Kiến nghị bỏ phạt xe máy không chính chủ
Ngày 15/4, lực lượng CSGT bắt đầu tiến hành xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ, hoặc sang tên muộn so với quy định tại Thông tư 11/2013/TT-BCA.
Trước những quy định này, ngày 22/3/2013, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có công văn gửi tới Bộ CA; Bộ GTVT; Tổng cục CSGT ĐB-ĐS; Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị chỉ nên xử phạt xe ô tô “không chính chủ”.
Bởi theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đối với xe ô tô, do nhiều chủ xe góp vốn bằng phương tiện vào doanh nghiệp, sau đó họ tự ý bỏ đơn vị và tự bán xe trao tay cho người khác, không làm thủ tục sang tên đổi chủ; có trường hợp đã làm thủ tục mua bán đầy đủ nhưng không ra CQCA làm thủ tục sang tên. Các doanh nghiệp chỉ biết được thông tin khi xảy ra tai nạn và có thông báo của các cơ quan chức năng, cũng khi xảy ra tai nạn CQCA mới biết xe không chính chủ. Chính vì vậy mà nhiều doanh nghiệp nhất trí khi có chủ trương phạt các đối tượng mua xe ô tô không làm thủ tục sang tên đổi chủ để giải phóng gánh nặng cho các doanh nghiệp về trách nhiệm dân sự.
Ông Bùi Danh Liên- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị không xử phạt đối với xe máy
Video đang HOT
Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đưa ra một số giải pháp xử phạt đối với lỗi ô tô không sang tên đổi chủ như: Khi chủ xe đưa phương tiện đến trạm kiểm định để khám lưu hành định kỳ nên yêu cầu các chủ xe mang theo các loại giấy tờ như: Đối với xe mang chủ sở hữu doanh nghiệp khi khám xe phải có giấy giới thiệu của doanh nghiệp là chủ sở hữu; với xe sở hữu tư nhân, khi khám xe phải mang theo CMTND hoặc sổ hộ khẩu chủ sở hữu; nếu xe có kinh doanh phải có giấy giới thiệu và Bản sao ĐKKD của doanh nghiệp chủ sở hữu.
Thực hiện giải pháp trên chỉ trong vòng một chu kỳ khám xe, hầu hết các xe sẽ được chuyển sang chính chủ (vì các xe không chính chủ rất khó có các giấy tờ của chủ sở hữu).
Riêng đối với những xe được các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có báo cáo đến Cục Đăng kiểm về những chủ xe cố tình không sang tên đổi chủ, đề nghị Cục Đăng kiểm tạm giữ sổ kiểm định cho đến khi hoàn thành thủ tục sang tên đổi chủ và đề nghị CQCA xử phạt xong mới khám xe.
Riêng đối với xe máy: Từ việc cấm người dân các quận nội thành mua xe máy mới, do đó, người dân các tỉnh đưa xe về Hà Nội làm ăn, số lượng xe rất nhiều, đề nghị Bộ CA xây dựng quy trình cho đăng ký xe thông thoáng nhất để người dân dễ thực hiện (cần có biểu mẫu kê khai cam kết tại chính quyền địa phương nơi người dân cư trú .v.v…).
Đến ngày 15/4/2013, Thông tư 11/2013/TT/BCA có hiệu lực, đề nghị Bộ CA xem xét lùi thời gian xử phạt sau khi đã tuyên truyền rộng rãi cho người dân, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện, đồng thời tiên lượng những trường hợp bất khả kháng để có hướng dẫn chi tiết hơn, hết sức tránh những điều gây bức xúc cho người dân.
Theo 24h
Xe không chính chủ vi phạm: Phạt chủ xe
Chủ xe phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho người điều khiển phương tiện vi phạm.
Liên quan quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu xe máy, ô tô khi người khác đi xe mắc lỗi, vi phạm, Luật sư Hà Huy Phong (Công ty Luật Inteco, Hà Nội) cho rằng, Thông tư 11/2013/TT-BCA do Bộ Công an mới ban hành còn có chỗ gây khó hiểu và không phù hợp.
Bên cạnh đó, Luật sư Phong đưa ra dẫn chứng: Điều 11 của Thông tư cũng quy định trách nhiệm của chủ xe. Theo đó, nếu một người nào đó điều khiển xe không phải của mình mà có hành vi vi phạm, chủ sở hữu sở hữu xe có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người đã điều khiển xe. Chủ xe phải yêu cầu người đã đi xe đến giải quyết.
