“Kiếm tiền chuyển giới, ngại gì bán thân” (!)
“Trong mắt mọi người, “pê đê” tụi mình đã là bệnh hoạn rồi, còn gì để mất nữa đâu mà giữ với gìn”. Nghe lời “đàn chị” đi trước, Dung bước vào con đường bán thân để có tiền trang trải cuộc sống và lớn hơn là thực hiện ước mơ chuyển giới.
Khát khao đổi phận
21 tuổi, vẻ ngoài của Dung giống một cô gái nhờ những bộ váy áo trẻ trung, mái tóc nối dài được nhuộm vàng. Nhưng không cần nhìn kỹ, người đối diện cũng có thể nhận ra ngay người này vốn được sinh ra trong diện mạo của đàn ông. Dung muốn mọi người xem mình là phái nữ – đúng với ước muốn mà lúc mới 6 – 7 tuổi cô đã mơ hồ cảm nhận được trong con người mình.
Trong buổi nói chuyện, lâu lâu Dung lại đưa thay lên trán xoa kêu nhức đầu và buồn nôn mà theo cô là do tác dụng của những lần tiêm hooc môn nữ và uống thuốc tránh thai liên tục. Đó là các “loại thuốc” người chuyển giới thường truyền tai nhau dùng chứ thực tế họ không biết rõ tác dụng hay hậu quả khi nạp chúng vào cơ thể đến đâu.
Người đông tính có khát khao được thay đổi giới rất mãnh liệt, thậm chí họ có thể chấp nhận chết để được sống đúng với con người mình.
“Qua mối, tụi em nhờ người tiêm dạo hoặc các chị tự tiêm lấy cho nhau. Mỗi lần tiêm xong em tê liệt nửa người, tay chân cứng đơ, cảm giác xương cốt bị bào mòn vài ngày liền. Nhiều người cảnh báo có thể chết nhưng khát khao đổi phận trong tụi em lớn hơn cái chết rất nhiều”, Dung nói.
Lần đầu phát hiện con lén mặc đồ nữ, mẹ Dung bần thần chưa nói nổi thành lời. Vài hôm sau, cả nhà cùng xúm vào chửi bới, mắng mỏ. Nhiều năm trời hắt hủi, họ quay sang xem Dung không tồn tại trong nhà. Với Dung, nhờ vậy mà cô chưa đến mức phải bỏ nhà đi bụi như nhiều bạn cùng cảnh khác.
Có sẵn nhiều nét nữ tính là lợi thế của Thu Thủy so với người trong giới. “Tướng em điệu đà từ hồi nhỏ”, giờ đây Thủy nói đầy tự hào như để khẳng định mình vốn thuộc về phái yếu từ lúc sinh ra. Nhưng cũng bởi vẻ ngoài đó mà tuổi thơ của Thủy cay đắng tận cùng, là cái cớ để cho mọi người chọc ghẹo, khinh rẻ và chà đạp cô.
Mỗi lần đến trường là Thủy hoảng loạn vì kiểu gì cũng sẽ bị bạn bè hò nhau rượt đuổi “thằng pê đê kìa” rồi đánh đấm cô túi bụi, nhiều lần cô còn bị nhóm bạn lột đồ trần truồng để “kiểm tra thân thể”. Thủy chẳng biết cầu cứu ai bởi người lớn thường mắng Thủy: “Mày bệnh quá thì bị vậy thôi, kêu ca chi!”. Mỗi lần như vậy, Thủy chẳng muốn đến trường, bỏ học triền miên, nhiều năm liền chẳng lên nổi lớp. Lên lớp 6, cô bỏ học mà như Thủy lý giải đó cũng là cách phòng vệ của người chuyển giới, nếu không chỉ có nước tìm đến cái chết vì bị kỳ thị.
Diễn tại các đám ma – công việc của nhiều người chuyển giới tại TPHCM.
Lăn lộn với cuộc sống đường phố, việc gì cũng làm, đến đâu cũng… bị đuổi, năm 16 tuổi, Thủy bắt đầu tiêm hoóc môn nữ bằng những đồng tiền lẻ do cô kiếm được. 6 – 7 năm nay, cô vẫn chỉ mới chuyển giới “phần trên”. Tiền làm không đủ sống, đi hát đám ma để kiếm vài triệu đồng tháng, Thủy vẫn nuôi hy vọng có ngày được chuyển giới hoàn toàn.
“Người ta sợ nhất cái chết, tụi em chỉ sợ không được sống đúng con người mình. Nếu vậy chết còn khỏe hơn cho dù bây giờ sống cũng đâu ra sống”, Thủy nói và khoe cô từng có người yêu mà rồi chẳng bao giờ anh dám đi cùng, anh cũng không chịu nôi cái nghề cô đang làm nên chia tay.
Video đang HOT
Ê chề bước đường tăm tôi
Bị kỳ thị, phân biệt, không xin được việc làm, người chuyển giới thường co cụm lại với nhau. Sống không nổi với các nghề khác, không ít người trong giới rủ nhau đi bán dâm bởi chính họ cũng tự nói với nhau: “Pê đê không đi hát đám ma thì chỉ có đi “làm gái”".
Có gì khó hiểu lắm đâu khi mà phần lớn người chuyển giới sớm dang dở con đường học hành, chẳng có tay nghề và cũng chẳng nơi nào nhận họ vào làm việc. Chu kỳ sống của nhóm người chuyển giới lâu nay được mặc định ban ngày ngủ trong nhà, tối đến trang điểm ra đường, ra công viên chơi, ra đường gặp gỡ người cùng giới, đi hát đám ma hoặc đi bán thân.
Vì cuộc sống mưu sinh cùng khát khao chuyển giới và cả đối diện với sự khinh miệt của xã hội, nhiều người chuyển giới bước chân vào đường “làm gái”(Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Trên con đường gập ghềnh mưu sinh, Dung cũng đã có thời gian bước vào con đường bán thân kiềm miếng ăn cũng như nuôi khát khao chuyển giới sau câu nói của một “đàn chị” trong nghề: “Trong mắt mọi người tụi mình đã bệnh hoạn rồi, còn gì để mất nữa đâu mà giữ với gìn”.
Đêm xuống, đi kèm với vẻ ngoài son phấn, ăn mặc đẹp roi rói bắt khách là những nôi ê chề. Khách của họ có đủ đối tượng, và không chỉ đồng tính nam mà đàn ông đích thực có khi cũng muốn “thử của lạ”…
Dung đã từng gặp những vị khách bất ổn về tâm lý, vừa vào khách sạn là lao vào đánh đập, giật tóc, cấu xé lấy Dung như trút hết mọi uất ức trong người. Cô phản ứng thì họ lớn tiếng “Tao bỏ tiền mua mày lúc này, tao thích làm gì tao làm” đến mức Dung phải gọi điện nhờ “đàn chị” đến giải cứu.
Dung cúi mặt: “Nói ra thì ê chề nhưng nhờ công việc này mà em góp được từng khoản tiền nhỏ để tiêm hoóc môn nữ cũng như để trang trải cuộc sống”. Sau lần bị công ăn bắt và xử phạt, lại nghe nói quan hệ đồng tính có nguy cơ mắc “ết” cao nên Dung sợ mà bỏ việc bởi cô vẫn chỉ mới chuyển giới ở… vẻ ngoài, thân thể vẫn là đàn ông.
Bây giờ, ngoài việc đi hát đám ma, cô được người quen rủ về phụ bán quán bột chiên, ốc ở vỉa hè đường Phan Xích Long. Khách đến quán nhiều khi chỉ để chỉ trỏ “pê đê kìa”.
Khi còn bị kỳ thị, cuộc sống của người chuyển giới sẽ còn quay trong vòng xoáy tủi hờn.
Duyên, 21 tuổi, nam chuyển giới nữ nhà ở Q.3 cho biết sau thời gian kiếm đủ việc bên ngoài nhưng chẳng nơi nào nhận, cô mới gia nhập nhóm pê đê hát đám ma. Khi đó, Duyên khăng khăng công việc này là lựa chọn cuối cùng chứ nhất quyết không bán thân. Nhưng công việc không trôi chảy, không có buôi diễn, túng thiếu đủ bề, nhiều tháng trời Duyên nhịn đói nằm nhà sống nhờ bạn bè. Trong cơn cùng cực, nghe nhiều người rỉ tai: “Mày đi hát đám ma để người ta sờ ngực, sờ mông khác nào bán dâm. Mày chọn đi, đi cướp giật làm hại người ta hay bán vốn tự có để mà sống”. Duyên gật đầu theo các chị ra đứng đường.
Cùng với những ê chề tủi nhục khi đưa thân khác để “mua vui” cho người khác, cô góp được khoản tiền nhỏ để có thể từng bước chuyển giới. Có lẽ Duyên sẽ chưa bỏ nghề nếu không chứng kiến cảnh người bạn của mình cũng là một nam chuyển giới nữ đang vật lộn với sida giai đoạn cuối sau thời gian “làm gái”.
