Kiểm tra biên chế và tuyển dụng ở bộ, ngành ‘có dư luận’
Trong nhóm nội dung về cải cách hành chính, các vấn đề về tuyển dụng, quản lý cán bộ và kinh phí quản lý bộ máy nhà nước về biên chế… được tập trung kiểm tra.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, vừa ký ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2019 tại các bộ, ngành và địa phương.
Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ kiểm tra việc triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính không chỉ ở những nơi làm tốt, có nhiều sáng kiến tích cực, mà còn tập trung kiểm tra ở những bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện tốt, có dư luận xã hội. Đặc biệt, trọng tâm kiểm tra là nơi báo chí phản ánh có tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính, có tình trạng cán bộ công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, cửa quyền, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp…
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sẽ kiểm tra công tác cải cách hành chính ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Ảnh: Minh Hoàng.
Cụ thể, nội dung được kiểm tra là công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính gắn với tình hình triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của bộ, ngành và địa phương.
Công tác thể chế, kiểm tra công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, rà soát, theo dõi tình hình thi hành pháp luật cũng là một nội dung được Ban chỉ đạo quan tâm.
Nằm trong kế hoạch kiểm tra lần này còn có nội dung quá trình triển khai và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…
Cạnh đó là việc cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và chi phí cho doanh nghiệp.
Về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Ban chỉ đạo sẽ rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có để đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của bộ máy.
Trọng tâm chuyên đề này là kiểm tra việc triển khai các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…
Nội dung trọng tâm khác của kế hoạch lần này là kiểm tra tình hình triển khai đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; kiểm tra trách nhiệm và đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Trọng tâm hướng vào việc tuyển dụng, quản lý, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
Về công tác cải cách tài chính công, sẽ kiểm tra việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý đối với cơ quan nhà nước về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; việc ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý tài sản công.
Video đang HOT
Ngoài ra, kiểm tra việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các danh mục đã được phê duyệt.
Việc triển khai gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước cũng sẽ là một trong những nội dung được đề cập.
Theo Zing.vn
Giải quyết kịp thời bức xúc của người dân, không để phát sinh điểm nóng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình yêu cầu Phú Yên tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; kiên quyết không để phát sinh điểm nóng để các thế lực thù địch lợi dụng.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Sáng 8/12, tại tỉnh Phú Yên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình có cuộc làm việc với Tỉnh uỷ Phú Yên về việc thực hiện năm "Dân vận chính quyền" trên địa bàn.
17/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Báo cáo của tỉnh Phú Yên cho biết năm 2018, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh Phú Yên cũng gặp không ít thách thức. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình KT-XH, quốc phòng an ninh của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển.
Toàn bộ 17 chỉ tiêu kế hoạch đề ra ước đạt và vượt, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt kế hoạch như tăng trưởng kinh tế đạt 8,21%, thu ngân sách đạt 4.500 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ), thu nhập bình quân người đạt 39,7 triệu đồng/người/tháng (tăng 10% so với cùng kỳ), giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 11.595 tỷ đồng, năng suất lúa vụ đông xuân đạt 75,5 tạ/ha (cao nhất từ trước đến nay).
Một số dự án lớn đăng kỳ đầu tư vào nông nghiệp đã bắt đầu triển khai như trang trại bò sữa Vinamilk Phú Yên. Khách du lịch hơn 1,6 triệu lượt, tăng 14,6%, tổng doanh thu hoạt động du lịch ước đạt 1.556 tỷ đồng, tăng 25% so. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 2.895 doanh nghiệp.
Về việc thực hiện năm "Dân vận chính quyền" trên địa bàn, tỉnh Phú Yên cho biết đã từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước các cấp với việc quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách về công tác dân vận đến các cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng quy chế và văn hoá ứng xử của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ trên tinh thần "thân thiện, nghĩa tình, tận tuỵ, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật".
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện; kết quả tinh giản biên chế đạt 22%, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ với việc sáp nhập một số phòng ban cấp tỉnh, tinh giản ở cấp huyện.
Đặc biệt, tỉnh thường xuyên chỉ đạo nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương với việc các cấp uỷ đảng, chính quyền thường xuyên chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XII. Tỉnh cũng ban hành quy định xin lỗi khi giải quyết thủ tục hành chính sai sót, trễ hạn.
Công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại tố cáo được quan tâm thực hiện, hằng tháng lãnh đạo tỉnh, huyện đều trực tiếp tiếp công dân để nghe phản ánh, kiến nghị và giải quyết kịp thời trên tinh thần dân chủ, công khai; phối hợp, tạo điều kiện với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội và nhân nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh.
Phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường
Sau khi nghe Báo cáo của Đoàn kiểm tra và các đại biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng đoàn kiểm tra ghi nhận và đánh giá cao những thành tích phát triển KT-XH, quốc phòng và an ninh mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Yên đạt được năm 2018, nhất là hoàn thành thắng lợi 17/17 chỉ tiêu, với 11 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, trong đó có kết quả thực hiện "Năm dân vận chính quyền 2018" của tỉnh Phú Yên.
Nổi bật là, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu đã nhận thức sâu sắc hơn nội dung cần phải thực hiện trong công tác dân vận của chính quyền; nhận thức của chính quyền các cấp về công tác dân vận được nâng lên rõ rệt.
Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện năm "Dân vận chính quyền" được tổ chức triển khai kịp thời, ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện trong cả hệ thống chính trị toàn tỉnh.
