Kiện đòi quyền bầu cử ở Mỹ
Nỗi sợ Covid-19 thúc đẩy một số người Mỹ thành nguyên đơn trong làn sóng vô tiền khoáng hậu đòi quyền bầu cử tại tòa án.
Đối với giáo sư đại học Regina Root, 53 tuổi, hành trình kiện các quan chức bầu cử bang Virginia bắt đầu từ tháng 6, khi bà muốn bỏ phiếu sớm để tránh chỗ đông người tại điểm bỏ phiếu vào Ngày bầu cử 3/11.
Cuộc phẫu thuật não đã cứu sống Root nhưng để lại di chứng khiến thị lực suy giảm và nơi bầu cử lại không có máy hỗ trợ bà tự bỏ phiếu mà cần nhờ chồng giúp đỡ.
“Khi đó tôi nghĩ rằng, điều này thật vô lý. Tôi đủ sức tự bỏ phiếu. Tôi có bằng tiến sĩ”, Root nói.
Người dân đi bầu cử sớm tại một điểm bỏ phếu ở Trung tâm Hoạt động McFaul tại Bel Air, hạt Harford, bang Maryland, hôm 27/10. Ảnh: Reuters
Bà liên hệ với một giáo sư luật và các nhóm vận động, trở thành một trong những nguyên đơn dẫn đầu vụ kiện chống lại Virginia. Chính quyền bang cuối cùng phải đồng ý cung cấp một hệ thống sử dụng công nghệ đọc màn hình để các cử tri khiếm thị hoặc suy giảm thị lực có thể tự bỏ phiếu tại nhà.
Hơn 300 đơn kiện đã được đệ trình tại 44 bang về cuộc bầu cử ngày 3/11 giữa Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, theo dự án Bầu cử Lành mạnh của Stanford-MIT, đơn vị theo dõi các vụ kiện.
Dữ liệu của Dự án Bầu cử Mỹ cho biết trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV đang gia tăng ở Mỹ, số người đi bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu qua thư để tránh đến chỗ đông người vào Ngày bầu cử đã tăng kỷ lục gần 70 triệu người.
Cuộc chiến tại tòa án nổ ra dưới mọi chủ đề, từ việc một người có đủ tư cách bỏ phiếu vắng mặt hay không, tới hòm thư nơi cử tri bỏ phiếu.
Christian Green, 52 tuổi, một nhà nghiên cứu luật pháp và tôn giáo ở Lafayette, bang Louisiana, cho biết sợ đi bầu tại điểm bỏ phiếu do lo ngại về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ cộng đồng và đặt người mẹ 81 tuổi của mình vào tình thế nguy hiểm.
Video đang HOT
Green, thành viên của Liên đoàn Cử tri Phụ nữ của Louisiana, đã trở thành một trong những nguyên đơn trong vụ kiện tìm cách loại bỏ rào cản với bỏ phiếu vắng mặt và triển khai bỏ phiếu sớm.
Một thẩm phán liên bang ở Baton Rouge hồi tháng 9 đã ra phán quyết có lợi cho nguyên đơn. Tổng Thư ký bang Louisiana, nơi đã kháng cáo và phiên xét xử sẽ tiến hành sau bầu cử, không trả lời yêu cầu bình luận.
“Tôi nghĩ chúng tôi đã bị tước đi một thứ gì đó và lấy lại nó là mục đích chính của tôi” khi khởi kiện, Green nói.
Susan Ellis, giám đốc điều hành của People First of Alabama, tổ chức ủng hộ sự phát triển của người khuyết tật, cho biết các thành viên có truyền thống thích đi bỏ phiếu trực tiếp hơn nhưng Covid-19 khiến việc này quá mạo hiểm.
Tổ chức của Ellis, cùng những cử tri có nguy cơ lây nhiễm cao, đã kiện Tổng thư ký bang Alabma, yêu cầu bỏ điều kiện cần hai người trưởng thành cùng ký vào một lá phiếu gửi qua thư, bởi điều này gây khó khăn cho các thành viên trong tổ chức.
“Thật khó để nhờ người khác giúp đỡ vì bạn sẽ bị coi là kẻ kỳ quặc ngoài phố”, Ellis nói. “Những yêu cầu này mang tính dọa dẫm, trói buộc”.
Vụ kiện cũng nhằm đảm bảo những thành viên như Jenny Lux, người bị tổn thương phổi do cúm lợn, được phép bỏ phiếu ở lề đường. Một tòa án đã ra phán quyết có lợi cho nhóm của Ellis nhưng Tòa án tối cao Mỹ sau đó cho phép John Merrill, bộ trưởng ngoại giao bang Albama, cấm bỏ phiếu bên lề đường, điều mà ông cho rằng có thể dẫn tới gian lận.
Merrill cho hay cử tri có nhiều lựa chọn phù hợp hoàn cảnh, bao gồm yêu cầu thư ký quận tới nhà cử tri để thu thập lá phiếu.
“Đó là lý do chúng tôi phản đối”, ông nói về vụ kiện. “Họ đang cố thay đổi luật pháp thông qua tư pháp hơn là thông qua lập pháp”.
Lux đã nói với tòa cấp thấp hơn rằng có thể sẽ không bỏ phiếu nếu phải trực tiếp đến điểm bỏ phiếu. “Có đáng để mạo hiểm không? Đây là điều mà ta phải cân nhắc”.
Những kịch bản tranh chấp kết quả bầu cử Mỹ
Cách biệt sít sao về số phiếu bầu hay kết quả kiểm phiếu không thống nhất ở địa phương có thể dẫn tới tranh chấp trong bầu cử tổng thống Mỹ.
Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố đảng Dân chủ có thể gian lận trong kỳ bầu cử tháng 11 thông qua hệ thống bỏ phiếu qua thư, song không đưa ra bằng chứng. Ông cũng liên tục ngụ ý rằng sẽ không chuyển giao quyền lực một cách hòa bình nếu kết quả kiểm phiếu cho thấy ông thất bại trước đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.
Những tuyên bố trên khiến phe Dân chủ không khỏi lo lắng về việc chiến dịch tranh cử của Trump sẽ tìm cách thách thức kết quả bầu cử.
Cử tri đi bỏ phiếu sớm tại hạt Arlington, bang Virginia, Mỹ, ngày 18/9. Ảnh: Reuters.
Dữ liệu bầu cử sớm cho thấy số lượng cử tri Dân chủ bỏ phiếu qua thư lớn hơn nhiều so với cử tri Cộng hòa. Theo chuyên gia, tại các bang như Pennsylvania hay Wisconsin, nơi không kiểm phiếu bầu qua thư trước ngày bầu cử, kết quả kiểm phiếu sơ bộ có thể nghiêng về phía Trump, trong khi những nơi kiểm phiếu bầu qua thư sớm sẽ mang đến lợi thế cho Biden.
Phe Dân chủ từng bày tỏ lo ngại về khả năng Tổng thống Trump vẫn sẽ tuyên bố chiến thắng vào đêm bầu cử, rồi sau đó cáo buộc những lá phiếu gửi qua thư bị gian lận.
Một kết quả bầu cử với cách biệt sát sao tiềm ẩn khả năng dẫn đến những kiện tụng về thủ tục bỏ phiếu thông thường và bỏ phiếu qua thư tại các bang chiến trường. Những vụ kiện được trình lên ở các bang cuối cùng có thể được Tòa án Tối cao định đoạt, như cách cuộc bầu cử ở Florida diễn ra hồi năm 2000.
Lúc bấy giờ, ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa George W. Bush giành chiến thắng trước ứng viên đảng Dân chủ Al Gore chỉ với 537 phiếu bầu phổ thông tại Florida sau khi Tòa án Tối cao ra lệnh dừng việc kiểm phiếu lại.
Tổng thống Trump gần đây đã thúc đẩy Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát phê chuẩn thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao. Đây là lần thứ ba Tổng thống Trump đề cử thành công ứng viên thẩm phán vào Tòa án Tối cao và củng cố đa số ghế bảo thủ tại tòa án với tỷ lệ 6-3.
Việc bà Barret được phê chuẩn mang đến chiến thắng bước ngoặt cho Trump và thu hút được lượng cử tri bảo thủ khi cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn cách 8 ngày. Bên cạnh đó, khi tòa án phải vào cuộc định đoạt nếu xảy ra tranh chấp bầu cử, điều này chắc chắn sẽ có lợi cho Tổng thống Trump.
