Kiếm trăm triệu nhờ nuôi trâu, thả bò… trong khu biệt thự bỏ hoang
Nhiều khu biệt thự có giá hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm ở Hà Nội đang là cơ hội cho những nông dân thức thời tận dụng làm nơi chăn trả gia súc, mang về thu nhập lên tới cả trăm triệu mỗi năm.
Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch nằm ở phía Tây Hà Nội có diện tích hơn 170 ha nằm trên quốc lộ 32 của huyện Hoài Đức (Hà Nội). Từng được kỳ vọng là khu đô thị hiện đại, cao cấp ở Hà Nội thế nhưng sau nhiều năm dự án này hiện vẫn bỏ không, hoang hóa. Cả trăm căn biệt thự liền kề mới chỉ hoàn thiện phần thô, chưa có người ở. Xung quanh các bãi đất trống rộng hàng hecta để không cỏ mọc um tùm, có chỗ cao cả mét. Tận dụng phần đất này, nhiều hộ dân ở các khu vực lân cận đã tiến hành chăn thả gia súc, kiếm thêm thu nhập.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩa (60 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) nhà cách khu đô thị Kim Chung khoảng 2km nhưng đều đặn mỗi ngày 2 lượt bà đều lùa đàn trâu khoảng hơn 30 con đến đây chăn thả. Bãi đất rộng lại bằng phẳng nên việc chăn thả không mất nhiều công sức. “Thức ăn của đàn trâu hoàn toàn là cỏ mọc tự nhiên nên tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn. Hơn nữa, việc nuôi trâu theo hình thức chăn thả khiến thịt chắc ngọt, khi bán cũng được giá mà thương lái ai cũng đều thích cả”, bà Nghĩa nói.
Khu đô thị Kim Chung – Di Chạch từng được kỳ vọng là khu đô thị hiện đại, cao cấp ở Hà Nội nhưng hiện nay để không, chưa có người ở. Nhiều nơi, cỏ mọc um tùm cao đến cả mét. Một số người dân đã tận dụng làm nơi chăn thả gia súc, kiếm thêm thu nhập
Đàn trâu khoảng hơn 30 con của gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩa (Hoài Đức – Hà Nội) nhởn nhơ gặm cỏ trước một dãy biệt thự
Trước đây, gia đình bà Nghĩa sống chủ yếu dựa vào thu nhập của việc trồng lúa và nuôi gia cầm. Cách đây 6 năm trong một lần tình cờ đi qua đây, thấy bãi đất rộng lại bỏ hoang, tiếc của bà về bàn với chồng đầu tư nuôi trâu làm kinh tế. Ban đầu vốn ít nên đàn trâu chỉ có khoảng vài con. Sau vài năm, một số trâu cái bắt đầu sinh sản, số lượng trâu trong đàn cũng dần nhiều lên. Mặt khác, qua mỗi lứa bán, bà Nghĩa lại trích một phần tiền lãi để đầu tư mua thêm. Cứ thế, hiện giờ số lượng trâu của gia đình đã lên tới hàng chục con, tính sơ sơ cũng có giá lên tới gần cả tỷ đồng.
Nhà bà Nghĩa cách khu đô thị Kim Chung khoảng 2km. Cứ đều đặn mỗi ngày 2 lượt, bà lùa đàn trâu đến đây chăn thả.
Buổi trưa bà Nghĩa lùa tạm đàn trâu vào một căn biệt thự bỏ không để nghỉ ngơi
Bà Nghĩa cho biết, đàn trâu của mình chủ yếu là trâu thương phẩm, cung cấp thịt cho các quán ăn trên địa bàn Hà Nội. Để tiết kiệm thời gian nuôi, bà Nghĩa thường tìm mua các loại trâu nhỏ về chăn thả, sau khoảng 8 tháng – 1 năm thì bắt đầu xuất chuồng. Bà nhẩm tính, một con trâu nhỏ khi mua có giá từ 7 – 12 triệu nếu không ốm đau, sau một năm nuôi cũng bán được khoảng 25 triệu đồng. Vào dịp Tết năm ngoái, gia đình bà bán được khoảng 20 trâu thịt, mang lại doanh thu cả trăm triệu đồng. So với trồng lúa thì lợi nhuận nuôi trâu lời hơn gấp hàng chục lần.
Đàn trâu ăn cỏ tự nhiên nên tiết kiệm được chi phí chăn nuôi
Video đang HOT
Việc chăn thả gia súc ở các khu biệt thự bỏ hoang theo bà Nghĩa vừa là cách tận dụng đất bỏ trống vừa giúp tăng hiệu quả kinh tế gia đình
Mỗi con trâu trưởng thành bán ra thị trường có giá khoảng 25 triệu đồng. Nếu so với lợi nhuận trồng lúa thì việc nuôi trâu cao gấp nhiều lần
Tuy nhiên, theo bà Nghĩa không phải lúc nào việc chăn nuôi cũng đều “thuận buồm, xuôi gió”. Trâu sức đề kháng tốt, ít ốm đau nhưng nếu không biết cách phòng ngừa thì dễ mắc dịch bệnh. Hơn nữa, việc chăn thả tuy tiết kiệm chi phí nhưng lại rất vất vả và mất nhiều thời gian. “Dù mưa hay nắng lúc nào cũng phải có người lùa đi chăn và trông chừng. Chúng quen ăn thả nên nếu nuôi nhốt dễ còi cọc, không phát triển. Hơn nữa lợi nhuận nuôi trâu có thể nhiều nhưng rủi ro cũng lớn. Tôi biết nhiều trường hợp gần đây từng mất trắng tiền vì trâu bệnh không bán được”, bà Nghĩa phân tích.
Những khu đất dự án bỏ không được xem là nơi lý tưởng để chăn nuôi gia súc
Không chỉ có gia đình bà Nghĩa, ở khu đô thị Kim Chung – Di Trạch cũng có khoảng 3 – 4 gia đình tận dụng đất trống nuôi bò, dê… tăng thu nhập cho gia đình.
Gia đình ông Nguyễn Trọng Hiền (Thông Yên Vĩnh – Hoài Đức, Hà Nội) hiện nuôi khoảng 8 con bò lấy thịt. Cứ vài tháng ông Hiền lại xuất chuồng một lứa bò ra thị trường, sau đó lại nhập bê con về nuôi gối. Nhờ cách làm này mà nguồn cung ra thị trường khá ổn định, gần như tháng nào gia đình ông cũng có thu nhập. “Mấy năm trước, bò nuôi đến đâu hết đến đó mà giá mua cũng cao nhưng gần đây, bò ngoại giá rẻ khá nhiều, thị trường có vẻ chững lại. Tôi bán cũng chững hơn”, ông Hiền nói.
Đàn bò của gia đình ông Hiền mỗi năm cũng giúp gia đình để ra được một số tiền không nhỏ
Ông Hiền cho biết, lúc mới đến đây, cả khu vực này chỉ là những cánh đồng cỏ rậm rạp, không có lối vào. Ban đầu chỉ có một vài hộ nuôi nhỏ lẻ độ vài con, sau thấy hiệu quả kinh tế thì mới đầu tư nuôi thêm. Nhờ việc chăn nuôi này mà kinh tế nhiều gia đình cũng khấm khá, con cái được học hành đầy đủ. Ông Hiền phấn khởi cho biết, việc chăn nuôi vừa là cách làm giàu vừa là thú vui tuổi già. Vài năm nữa khi dự án khởi động trở lại có thể ông sẽ bán bớt đàn bò hoặc rẽ hướng sang kinh doanh thứ khác. “Trời cho ngày nào biết ngày đấy. Nếu không có những khu dự án thế này thì ở Hà Nội rất hiếm có một khu vực rộng để chăn thả thế này, cơ hội trời cho thì cứ nắm lấy thôi”, ông Hiền cười tươi nói.