Nếu không xác định được người đã đi xe gây ra vi phạm, thì chủ xe phải trực tiếp đến cơ quan chức năng để giải quyết. Chủ xe sẽ phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho người đã đi xe đó.
Chủ xe phải chịu phạt thay cho người điều khiển phương tiện vi phạm (Ảnh minh họa)
Luật sư Hà Huy Phong cắt nghĩa quy định này. Ví dụ: Người A là chủ xe (người đứng tên trong đăng ký xe), người B là người mua xe nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ (hoặc mượn xe). Người B gây tai nạn (hoặc vi phạm giao thông) và bỏ trốn. Người A sẽ phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chịu phạt thay cho người B.
Từ đó, Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, quy định chủ xe ký biên bản với tư cách là "người chứng kiến" là thiếu rõ ràng. Không hiểu là "chứng kiến" việc gì? Nếu chứng kiến vi phạm thì chắc chắn không phải vì lúc xe vi phạm, chủ xe chắc gì đã có mặt. Ông Phong nêu: Không rõ đây có phải là chứng kiến việc lập biên bản hay không?
Thứ hai, chủ xe "được chấp hành quyết định xử phạt thay". Điều này không phù hợp với nguyên tắc chung được quy định trong Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính. Pháp lệnh này đã nói rõ, "cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính do pháp luật quy định". Vậy người không gây ra vi phạm không thể chấp hành xử phạt thay được.
Hơn nữa, chữ "được" ở đây nên hiểu theo nghĩa nào? Có phải là chủ xe muốn nộp phạt thay cũng được, mà không muốn nộp phạt thay cũng được?
Vị luật sư cho rằng, Thông tư có thể bổ sung quy định, nếu chiếc xe đã bán mà chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ, chủ xe khi đó phải chấp hành xử phạt về lỗi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định" mới là phù hợp.
Còn nếu chỉ là cho mượn xe, cơ quan chức năng có thể xem xét việc chủ xe có "giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông", để ra quyết định xử phạt chủ xe về lỗi này.
Trước đó, trả lời chúng tôi, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc cũng phân tích, xe máy được gọi là "nguồn nguy hiểm cao độ". Cho nên, khi trao phương tiện cho ai, dù cho mượn hay mua bán, chủ xe đều phải có trách nhiệm. Không thể mua bán, cho tặng tùy tiện được. chủ xe phải thực hiện đầy thủ tục sang tên đổi chủ thì mới hết trách nhiệm với phương tiện.
Nếu không, khi lưu thông trên đường, người điều khiển xe gây tai nạn, ngoài người lái phải chịu trách nhiệm về hành vi mình gây ra, chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm vì đã giao xe cho người khác để dẫn đến tai nạn đó.
Điều 11 Thông tư 11/2013/TT-BCA: Về quy định chủ sở hữu của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (phương tiện sử dụng để vi phạm) có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm (Khoản 2 Điều 56 Nghị định số 34).
Chủ sở hữu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là chủ xe) là cá nhân, tổ chức đứng tên trong Giấy đăng ký xe. Trường hợp cá nhân, tổ chức đứng tên trong Giấy đăng ký xe đã thực hiện giao dịch bán, cho, tặng phương tiện hoặc chuyển quyền thừa kế tài sản là phương tiện cho cá nhân, tổ chức khác thì cá nhân, tổ chức đã mua, được cho, được tặng phương tiện hoặc được thừa kế tài sản là phương tiện được gọi là chủ xe.
Chủ xe hoặc người đại diện hợp pháp (nếu chủ xe là cơ quan, tổ chức) khi nhận được thông báo bằng văn bản của cơ quan chức năng về việc sử dụng phương tiện để vi phạm, có nghĩa vụ:
1. Yêu cầu người điều khiển phương tiện đã thực hiện hành vi vi phạm đến cơ quan đã gửi thông báo để giải quyết. Khi đến, phải xuất trình thông báo về việc sử dụng phương tiện để vi phạm và các giấy tờ theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ.
2. Trường hợp không xác định được người điều khiển phương tiện hoặc người này không thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này, thì phải trực tiếp đến cơ quan đã gửi thông báo để giải quyết. Khi đến giải quyết phải xuất trình thông báo về việc phương tiện bị sử dụng để vi phạm, Giấy đăng ký xe và phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho người điều khiển phương tiện vi phạm.
Theo 24h