Kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia
Sáng 23-1, theo chương trình làm việc, các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục thảo luận về văn kiện. Những vấn đề quan trọng như công tác đối ngoại gắn với bảo vệ chủ quyền; phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao đời sống người nông dân; đảm bảo an sinh xã hội đã được các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế tồn tại và kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
*Thông qua phương án bầu 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII
Các đại biểu trao đổi bên lề phiên thảo luận về văn kiện tại Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ XII sáng 23-1
Quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam
Phát biểu tham luận tại Đại hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, Việt Nam đã sử dụng triệt để các biện pháp chính trị – ngoại giao, thông qua song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, kiên trì và kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam đã tranh thủ được công luận quốc tế lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh công tác đối ngoại phải dựa trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước, thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Video đang HOT
Nâng cao đời sống người nông dân
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nêu lên những thực trạng đáng buồn về đời sống người nông dân Việt Nam hiện nay, khi thu nhập ngày càng giảm; lao động trẻ muốn thoát ly nông thôn, nguồn gốc nông dân; khoa học kỹ thuật còn cách xa ruộng, vườn… Đồng chí Nguyễn Quốc cường cũng cảnh báo hiện trạng người nông dân đang mất dần năng lực sáng tạo văn hóa, bị cuốn theo lợi ích vật chất.
Nhiều người sống thực dụng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, “sống chết mặc bay”, đua theo lợi ích trước mắt mà buông lỏng vệ sinh an toàn thực phẩm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Từ thực trạng đó, Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị cần tiếp tục cụ thể hóa chương trình, nội dung trung hạn, dài hạn xây dựng giai cấp nông dân gắn liền với phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phải nâng mức thu nhập của nông dân lên gấp 2,5 lần so với năm 2008 và tăng dần vào những năm tiếp theo.
Để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát kiến nghị tập trung phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo 3 trụ cột: Thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao và hiệu quả; xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cũng cần chú trọng khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân… nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả của ngành.
Giải quyết những bức xúc, đảm bảo an sinh xã hội
Phát biểu tham luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: Phát triển tốt kinh tế sẽ có điều kiện tốt hơn để bảo đảm an sinh xã hội và làm tốt an sinh xã hội là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế. Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, cần tiếp tục cải cách thể chể kinh tế, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm có nhiều việc làm hơn cho người lao động; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong việc chủ động vươn lên xóa đói giảm nghèo; tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung theo hướng tinh gọn, tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý.
Thẳng thắn đề cập đến thực trạng một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu…, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, tăng cường đầu tư cho công tác giáo dục thế hệ trẻ; quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa, nơi vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi. Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội; tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, cũng như quan tâm đặc biệt tới tài năng trẻ; bồi dưỡng, đào tạo các tài năng trẻ trở thành chuyên gia trên các lĩnh vực, là đầu tàu dẫn dắt các phong trào và hoạt động thanh niên…
Thông qua phương án bầu 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII
Chiều 23-1, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là 200 đồng chí, gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.Trước đó, Đại hội đã nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Theo phương án đã được Ban Chấp hành Trung ương thông qua để trình Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII dự kiến có 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết (tăng 5 Ủy viên chính thức và giảm 5 Ủy viên dự khuyết so với khóa XI). Sau phiên họp toàn thể, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại đoàn về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Ngày mai 24-1, Đại hội làm việc tại đoàn cả ngày để thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban chấp hành Trung ương khóa XII và danh sách giới thiệu ứng cử, đề cử Ban chấp hành Trung ương khóa XII do Ban chấp hành Trung ương khóa XI chuẩn bị. Các đại biểu ghi phiếu ứng cử, đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Theo_An ninh thủ đô
Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng: Hơn 44% đại biểu là tiến sĩ, thạc sĩ
Đại biểu cao tuổi nhất là 68 tuổi và đại biểu ít tuổi nhất là 28 tuổi, ngoài ra có 21 đại biểu có trình độ là tiến sĩ.
Sáng 9-10, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức họp báo về Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015-2020 dưới sự chủ trì của ông Võ Công Trí (Phó Bí thư Thường trực Thành ủy).
Ông Nguyễn Thanh Quang (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng) cho biết đại hội lần này sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 17-10 với chủ đề "Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đồng thuận, huy động mọi nguồn lực để phát triển TP Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh và hiện đại".
Ban Chấp hành Đảng bộ TP triệu tập 350 đại biểu về dự Đại hội lần thứ XXI. Trong đó, đại biểu nữ là 16,29%; đại biểu trẻ dưới 40 tuổi đạt 14,57%; đại biểu cao tuổi nhất là 68 tuổi và đại biểu ít tuổi nhất là 28 tuổi. Về trình độ, có 21 đại biểu có trình độ là tiến sĩ (chiếm 6%), 135 đại biểu là thạc sĩ chiếm 38,57%.
Ông Võ Công Trí (Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng) chủ trì họp báo. Ảnh: LÊ PHI
Cũng theo ông Quang, đến tháng 7-2015, Tiểu ban văn kiện đã nhận được nhiều văn bản góp ý của các địa phương, đơn vị và tiếp thu có chọn lọc để chỉnh sửa, nâng cao chất lượng dự thảo Báo cáo chính trị. Đầu tháng 9-2015, Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XX trình Đại hội Đại biểu lần thứ XXI và đã được đăng phát công khai nhằm lấy ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân.
Ông Nguyễn Thanh Quang (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng) cho hay, năm năm qua. Đảng bộ và Nhân dân TP đã nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng. TP luôn giữ được ổn định, nội bộ đoàn kết, nhân dân đồng thuận. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chất lượng tăng trưởng một số mặt được cải thiện, môi trường đầu tư thông thoáng...
Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết Đại hội XX vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Kinh tế tăng trưởng khá nhưng chưa thật bền vững. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh và hiệu quả trên một số lĩnh vực còn thấp. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện năm đột phá về kinh tế-xã hội còn chậm, triển khai giải pháp và đầu tư nguồn lực chưa đủ mạnh nên kết quả còn hạn chế, còn bốn chỉ tiêu do Đại hội XX đề ra chưa đạt. Ngoài ra, năng lực, quy mô sản xuất công nghiệp chưa có bứt phá mạnh mẽ. Lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác và phát huy có hiệu quả... Quá trình thực thi vận dụng một số chủ trương, chính sách về lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai có mặt còn khuyết điểm.
Bên cạnh đó, việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đạt được kết quả như mong muốn. Công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo được tính kế thừa, đôi lúc còn hụt hẫng khi có thay đổi về nhân sự. Tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn thấp.
Lê Phi
Theo_PLO
Tổng Bí thư: Báo chí cần góp phần tạo ra sức mạnh toàn dân tộc Phát biểu tại Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh...