Kiến nghị Bộ VHTTDL hướng dẫn cụ thể về các điều kiện nhận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng
Trước nhiều ý kiến thắc mắc của hướng dẫn viên (HDV) về thủ tục làm hồ sơ nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, một số sở Du lịch địa phương có đông HDV đã gửi công văn đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị có hướng dẫn chi tiết.
Hướng dẫn viên dẫn đoàn leo núi.
Theo Quyết định 23, các HDV muốn nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng cần có đủ các điều kiện sau: Có thẻ HDV còn hạn sử dụng; Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên các Hiệp hội về hướng dẫn du lịch; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với HDV du lịch tại điểm.
Quy định là vậy nhưng thực tế đang gây rất nhiều lúng túng cho địa phương khi triển khai thực hiện. Thành phố Hồ Chí Minh có gần 1/4 số HDV trên cả nước, là đơn vị đầu tiên đã gửi công văn đề nghị Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch có hướng dẫn cụ thể hơn.
Theo thống kê, tổng số hướng dẫn viên du lịch do Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cấp thẻ có 6.103 người, trong đó hướng dẫn viên nội địa gồm 2.399 người và hướng dẫn viên quốc tế là 3.704 người. Theo đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, vướng nhất trong các điều kiện để nhận hỗ trợ là xác định thế nào là hợp đồng lao động bởi đa số là HDV tự do nên hợp đồng thường dưới 1 tháng và không đủ điều kiện để đóng BHXH.
Bên cạnh đó, theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thống kê sơ bộ từ UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn chỉ còn khoảng 50% lượng doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động. Trong đó, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp chuyên thị trường quốc tế đã tạm ngưng hoạt động. Từ 1/1/2020 đến 31/5/2021 có tổng cộng 171 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành rút giấy phép hoạt động. Điều này sẽ khiến các HDV khó nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp lữ hành trong việc truy xuất lại hợp đồng lao động đã ký kết.
Tương tự như thành phố Hồ Chí Minh, HDV tại Hà Nội cũng trong tình trạng chờ hướng dẫn. Anh Hoàng Văn Hào, một HDV cho biết đã đến Sở Du lịch Hà Nội để hỏi hồ sơ làm thủ tục nhận gói hỗ trợ nhưng được thông báo đợi hướng dẫn cụ thể hơn từ phía Bộ VHTTDL.
Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cũng xác nhận có công văn gửi Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch hướng dẫn cụ thể hơn xác định về những vướng mắc về phân loại hợp đồng với hướng dẫn viên.
Video đang HOT
Trong công văn của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh kiến nghị cụ thể HDV du lịch được hỗ trợ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch; Đối với hợp đồng lao động, đề nghị Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch xem xét, chấp nhận các hình thức hợp đồng sau: Hợp đồng lao động, hợp đồng theo tour, hợp đồng kinh tế, hợp đồng hướng dẫn du lịch, hợp đồng thuê cộng tác viên, hợp đồng lao động thời vụ, hợp đồng thuê cộng tác viên hướng dẫn, hợp đồng vụ việc… có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương liên quan đến hoạt động hướng dẫn du lịch và có sự quản lý, điều hành, giám sát của doanh nghiệp (phải là doanh nghiệp kinh doanh lữ hành được cấp phép đúng theo quy định của pháp luật).
Theo thống kê của Bộ VHTTDL, hiện có khoảng 27.000 HDV được cấp thẻ. Trong số này có 90% là HDV tự do. Điều này đồng nghĩa chỉ có khoảng 10% HDV cơ hữu, tức là HDV có hợp đồng lao động dài hạn có đóng BHXH, tương đương 2.700 HDV đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Còn theo ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Việt Nam, tổng số HDV có thẻ hội viên Hội HDV Việt Nam hoặc do chi hội địa phương thuộc Hội HDV Việt Nam cấp là 7.000.
Như vậy sẽ có khoảng 9.700 người đủ các điều kiện theo Quyết định 23 để nhận hỗ trợ 1 lần 3,71 triệu đồng từ gói 26.000 tỷ đồng. Chỉ còn 17.300 HDV tự do không làm cố định tại doanh nghiệp lữ hành nào và cũng không vào hiệp hội sẽ phải đợi quyết định hướng dẫn từ phía Bộ VHTTDL có cho phép hợp đồng theo tour (hợp đồng dưới 1 tháng không đóng BHXH) có được lĩnh tiền hỗ trợ hay không?
Ông Bùi Văn Dũng cho biết: Từ quan điểm của Hội cho rằng hợp đồng theo tour nếu có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì hợp đồng đó vẫn được coi là hợp đồng lao động theo điều chỉnh của Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 2021.
Còn về điều kiện tham gia Hội HDV, ông Dũng cho biết: HDV chỉ cần điền thông tin theo mẫu, bản sao thẻ HDV do Tổng cục Du lịch cấp và nộp cho các chi hội HDV địa phương hoặc Hội HDV Việt Nam. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được kết nạp và cấp thẻ.
Trước đó, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế ( Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Lao động 2019 cho biết: Không thể nhìn vào mỗi tên gọi là hợp đồng theo tour, hợp đồng hướng dẫn, hợp đồng hợp tác… để gọi đó là hợp đồng lao động. Muốn khẳng định hợp đồng lao động phải nhìn vào nội dung có đầy đủ các yếu tố của hợp đồng lao động.
Trong công văn Bộ VHTTDL gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa lực lượng HDV vào nhóm đối tượng hưởng hỗ trợ trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68, Bộ VHTTDL cũng đã khẳng định hướng dẫn viên du lịch là lực lượng quan trọng đối với kinh doanh lữ hành, đóng góp to lớn vào sự thành công của ngành công nghiệp không khói của cả nước và cũng là lực lượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cần được quan tâm hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay.
Do đó, từ phía Bộ VHTTDL mà cụ thể là Tổng cục Du lịch sớm có hướng dẫn cụ thể các điều kiện nhận được hỗ trợ để HDV có thể sớm nhận được hỗ trợ phù hợp với tình hình hiện nay.
Hỗ trợ hướng dẫn viên gặp khó khăn do dịch COVID-19
Trong Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, lần đầu tiên, hướng dẫn viên được nhắc đến là đối tượng được hỗ trợ do gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.
Hỗ trợ 1 lần
Ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Việt Nam cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong suốt thời gian qua đã tác động lớn đến du lịch. Gần như lĩnh vực du lịch đón khách quốc tế (inbound) và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound) tê liệt. Hướng dẫn viên (HDV) hai mảng này gần như thất nghiệp, một số ít chuyển sang mảng du lịch nội địa nhưng gần nhưng cũng trong tình trạng phập phù.
Hướng dẫn viên giới thiệu điểm du lịch Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: TTXVN.
Từ khi đợt dịch bùng phát trong cộng đồng lần thứ 4 vào cuối tháng 4 năm nay, gần như các hoạt động du lịch rơi vào trạng thái ngủ đông. HDV mảng nội địa cũng lâm vào trạng thái thất nghiệp và nhiều người chuyển sang nghề khác mưu sinh.
Do đó, trong Nghị quyết 68, tại mục 9, khoản II quy định hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với HDV du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021. "Đây là chính sách hỗ trợ kịp thời dành cho nhóm đối tượng HDV gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua", ông Bùi Văn Dũng cho biết.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), tổng số lượng HDV du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện nay là 26.721 người. Trong đó 16.965 HDV du lịch quốc tế, 8.743 HDV du lịch nội địa và 1.013 HDV du lịch tại điểm.
Theo Bộ VHTTDL, đội ngũ HDV này có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch, mang lại lợi ích cho nền kinh tế của đất nước suốt thời gian qua. Vì vậy, khi lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị quyết này, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội đề nghị bổ sung vào mục II dự thảo Nghị quyết đối tượng và nội dung hỗ trợ là HDV.
Theo Bộ VHTTDL, HDV đã bị mất việc làm do hoạt động du lịch bị đình trệ từ khi bùng phát dịch bệnh đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt là từ tháng 5/2021 đến nay. Các chính sách hỗ trợ người lao động đã được ban hành năm 2020 chưa chỉ rõ đối tượng HDV du lịch nên họ chưa được hưởng bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Chính phủ.
Khắc phục những bất cập hỗ trợ trước đây
Ông Bùi Văn Dũng cho biết: Năm 2020, với gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, đối tượng là HDV gần như được hỗ trợ rất ít. Theo khảo sát của Hội thì chỉ có khoảng 10 người được hưởng. Lý do là trong văn bản hướng dẫn chỉ ghi chung chung là người làm tại cơ sở du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên tùy từng địa phương sẽ có cách hiểu và áp dụng khác nhau. Cho nên nhiều HDV khi làm thủ tục theo hướng dẫn gửi chính quyền địa phương đều bị gạt ra.
Anh Nguyễn Hưng Nguyễn, HDV tại Nghệ An cho biết: "Năm 2020, tôi có làm đơn hưởng trợ cấp theo hướng dẫn từ thông tin trên truyền thông. Tuy nhiên, khi mang hồ sơ đến chính quyền nơi tôi cư trú là xã Nghi Phú (Thành phố Vinh, Nghệ An) thì cán bộ chính sách tại đây cho biết trong danh mục hỗ trợ không có ngành nghề HDV nên muốn được hỗ trợ phải lên Phòng LĐTBXH của thành phố".
"Do thấy thủ tục khá phức tạp nên tôi từ bỏ ý định xin hỗ trợ dù gặp khó khăn. Trước khi có dịch bệnh, bình quân mỗi tháng thu nhập của tôi khoảng 7-8 triệu đồng. Khi dịch bùng phát từ đầu năm 2020 thì công việc phập phù. Còn từ tháng 5/2021 đến nay, tôi và nhiều đồng nghiệp thất nghiệp và chuyển công việc khác", anh Nguyễn chia sẻ.
Đây cũng là tình trạng chung của các HDV hiện nay và mong muốn có sự tiêu chí cụ thể, rõ ràng từ phía cơ quan chức năng để không phải làm hồ sơ thủ tục như năm 2020.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: Hiện Bộ VHTTDL cũng đang chờ hướng dẫn từ phía Bộ LĐTBXH. Tuy nhiên, để tránh bị trùng lắp thì việc chi trả hỗ trợ sẽ thực hiện tại địa phương. Phía Vụ cũng đang rà soát danh sách HDV còn có thẻ hướng dẫn còn còn hiệu lực để cung cấp cho địa phương.
Còn đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, sau khi có Nghị quyết 68/NQ-CP, hiện Bộ đang lấy ý kiến các bộ ngành hữu quan để hoàn thiện Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó sẽ có hướng dẫn cụ thể tiêu chí, thủ tục đối tượng được hưởng để các đơn vị, địa phương thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Tạm dừng tổ chức Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh để phòng dịch COVID-19 Ngày 6/5, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành trên cả nước; Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành, Trung tâm xúc tiến Du lịch các tỉnh, thành và các cơ quan, đơn vị... về việc tạm hoãn tổ chức Ngày hội Du...