Kiểm tra kiến nghị khấu trừ tiền sử dụng đất dự án của Gamuda Land
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành xem xét biện pháp giải quyết kiến nghị của Công ty CP Gamuda Land liên quan tới việc khấu trừ tiền sử dụng đất tại dự án khu liên hợp văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng (TPHCM).
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành vừa ký văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết kiến nghị của Công ty CP Gamuda Land liên quan tới việc khấu trừ tiền sử dụng đất tại dự án khu liên hợp văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng, quận Tân Phú, TPHCM.
Công ty CP Gamuda Land đã kiến nghị UBND TPHCM hoàn trả lại 514 tỉ đồng (khấu trừ vào tiền sử dụng đất dự án) mà công ty đã chi trả để bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 34,6 ha đất giao thông, cây xanh, mặt nước trong khuôn viên dự án khu liên hợp Văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng do diện tích đất này trong khuôn viên dự án phục vụ mục đích công cộng.
Được biết, dự án khu liên hợp văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng có quy mô 82,5 ha, được UBND TPHCM chấp thuận cho Công ty CP đầu tư địa ốc Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng (Công ty Thương Tín Tân Thắng) làm chủ đầu tư. Sau đó, Công ty CP Gamuda Land mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty Thương Tín Tân Thắng để sở hữu dự án.
Theo đó, Công ty CP Gamuda Land đã kiến nghị UBND TPHCM hoàn trả lại 514 tỉ đồng (khấu trừ vào tiền sử dụng đất dự án) mà công ty đã chi trả để bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 34,6 ha đất giao thông, cây xanh, mặt nước trong khuôn viên dự án khu liên hợp Văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng do diện tích đất này trong khuôn viên dự án phục vụ mục đích công cộng.
Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì Công ty CP Gamuda Land không trực tiếp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân tái định cư, công ty này chỉ mua lại cổ phần từ Công ty Thương Tín Tân Thắng để sở hữu dự án nên không được khấu trừ chi phí bồi thường, tái định cư vào tiền sử dụng đất, thuê đất dự án. Công ty CP Gamuda Land có trách nhiệm kế thừa quyền, nghĩa vụ của Công ty Thương Tín Tân Thắng tại dự án trên theo đúng quy định của pháp luật.
Vì vậy, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và UBND TPHCM kiểm tra, làm rõ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cua quận Tân Phú đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có 82,5ha đất tại thời điểm thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu liên hợp văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng.
Video đang HOT
Đồng thời, làm rõ quy hoạch xây dựng dự án này được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như cơ cấu sử dụng đất, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và kết nối hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh…
Ngoài ra, Luật đất đai 2003 không quy định Nhà nước cho thuê đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng công trình phục vụ lợi ích công cộng nhằm mục đích kinh doanh, nên Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu làm rõ quyết định 5081 năm 2010 của UBND TPHCM cho Công ty CP Gamuda Land thuê 82,5 ha đất để làm dự án, trong đó có 34,6 ha đất giao thông, cây xanh, mặt nước không thu tiền sử dụng đất có phù hợp quy định pháp luật về đất đai không.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành xem xét biện pháp giải quyết kiến nghị của Công ty CP Gamuda Land liên quan đến dự án khu liên hợp văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng theo đúng quy định.
Riêng đối với từng hạng mục, công trình trên diện tích 34,6 ha trên phải xác định rõ diện tích đất, hạng mục, công trình phục vụ lợi ích công cộng nào thuộc trách nhiệm thành phố phải thực hiện nhưng giao cho Công ty Thương Tín Tân Thắng giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, giao lại cho thành phố quản lý, sử dụng; phần diện tích, hạng mục, công trình nào công ty phải thực hiện theo quy định pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành xem xét biện pháp giải quyết kiến nghị của Công ty CP Gamuda Land theo đúng quy định. Đồng thời, giao Bộ Tài nguyên và môi trường báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2020.
Lâm Vỹ
Dự án bất động sản 'đứng hình' vì cán bộ chùn tay?
Việc hàng loạt cán bộ, lãnh đạo của TPHCM bị bắt và đưa ra xét xử thời gian qua đã tác động không nhỏ đến tâm lý của cán bộ hiện tại khiến công việc ở nhiều sở, ngành bị ùn ứ.
Ách tắc
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, nói rằng, dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) có quy mô 91ha đã mất 3 năm nhưng chưa thể làm xong thủ tục.
"Kế hoạch sử dụng đất công ty đăng ký đến nay cũng đã hết hạn, khi xin gia hạn thì không được chấp thuận. Điều này khiến công ty thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vay lãi ngân hàng cũng như lãi phải trả cho các đối tác liên doanh", bà nói.
Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương gửi văn bản lên Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đối với dự án Khu phức hợp Tháp quan sát Thủ Thiêm (Empire City) tại khu chức năng số 2 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 mà công ty làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư nêu 5 vướng mắc, trong đó có việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư liên quan tăng vốn góp thực hiện dự án, hồ sơ gửi đi từ ngày 16/7/2018 nhưng đến nay, các sở, ngành vẫn chuyển lòng vòng.
Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh, cho rằng, công tác giải quyết công việc của các cơ quan, ban, ngành ở TPHCM còn nhiều bất cập, dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Ông Đực nêu ví dụ, công ty của ông có một dự án nhỏ khoảng 3.700m2 nhưng đóng tiền sử dụng đất mãi không xong.
Sợ trách nhiệm
Nhiều doanh nghiệp bất động sản ở TPHCM đặt câu hỏi, cùng mặt bằng pháp lý như nhau, vì sao các dự án nhà ở TPHCM bị vướng, còn các địa phương khác thì không? Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như pháp luật chưa thật sự đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, phương thức xây dựng các luật phổ biến theo kiểu luật "khung", luật "ống" dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của bộ, ngành đề xuất luật.
"Việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế do một số cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết", ông Châu nói.
Trong văn bản số 1255/UBND-ĐT của UBND TPHCM gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn có nội dung thừa nhận nhiều dự án bất động sản gặp khó là do cán bộ sợ trách nhiệm.
"Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, rà soát lại thủ tục pháp lý dẫn đến tình trạng đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước", văn bản nêu.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, năm 2019, TPHCM chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư (giảm 24% số dự án so với năm 2018), 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư (giảm 67 dự án) và 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Người đứng đầu chính quyền TPHCM nói rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp.
"Nếu không giải quyết được những vấn đề này sẽ càng gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của TPHCM và nguồn lực kinh doanh của các nhà đầu tư, uy tín của các sở, ngành. Tuy nhiên, có những vướng mắc về cơ chế, quy trình thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền Trung ương mà TPHCM không thể giải quyết. UBND TPHCM sẽ đăng ký với Văn phòng Chính phủ để báo cáo những khó khăn trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TPHCM", ông Phong nói.
TPHCM nên phát triển phong trào "3G", gồm giảm luật lệ, gom thủ tục và gấp, ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh, đề xuất.
Duy Quang
Quy hoạch rừng Sóc Sơn lộ bất cập, Hà Nội 'lệnh' rà soát để điều chỉnh Quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn còn bất cập, trùng, lấn vào đất ở dân cư, bản đồ quy hoạch lấy theo mốc giả định, do đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn tiến hành rà soát chi tiết diện tích rừng trên địa bàn để xem xét điều chỉnh theo quy định. Quy hoạch rừng Sóc Sơn...