Cái quyết tâm bỏ nghề bán dâm của họ cũng rất chông chênh, nửa vời như chính cuộc sống của họ. Dung không ngại ngân cho biết, cô không còn ra đứng đường vẫy khách nữa nhưng những khi túng, khách quen gọi điện Dung vẫn đi… Ngoài tiền, đó còn là lúc cô thấy mình được yêu thương, chiều chuộng, là nơi để cô trút bầu tâm tư của mình bởi xung quanh Dung từ bố mẹ đến người thân đêu xem Dung không tồn tại…
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Theo Dantri
"Sẽ khổ sở đến mức nào khi lấy người đồng tính?"
"Có bao giờ chúng ta tự hỏi, những người vợ, người chồng sẽ khổ sở đến mức nào khi lấy người đồng tính? Một gia đình khổ chưa đủ hay sao mà phải kéo thêm một gia đình nữa? Những đứa con sinh ra sẽ khô như thế nào?".
Tại sao mọi người đối xử với chúng tôi như vậy? Vì đâu tôi mất hơn 10 năm kỳ thị đứa con trai của mình chỉ vì nó chỉ yêu nam? Tôi là đồng tính nam và nếu tôi cưới vợ như gia đình, xã hội mong muốn thì ai sẽ là người khổ đau? - Hàng loạt câu hỏi của cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) và người thân của họ được gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Hội thảo "Người đồng tính, song tính và chuyển giới - Quy định phát luật và quan điểm của cộng đồng" vừa diễn ra tại TPHCM.
Nỗi đau từ sự kỳ thị
"Nhiều người gọi tụi con là "bóng", "pê đê", là lũ bệnh hoạn. Tụi con bị kỳ thị từ nhỏ nên học hành không đến nơi đến chốn, đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối và phải bươn chải nhiều nghề để sống. Cũng là con người mà sao tụi con bị đối xử như vậy các bác?", một nam chuyển giới nữ ở TPHCM đặt câu hỏi đầy tâm tư của mình đến các đại biểu.
Trên giấy tờ, tên tuổi của em là nam nhưng hình dáng bên ngoài là nữ nên gặp rất nhiều phức tạp. Cô gái trẻ này mong muốn được pháp luật, xã hội thừa nhận để có thể có công việc và có cuộc sống như bao người.
"Cũng là con người mà tại sao tụi con bị đối xử như vậy?" - Một nam chuyển giới nữ đặt câu hỏi.
Cô Thủy, nhà ở Q.9, TPHCM, người mẹ có con là đồng tính nam kể câu chuyện rớt nước mắt của gia đình mình kéo dài 10 năm và vẫn dày vò cô đến nay. Khi biết con là người đồng tính, vợ chồng cô đã không xem con là một con người mà như kẻ bệnh hoạn. Mong muốn con quay lại làm "đàn ông đích thực" , cô quay sang hắt hủi con, xa lánh con. Không thể nhớ hết những lời nói hành động, kỳ thị của mình dành cho con, cô khẳng định một điều rằng lúc đó đến những đồng tiền chân chính con kiếm được đưa về biếu, vợ chồng cô cũng chẳng dám cầm vì "ghê ghê". Vì sự chửi bởi, khinh miệt của người sinh ra mình, con trai cô từng tìm đến cái chết cũng như nhiều lần vào nhà thương điên.
Sau này cô Thủy nhận ra nôi khổ của cha mẹ chưa thấm vào đâu so với những gì con phải chịu đựng. Nếm trải mọi sự hắt hủi, sống không bằng chết, sau hơn 10 năm bị chính cha mẹ dày vò, "con gái" cô mới được cha mẹ chấp nhận.
Cô Thủy (thứ hai từ phải qua) - người mẹ đã mất hơn 10 năm để chấp nhận đứa con đồng tính của mình.
Một đồng tính nam chưa lộ diện cho hay, nhiều gia đình có con đồng tính đều mong muốn con lấy chồng, lấy vợ như bao người. Chính cậu bị gia đình thúc ép cưới vợ.
"Có bao giờ chúng ta tự hỏi, những người vợ, người chồng sẽ khổ sở đến mức nào khi lấy người đồng tính chưa? Một gia đình khổ chưa đủ hay sao mà phải kéo thêm một gia đình nữa? Rồi những đứa con sinh ra trong gia đình mà cha khổ và mẹ cũng khổ sẽ như thế nào?", cậu đưa ra hàng loạt câu hỏi nói lên suy nghĩ của mình về hậu quả của việc cấm hôn nhân đồng tính.
Theo chàng trai này, chỉ khi pháp luật thừa nhận thì những người khác trong xã hội cũng như bố mẹ câu mới tin rằng đây là vấn đề bình thường. Họ sẽ không đau khổ vì con hay ép con kéo theo nhiều nỗi đau khác. "Hôn nhân đồng giới không lấy đi quyền lợi của ai mà chỉ làm mọi người thêm hạnh phúc mà thôi", cậu khẳng định.
Hôn nhân đồng giới - cần cân nhắc kỹ
Luôn tay trong tay với bạn gái, cô gái Thảo Nguyên đến từ Tiền Giang rất lạc quan bày tỏ suy nghĩ về tình yêu cùng giới của mình. Sự lạc quan đó đã lấy nước mắt của không ít vị đại biểu Quốc hội trong hội trường.
Thảo Nguyên nói rằng, cô không quan tâm đến các khái niệm gay (đồng tính nam) hay les (đồng tính nữ) và không muốn nghiêm trọng hóa nó lên bởi đơn giản đây là chuyện tình cảm của mỗi con người, sinh ra đã như vậy.
"Tôi yêu thương người này, cho dù đó là nam hay nữ thì cớ gì bắt tôi yêu và lấy người khác? Cho dù tình yêu này sẽ không cho chúng tôi một lần được lên xe bông, không được gia đình và mọi người công nhận, bị mất nhiều quyền lợi do pháp luật không thừa nhận thì tình yêu đó vẫn tồn tại", nghe Thảo Nguyên nói, bạn gái của cô siết chặt tay người yêu hơn
Thảo Nguyên (trái) và bạn gái: "Chúng không quan tâm đến gay hay les mà quan trọng là chúng tôi muốn được sống với người mình yêu".
Cho dù pháp luật chưa thừa nhận nhưng đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình (tỉnh Bến Tre) không ngại ngần ủng hộ hôn nhân đồng giới. Sự thay đổi này sẽ rất khó khăn, nhất là những văn bản pháp luật liên quan, nhưng theo bà: "Không phải vì khó mà không làm. Người đồng tính cũng như bất kỳ ai đêu có quyền con người mà họ vốn dĩ được hưởng".
Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bạch Mai (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM) cho biết, bản thân bà luôn xem việc bình đẳng giữa mọi giới là cấp thiết và quan trọng. Bản thân bà sẵn sàng chia sẻ, học hỏi thêm những thông tin kiến thức, cũng như mở rộng đối thoại với các cơ quan ban ngành và cộng đồng LGBT, để qua đó giúp người dân sớm thông cảm và ủng hộ cho người LGBT.
Ông Vũ Công Giao (Khoa luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích, cộng đồng LGBT ở nhiều quốc gia phải đối mặt với nhiều hình thức bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần. Cho dù đến nay, những vấn đề về y tế và pháp lý liên quan đến cộng động này đã được làm rõ. "Đồng tính không phải là bệnh, đồng thời không phải là hành vi gây nguy hại sức khỏe đạo đức của cộng đồng hay trật tự an ninh xã hội. Vì thế, các quyền con người, quyền công dân của LGBT không thể bị hạn chế hay tước bỏ", ông Giao nhấn mạnh.
Theo phân tích của TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), trong số 200 nước trên thế giới hiện mới chỉ có 11 quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng giới. Mới đây nhất, Pháp thông qua đạo luật công nhận hôn nhân đồng giới sau hàng chục năm cân nhắc về vấn đề này. Hiện ở Châu Á, chưa có nước nào thừa nhận hôn nhân đồng giới. Vấn đề hôn nhân đồng giới ở Việt Nam theo ông Tú cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, cần những buổi đối thoại cũng như thông tin về cộng đồng này một cách đúng đắn.
Ông Tú cũng cho biết, sau cuộc đối thoại với cộng đồng LGBT tại Hà Nội ngày 10/5 vừa qua và giờ tổ chức ở TPHCM, Viện nghiên cứu lập pháp sẽ tổng hợp các ý kiến thu thập được làm báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, gửi các cơ quan thẩm quyền. Nếu có thể, sẽ biên tập các thông tin thu thập được thành tài liệu để gửi đến từng vị đại biểu Quốc hội để họ có thêm thông tin về cộng đồng LGBT.
Theo Dantri
"Pê đê" hát đám ma: "Được" quấy rối là... may mắn! Một hai bài đầu bình yên, đến những bài sau, khách bắt đầu sờ sẫm lên thân thể Yến. Thấy "cô" e dè, hai người khách cùng đưa tay giật tung chiếc áo sơ mi của Yến. Thân thể người đàn ông đang trong giai đoạn tiêm hoóc môn nữ lồ lộ... * Từ "pê đê" tác giả sử dụng trong bài viết...