Kiểm soát chặt để bớt lo nợ công
Mức chi trả nợ công trong năm 2019 và năm 2020 dự báo vẫn sẽ khá cao. Điều này có thể gây sức ép lên ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, xét trong trung và dài hạn, tỷ lệ nợ công so với GDP trong xu hướng giảm và cơ cấu nợ đã cải thiện là tín hiệu tích cực.
Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước nhằm tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và giảm dần nợ công. Ảnh: Lê Tiên
Nợ công giảm, chi trả nợ vẫn cao
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, nợ công đã liên tục giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống mức 61,4% GDP năm 2017. Năm 2018, Nghị quyết 01/NQ-CP đặt mục tiêu nợ công không quá 63,9% GDP nhưng theo nhận định của Bộ Tài chính, thực tế thực hiện sẽ không quá 61,4% GDP và có khả năng còn thấp hơn. Hiện nay Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát để tổng hợp số liệu, chuẩn xác con số này.
Đánh giá về thực trạng nợ công trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, đã có một số điểm tích cực, đặc biệt là cơ cấu nợ công. Theo đó, cơ cấu nợ trong nước so với nợ nước ngoài được cải thiện rõ rệt theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước, hiện chiếm khoảng 60% tổng nợ công, giảm rủi ro tỷ giá đối với danh mục nợ của Chính phủ nói riêng và nợ công nói chung.
Mặc dù nợ công được nhận xét là diễn biến theo xu hướng tích cực, song điểm đáng ngại là chi trả nợ trong đà tăng và ở mức khá cao so với thu ngân sách nhà nước. Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, tổng chi trả nợ năm 2018 là hơn 272,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,6% tổng thu ngân sách. Năm 2019, tổng chi trả nợ là 321,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 22,7% tổng thu ngân sách.
Nghiên cứu diễn biến nợ công trong nhiều năm qua, TS. Đặng Đức Anh – Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia cho rằng, chi trả nợ công tăng trong năm 2019 và sẽ còn ở mức cao trong năm 2020 vì đã đến hạn trả các khoản vay từ năm 2011 – 2015. Trong giai đoạn đó, chúng ta đã vay nợ với trị giá khá lớn, các khoản vay có kỳ hạn thường là 3 – 5 năm.
“Dù vậy, cũng không đáng ngại vì tỷ lệ trả nợ so với tổng thu ngân sách vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 25% được khuyến nghị là nguy hiểm. Mặt khác, từ năm 2016 – 2018 chúng ta đã thực hiện một số nghiệp vụ về quản lý nợ để giảm áp lực về nợ công, đó là nghiệp vụ đảo nợ và cơ cấu lại các khoản vay”, ông Đức Anh nhấn mạnh. Ông Đặng Đức Anh cũng cho rằng, nếu kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) có xu hướng giảm, cơ cấu khách hàng của TPCP tích cực theo hướng đa dạng các nhà đầu tư, thì nợ công chưa đáng ngại.
Video đang HOT
Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay
Nhận diện rõ các vấn đề của nợ công, ông Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính đã có những giải pháp cụ thể để cải thiện thực trạng nợ công trong thời gian tới. Trong đó, giải pháp đáng chú ý là trong các năm 2019 – 2020 tiếp tục bám sát chủ trương, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực cho đến nay để tham mưu, thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép, tiếp tục cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước dưới 4% theo đúng tinh thần Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội; tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và dành một phần trả nợ vay để giảm áp lực huy động vốn vay mới, tạo điều kiện giảm dần nợ công.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay mới, chỉ vay cho bù đắp bội chi để đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên, kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế – xã hội thấp hoặc không rõ ràng; không chuyển vốn vay, khoản vay có bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh Chính phủ, hạn chế cấp bảo lãnh mới và khống chế hạn mức bảo lãnh đối với hai ngân hàng chính sách. Thực hiện tái cơ cấu nợ công đồng bộ với các giải pháp phát triển thị trường vốn trong nước; tận dụng tối đa nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong khi chủ động đa dạng hóa nguồn huy động vốn vay trong điều kiện Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.
Từ góc độ cơ quan nghiên cứu, ông Đặng Đức Anh cho rằng, dù nợ công đang trong chiều hướng tốt song vẫn cần tính đến cả những giải pháp trước mắt và giải pháp dài hạn để tăng khả năng trả nợ và cơ cấu nợ công hợp lý. Trước mắt là ổn định kinh tế vĩ mô để tăng niềm tin cho các nhà đầu tư với TPCP. Về trung và dài hạn, giải pháp căn cơ vẫn là giảm bội chi để giảm nợ công. Điều này được thực hiện từ việc giảm chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là giám sát chặt chẽ và cắt giảm những khoản chi không hiệu quả.
Lê Hường
Theo baodauthau.vn
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay kích cầu
Dù Chương trình kích cầu đầu tư của UBND TPHCM đã triển khai qua hơn 3 năm, nhưng số lượng doanh nghiệp (DN) tiếp cận được nguồn hỗ trợ còn rất khiêm tốn. Quy định của chương trình này quá chặt chẽ, trong khi tiềm lực DN còn non yếu khiến hai bên không thể gặp nhau.
Rất ít DN có thể tiếp cận
Nhằm hỗ trợ DN thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghệ, góp phần phát triển ngành công nghiệp thành phố; tăng khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 15/2017/QĐ-UBND (Quyết định 15) trên cơ sở kế thừa Quyết định 50/2015/QĐ-UBND (Quyết định 50) về việc thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM.
Trong đó, cụ thể hóa việc hỗ trợ kích cầu đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và CNHT, danh mục các dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, bao gồm: Cơ khí (17 danh mục); hóa chất nhựa, cao su (10 danh mục); chế biến lương thực - thực phẩm (2 danh mục); điện tử - công nghệ thông tin (14 danh mục) và 2 ngành truyền thống dệt may (5 danh mục), da giày (2 danh mục).
Sản xuất cơ khí - ngành được vay kích cầu (Ảnh sản xuất khuôn mẫu cơ khí chính xác) Ảnh: CAO THĂNG
Đồng thời, chương trình này hỗ trợ lãi suất từ ngân sách thành phố, áp dụng cho các dự án đáp ứng đủ điều kiện và được UBND TPHCM phê duyệt hỗ trợ lãi suất. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 70% vốn đầu tư xây dựng cơ bản, 85% vốn công nghệ và thiết bị, đồng thời không quá 200 tỷ đồng cho một dự án.
Tính đến nay, kể cả trong quá trình chuyển tiếp giữa 2 quyết định nêu trên, TPHCM đã duyệt 12 dự án CNHT được vay vốn theo chương trình kích cầu với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 545,5 tỷ đồng. Đây được đánh giá là một tỷ lệ khá ít và các dự án này đều là những DN lớn. Trong khi đó, có tới 95% DN CNHT có quy mô nhỏ, đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ kích cầu.
"DN chúng tôi luôn mong muốn mở rộng sản xuất và tăng trưởng để có cơ hội tiếp cận những đơn hàng lớn, nhưng nguồn vốn bị hạn chế, hầu như huy động vốn từ gia đình và các nguồn khác bên ngoài với lãi suất cao để duy trì hoạt động. Việc tiếp cận khoản vay hỗ trợ kích cầu của thành phố gần như bế tắc, bởi khó khăn lớn nhất khi vay vốn tại ngân hàng là không có tài sản đảm bảo, do DN mới thành lập, quy mô còn nhỏ", Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hoàng Thịnh (quận Bình Tân), chuyên sản xuất nguyên phụ liệu dệt may cho biết.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM (Hamee) Đỗ Phước Tống, ngoài quy mô nhỏ, thiếu tài sản thế chấp, DN muốn vay được vốn hỗ trợ kích cầu còn phải làm thêm các thủ tục điều chỉnh danh mục đầu tư rất khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian.
Do đó, TPHCM cần sớm sửa nội dung trong quy định hiện hành về thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư để DN có thể dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
DN chủ động nguồn vốn vay
Nhiều DN nghiệp còn cho biết, không chỉ khó tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ kích cầu của thành phố, mà gần đây chương trình này hầu như "án binh bất động", không thể nộp hồ sơ được. Giải thích về nguyên nhân tình trạng này, đại diện Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM cho biết do phải điều chỉnh lại một số nội dung liên quan trong quyết định, như loại bỏ hoặc bổ sung thêm danh mục một số sản phẩm được hỗ trợ.
Mặt khác, theo nguyên tắc, việc ban hành quyết định hỗ trợ của chương trình đang triển khai phải được HĐND TPHCM thông qua mới được sử dụng nguồn chi từ thành phố hỗ trợ cho DN. "Đầu tháng 10 vừa qua, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết 16/2018/NQ-HĐND quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT của thành phố giai đoạn 2018-2020.
Ngay sau đó, UBND TPHCM ban hành Quyết định 4898/UBND-KT về việc triển khai Nghị quyết 16. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan để thống nhất cách thức triển khai và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trên tinh thần của Nghị quyết 16, hiện nay các DN có nhu cầu liên hệ bộ phận một cửa của Sở Công thương để nhận và nộp hồ sơ bình thường", đại diện Sở Công thương TPHCM thông tin.
Trao đổi về nguyên nhân khiến các DN khó tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ kích cầu, đại diện Sở Công thương TPHCM cho rằng vừa qua nhiều DN đã hiểu chưa đúng về tinh thần của Quyết định 15, nhầm tưởng UBND TP hỗ trợ cho vay vốn.
Thực chất, UBND TP chỉ bù lãi vay kích cầu, còn DN phải tự liên hệ với ngân hàng để vay vốn. Khi được 1 trong 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM (trong Quy định về kích cầu đầu tư) đồng ý cho vay, DN hoàn chỉnh hồ sơ nộp về Sở Công thương để xét duyệt. Nếu hồ sơ đạt yêu cầu, UBND TP sẽ bù lãi vay cho DN, thời gian được tính từ khi ngân hàng giải ngân vốn.
"Tuy nhiên trên thực tế, DN luôn bị gặp khó khăn từ phía ngân hàng khi đi vay vốn do thiếu tài sản thế chấp, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Mặt khác, một phần do các DN chưa chủ động, ngại làm thủ tục, hồ sơ vay vốn kích cầu. Để tạo điều kiện cho DN có thể khơi thông bế tắc khi làm hồ sơ tiếp cận nguồn vốn vay cấp bù lãi suất kích cầu, hiện Sở Công thương ngoài phát hành hồ sơ, nếu DN có nhu cầu về thủ tục sẽ được các bộ phận chuyên môn của sở hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề là DN phải chứng minh được năng lực để ngân hàng đồng ý cho vay, bước kế tiếp mới đến UBND TP xem xét quyết định là có đủ điều kiện cấp bù lãi suất theo chương trình kích cầu hay không", đại diện Sở Công thương giải thích.
Theo Phụ lục Danh mục sản phẩm CNHT được hỗ trợ lãi vay trong quy định mới về kích cầu đầu tư, hầu hết các ngành đều tăng đáng kể. Trong đó, ngành cơ khí 28 sản phẩm; ngành điện, điện tử - công nghệ thông tin 17 sản phẩm; ngành hóa chất nhựa, cao su 6 sản phẩm; ngành chế biến lương thực - thực phẩm 3 sản phẩm; ngành dệt may 7 sản phẩm; ngành da giày 5 sản phẩm.
LẠC PHONG
Theo sggp.org.vn
Hạn mức vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đóng chi phí đi lao động ở nước ngoài Tôi xin hỏi, hạn mức, lãi suất vay, thời hạn vay, phương thức trả nợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đóng chi phí đi lao động ở nước ngoài? Trả lời: Mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài được ghi trong Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở...