Kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu ô tô nếu tài xế “nặng” hơi men
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số biện pháp xử lý vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có biện pháp tịch thu xe máy và tịch thu ô tô.
Mở đầu văn bản kiến nghị dài 3 trang gửi Chính phủ, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia – nêu lên tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) lần đầu tiên sau nhiều năm đã giảm xuống dưới 9.000 người.
Đây được xem là sự chuyển biến tích cực, nhưng diễn biến TNGT còn phức tạp, bằng chứng là trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua số người tử vong vì TNGT đã tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh đến tình trạng người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông.
Xe máy đi trên cao tốc sẽ bị tịch thu? (ảnh: Việt Hưng)
Để khắc phục những bất cập và tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ xem xét giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171 /2013/NĐ-CP nhằm tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như cản trở người thi hành công vụ.
Riêng với hành vi điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, xe thô sở tham gia giao thông trên đường cao tốc, Bộ trưởng Đinh La Thăng kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện biện pháp tịch thu phương tiện.
Như vậy, nếu được Chính phủ chấp thuận thì đề xuất tịch thu phương tiện đi vào cao tốc (đường chỉ dành cho ô tô) sẽ là giải pháp mạnh tay nhất từ trước tới nay đối với hành vi vi phạm này, dù rằng đề xuất này đang có nhiều ý kiến ủng hộ và yêu cầu cân nhắc kỹ, trong đó có cả ý kiến về việc sẽ vi phạm quyền sở hữu phương tiện của người tham gia giao thông.
Video đang HOT
Với xe chở hàng vượt tải trọng trên 150% thì kiến nghị phạt người điều khiển phương tiện 25 triệu đồng/lần vi phạm và áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe trong 1 năm và phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe; đối với chủ phương tiện vi phạm là cá nhân sẽ bị phạt 40 triệu đồng/lần vi phạm và 80 triệu đồng/lần vi phạm đối với chủ phương tiện là tổ chức (sẽ bị tịch thu phương tiện nếu không nộp tiền phạt).
Kiến nghị xử phạt cũng áp dụng đối với hành vi người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô sẽ bị phạt tiền từ 8-15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 6 tháng nếu điều khiển phương tiên trên đường mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn đến 50mg/100ml máu hoặc đến 0,25 mg/1ml khí thở.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn của các tài xế tại TPHCM. (Ảnh: Trung Kiên)
Cùng hành vi này, sẽ phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng và tước giấy phép 1 năm nếu điều khiển phương tiên trên đường mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn đến 50 – 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 – 0,4mg/1ml khí thở, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe.
Sẽ tịch thu phương tiện và tước giấy phép 2 năm nếu nếu điều khiển phương tiên trên đường mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1ml khí thở. Người vi phạm phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe. Hình thức xử phạt này cũng áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển mô tô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô, xe gắn máy.
Người điều khiển mô tô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô, xe gắn máy trên đường nếu vi phạm nồng độ cồn đến 50 – 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 – 0,4mg/1ml khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 4-5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 năm, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ Tư pháp "tuýt còi" thông tư do Bộ Xây dựng ban hành
Thông tư do Bộ Xây dựng ban hành có quy định mở rộng hơn việc xử lý vi phạm hành chính so với quy định của Chính phủ, gây nhầm lẫn giữa quy định về "vi phạm hành chính nhiều lần" và "tái phạm", ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng để thông báo chính thức về việc "tuýt còi" quy định không phù hợp trong Thông tư số 02/2014/TT-BXD quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; phát triển nhà và công sở.
Theo Cục Kiểm tra văn bản, việc xem xét tính pháp lý của Thông tư 02 được cơ quan này thực hiện sau khi nhận được phản ánh của ông Nguyễn Tri Hùng, cư trú tại số 10/10A Khu phố 3, ấp Bình Khánh 1, phường Bình Khánh, quận 2, TPHCM.
Để có cơ sở, Cục Kiểm tra văn bản đã tổ chức họp với đại diện các đơn vị có liên quan của Bộ Xây dựng (Vụ pháp chế, Thanh tra Bộ) và đại diện Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp).
Tại đó, khoản 1 Điều 7 Thông tư 02 quy định: "Sau khi người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 121/2013 mà tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì lập biên bản vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân đó về hành vi quy định tại Khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP".
Trong khi đó Khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013 quy định "Đối với hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 Điều này, sau khi có biên bản vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có)".
"Như vậy, chỉ đối với các tổ chức, cá nhân đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn tái phạm hành vi vi phạm hành chính đã bị lập biên bản thì bị xử phạt theo quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013"- Cục Kiểm tra văn bản nhận định.
Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính thì tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý. Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý (khoản 6 Điều 2).
Như vậy, trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm như được quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02 có thể được hiểu là một trong các trường hợp: Tổ chức cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần; Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi tái phạm vi phạm hành chính đã thực hiện; tất cả các hành vi "vi phạm hành chính nhiều lần" và "tái phạm" đều có thể bị coi là "tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm" và bị xử phạt theo quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP chỉ áp dụng với trường hợp thực hiện hành vi " tái phạm" (?!).
Từ phân tích đó, Cục Kiểm tra văn bản khẳng định quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02 là mở rộng hơn việc xử lý vi phạm hành chính so với quy định của Chính phủ tại Nghị định số 121/2013, gây nhầm lẫn giữa quy định về " vi phạm hành chính nhiều lần" và " tái phạm", dẫn đến cơ quan, người có thẩm quyền có thể áp dụng điều này để xử lý đối với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần (không phải là hành vi tái phạm), gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
"Để đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trân trọng đề nghị quý Bộ tổ chức tự kiểm tra, xử lý nội dung chưa phù hợp với pháp luật của Thông tư số 02 theo thẩm quyền và thông báo kết quả xử lý cho Cục Kiểm tra văn bản theo quy định của pháp luật (30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo này)"- văn bản của Cục Kiểm tra văn bản nêu rõ.
Thế Kha
Theo Dantri
Cấp phép cho Formosa 70 năm: Thủ tướng đồng ý không xét lại Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, cơ quan này đã tham mưu để Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thủ tướng thống nhất với kết luận về sai phạm trong việc cấp phép tới 70 năm cho dự án Formosa nhưng đồng ý bảo lưu thời hạn đã cấp phép này. Bộ trưởng...