Kiện Trung Quốc: Kịch bản nào cho Việt Nam?
Sử dụng công luận và công cụ pháp lý hiệu quả sẽ mở ra khả năng sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp, hoặc chí ít hạn chế các hành động gây hấn, các tuyên bố yêu sách vô lý không tuân thủ Công ước Luật Biển 1982.
Có hai loại lợi ích hay quyền lợi quốc gia của Việt Nam tại Biển Đông. Thứ nhất, chủ quyền đất đai trên nhiều đảo và đá tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ hai, lợi ích hay quyền đối với những vùng nước và đáy biển dưới mặt nước tại Biển Đông chiếu theo UNCLOS năm 1982, gồm có quyền chủ quyền và quyền tài phán trong Vùng Đặc quyền kinh tế và trong vùng Thềm lục địa.
Khó khăn ở đâu?
Riêng với tranh chấp về chủ quyền trên lãnh thổ ngoài biển, như tranh chấp chủ quyền một hòn đảo, thì không nằm trong phạm vi giải quyết tranh chấp của Công ước luật biển 1982. Chính vì Công ước không quy định giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, nên các bên phải đưa ra Toà án Công lý quốc tế (ICJ). Vì vậy trong tranh chấp về chủ quyền các đảo, quần đảo tại Biển Đông, việc chấp nhận thẩm quyền của ICJ đòi hỏi thiện chí của các bên tranh chấp.
Trong trường hợp tranh chấp về chủ quyền đảo, quần đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông, với khả năng lớn là Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền xét xử của ICJ, Việt Nam có thể xin ý kiến tư vấn của Tòa cho vấn đề này. Theo chương IV, điều 65, Quy chế ICJ, “Toà có thể cho ý kiến tư vấn về bất cứ vấn đề pháp lý nào của bất cứ ai có quyền xin, theo Hiến chương Liên hiệp quốc”. Vì vậy, trong tranh chấp chủ quyền về đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam có thể xin ý kiến tư vấn của toà ICJ thay vì đưa ra tài phán. Việc xin ý kiến cũng tạo ra ảnh hưởng chính trị và pháp lý nhằm đưa tới giải pháp cho hai bên tranh chấp, mặc dù giá trị ý kiến tư vấn không mang tính ràng buộc pháp lý.
Tàu Trung Quốc tại khu vực giàn khoan đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: Hoàng Sang
Tàu Trung Quốc tại khu vực giàn khoan đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: Hoàng Sang
Ngoài ra, vấn đề mấu chốt gắn kết tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển ở Biển Đông chính là Điều 121.3 về chế độ pháp lý của đảo. Trong vụ giàn khoan Hải Dương 981, đối với hiện trạng quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ, Trung Quốc cho rằng địa điểm lắp đặt giàn khoan nằm trong vùng nước của quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) đã thể hiện ý đồ của Trung Quốc trong việc tuyên bố các quy chế vùng biển của quần đảo Tây Sa như lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Video đang HOT
Điều này liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước (liệu các đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa rất nhỏ hiện nay có xứng đáng gọi là đảo hay là đá (theo quy định, đá không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi đảo thì có quy chế đầy đủ), hoặc giới hạn vùng đặc quyền kinh tế mà đảo có thể có so với dải đất liền lớn rộng của các nước khác bao bọc biển. Vì liên hệ đến giải thích và áp dụng Công ước, nên việc này cũng có thể đưa ra khởi kiện tại Toà án Luật Biển hoặc ICJ theo khuôn khổ Công ước luật biển, hoặc xin ý kiến tư vấn ICJ về vấn đề này.
Trong vụ kiện của Philippines, Philippines đã né tránh đề cập khởi kiện các vấn đề liên quan đến phán xét chủ quyền, các danh nghĩa lịch sử mà chỉ yêu cầu Tòa Trọng tài việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982, xem xét việc Trung Quốc xâm phạm việc xác lập và thực hiện các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Philippines trên các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo Công ước, đồng thời yêu cầu việc xem xét Trung Quốc tuyên bố đường chín đoạn là trái với quy định của Công ước.
Đối với Việt Nam, nếu việc sử dụng quyền khởi kiện theo Thủ tục Trọng tài phụ lục VII như Philippines, Việt Nam tương tự sẽ chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước 1982 liên quan đến việc xác lập và thực hiện các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Thủ tục Tòa trọng tài đề cập trên sẽ không giải quyết được vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Nhận biết các vấn đề nói trên để tìm giải pháp vận dụng cho Việt Nam. Và sau đây là một số nội dung mà Việt Nam có thể xem xét để yêu cầu các cơ quan tài phán có thể cho ý kiến tư vấn hoặc phán quyết:
1) Đối với quy chế pháp lý các đảo,các bên tranh chấp có thể đề nghị đưa ra Ý kiến tư vấn của ICJ về quy chế pháp lý các đảo trong quần đảo Hoàng Sa, theo đó các đảo này không đủ tiêu chí để có tạo nên vùng nước quần đảo, hoặc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Đây là cơ sở để khẳng định vị trí mà giàn khoan Hải Dương 981 đang khai thác không nằm trong “vùng nước quần đảo” hay vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo. Việc xin ý kiến tư vấn này có thể do Việt Nam và cùng huy động các bên tranh chấp khác cùng kiến nghị lên Tòa ICJ.
