Kiệt sức vì bị theo dõi dù làm việc từ xa
Nhiều công ty Trung Quốc yêu cầu nhân viên không được rời màn hình máy tính quá 30 phút, phải báo cáo tiến độ 4-5 lần/ngày, thậm chí giảm thời gian nghỉ ngơi khi làm việc từ xa.
Theo khảo sát của Zhaopin, khoảng 90% người trả lời mong muốn ứng tuyển vào các công ty cho phép nhân viên làm việc từ xa sau đại dịch.
Đa số cho rằng làm việc tại nhà giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, có thể chủ động sắp xếp lịch trình, thoải mái tinh thần hơn.
Tuy nhiên, nhiều lao động ở Trung Quốc lại chịu thêm áp lực kể từ khi thay đổi địa điểm làm việc từ văn phòng sang nhà riêng. Bài viết “Vì sao làm việc từ xa lại mệt mỏi hơn lên công ty?” trên trang Zhihu đã có hơn 940.000 lượt xem, với nhiều bình luận ủng hộ.
Nhiều người lao động ở Trung Quốc kiệt sức khi bị công ty giám sát gắt gao khi làm việc tại nhà.
“Thời gian làm việc kéo dài, bị công ty kiểm soát gắt gao, không có không gian cá nhân… khiến tôi ngày càng mệt mỏi khi làm việc tại nhà”, Amy (26 tuổi), nhân viên marketing, nói với QQ.
Amy kể rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô đã bắt đầu làm việc từ xa từ 3 ngày trước. Ban đầu, cô thở phào nhẹ nhõm vì nghĩ rằng có thể ngủ thêm ít phút, ăn mặc thoải mái và không cần trang điểm như khi đi làm nữa.
Nhưng thực tế, Amy vẫn phải dậy sớm, chỉnh đốn đầu tóc và trang phục chỉn chu để tham dự hàng loạt cuộc họp trong một ngày.
Video đang HOT
“Từ khi làm việc từ xa, tôi phải tham dự 4-5 cuộc họp video mỗi ngày, mỗi buổi lại mất 15-30 phút. Đáng nói, nội dung cuộc họp chỉ là báo cáo công việc vụn vặt mà chúng tôi đang làm, để cấp trên giám sát sự tập trung của nhân viên”, cô kể.
Sau vài ngày làm việc tại nhà, Amy cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức vì phải đối phó với hàng loạt buổi họp không cần thiết.
“Tôi thậm chí còn chẳng có thời gian ăn uống đúng bữa, năng suất cũng không có sự cải thiện vì phải tính giờ vào điểm danh. Giờ, tôi chỉ mong được đi làm lại”.
Hạ Nhĩ (32 tuổi), nhân viên văn phòng, cũng rơi vào tình huống như Amy. Nhìn nội quy làm việc tại nhà, cô cảm thấy áp lực hơn so với lúc phải lên văn phòng.
“Điều khiến tôi căng thẳng không phải là quy định về thời gian làm việc, mà là việc cấp trên sẽ giám sát chúng tôi từ sáng đến tối qua hệ thống camera. Đó có thể coi xâm phạm quyền tự do cá nhân”, Hạ Nhĩ nói.
Nhân viên ở công ty mà Hạ Nhĩ phải bật camera trong 9 tiếng làm việc, ngồi trước màn hình máy tính liên tục. Nếu không có mặt trong vòng 30 phút, họ sẽ lập tức bị trừ lương.
Việc các công ty giám sát nghiêm ngặt nhân viên từ xa gây áp lực lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ.
Ngoài ra, hệ thống giám sát còn tự ấn định thời gian nghỉ ngơi của người lao động.
“Chúng tôi như những người máy được lập trình. Chúng tôi phải làm việc từ 9h tới 18h, thời gian nghỉ trưa cũng được tính vào ca 9 tiếng. Song, nếu tôi ăn trưa 1 giờ, tôi sẽ phải làm đến 19h để bù thời gian. Nếu thời gian làm ít hơn quy định vì bất kỳ lý do chủ quan hay khách quan nào, chúng tôi sẽ bị trừ tiền”.
Từ lúc Thượng Hải (Trung Quốc) bắt đầu phong tỏa, công việc của nhân viên thiết kế Wei Wei (31 tuổi) chuyển từ “996″ (làm từ 9-21h, 6 ngày một tuần) sang “007″, luôn sẵn sàng xử lý sự vụ 24/7.
Trước đây, anh không thường xuyên phải tăng ca, nếu cần ở lại công ty làm thêm giờ thì sẽ nhận được phụ cấp.
Thế nhưng, kể từ khi thay đổi địa điểm làm việc, anh dần đánh mất khái niệm thời gian cho đời tư và công việc. Wei Wei phải túc trực điện thoại, sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh và báo cáo tiến độ cho cấp trên.
Anh thường làm việc tới 0h, tranh thủ ăn uống và nghỉ ngơi. Thậm chí, nhiều đồng nghiệp vẫn gửi báo cáo, trao đổi tiến độ, thậm chí mở cuộc họp sau nửa đêm.