Không chỉ riêng khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, ở Hà Nội cũng có khá nhiều “dự án chết” để hoang hóa cho cỏ dại mọc. Nhiều nông dân thức thời biết tận dụng thời cơ làm nơi chăn thả gia súc, trồng rau sạch cung cấp cho thị trường. Nhờ cách làm này nhiều gia đình có thu nhập lên tới cả trăm triệu mỗi năm.
Hà Trang
Ảnh: Trần Văn
Theo Dantri
Trăm biệt thự vùng núi xây xong 'bỏ hoang'
Nhận được tiền tỷ từ dự án thủy điện, hàng trăm hộ dân người đồng bào Ca Dong, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) tới khu tái định cư, bỏ ra hàng trăm triệu đồng xây biệt thự nhưng đóng cửa, chỉ ở nhà sàn.
Người đồng bào Ca Dong sống ở triền núi huyện Sơn Tây, cách TP Quảng Ngãi khoảng 80 km. Năm 2013, thủy điện Đăkđrinh được cấp phép xây dựng, gần 100 hộ dân Ca Dong nhận tiền đền bù để di dời từ lòng hồ thủy điện đến nơi ở mới.
Mỗi hộ được bồi thường trung bình hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng, tùy thuộc vào diện tích nương rẫy. Nhận tiền tỷ, người dân đổ xô làm nhà, sắm sửa nội thất đắt tiền.
Già làng Đinh Văn Đèo, ở khu tái định cư xã Sơn Dung cho hay, ông nhận hơn 1 tỷ đồng thì chi một nửa để xây biệt thự, rồi bỏ thêm 200 triệu đồng dựng nhà sàn phía sau. "Mình đứng đầu làng, mỗi lần lễ tế mọi người trong dòng tộc đều tới đây thực hiện nghi thức cúng bái tại đây, nên nhà sàn không thể thiếu được", già làng Đèo giải thích.
Còn ông Đinh Văn Đuôn cũng đã bỏ ra 600 triệu đồng để xây biệt thự. Mọi người trong gia đình ông thoạt đầu thích thú nhưng chỉ thời gian ngắn tất cả sinh hoạt từ ăn uống, nấu nướng đều tập trung ở căn nhà sàn gỗ ở phía sau nhà.
"Dù có nhà cao, rộng rãi nhưng chúng tôi cảm thấy không thoải mái vì đã quen nhà sàn từ nhỏ rồi", ông Đuôn, chia sẻ.
Ngoài ông Đuôn và già làng Đeo, rất nhiều biệt thự được xây lên khắp vùng núi hẻo lánh ở xã Sơn Dung, mỗi căn trị giá từ 300 - 700 triệu đồng, nhưng rồi cũng đóng kính cửa.
Theo anh Đinh Văn Lễ (ngụ xã Sơn Dung), tiền bạc với người dân ở đây vài năm trước không thành vấn đề, nhưng giờ đã cạn kiệt. "Đất rẫy canh tác chẳng còn, nhiều người vốn là tỷ phú nay lặn lội đi làm thuê để mưu sinh, nên trong làng còn lại lưa thưa người già và trẻ nhỏ", anh Lễ nói.
Loay hoay làm bếp, chị Đinh Y Lan cho biết, nhà bố chồng được mọi người đánh giá bề thế, nhưng thành viên trong gia đình chị đã quen với sinh hoạt ở nhà sàn rồi, những tập tục làng quê quê cũ. Còn căn biệt thự đóng cưa suốt ngày, chỉ mở ra dọn dẹp, lau chùi các vật dụng
Ông Đinh Văn Huyết cho biết, nười dân không chỉ xây biệt thự, mọi người còn "chạy đua" mua xe máy, sắm bàn ghế gỗ, nhiều vật dụng trong gia đình đắt tiền.
"Hồi ấy, nhiều người tới đây bán đủ thứ, dân làng ai gạ gì cũng mua bất chấp giá cả. Bây giờ thì cạn kiệt rồi, tiền dành dụm lấy ra tiêu sạch, đói nghèo đến nơi", ông Huyết trăn trở.
Thậm chí còn mua ôtô nhưng nhưng chả mấy khi chạy, bởi "không có tiền đổ xăng".