Ngoài ra các bên có thể thưa kiện nội dung này lên Tòa án quốc tế về luật biển ITLOS. Một yêu cầu xuất phát từ Việt Nam, được sự ủng hộ của Philippines/Malaysia/hoặc Brunei/hoặc tất cả các nước có tranh chấp cho ITLOS, yêu cầu Tòa giải thích Điều 121.3 và khả năng áp dụng ở Biển Đông. Liệu lúc đó Trung Quốc sẽ đứng ngoài cuộc hay sẽ phải tham gia quá trình trên cơ sở Điều 31 Quy chế của ITLOS: Trong một vụ tranh chấp, khi một quốc gia thành viên cho rằng một quyền lợi có tính chất pháp lý của mình bị đụng chạm, thì có thể gửi lên cho Toà án một đơn thỉnh cầu để yêu cầu xin tham gia. Nếu Toà án chấp nhận đơn thỉnh cầu, thì quyết định liên quan đến vụ tranh chấp có tính chất bắt buộc đối với quốc gia xin tham gia trong phạm vi mà quyết định này có quan hệ đến các điểm là nội dung của việc tham gia.
2) Đối với vụ giàn khoan Hải Dương 981, Việt Nam có thể thưa kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài (Phụ lục VII Công ước Luật biển 1982) để ra phán quyết về vụ giàn khoan Hải Dương 981 liên quan đến các vấn đề sau:
Tuyên bố việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng tàu hộ tống vào khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Điều 56 và Điều 77 Công ước Luật biển.
Tuyên bố việc Trung Quốc dùng các tàu ngăn cản các tàu chấp pháp của Việt Nam thực hiện quyền kiểm tra, khám xét giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành vi vi phạm quyền tài phán của Việt Nam theo Điều 56 Công ước Luật biển.
Tuyên bố việc Trung Quốc thiết lập vùng an toàn 3 hải lý và cấm các loại tàu bè đi vào vùng biển có bán kính 3 hải lý xung quanh giàn khoan Hải Dương 981, và va đâm các tàu chấp pháp Việt Nam, dùng vòi rồng tấn công… là vi phạm quyền tự do hàng hải, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực của Việt Nam, các nước trên thế giới. Những hành động này trái với Điều 60 Công ước Luật biển – theo đó vùng an toàn tối đa cho một thiết bị và công trình trên biển chỉ là 500 m, và điều 58 – quyền dành cho tất cả các quốc gia, tất cả các tàu thuyền, phương tiện bay.
Tuyên bố việc Trung Quốc thiết lập vùng nước quần đảo hoặc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không phù hợp với Điều 47, 48, 49 và 121 Công ước Luật biển.
Việc đấu tranh bằng con đường ngoại giao pháp lý là nỗ lực bền bỉ mà các nước nhỏ như Việt Nam cần theo đuổi trong giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, hay tranh chấp trên các vùng biển. Đứng trước pháp luật, công lý, các quốc gia dù lớn hay nhỏ cũng đều có vị thế bình đẳng.
Cũng có khả năng, cuộc đấu tranh ngày càng công khai, sử dụng công luận và công cụ pháp lý hiệu quả sẽ mở ra khả năng sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp, hoặc chí ít hạn chế các hành động gây hấn, các tuyên bố yêu sách vô lý không tuân thủ Công ước Luật Biển 1982. Vì vậy, Việt Nam cần vận dụng linh hoạt tất cả các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, đặc biệt tận dụng thế mạnh pháp lý, và công luận để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng tại Biển Đông.
Bạch Thị Nhã Nam
(Giảng viên Khoa Luật, Đại học Kinh Tế – Luật, ĐHQGTPHCM)
Theo_VietNamNet
Kịch bản xấu khi Trung Quốc xây đường băng ở Gạc Ma
"TQ sẽ lăp lại hành động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa VN, từ Hoàng Sa chuyển sang quần đảo Trường Sa", thạc sĩ luật Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông cho biết.
Truyền thông Trung Quốc mới đây đưa tin nước này đã đang xây dựng đường băng trên đảo Gạc Ma và dự tính xây đảo nhân tạo gần đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm cạnh tranh với Việt Nam và Philippines trong những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Hành động này diễn ra trong lúc Trung Quốc đang đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vậy, thực chất Trung Quốc xây dựng đường băng và đảo nhân tạo ở đảo Gạc Ma là có mục đích gì?
Hình ảnh cụm Sinh Tồn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ trên không, trong đó bãi Gạc Ma nằm ở điểm cuối phía nam. Ảnh: NASA.
Trao đổi với phóng viên , thạc sĩ luật Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu lâu năm về biển Đông nhận định: "Theo tôi, Trung Quốc làm vậy để củng cố vị thế của họ trên đảo. Cái quan trọng là hành động đó của Trung Quốc dẫn đến phá vỡ duy trì nguyên trạng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Không chỉ phá vỡ nguyên trạng, việc xây đường băng ở bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa và xây đảo nhân tạo gần đó còn dẫn đến các kịch bản xấu. Kịch bản thứ nhất là tất cả các quốc gia trong tranh chấp sẽ cũng làm tương tự như Trung Quốc. Kịch bản thứ hai là có thể Trung Quốc sẽ lập lại hành động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ gần quần đảo Hoàng Sa chuyển sang khu vực quần đảo Trường Sa. Nếu việc này xảy ra, sự đụng độ trên quần đảo Trường Sa sẽ rất căng thẳng, điều đó dẫn đến đe dọa lớn cho hòa bình an ninh khu vực cũng như của toàn bộ châu Á.
Nếu Trung Quốc xây đường băng, xây một đảo nhân tạo lớn thì có nguy cơ họ sẽ xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma. Nếu Trung Quốc có căn cứ quân sự, cộng với sự tham lam vô độ vốn có của họ, thì chắc chắn việc này sẽ gây ra nhiều vấn đề tiềm ẩn, trong đó có cuộc chạy đua vũ trang, gây căng thẳng leo thang trong khu vực quần đảo Trường Sa".
Theo thạc sĩ luật Hoàng Việt, nếu Trung Quốc thực sự xây dựng một căn cứ quân sự tại đây, thì điều này có nghĩa là Trung Quốc đang thực hiện việc chinh phục chuỗi đảo thứ nhất để vươn ra Thái Bình Dương.
"Tôi nghĩ về lâu về dài họ sẽ làm vì mục tiêu của họ là chiếm được vùng biển Đông, tức kế hoạch nước sâu của họ đưa ra từ năm 1982, thời ông Lưu Hoa Thanh. Theo kế hoạch này, họ phải vươn từ chuỗi đảo thứ nhất rồi sang chuỗi đảo thứ hai và từ chuỗi đảo thứ hai và họ vươn ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đe dọa vị trí của Mỹ", ông Hoàng Việt nói.
Hình ảnh tàu Trung Quốc hút cát để biến bãi ngầm đá Gạc Ma thành đảo nổi rộng đến 30 hécta.
Theo kế hoạch trên, chuỗi đảo thứ nhất mà Trung Quốc muốn vượt qua kéo dài từ Hàn Quốc đến Philippines tức là bao gồm khu vực biển Đông. Chuỗi đảo thứ hai kéo dài từ đảo Honshu của Nhật, đi qua quần đảo Ogasawara, quần đảo Mariana, và quần đảo Palau. Trong hệ thống "mắt xích Thái Bình Dương" do chuỗi đảo hợp thành, Nhật Bản và Hàn Quốc là trung tâm của mắt xích. Đây cũng là những đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Đô đốc Lưu Hoa Thanh của Trung Quốc từ năm 1982 đã đề xuất Trung Quốc cần kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai vào năm 2010 và 2020. Hải quân của Trung Quốc cần sẵn sàng đón nhận những thách thức của quân đội Mỹ tại Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ dương vào năm 2040 và biển Hoa Đông sẽ trở thành sân sau của hải quân quân đội nhân dân Trung Quốc trong thời gian không xa.
Trước đó, trong cuộc họp báo về tình hình Biển Đông do Hội Luật gia tổ chức tại Hà Nội, trao đổi bên lề cuộc họp báo, khi được hỏi về thông tin Trung Quốc xây dựng đường băng ở đảo Gạc Ma, luật sư Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho hay, việc này rất nguy hiểm vì căn cứ ở Gạc Ma rất quan trọng. Nếu Trung Quốc đã đang xây dựng đường băng trên bãi Gạc Ma thì việc này nằm trong một chiến lược lâu dài thực hiện giấc mộng Trung Hoa của họ, trở thành một cường quốc biển trong tương lai. Đây là đường đi ra của Trung Quốc từ căn cứ Hải Nam xuống Hoàng Sa, rồi xuống sâu dưới Trường Sa. Trung Quốc đã tính một lối ra để thực hiện giấc mộng Trung Hoa - cường quốc biển, cường quốc đại dương.
Theo Kiến thức
Tình hình Biển Đông: Việt kiều viết huyết thư phản đối Trung Quốc Trước tình hình Biển Đông vẫn diễn ra căng thẳng, Việt kiều tại Hong Kong đã viết một bức huyết thư yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Thông tin từ TTXVN cho biết, chiều 1/6, hơn 300 người Việt đang làm ăn và sinh sống tại Hong Kong đã tiếp tục xuống đường biểu...