Một kịch bản tranh chấp kết quả bầu cử khác có thể diễn ra là bất đồng về phiếu đại cử tri mà các ứng viên giành được ở mỗi bang, dựa trên kết quả kiểm phiếu phổ thông.
Tổng thống Mỹ không được bầu bởi đa số phiếu phổ thông. Theo Hiến pháp, ứng viên nào giành được đa số trong 538 phiếu đại cử tri, được gọi là Cử tri Đoàn, sẽ trở thành tổng thống kế tiếp. Năm 2016, Trump thua ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton về số phiếu phổ thông nhưng lại giành được 304 phiếu đại cử tri, so với 227 phiếu của đối thủ.
Ứng viên giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông ở mỗi bang thường sẽ nhận được toàn bộ số phiếu đại cử tri theo quy định tương ứng tại bang đó. Năm nay, các đại cử tri sẽ nhóm họp vào ngày 14/12 để bỏ phiếu. Lưỡng viện của quốc hội sẽ họp vào ngày 6/1 để kiểm phiếu đại cử tri và nêu tên người chiến thắng.
Thông thường, các thống đốc sẽ xác nhận kết quả ở các bang của họ và thông báo danh sách đại cử tri của bang mình với quốc hội.
Nhưng các học giả đã vạch ra một kịch bản mà ở đó thống đốc và cơ quan lập pháp của một bang xảy ra tranh cãi và đệ trình hai danh sách đại cử tri khác nhau. Những bang chiến trường như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Bắc Carolina đều có thống đốc của đảng Dân chủ nhưng cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Theo các chuyên gia pháp lý, không rõ trong kịch bản này liệu quốc hội sẽ chấp nhận kết quả bầu cử do thống đốc đệ trình hay hủy công nhận toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó.
Các đảng có thể yêu cầu Tòa án Tối cao giải quyết bất kỳ bế tắc nào liên quan đến tranh cãi kết quả bầu cử, nhưng không chắc tòa án sẽ sẵn sàng phân xử cách quốc hội kiểm phiếu đại cử tri.
Kịch bản tranh chấp thứ ba là khi cả hai ứng viên đều cùng đạt 269 phiếu đại cử tri (không quá bán). Kịch bản này sẽ kích hoạt một cuộc bầu cử đặc biệt theo Tu chính án thứ 12 Hiến pháp Mỹ, đồng nghĩa Hạ viện sẽ chọn tổng thống tiếp theo vào Thượng viện chọn phó tổng thống.
Mỗi nhóm nghị sĩ của một bang tại Hạ viện có một lá phiếu duy nhất. Hiện nay, phe Cộng hòa kiểm soát 26 trên 50 nhóm nghị sĩ bang và phe Dân chủ kiểm soát 22. Trong hai nhóm còn lại, một nhóm có số đảng viện Cộng hòa và Dân chủ ngang bằng, nhóm kia gồm 7 đảng viên Dân chủ, 6 đảng viên Cộng hòa và một đảng viên Tự do.
Mọi tranh chấp bầu cử tại quốc hội đều phải được định đoạt trước thời hạn là ngày 20/1, thời điểm mà Hiến pháp Mỹ quy định nhiệm kỳ của tổng thống hiện tại kết thúc.
Theo Đạo luật Kế nhiệm Tổng thống, nếu quốc hội vẫn chưa thể tuyên bố người thắng cử tổng thống và phó tổng thống vào thời điểm nêu trên, Chủ tịch Hạ viện sẽ giữ vai trò quyền tổng thống. Nancy Pelosi, đảng viên Dân chủ bang California, hiện giữ chức chủ tịch Hạ viện.
Thêm thống đốc Mỹ suýt bị bắt cóc Thống đốc Ralph Northam của bang Virgina suýt thành mục tiêu của nhóm chống chính phủ bị buộc tội âm mưu bắt cóc Thống đốc Michigan, FBI cho hay. Trong phiên xét hỏi tại tòa án liên bang ở Grand Rapids, bang Michigan hôm 13/10, đặc vụ Richard J. Trask II của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết Thống đốc...