“Tôi không biết nên tách biệt thời gian làm việc, nghỉ ngơi như thế nào khi phải cập nhật liên tục cho các bên. Tôi từng xem nhiều vlogger ghi lại cảnh làm việc từ xa và thấy nhịp sống đó bình thản, từ tốn biết bao. Có lẽ đời thực không như là mơ”, anh nói.
Một hãng công nghệ cho nhân viên làm việc từ xa vĩnh viễn
Nền tảng lưu trú Airbnb không yêu cầu nhân viên đến văn phòng làm việc, trừ một số vị trí nhất định.
CEO Airbnb Brian Chesky.
Ngày 28/4, Airbnb thông báo cho nhân viên về việc họ được phép làm việc từ xa vĩnh viễn và có thể chuyển đến bất cứ nơi nào mình muốn. Việc này không ảnh hưởng gì đến lương thưởng của họ, đồng nghĩa Airbnb không giảm lương nếu nhân viên chuyển đến một thành phố có mức sống thấp hơn.
Trong email dài gửi đến nhân viên, nhà sáng lập kiêm CEO Airbnb Brian Chesky đưa ra chính sách mới cùng những kỳ vọng của công ty. Ông lưu ý khả năng làm việc linh hoạt mãi mãi sẽ giúp Airbnb "tuyển và giữ chân những người giỏi nhất thế giới", thay vì chỉ là những người trong cộng đồng lân cận văn phòng. Airbnb hiện có 6.000 nhân viên với hơn 3.000 người tại Mỹ.
Chesky khuyên nhân viên thảo luận với các giám đốc trước khi chuyển địa điểm và sẽ không hỗ trợ những người có ý định ra nước ngoài trong năm nay. Một số nhỏ được yêu cầu làm tại văn phòng hoặc địa điểm cụ thể để có thể hoàn thành công việc chính.
Chính sách mới của Airbnb không quá bất ngờ vì công ty đã quảng bá môi trường làm việc từ xa trong những tháng gần đây. Xu hướng này xuất phát từ thời kỳ đầu dịch. Tháng 12/2020, Airbnb phát hành cổ phiếu ra công chúng. Một năm sau, công ty cho biết doanh thu năm 2021 tăng 25% so với năm 2019.
Vào tháng 1, Chesky chia sẻ bản thân "sống trên Airbnb", ở tại các ngôi nhà được đăng trên nền tảng của mình để có thể chuyển từ thành phố này sang thành phố khác mỗi vài tuần. Ông cho rằng xu hướng dịch chuyển lớn nhất năm 2022 sẽ là mọi người tản ra hàng ngàn thị trấn, thành phố khác nhau, ở lại vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí một mùa.
"Sẽ có nhiều người sống ở nước ngoài hơn, số khách du lịch cả mùa hè, một số từ bỏ việc thuê nhà và trở thành dân du mục kỹ thuật số". Ông gọi đây là "lối sống phi tập trung".
Bây giờ, Chesky đã giải phóng nhân viên để họ làm điều đó. Ông khuyến khích mọi người những người muốn tận hưởng thời gian lưu trú lâu dài tại các nước khác làm như vậy.
"Kể từ tháng 9, các bạn có thể sống và làm việc tại hơn 170 quốc gia trong tối đa 90 ngày/năm tại mỗi địa điểm. Mọi người vẫn cần một địa chỉ cố định để nộp thuế và nhận lương, song chúng tôi rất phấn khích khi mang đến mức độ linh hoạt như thế này. Hầu hết các công ty sẽ không làm thế vì một núi phức tạp liên quan đến thuế, lương và múi giờ, song tôi hi vọng chúng ta có thể đưa ra giải pháp nguồn mở để các doanh nghiệp khác làm theo".
Nhân viên sẽ tự chịu trách nhiệm xin visa công việc. Họ cũng sẽ gặp mặt trực tiếp nhiều hơn vào năm tới, khoảng một tuần mỗi quý. Chesky khẳng định "sự linh hoạt chỉ có tác dụng khi bạn tin tưởng người trong nhóm. Các bạn đã cho thấy có thể hoàn thành bao nhiêu công việc khi làm từ xa. Trong 2 năm qua, chúng ta đã vượt qua đại dịch, xây dựng lại công ty từ số không, lên sàn chứng khoán, nâng cấp toàn bộ dịch vụ và ghi nhận doanh thu kỷ lúc, tất cả đều diễn ra khi làm việc từ xa".
Nhà bán lẻ đua nhau mở trung tâm laptop tại Việt Nam Trong khoảng hơn một năm trở lại đây, các trung tâm laptop liên tục "mọc lên như nấm" tại Việt Nam. Đây là các cửa hàng chuyên biệt chỉ kinh doanh laptop và các loại phụ kiện máy tính. Khoảng 4-5 năm trước, thị trường laptop tại Việt Nam không có nhiều biến động. Nhu cầu của người dùng đối với mặt hàng...