Kiên Giang: Chỉ cho nhau cách trồng xoài chuẩn VietGAP mà giàu
Tham gia vào Hợp tác xã (HTX), nhiều nông dân ở xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, ( tỉnh Kiên Giang) ăn nên làm ra, trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm kiếm vài trăm triệu đồng.
Năm 2018, HTX xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) được thành lập, có nhiệm vụ phối hợp địa phương xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và tổ chức triển khai tuyên truyền, vận động người dân tham gia HTX.
Theo ông Nguyễn Thành Thái – Giám đốc HTX xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở xã Thổ Sơn rất thích hợp để trồng xoài. Sau khi thành lập, HTX có điều kiện huy động vốn góp của thành viên để tổ chức thực hiện các dịch vụ liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, nhằm tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân.
Trái xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP đến kỳ thu hoạch. Ảnh: T.T.
Hiện HTX xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất có 13 thành viên, với tổng diện tích trồng xoài 21ha. HTX còn được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang hỗ trợ kinh phí xây dựng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến tháng 11/2018 đã có 17,3ha trồng xoài cát Hòa Lộc của HTX được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Thái cho biết: “Bình thường xoài hột gieo trồng phải mất 7 – 8 năm mới cho thu hoạch, còn xoài cát Hòa Lộc áp dụng quy chuẩn VietGAP chỉ cần 3 năm, vì trồng bằng cành chiết (trồng xoài ghép)”.
Theo đó, năng suất xoài trung bình của HTX là khoảng 4 tấn/ha/vụ, bình quân sản xuất 2 vụ/năm. HTX hiện bán sản phẩm xoài của mình tại cửa hàng nông sản sạch ở chợ Rạch Giá, Phú Quốc và bỏ mối ở chợ An Hữu (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Sau khi trừ chi phí, các thành viên còn lãi từ 30.000 – 50.000 đồng/kg; tính bình quân một năm trồng xoài cát Hòa Lộc theo chuẩn VietGAP, người dân có thể đạt lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha.
Video đang HOT
Xoài cát Hòa Lộc VietGAP được người tiêu dùng ưa chuộng vì sản phẩm cam kết sạch, an toàn. Ảnh: T.T.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, thành viên HTX, cái lợi khi vào HTX là nông dân được định hướng một cách bài bản từ sản xuất đến tiêu thụ, mỗi quả xoài sau khi hái xuống đều được phân loại, dán tem truy xuất. Từ đó, sản phẩm xoài của người sản xuất tạo được lòng tin đối với khách hàng. Khi ra thị trường, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR là có thể biết được các thông tin chi tiết. Cách làm này dù mất nhiều công nhưng bù lại chất lượng đảm bảo, giá bán cũng cao hơn.
Được biết, thời gian tới, HTX sẽ mở rộng thêm diện tích nhằm tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; đồng thời, mở rộng thị trường ra các tỉnh khu vực miền Trung và miền Bắc.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Thổ Sơn đang cùng với các cơ quan chức năng của huyện đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành hỗ trợ cho HTX xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất xây dựng nhãn hiệu tập thể. Nếu được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể, Hội sẽ xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu này, đồng thời giúp HTX xúc tiến quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị thương mại sản phẩm xoài, mở rộng thị trường.
Kiên Giang: Nuôi tôm công nghệ cao, nông dân "hốt bạc"
Thời gian gần đây, nhiều nông dân tại xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đã áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao lót bạt đáy.
Mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả cao, giúp bà con nông dân tiếp cận được những phương pháp nuôi bằng kỹ thuật mới và nhẹ công chăm sóc.
Hạn chế dịch bệnh, tôm nhanh lớn
Được biết, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao lót bạt đáy được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang thực hiện tại xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, bước đầu đã chuyển giao kỹ thuật thành công cho người dân tại 3 điểm với diện tích nuôi 6.000m2.
Anh Võ Thanh Bình, cán bộ Tổ Kinh tế - Kỹ thuật Nông nghiệp xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, cho biết: Ưu điểm của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao lót bạt đáy là mang lại kết quả cao hơn so với mô hình nuôi tôm quảng canh. Với mô hình nuôi tôm trước đây, sau khi kết thúc vụ, người nuôi mất rất nhiều thời gian và công sức cho việc cải tạo ao, nên chỉ nuôi được vài vụ trong năm. Bên cạnh đó, do không kiểm soát được cặn bã, thức ăn thừa, chất thải từ con tôm nên khí độc thường xuyên bùng phát, khiến con tôm dễ mắc bệnh.
Người dân tại xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất thu hoạch tôm. T.T
Trong khi đó, khi áp dụng mô hình nuôi tôm trên ao lót bạt đáy, quá trình nuôi tôm của nông dân sẽ ít rủi ro, hạn chế mầm bệnh và các tác động xấu đối với môi trường. Người nuôi có thể chủ động được các yếu tố về môi trường như: Độ pH, kiềm, canxi... Trong quá trình nuôi, nông dân còn có thể quản lý chặt chẽ lượng thức ăn, cặn bã đều được thải ra bên ngoài giúp khống chế được khí độc, nâng cao tỷ lệ sống của tôm và tăng số vụ nuôi 2 - 3 vụ/năm.
Là một trong những hộ được triển khai mô hình nuôi tôm chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn, ông Mai Văn Nhường (ngụ ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn), cho biết trong giai đoạn 1, ông nuôi tôm với mật độ 1.200 con/m2, được ương vèo trong ao 300m2 lót bạt đáy có mái che bằng lưới, trong thời gian 25 ngày. Sau đó, ông Nhường chuyển sang nuôi diện rộng giai đoạn 2, với diện tích ao 2.000m2, mật độ thả nuôi 162 con/m2, thời gian nuôi đến khi thu hoạch là 66 ngày.
Với ao lót bạt đáy, người dân có thể nuôi 2-3 vụ tôm/năm. T.T
Khi thu hoạch cỡ tôm 149 con/kg, với giá thành 126.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí ông thu về hơn 200 triệu đồng. "Qua quá trình sản xuất tôi nhận thấy mô hình này mang lại kết quả cao hơn, tôm ít bị dịch bệnh, nhẹ công chăm sóc. Nhờ có hệ thống máy móc hiện đại, người nuôi có thể dễ dàng quản lý môi trường ao nuôi so với cách nuôi cũ" - ông Nhường đánh giá.
Hỗ trợ chi phí đầu tư mô hình
Từ một tỉnh chuyên canh lúa, nhờ đầu tư, khuyến khích người dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm theo hướng hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, Kiên Giang đang trở thành địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất, nhì vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, một số hộ tham gia mô hình cho biết, trong quá trình nuôi tôm bà con cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, phải liên tục xử lý các yếu tố môi trường khiến chi phí tăng từ 10-15%. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho mô hình này lớn, tiềm lực kinh tế của người dân còn hạn chế nên việc đầu tư trang thiết bị cho mô hình trong giai đoạn đầu còn khó khăn.
Mặc dù vậy, đa số nông dân đều nhận định, sau khi tiếp cận và tích lũy kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, họ tin tưởng ở các mùa vụ tiếp sẽ thu năng suất cao hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Toản - Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang), thông tin: "Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục xây dựng đề án nhân rộng để tạo điều kiện cho người nuôi tôm tập trung nâng cao sản lượng và năng suất. Mô hình mới này hứa hẹn mang lại hiệu quả cao cho người dân, giúp người nuôi tôm có thể thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay".
Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản nói chung và trong nuôi tôm nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là áp dụng kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn lót bạt đáy, áp dụng công nghệ Semi-biofloc, Biofloc... trong nuôi tôm nước lợ đã trở nên khá phổ biến. Từ đó, năng suất tôm nuôi tăng lên đáng kể, cụ thể nuôi tôm thẻ chân trắng trước kia năng suất khoảng 10 - 12 tấn/ha/vụ thì nay đã có thể đạt 30 - 50 tấn/ha/vụ. Trên địa bàn tỉnh đang có khoảng vài trăm ha nuôi tôm áp dụng theo các phương thức này.
Theo Danviet
Vùng đất trồng giống xoài quả to dài, bán đi 40 nước, ai cũng khen Đến cuối tháng 4-2020, diện tích đất trồng xoài trên địa bàn tỉnh An Giang đạt 11.241ha, tăng gấp nhiều lần so với 5 năm trước. Xoài tươi và các sản phẩm từ xoài đã được xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, được người tiêu dùng thế giới khen ngợi. Xoài-Nguyên liệu dồi dào Thời gian qua, cùng với...