Phú Yên đã xây dựng Kế hoạch trọng tâm với chủ đề phù hợp cho từng năm như: Năm 2017 - Năm kỷ cương hành chính với phương châm rất thiết thực 4 Biết: "Biết chào hỏi, biết lắng nghe, biết xin lỗi, biết cảm ơn" và kỷ cương hành chính "Thân thiện - Nghĩa tình; Tận tụy - Trách nhiệm; Kỷ cương - Kỷ luật".
'Đoàn kiểm tra nhận thấy, tỉnh đã quyết liệt triển khai Trung tâm hành chính công, gắn với cơ sở hạ tầng ngành bưu điện để tạo thuận lợi cho người dân. Hy vọng sang năm sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn", Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có 45/88 xã (51%) đã đạt chuẩn nông thôn mới; không có xã nào đạt dưới 7 tiêu chí; bình quân toàn tỉnh đạt 15,06 tiêu chí/xã...
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém để tỉnh nhìn nhận, khắc phục thời gian tới. Đó là, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tăng so với năm trước nhưng vẫn còn thấp.
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn so với bình quân cả nước (cả nước là 5,2%); thu nhập bình quân đầu người bằng 72,2% cả nước (cả nước 55 triệu đồng). Sản xuất ngành công nghiệp không ổn định; quy mô công nghiệp chế biến còn nhỏ chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, phần lớn chỉ dừng lại ở hoạt động gia công, lắp ráp, chưa có sản phẩm mang tính đột phá. Phát triển kinh tế tư nhân chưa sôi động, phong trào khởi nghiệp chưa cao.
Cải cách hành chính chưa tạo được sự chuyển biến đồng bộ, mạnh mẽ từ cấp tỉnh đến cơ sở, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Các chỉ số cải cách hành chính tuy có tăng hơn so với năm trước nhưng vẫn còn thấp và chưa bền vững; thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, đơn vị, địa phương còn chậm so với thời gian quy định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước còn hạn chế.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa có giải pháp xử lý kiên quyết, triệt để tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép, không theo quy hoạch tại một số đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh gây ô nhiễm môi trương, phat sinh dich bênh. Công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Tình trạng khai thác tài nguyên trái phép vẫn còn xảy ra. Tình hình an ninh, trật tự có lúc, có nơi còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, mất ổn định...
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, tỉnh Phú Yên cần tiêp tuc tập trung chỉ đạo quyết liệt triên khai thực hiện co hiêu qua các Chương trinh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và các Chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII; phát huy mạnh các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế.
Phú Yên có bờ biển dài, đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh, con người cần cù, hiếu khách nên cần tập trung phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó, nghề câu cá ngừ đại dương, nuôi tôm hùm của người dân Phú Yên đã trở nên nổi tiếng, cần tiếp tục phát huy. Nghề nuôi trồng phải bảo đảm cần bằng sinh thái, không ô nhiễm môi trường, xác định loại đặc sản riêng của tỉnh. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm của tỉnh khi đang có nhiều tiềm năng lớn.
"Trong quá trình phát triển cần chú ý giữ gìn môi trường sống, nhất là vấn đề xử lý rác thải, nước thải ra môi trường sống đang là vấn đề nhức nhối trong nhân dân, ảnh hưởng đến sức khoẻ, sự phát triển bền vững của đất nước, bảo vệ rừng phòng hộ, bảo vệ văn hóa truyền thống của địa phương", Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.
Nhân dân đồng thuận sẽ thành công
Về công tác "Dân vận chính quyền" trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh Phú Yên cần xác định công tác dân vận là nhiệm vụ rất quan trọng, có ý nghĩa thành bại trong các nhiệm vụ công tác của chính quyền, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chúng ta cần nắm rõ, dân vận vừa là mục tiêu, vừa là phương thức trong vận động cách mạng trên cơ sở các chính sách, đường lối, pháp luật; tất cả vì nhân dân phục vụ, hợp với lòng dân xuất phát từ nhân dân để nhân dân đồng thuận, ủng hộ thì sẽ thành công.
Cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về dân vận thành các văn bản pháp luật trên tinh thần bám sát hơi thở cuộc sống, loại bỏ quy định không phù hợp; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện.
Thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức. Thực hiện tốt chế độ công khai trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan nhà nước. Tập trung rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
"Ngay như việc khiếu nại tố cáo của nhân dân diễn ra hiện nay có một phần do chúng ta chưa làm tốt công tác giải toả đền bù, chưa bảo đảm quyền lợi của dân, chưa bảo đảm hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân, nhất là của nhân dân. Muốn vậy, chính quyền phải bám dân, hiểu dân, giải quyết kịp thời các vướng mắc và quyền lợi chính đáng của dân, tạo sự ổn định tại địa phương. Kiên quyết không để phát sinh điểm nóng để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động nhân dân, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.
Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm việc sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, lấy kết quả phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị.
Quan tâm xây dựng, kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp theo chủ trương của Trung ương. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng để tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tập trung chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới trên tinh thần đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, nhất là đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, để ai ai cũng có Tết, nhà nhà đều có Tết.
Cũng trong ngày hôm nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã đi thăm, tặng quà một số gia đình chính sách trên địa bàn.
Lê Sơn
Theo PLO
Vĩnh Phúc tập trung phát triển chính quyền điện tử Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử. Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm...