Kiếm tiền tỷ mỗi năm từ vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”
Ông Nguyễn Văn Tất không chỉ là những người gieo màu xanh cây trái, làm cho vùng đất Ia Piơr trở nên trù phú mà còn là Chủ tịch Hội Nông dân xã năng động, nhiệt tình với công tác Hội và phong trào nông dân…Với hơn 20ha vườn cây ăn trái, điều, cao su…mỗi năm gia đình ông Tất có thu nhập cả tỷ đồng.
Đi xây dựng vùng đất mới
Sau 20 năm đặt chân đến xã Ia Piơr, huyện Chư Prông (Gia Lai), ông Nguyễn Văn Tất đã từng bước biến vùng đất trống rộng gần 20ha một thời là nơi “ chó ăn đá gà ăn sỏi” thành những vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ thoát nghèo, gia đình ông còn được biết đến là hộ sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Dù ngôi nhà chính nằm ở làng Piơr 1 nhưng mọi sinh hoạt của gia đình ông Tất lại tập trung tại căn nhà gạch dựng tạm ngoài rẫy. Bao quanh căn nhà ấy là bạt ngàn các loại cây ăn trái, điều và cao su. Ông Tất lý giải việc “cắm chốt” tại căn nhà này không chỉ để tiện cho việc chăm sóc vườn cây mà còn bởi đây là nơi gia đình ông đã gắn bó kể từ ngày vào Ia Piơr lập nghiệp.
Những năm gần đây, giá mủ giảm, ông Tất đã thu hẹp vườn cao su chuyển sang trồng cây ăn trái, trong đó có trồng na (mãng cầu) cho thu nhập cao. ảnh: Hồng Thương
Nhấp chén trà nóng hổi, ông Tất nhớ lại: “Quê tôi ở tỉnh Hải Dương. Năm 1997, tôi quyết định đưa vợ và 3 đứa con vào Ia Piơr lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Khi vào đến nơi, gia đình được Nhà nước cấp 400m2 đất ở, 1 căn nhà gỗ, 5 sào đất canh tác và 6 tháng gạo. Tuy nhiên, con cái đông, lại phải bắt đầu cuộc sống mới với số tiền chưa đến 2 triệu đồng nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng tôi phải đi bắt cua, cá ở các con suối gần nhà, đồng thời mượn đất để trồng lúa nhằm giải quyết cái đói trước mắt”.
Khó khăn là vậy nhưng với sự cố gắng không ngừng, cuộc sống của gia đình ông Tất cũng dần được cải thiện. Chỉ sau một thời gian ngắn, 5 sào đất sản xuất của gia đình ông đã được phủ xanh bởi các loại cây trồng ngắn ngày như: Bắp, mì, đậu.
Video đang HOT
Khi đã có thu nhập, ông Tất lại mạnh dạn mua thêm đất để mở rộng diện tích sản xuất. Do đó, thu nhập của gia đình ngày càng tăng, có thời điểm đạt trên 300 triệu đồng/năm. “Trồng các loại cây này không những hợp với thời tiết và thổ nhưỡng ở đây mà còn nhanh cho thu nhập. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình tích lũy được một số vốn kha khá”- ông Nguyễn Văn Tất vui vẻ cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2008, ông Tất lại mua thêm đất đầu tư trồng cao su, điều. Đồng thời, ông Tất đào ao nuôi cá, mua máy cày, máy ủi để phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình và làm thuê cho các hộ dân trong làng.
Nhờ đó, thu nhập của gia đình tăng lên, mỗi năm đạt trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 500 triệu đồng. Đầu năm 2015, ông đầu tư 1 tỷ đồng để chuyển đổi 6ha trồng cao su và đậu, bắp, mì sang trồng các loại cây ăn quả như: Na, mít, ổi, xoài, chanh…
“Thủ lĩnh” nhiệt tình, trách nhiệm
Không chỉ nổ lực vươn lên làm giàu, đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương, ông
Nguyễn Văn Tất còn là một Chủ tịch Hội Nông dân xã rất nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Hội và phong trào nông dân.
Diện tích canh tác rộng, công việc nhiều, nhưng dù bận rộn với việc nương rẫy, ông Nguyễn Văn Tất luôn dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, nhất là những loại cây trồng mới nhằm phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập cho các hộ gia đình cán bộ, hội viên.
Trong việc tổ chức, triển khai sản xuất, khai thác tiềm năng đất đai, ông Nguyễn Văn Tất là người hăng hái nhưng thận trọng. Ông thường xuyên tìm hiểu thị trường tiêu thụ các loại nông sản, hoa trái để định hướng cho hội viên hướng sản xuất hợp lý, từ đó nhằm nâng cao thu nhập.
Trong sản xuất, gia đình ông Tất còn giúp nhiều cán bộ, hội viên mua cây giống trả chậm không tính lãi để phát triển sản xuất. Bà Vũ Thị Thoa (thôn Kỳ Phong, xã Ia Piơr) cho biết: “Nhờ được ông Tất giúp mua trả chậm một số mặt hàng cây-con giống và phối hợp giúp vay vốn từ ngân hàng, Quỹ hội mà tôi và nhiều hội viên có cơ hội đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu”.
Với nỗ lực của mình, ông Tất nhiều năm liền được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, xã; được chính quyền huyện, xã và cấp trên biểu dương vì đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân.
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Chư Prông luôn đánh giá cao đóng góp của ông Nguyễn Văn Tất đối với kết quả công tác Hội và phong trào nông dân ở địa phương qua từng năm, từng nhiệm kỳ. Theo đó, ông Tất là một cán bộ Hội năng động, nhiệt tình trong công tác.
Nhờ có ông Tất tích cực tuyên truyền, vận động mà phong trào thi đua được hội viên hưởng ứng nhiệt tình và đạt kết quả thiết thực. Không những thế, ông Tất luôn vượt khó trong lao động sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất…
Theo Danviet
Tây Nguyên ứng phó với mùa khô hạn sau Tết Nguyên đán
Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sơ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, thời điểm sau Tết Nguyên đán, Tây Nguyên bước vào mùa khô hạn năm 2019.
Cánh đồng lúa xã làng Klũh Lãh, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông thực hiện mô hình xuống giống sớm cho hiệu tránh hạn tốt.
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng, tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng các phương án chống hạn cụ thể cho từng công trình, từng khu tưới; trong đó, có biện pháp cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến khí hậu tỉnh Gia Lai với xác suất khoảng 70%. Do vậy, để đảm bảo nước phục vụ sản xuất trên địa bàn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai đã tăng cường kiểm tra giám sát các công trình thủy lợi; đánh giá lượng nước hiện có trên các sông suối và tích nước tại các hồ chứa An Khê-Ka Nak, Sông Ba, Ayun Hạ,Ia Mlá... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình, hạng mục công trình xây dựng trong năm để phục vụ sản xuất;. Cùng đó, chủ động tổ chức nạo vét kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy.
Ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai cho biết thêm, tỉnh ưu tiên các biện pháp nhằm tận dụng mọi nguồn nước cho sản xuất Đông Xuân. Cùng đó, củng cố hoạt động của các tổ chức hợp tác dùng nước, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, vận động người dân tham gia quản lý, điều tiết nguồn nước tưới nhất là các kênh tưới mặt ruộng. Riêng đối với các công trình có khả năng thiếu nước, Gia Lai đã lập kế hoạch tưới luân phiên cho cây trồng một cách hợp lý, ưu tiên nước cho sản xuất chăn nuôi, công nghiệp, tưới cho cây trồng thời kỳ trổ bông, làm đòng.
Năm nay, huyện Chư Prông chọn cánh đồng làng Klũh Lãh, xã Ia Boòng để trồng thử nghiệm lúa nước trước thời gian gieo sạ như những năm trước đây để tránh tình trạng khô hạn. Theo ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông cho biết, năm nay, huyện triển khai trồng thử nghiệm 2,5 ha giống lúa TR1 trên cánh đồng làng Klũh Lãh, xã Ia Boòng trước mùa vụ khoảng nửa tháng để tránh tình trạng lúa thiếu nước trong giai đoạn trổ đòng như những năm trước. Hiện tại, diện tích lúa này phát triển tốt, khỏe và đang đẻ nhánh trổ đòng. Sau khi mô hình thành công sẽ được nhân rộng ra nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện vào năm sau.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ nguồn nước, hạn chế rò rỉ thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường vận động sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, theo dõi và điều hòa lượng nước bơm, nước tưới giữa cây cà phê và cây lúa nước, không để xảy ra việc tranh chấp điện, nước phục vụ sản xuất trong nhân dân.
Ông Rơ Mah Ban, làng Klũh Lãh, xã Ia Boòng cho biết, 13 hộ dân tộc thiểu số của làng đã được chính quyền huyện Chư Prông cấp giống lúa Hương thơm TR1, phân bón để trồng thử nghiệm mô hình chống hạn. Bình thường thì đầu tháng 12 người dân mới tiến hành sạ lúa nhưng với mô hình chống hạn này thì ngày 15/11 đã xuống giống. Ngoài giống và phân bón, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông còn tập huấn kỹ thuật trồng lúa nước, xuống tận ruộng hướng dẫn cách xuống giống, chăm sóc, rải vôi, khử phèn, khơi thông nguồn nước. Nhờ vậy, diện tích lúa năm nay phát triển tốt hơn năm ngoái vì đủ nước để lúa trổ đòng. Thấy mô hình hiệu quả, rất nhiều hộ dân trong làng đăng ký mô hình này trong năm sau.
Tình trạng thiếu nước tưới cây công nghiệp vào mùa khô cũng là mối lo của nông dân Gia Lai nên ngay từ những ngày đầu Tết Nguyên đán, nhiều hộ dân đã thức trắng đêm để tưới cây cà phê.
Chị Phạm Thùy Dung, xã Ia Tô, huyện Ia Grai cho biết, do năm ngoái cà phê mất mùa, ít trái nên năm nay người dân khu vực này đều cố công chăm sóc lại vườn cây. Hằng năm, mùa khô hạn, thiếu nước bắt đầu ngay sau Tết Nguyên đán nên người dân ăn Tết xong đều tập trung tưới để cây trổ bông. Chính vì thế, gia đình đã tranh thủ tưới diện tích cà phê của gia đình để hạn chế tình trạng tranh chấp nguồn nước tưới.
Tin, ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Theo Tintuc
Quảng Nam: Mô hình mới 2019-đem vườn xuống ruộng, từ lỗ thành lời Những năm gần đây, việc trồng lúa gặp nhiều khó khăn do người nông dân không có lãi, thậm chí gặp năm mất mùa là lỗ. Chính vì thế, nhiều nông dân đã chuyển đổi đất ruộng thành những mô hình trồng cây ăn quả. Mô hình mới lạ này cũng đã xuất hiện nhiều tại xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh...