Kiev hối thúc F-16, phương Tây vẫn còn tranh cãi về huấn luyện phi công
Đề ra những mốc thời gian đầy tham vọng về cung cấp chiến đấu cơ F-16, nhưng lúc này các đối tác phương Tây của Ukraine vẫn còn đang loay hoay hoàn thiện kế hoạch huấn luyện phi công.
Ukraine đang tăng áp lực lên các đồng minh về viện trợ máy bay F-16, khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Trong ảnh, máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ tại Triển lãm Hàng không Paris. Ảnh: AP
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết chính quyền sẽ hành động “nhanh nhất có thể” để đưa máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine. Một phát ngôn viên hàng đầu của Nhà Trắng cho biết dòng máy bay sẽ xuất hiện trên bầu trời Ukraine “vào cuối năm nay”.
Nhưng cho đến nay, các đối tác phương Tây thậm chí vẫn chưa nhất trí về kế hoạch đào tạo phi công Ukraine lái những chiếc máy bay đã cam kết – theo ba quan chức Mỹ quen thuộc với các cuộc thảo luận.
Đan Mạch và Hà Lan đang dẫn đầu một liên minh gồm 11 quốc gia hỗ trợ đào tạo, nhưng cho đến nay chưa có quốc gia nào cam kết công khai về máy bay tham gia chương trình.
Cuộc tranh giành của phương Tây diễn ra trong bối cảnh Ukraine kêu gọi tăng cường khả năng quân sự để vượt qua hàng phòng thủ của Nga trên chiến trường. Và Ukraine đang gia tăng áp lực trở lại lên các đồng minh về gửi F-16, khi Nga đình chỉ thỏa thuận cho phép các tàu dân sự vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine ngày 25/7 cho biết các máy bay phản lực có thể giúp bảo vệ một hành lang quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Video đang HOT
Một đề xuất đào tạo đã được thảo luận liên quan đến việc đưa các phi công Ukraine đến Mỹ để nhận huấn luyện bởi Không đoàn 162, một đơn vị Lực lượng Phòng không Quốc gia có căn cứ tại Tucson, Arizona. Đơn vị này đã huấn luyện nhiều đối tác nước ngoài về F-16.
Nhưng ý tưởng đó đã có rất ít lực kéo, theo hai quan chức Mỹ và một quan chức châu Âu yêu cầu giấu tên khi trao đổi về các kế hoạch chưa được hoàn thiện.
Một kế hoạch khác liên quan đến việc gửi các phi công quân sự Mỹ đến châu Âu để huấn luyện người Ukraine ở đâu đó bên ngoài quốc gia đang xung đột này.
Hai quan chức Mỹ cho biết hiện chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra. “Có sự hợp tác đang diễn ra. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác và đồng minh của mình để xác định cách thiết thực nhất để thực hiện kế hoạch này”, một quan chức cho hay.
Tuy vậy, “Liên minh F-16″ đã thực hiện những bước nhất định để bắt đầu đào tạo. Nhà thầu hàng không vũ trụ Draken International đã bắt đầu tuyển dụng các phi công quân sự nghỉ hưu để huấn luyện người Ukraine. Nỗ lực này sẽ diễn ra tại một cơ sở đang được xây dựng ở Romania và được hình dung là một trung tâm huấn luyện F-16 trong khu vực.
Các đối tác châu Âu hy vọng việc đào tạo có thể bắt đầu trong mùa hè này, rất có thể là tại một địa điểm ở châu Âu – người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết ngày 25/7. Trong thời gian chờ đợi, Anh có kế hoạch bắt đầu đào tạo ngôn ngữ và bay cơ bản cho các phi công Ukraine trong vòng vài tuần nữa.
Quan chức này nói: “Về bất kỳ việc chuyển giao máy bay hoặc bất kỳ mốc thời gian bổ sung nào, tôi không có gì cho bạn ngày hôm nay”.
Bất chấp các mốc thời gian đầy tham vọng khác nhau, việc huấn luyện máy bay F-16 không thể bắt đầu cho đến khi Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức phê duyệt việc chuyển giao các tài liệu huấn luyện liên quan, chẳng hạn như sách hướng dẫn và thiết bị mô phỏng chuyến bay. Việc phê duyệt đó hiện vẫn chưa diễn ra.
Gần đây khi được hỏi về việc trì hoãn, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan dường như đổ trách nhiệm cho người châu Âu, nói rằng các quốc gia này vẫn cần thêm vài tuần nữa để tạo lập cơ sở hạ tầng đào tạo cần thiết.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đan Mạch từ chối bình luận; người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hà Lan đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNN về vấn đề. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từ chối bình luận về đề xuất chuyển tài liệu.
Trên thực tế, các quan chức Mỹ nói rằng các máy bay phản lực F-16 sẽ không đến sớm nhất là vào mùa xuân.
Một quan chức khác của Mỹ cho biết: “Chúng tôi có thể sẽ cho một số phi công bay huấn luyện vào cuối năm nay, nhưng một chiếc F-16 thực sự mang màu sắc của Ukraine” không có khả năng sẵn sàng trước mùa xuân năm 2024.
Ngoại trưởng Nga nói nước này sẽ coi F-16 ở Ukraine là mối đe dọa hạt nhân
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moskva không thể phớt lờ khả năng hạt nhân của máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, có thể được các quốc gia phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Máy bay F-16 của Không quân Ba Lan tham gia cuộc tập trận của NATO. Ảnh: AFP
"Bằng cách tiếp tục cung cấp vũ khí tinh vi hơn cho Kiev, Mỹ và các đồng minh NATO đang tạo ra nguy cơ đối đầu vũ trang trực tiếp với Nga. Điều này có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc", đài RT (Nga) dẫn lời ông Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn với báo Lenta.ru hôm 12/7.
Ông Lavrov cho rằng kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev là một ví dụ khác về động thái leo thang của phương Tây và là một diễn biến vô cùng nguy hiểm. Theo ông, Nga đã thông báo cho các cường quốc hạt nhân - gồm Mỹ, Anh và Pháp - rằng Moskva không thể phớt lờ khả năng mang vũ khí hạt nhân của loại tiêm kích này.
Ông cho rằng không có đảm bảo nào của phương Tây sẽ giúp ích trong vấn đề này. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga nói thêm rằng trong bối cảnh giao tranh, Quân đội Nga cũng không thể điều tra xem có chiếc máy bay phản lực nào được trang bị vũ khí hạt nhân hay không.
"Thực tế, sự xuất hiện của các loại vũ khí này trong Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ được chúng tôi coi như mối đe dọa từ phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân", ông Lavrov tuyên bố.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva) hôm 12/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết phương Tây sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, có thể là từ các nước châu Âu có nguồn cung F-16 dư thừa.
Trước đó một ngày, Đan Mạch thông báo rằng một liên minh sẽ bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine vận hành loại máy bay do Mỹ sản xuất này vào tháng 8.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hồi đầu tuần này cũng cho biết những chiếc F-16 đầu tiên do người Ukraine vận hành có thể bay trên bầu trời vào cuối quý đầu tiên của năm 2024.
Kiev đã thúc giục các quốc gia phương Tây viện trợ F-16 thế hệ thứ 4 suốt nhiều tháng, vì cho rằng loại máy bay chiến đấu này đóng vai trò quan trọng trong việc yểm trợ trên không cho quân đội, bảo vệ không phận Ukraine trong bối cảnh chiến dịch tên lửa quy mô lớn của Nga nhắm vào các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng.
Mỹ và các đồng minh ban đầu đã loại trừ khả năng chuyển giao máy bay phản lực này cho Kiev, cho rằng F-16 không phải là loại vũ khí mà Ukraine cần, nhưng họ đã thay đổi quan điểm về vấn đề này sau một thời gian.
Xung đột Nga - Ukraine: Thách thức từ việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Kiev Mặc dù chiến đấu cơ F-16 có năng lực vượt trội trong không chiến nhưng về bản chất, có một số hạn chế trong việc chuyển giao F-16 cho Ukraine. Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Ảnh: RSS Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi chuyển giao máy bay chiến đấu cho...