totonacs và Xapaneca.
Kim tự tháp hang hốc được xây dựng trong thời gian El Tajin giàu có, nhộn nhịp nhất. Lúc này, trong thành có đến hơn 50 dân tộc khác nhau, ước tính dân số lên đến 15.000 – 20.000 người. Một trong các bản khắc được phát hiện ở kim tự tháp miêu tả lễ hội cây ca cao. Phân tích nghệ thuật kiến trúc của El Tajin cho thấy tín ngưỡng chiêm tinh, quan tâm sự chuyển động của các vì sao, Mặt trăng và Mặt trời.
Trong khu vực Trung Bộ châu Mỹ, Teotihuacan là nền văn minh nổi tiếng với hai công trình kỳ vĩ, Kim tự tháp Mặt trăng và Kim tự tháp Mặt trời. Thời gian El Tajin lên ngôi cùng lúc với Teotihuacan sụp đổ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, El Tajin đã thế chỗ văn minh Teotihuacan thống trị thương trường.
Cuối Thế kỷ XII, El Tajin đạt đến đỉnh cao của sự giàu có. Các nhà lịch sử nhận định, chính điều đó đã kích động lòng tham của tộc Chichimec, khiến họ kéo quân cướp bóc và đốt phá. Những người sống sót phải bỏ đi để mặc đô thành đổ nát cho rừng rậm xâm lấn.
Ngay sau khoảng thời gian El Tajin bị tàn phá, người Totonac thành lập khu định cư Papantla ở gần đấy. Họ coi tàn tích El Tajin như một khu vực linh thiêng, vì thế mới từng bị nhầm là chủ nhân của tàn tích này.
Khi mới phát hiện Pyramid of the Niches, Ruiz cũng báo cáo các cư dân địa phương cố tình bí mật về sự tồn tại của nó. Mặc dù El Tajin chỉ được thế giới bên ngoài biết đến từ cuối Thế kỷ XVIII, nó có thể vẫn luôn trong tầm mắt của các bộ tộc bản địa sống xung quanh. Lời giải đáp có khả năng đang nằm trong tri thức của họ.
Vũ Ninh
Theo giaoducthoidai.vn/Wikipedia
[CẢM XÚC XUÂN] Đi giữa mùa xuân Tây Nguyên
Tây Nguyên mùa xuân, mùa hoa cà phê nở trắng, mùa con ong đi lấy mật gọi mời du khách. Đây là mùa đẹp nhất trong năm để du khách ghé thăm.
Con đường quốc lộ 14 xuyên mảnh đất Tây Nguyên tỏa ánh nắng từ rất sớm, nắng kéo dài tận 5 - 6 giờ chiều.
Tắt nắng, một làn không khí lạnh nhanh chóng bủa vây. Đường hun hút, những con đèo dốc không quá hiểm trở so với những con đèo Tây Bắc nhưng cũng đủ khiến cánh lái xe có cảm giác thích thú. Xe chạy qua những đồi chè biếc xanh ở Bảo Lộc, dưới mặt trời rót mật ánh nắng và và bầu trời thẳm xanh.
Còn một quãng đường dài để về Buôn Mê Thuột, đó là lúc những cánh rừng cao su thẳng tắp xuất hiện. Cao su và cà phê vốn là đặc sản của nơi này. Không có những bóng công nhân thấp thoáng lấy mủ sau những thân cây, chỉ có rừng cao su lặng lẽ trong tiếng gió reo vui, ánh nắng nhảy nhót và tiếng lạo xạo của lá vàng rơi sau mỗi bước chân. Những thân cây chằng chịt vết cứa, những dòng mủ lặng lẽ chảy xuống chiếc bát đựng.
Đi trên con đường xuyên Tây Nguyên, gió cứ hun hút thăm thẳm. Thi thoảng, tôi lại lạc tay lái vào một cánh rừng cao su nào đó, còn không sẽ đi giữa những vườn cà phê bạt ngàn hoa. Đã hai lần đến vói Tây Nguyên, song phải đến lần thứ ba này tôi mới có duyên với những đóa hoa cà phê.
Không phải ai cũng có may mắn đến đây đúng vào mùa hoa nở, vì vụ hoa cà phê thường nở 2 -3 đợt đến tận cuối mùa xuân và mỗi vụ hoa nở rất nhanh rồi tàn, chỉ vài ngày là những thảm hoa chuyển thành những nụ quả. Những cánh rừng cà phê xanh chỉ qua một đêm đã chuyển thành hoa trắng bồng bềnh, khiến người ghé thăm không khỏi ngỡ ngàng. Dưới bầu trời trong xanh và cái nắng nhẹ, màu trắng của loài cây kinh tế miền sơn cước dệt nên những thảm trắng trải dài khắp các triền đồi, nhà vườn, nhà rẫy của người dân Ban Mê.
Mùi hương ngọt ngào của hoa cà phê quyến rũ bầy ong khắp nơi bay về vờn phấn, hút mật để tạo ra những giọt mật thơm ngon, đặc sánh. Trong khung cảnh thơ mộng ấy, từng đàn bướm đủ màu sắc cũng theo hương hoa cà phê đua nhau kéo đến bay lượn khắp trời Ban Mê, tạo nên một bức tranh ngây ngất lòng người. Cà phê cần nhiều nắng, nhiều gió, nhiều đất đỏ thế nên càng ở đâu nhiều nắng, cà phê càng tưng bừng. Hương cà phê thơm khắp đất khắp trời. Cả vùng rộng say trong mùi cà phê.
Càng gần đến Buôn Mê Thuột, xe dừng lại càng nhiều hơn bởi những dãy cà phê bạt ngàn hút mắt. Giữa Tây Nguyên, dưới tán những đóa hoa trắng ngần, uống cà phê còn gì bằng. Ly cà phê ở đây được pha chút nắng, chút gió, chút bụi đường, thế nên cà phê ngon không nơi nào sánh kịp. Khi cà phê nở hoa cũng là những ngày lễ hội tưng bừng khắp các bản làng gần xa trên đất Tây Nguyên. Từ Kon Tum đến Buôn Mê, từ Đắc Lắc đến Bảo Lộc, đâu đâu cũng rộn rã tiếng chiêng tiếng cồng, những điệu nhạc lời ca quanh bếp lửa hồng.
Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ. Cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây Nguyên. Bản sắc văn hóa các dân tộc ít người Tây Nguyên thể hiện đậm đà nhất trong cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật tạo hình, múa dân gian và ẩm thực dân gian... đều thể hiện, gắn bó mật thiết với cồng chiêng .
Rượu cần càng uống càng say, bếp lửa càng đêm càng rực cháp bập bùng, lời ca điệu nhạc càng lúc càng rộn ràng. Quanh cây nêu năm mới, trong tiếng cồng chiêng vang vọng, tưởng như những thanh âm của núi rừng, tiếng của dòng sông Serepok, của những dòng thác hùng vĩ ầm ào suốt đêm ngày.
Tôi chẳng còn ngại ngần, nhảy vào hòa chung điệu nhạc, nghe già làng kể những câu chuyện ngày xửa ngày xưa đã làm nên mảnh đất này. Chuyện chàng Damsan, chuyện chiếc khăn Phiêu, lắng nghe tiếng núi rừng cựa mình, quấn quýt trong hương cà phê thơm ngào ngạt, trong tình cảm chân thành và giản dị của bà con dân tộc.
Ngày chạy vun vút xe qua những cánh rừng cao su, những đồi cà phê thơm phức, đêm đắm mình trong giấc ngủ nồng nàn hương cà phê. Tây Nguyên gió ngàn. Trong giấc mơ, thấy mình đang chạy xe giữa mùa hoa cà phê trắng muốt, dưới trời xanh, giữa những đàn ong bướm rập rờn, giữa những cơn gió cuốn đầy bụi đất đỏ bazan.
Say nắng, say gió, say cà phê, say những con đường đất đỏ Tây Nguyên!
Theo enternews.vnThùy Lam
Chùa Hương và những điều còn ít người biết Chùa Hương là tên gọi dân gian, với một hang động ấn tượng và nổi tiếng - Động Hương Tích - được Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm vinh danh là "Nam Thiên đệ nhất động" Vào thời kỳ ông rời phủ Chúa, viếng thăm các danh lam thắng cảnh trời Nam, đâu đó vào năm 1700, triều Lê Trung Hưng với chế độ...