Kim Jong-un không thỏa hiệp, Tập Cận Bình không đến Triều Tiên
Kim Jong-un đã không thỏa hiệp về tham vọng hạt nhân của mình. Nếu Tập Cận Bình đi Bình Nhưỡng sẽ gửi 1 thông điệp sai lầm.
Ông Tập Cận Bình sẽ đi Seoul ngày mai.
Bưu điện Hoa Nam ngày 2/7 bình luận, ngày mai Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm Seoul mà không phải là Bình Nhưỡng trong chuyến công du đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Hàn Quốc với chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Các nhà quan sát cho rằng, chuyến đi 2 ngày của ông Bình dự kiến gửi đi 1 thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên, mặc dù để tránh khiêu khích, các quan chức Trung – Hàn đều nhấn mạnh chuyến công du không nhằm vào bất kỳ bên thứ 3 nào.
Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ ký kết 12 thỏa thuận hợp tác về các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả thương mại và bảo vệ môi trường trong hội nghị thượng đỉnh lần này. Ngoài ra chương trình nghị sự sẽ bao gồm cả vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, giải quyết xung đột thông qua đối thoại hòa bình, Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Hai nước cũng sẽ thảo luận về lịch sử chiến tranh của họ cũng như những nỗ lực gần đây của Nhật Bản mà cả Bắc Kinh và Seoul cáo buộc là chối bỏ các hành động tàn bạo trong lịch sử, nhưng sẽ không có bất kỳ biện pháp nào nhắm mục tiêu vào Nhật Bản trong suốt chuyến thăm, ông Dân cho hay.
Trung Quốc được coi là đồng minh trung thành của Bình Nhưỡng, từng hỗ trợ họ trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hai nước Trung – Triều đã ký hiệp ước hữu nghị năm 1961, trong đó Bắc Kinh cam kết sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng chống lại 1 cuộc tấn công từ bên ngoài. Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào năm 1992.
2 người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là Giang Trạch Dân, hồ Cẩm Đào cũng đã đi Bình Nhưỡng trước khi thăm Seoul. Thông điệp chuyến công du lần này của ông Tập Cận Bình lá khá rõ, Bắc Kinh muốn giữ khoảng cách. Nếu Bình Nhưỡng tiếp tục làm phật ý Bắc Kinh, họ sẽ nghiêng hẳn về phía Seoul, John Delury, một trợ lý giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc từ đại học Yonsei ở Seoul bình luận.
Kim Chul-woo, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, chuyến đi của Tập Cận Bình có lẽ sẽ gây khó chịu cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đã không có chuyến thăm nào ở cấp cao nhất giữa 2 nước kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2012.
“Thông thường Trung Quốc sẽ cân nhắc cảm nhận và phản ứng của Bình Nhưỡng trong các cuộc giao dịch, trao đổi với Seoul. Nhưng tác động của Triều Tiên với quan hệ Trung – Hàn đang giảm dần”, Đặng Duật Văn, một chuyên gia Trung Quốc từ Trường đảng Trung ương cho biết.
“Kim Jong-un đã không thỏa hiệp về tham vọng hạt nhân của mình. Nếu Tập Cận Bình đi Bình Nhưỡng sẽ gửi 1 thông điệp sai lầm rằng, tham vọng như vậy sẽ được Bắc Kinh chấp thuận”, ông Đặng Duật Văn nói.
Học giả Delury từ đại học Yonsei nhận xét, Bắc Kinh dự kiến sẽ ngăn cản Seoul gia nhập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đẩy mạnh các hoạt động cứu nạn hàng hải chung với Seoul. Nó làm cho chiến lược của Mỹ tạo ra mặt trận chống Trung Quốc khó khăn hơn.
Theo Giáo Dục