Kiên Giang: Nơi đầu sóng ngọn gió, nuôi cá bống mú sao mà giàu
Hiện nay, nuôi trồng thuỷ sản đã trở thành ngành mũi nhọn, là thế mạnh của xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đem lại nguồn thu kinh tế ổn định.
Trước tình hình nguồn lợi thuỷ sản ở các ngư trường ngày càng cạn kiệt, nhiều ngư dân ở các xã đảo tỉnh Kiên Giang đã chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng thuỷ sản. Đây được xem là cách làm đúng hướng, giúp người dân trên đảo phát triển kinh tế ổn định.
Cả xã đảo Hòn Nghệ có hơn 1.000 lồng nuôi cá bống mú sao.
Ghi nhận ở xã đảo Hòn Nghệ thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cho thấy nơi đây có thời tiết khí hậu rất thuận lợi; phù hợp với điều kiện nuôi cộng với việc nhân giống cá nhân tạo thành công đã tạo điều kiện cho nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát triển mạnh.
Xã đảo Hòn Nghệ cách đất liền 15km thuộc huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang có diện tích tự nhiên hơn 349 ha với hơn 2.300 nhân khẩu. Trước đây, người dân xã đảo sống chủ yếu bằng nghề khai thác đánh bắt thuỷ sản. 5 năm trở lại đây, người dân đã chủ động chuyển hướng từ khai thác đánh bắt sang nuôi cá lồng bè trên biển mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Huỳnh Văn Chiều ở ấp Bãi Nam, xã Hòn Nghệ có 44 lồng nuôi cá bống mú sao cho biết: Cá mú sao hiện có giá khoảng 440.000 đồng/kg. Cá mú sao ở đây chủ yếu xuất sang thị trường Hồng Kông, ngoài ra, còn được thương lái các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long thu mua để tiêu thụ trong nước.
“Mong rằng trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước quan tâm hơn về nhu cầu về vốn để có chính sách mới, bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân an tâm chuyển đổi từ đánh bắt sang nuôi trồng và có đời sống ổn định hơn” – ông Chiều cho biết.
Hiện nay, nuôi trồng thuỷ sản đã trở thành ngành mũi nhọn, là thế mạnh của xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương. Năm 2011, xã đảo Hòn Nghệ có 150 lồng bè với 53 hộ nuôi, đến nay đã có 189 hộ nuôi với 1.089 lồng bè, chủ yếu là cá mú sao.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hòn Nghệ cho biết, giai đoạn 2010 – 2011, do nghề khai thác thủy sản cạn kiệt, một số hộ dân sau khi khai thác đã mang con giống đánh bắt được về thả nuôi. Bước đầu quy mô còn nhỏ lẻ, nhưng lâu dần do nhu cầu thị trường tăng cao, các hộ dân đã nhân giống cá, mở rộng quy mô nuôi, giúp nghề nuôi thủy sản trên địa bàn xã Hòn Nghệ ngày càng phát triển mạnh. Nhờ diện tích mặt nước biển, điều kiện khí hậu thuận lợi, hiệu quả ban đầu từ nuôi cá lồng bè mang lại khá tốt.
Video đang HOT
“7 năm trở lại đây phát triển mạnh nghề nuôi. Xã có 619 hộ thì có đến gần 200 hộ nuôi, nuôi thì khá hơn, khá hơn, khá hơn nghề khác rất nhiều” – ông Thành chia sẻ.
Những bè nuôi cá trên biển ở xã đảo Hòn Nghệ.
Để tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật đầu ra cho người dân, huyện đã lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ như các mô hình khuyến ngư, các dự án đề tài của huyện đều tập trung cho nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra địa phương còn kêu gọi quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh hỗ trợ 3 năm với số tiền 250 triệu đồng, kết hợp các nguồn vốn từ ngân hàng chính sách, vốn giảm nghèo, giải quyết việc làm đến nay cũng được gần 3 tỷ đồng để hỗ trợ cho bà con.
Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề nông thôn về nuôi trồng thủy sản; tập huấn chuyên đề, tập huấn đầu vụ… cho người dân ở xã. Ngoài ra, chính quyền xã thường xuyên thông tin về thời tiết, dịch bệnh cho người dân để có hướng chủ động ứng phó trong những tháng giao mùa.
Trong buổi gặp gỡ các hộ nuôi cá lồng bè trên biển tại xã Hòn Nghệ cuối tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc chuyển đổi nghề từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng của người dân, đặc biệt là mô hình nuôi cá lồng bè rất phù hợp với điều kiện của địa phương, mang lại hiệu quả cao.
Việc chuyển đổi này không chỉ tạo sinh kế ổn định bền vững, mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo Phó thủ tướng, tới đây Chính phủ sẽ xây dựng lại chính sách mới để đảm bảo tái cấu trúc ngành thủy sản.
Ông Chiều đang kiểm tra con giống trước khi thả xuống bè nuôi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ có những chính sách rất cụ thể. Sau khi đi kiểm tra này thì sẽ xây dựng một chính sách mới để tái cơ cấu lại nghành thuỷ sản Việt Nam, trong đó phải kết hợp một cách có hiệu quả, phù hợp trong điều kiện của chúng ta giữa khai thác với nuôi trồng thuỷ sản để đảm bảo cho người dân có việc làm, có thu nhập và vừa đảo bảo ngành thuỷ sản phát triển bền vững”.
Hiện trên địa bàn xã đảo Hòn Nghệ có hơn 50 hộ dân nuôi biển có quy mô lớn chủ động trong sản xuất và đầu ra, có quy trình kỹ thuật nuôi bài bản, vừa mang lại lợi nhuận cao vừa giải quyết được nhiều việc làm tại chỗ với trên 200 lao động và tái đầu tư năm sau cao hơn năm trước.
Tính đến nay, sản lượng cá lồng bè của xã đảo tăng 90 tấn, so với thời điểm cuối năm 2015 sản lượng đạt 299 tấn; số lồng bè tăng 271 lồng, so với năm 2015 là 818 lồng. Nhờ vậy, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2015 từ 29,5 triệu đồng lên 42,6 triệu đồng năm 2018 và ước thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 48 triệu đồng./.
Theo Lam Hiếu (VOV-ĐBSCL)
Kiên Giang: Lan tỏa mô hình dân vận khéo giúp dân tăng thu nhập
Thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", các cấp, ngành, trong đó có Hội Nông dân huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao đời sống hội viên, nông dân.
Phát triển kinh tế, tăng thu nhập
Trong tổng số 67 mô hình "Dân vận khéo" được Ban Chỉ đạo huyện Kiên Lương công nhận giai đoạn 2016 - 2018, có 14 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên lĩnh vực kinh tế, chiếm hơn 20% tổng số mô hình, điển hình được công nhận.
Nuôi cá lồng bè trên biển - nghề mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân xã Hòn Nghệ. Ảnh: Dân Việt.
Nhiều mô hình "Dân vận khéo" trong lĩnh vực kinh tế đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Các mô hình đã gắn việc tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội với hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập...
Điển hình của phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn huyện Kiên Lương những năm qua là mô hình "Xoay vòng vốn công đoàn, giúp đỡ đoàn viên khó khăn" của Công đoàn cơ sở Nông dân - Phụ nữ huyện Kiên Lương...
Ông Vương Minh Mẫn - Huyện ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kiên Lương cho biết: "Đây là những mô hình "Dân vận khéo" trong thời gian qua hoạt động hiệu quả giúp cán bộ, đoàn, hội viên khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Cán bộ Hội Nông dân, Phụ nữ đã tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất từ độc canh sang đa canh, xen kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là mô hình góp phần tận dụng, khai thác tối đa lợi thế của nguồn tài nguyên đất để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho đoàn viên, hội viên và người dân...".
Mô hình "Khéo vận động hội viên, nông dân góp vốn xoay vòng theo mùa vụ" của Chi hội nông dân ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương cũng là một trong nhũng điển hình. Mô hình có 11 thành viên, mỗi năm 2 lần theo mùa vụ sản xuất, chi hội đã xoay vòng vốn không tính lãi với số tiền 110 triệu đồng cho 1 hội viên đầu tư mua phân bón, thuốc trừ sâu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đầu tư mua bán, mua sắm thiết bị gia đình.
Hiện mô hình xoay vòng vốn theo mùa vụ không tính lãi đã được triển khai xây dựng thêm 1 mô hình nữa với 11 thành viên khác với số tiền góp vốn là 5 triệu đồng/mùa vụ.
"Hiệu quả của mô hình này đã giúp cho nhiều anh em hội viên như chúng tôi có được cuộc sống ổn định, vươn lên khá giả và có thêm nguồn vốn để tái đầu tư, sản xuất. Ở nông thôn, việc một lúc có nhiều tiền mặt để trang trải việc mua phân bón, giống cây trồng, máy móc nông nghiệp không phải là dễ dàng. Việc quy tụ được nhóm hộ cùng chí hướng, đồng lòng đã giải quyết khó khăn vốn ngắn hạn của hội viên, thành viên..." - ông Bùi Văn Hạnh, ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương cho biết.
Tăng tình đoàn kết, gắn bó
Vùng nuôi cá lồng bè của nông dân xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Trong hơn 2 năm thực hiện phong trào "Dân vận khéo", các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Kiên Lương đã có nhiều cách làm hay để gắn phong trào này với các hoạt động của Hội, nhất là hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, tư vấn và dạy nghề.
Tiêu biểu như mô hình "Khéo vận động hội viên giúp vốn phát triển nuôi cá lồng bè" của Hội Nông dân xã Hòn Nghệ. Triển khai thực hiện từ tháng 3/2016 đến nay, mô hình hội viên giúp vốn phát triển nghề nuôi cá lồng bè đã giúp 37 hộ nuôi cá. Thông qua mô hình, các hộ thành viên đã đầu tư mua 270.000 con cá giống các loại với tổng số tiền trên 8,6 tỷ đồng. Không chỉ tạo thêm nhiều việc làm, mô hình nuôi cá lồng bè còn giúp nâng cao thu nhập của các hộ thành viên. Hiện, các hộ thành viên của mô hình có mức thu nhập trừ chi phí từ 100 - 150 triệu đồng/hộ/năm với nghề nuôi cá lồng bè.
"Ngoài hiệu quả về kinh tế mang lại, mô hình nuôi cá lồng bè đã giúp cho hội viên chúng tôi có thêm điều kiện trao đổi, thông tin với nhau về những kinh nghiệm trong nghề nuôi cá lồng bè, từ đó góp phần giúp cho nghề nuôi ngày càng ổn định và bền vững hơn..." - ông Nguyễn Đức Minh - Chủ tịch Hội Nông dân, xã Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương) chia sẻ.
Theo Danviet
Diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia Ngày 22-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia năm 2019 tại xóm Chanh, xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn. Nông sản an toàn được trưng bày tại lễ phát động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh Thái Nguyên....