Nhìn căn nhà hàng xóm bỏ hoang anh Đinh Văn Sơn, Bí thư chi bộ thôn Mang Hing, xã Sơn Long rầu rĩ cho biết, dân làng nhận tiền xong chẳng thèm đi rẫy, dù còn đất nhưng không canh tác mà thuê người dưới miền xuôi lên làm. Thấy hộ nào làm nhà hoành tráng, các hộ khác cũng phải làm to hơn hoặc bằng, dù nghèo đói, túng thiếu cũng cố chạy vạy để xây.
"Nhiều gia đình ở khu tại định cư được thời gian đã chán nản vì hết tiền, đóng cửa nhà , rồi dìu dắt gia đình trở lại làng cũ dựng chòi mưu sinh. Trước khi đi, họ tháo nhà sàn làm bằng gỗ mang theo", anh Sơn cho biết.
Cách nhà anh Sơn chừng 50 m, bà Đinh Thị Ga địu cháu trai thẫnthờ bên cửa sổ, dõi về làng cũ, nơi gia đình bà sinh sống nhiều năm. Bà cho biết, từ khi về "làng biệt thự" thì chồng ốm triền miên, tiền đền bù được vài trăm triệu thì xây nhà hết, thân bà phải chạy vạy lo cho cuộc sống.
Nơi ở cũ cái gì cũng có, vườn rộng để trồng rau rồi bắt cá dưới lòng hồ, không sợ đói. Đất vườn giờ không có để làm cái gì cũng phải mua mà giá rất đắt nên khổ lắm, chỉ mong được về làng", bà Ga buồn bã.
Nằm ở cuối xã, anh Đinh Văn Lác cho biết, do đất rẫy ít nên chỉ được đền bù vài trăm triệu. Thấy xung quanh xây nhà, vợ chồng anh cũng "đua theo", tiêu tiền phung phí. Ba năm sau, gia đình anh rơi vào túng thiếu, phải bán mọi thứ đi nhưng vẫn không đủ trang trải. Còn người vợ ốm đau triền miên không có tiền đi viện, còn con cái không được học hành.
Cậu bé Ca Dong, suốt ngày lang thang mọi ngõ ngách trong xã, vì cha mẹ đều rời làng từ sáng sớm. Khi đói, em tìm tới các hồ nước, bắt được con cá, con tôm đưa về nướng ăn "cầm hơi" chờ cha mẹ về.
Ông Đinh Văn Ven, Phó chủ tịch UBDN huyện Sơn Tây cho biết, khi xây dựng những ngôi nhà khang trang ở các khu tái định cư, chính quyền địa phương mong muốn các gia đình nằm trong diện di dời có cuộc sống tốt hơn, song trên thực tế lại trái ngược, đồng bào dân tộc Ca Dong vẫn quen sống với tập tục ở nhà sàn.
Ngoài ra, Phó chủ tịch huyện nhìn nhận, người dân sống ở khu tái định cư được thời gian, tiền nhận được từ dự án đã dùng phung phí nên hết sạch rồi phải đi làm thuê. "Nhiều hộ gia đình rơi vào túng quẫn, đói nghèo đã đóng cửa nhà, tìm vào rừng sâu làm rẫy, hoặc về lại làng cũ gần khu hồ thủy điện sinh sống", ông Ven cho biết.
Theo ông Ven, chính quyền địa phương các xã và cán bộ huyện liên tục tới các khu tái định cư, nơi người đồng bào Ca Dong đang sinh sống trò chuyện, tìm hiểu khó khăn người dân đang gặp phải để giúp họ ở lại làng làm ăn sinh sống.
Xuân Ngọc
Theo VNE
Khu biệt thự cho cán bộ cao cấp vắng bóng người ở thủ đô Cả trăm biệt thự ở Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã xây xong phần thô từ nhiều năm nay, nhưng chỉ chưa đầy chục hộ đến ở, còn lại để cỏ mọc đến ngang gối. Khu nhà ở cao cấp nằm tại ô TT9, TT10 khu đô thị mới Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cách khu liên hiệp thể...