Kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới
Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm giống; sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc tập trung ở khu vực biên giới thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh lại có chiều hướng gia tăng, diễn ra cả đường bộ và đường thủy. Các đối tượng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, có tổ chức, với thủ đoạn tinh vi từ khâu vận chuyển đến tiêu thụ.
Tang vật 1.200kg lợn thương phẩm nhập lậu từ Trung Quốc bị Đồn Biên phòng Bắc Sơn bắt giữ ngày 30-7-2018. Ảnh: Nguyệt Hằng
Thời gian qua, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ lợn thương phẩm, gia súc, gia cầm giống, trong nước ngày một tăng cao, trong khi thị trường Trung Quốc giá rẻ, nên các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách đưa lợn thương phẩm, gia cầm giống nhập lậu qua biên giới vào nước ta.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số đối tượng vì ham lợi nhuận cao nên đã cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc buôn bán, vận chuyển lợn thương phẩm, gia cầm giống qua biên giới bằng rất nhiều con đường, nhưng chủ yếu vẫn là dùng đò, bè, mảng để vượt sông Bắc Luân và những con đường mòn, lối tắt mà xe máy, ô tô tải có thể vào được để “ăn” hàng rồi vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Chỉ trong thời gian ngắn, Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh đã liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển lợn thương phẩm, gia cầm giống, các sản phẩm từ gia cầm nhập lậu qua biên giới. Cụ thể, vào ngày 30-7-2018, tại khu vực thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái, Đội tuần tra Đồn Biên phòng Bắc Sơn trong khi làm nhiệm vụ ở biên giới phát hiện 1 xe ô tô tải biển kiểm soát 14C-210.32 đang vận chuyển 1.200kg lợn thương phẩm qua biên giới. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Phạm Văn Dự, trú tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số lợn thương phẩm trên.
Tiếp đến ngày 22-8-2018, trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực bờ sông biên giới thuộc thôn 6, xã Hải Tiến, thành phố Móng Cái, Đội tuần tra Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã phát hiện 1 ô tô tải mang biển kiểm soát 34C-024.30 đang đỗ sát mép bờ sông có nhiều biểu hiện nghi vấn. Đội tuần tra Biên phòng đã yêu cầu lái xe cho kiểm tra, phát hiện trên thùng xe có 100 lồng nhựa chứa 20.000 con gà giống, có tổng trọng lượng 500kg. Tại thời điểm kiểm tra, ông Hoàng Văn Dũng, người điều khiển phương tiện, trú tại khu 2, phường Hải Yến, thành phố Móng Cái đã không xuất trình được giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc của số gà giống nói trên.
Thượng tá Đào Quốc Thạo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bắc Sơn cho biết: “Lợi dụng các đường mòn, lối tắt ở khu vực biên giới, các đối tượng buôn lậu thường nhằm khoảng thời gian từ đêm khuya đến trước khi trời sáng để hoạt động buôn lậu. Sau đó chúng dùng bè, mảng để vận chuyển qua sông Bắc Luân. Để vận chuyển trót lọt, các đối tượng dùng xe máy hoặc ngụy trang trong xe ô tô tải, tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng rồi đưa sâu vào nội địa tiêu thụ. Quá trình vận chuyển, các đối tượng điều khiển phương tiện chạy với tốc độ cao, có người bảo vệ dọc đường, khi bị phát hiện, họ tìm mọi cách để ngăn cản lực lượng truy đuổi hoặc bỏ lại hàng hóa, phương tiện rồi trốn chạy”.
Thực tế cho thấy, mặc dù lực lượng chức năng có nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn, nhưng do lợi nhuận cao, các đối tượng buôn lậu vẫn bất chấp pháp luật, dùng mọi thủ đoạn để đưa hàng lậu vào nội địa tiêu thụ. Mặt khác, cũng do chế tài xử lý các vụ việc vi phạm chưa đủ mạnh (chủ yếu mới dừng ở mức xử lý hành chính), nên tác dụng giáo dục, răn đe còn chưa cao.
Video đang HOT
Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, BĐBP Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 12 vụ với 9 đối tượng, 9 phương tiện, thu giữ 107 con lợn thịt có trọng lượng 7.920kg, 215kg thịt lợn, 80kg thịt gà, 20.000 con gà giống, 2.930 con chim bồ câu và nhiều tang vật khác có liên quan. Đại tá Nguyễn Văn Hiển, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Quảng Ninh cho biết, để chủ động nắm tình hình, phương thức hoạt động của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, gia súc cũng như các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã xây dựng nhiều kế hoạch nghiệp vụ và kế hoạch chuyên đề, tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm và các đối tượng là chủ mưu, cầm đầu, kiên quyết không để hình thành các điểm nóng về buôn lậu trên khu vực biên giới, phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ được tác hại của việc vận chuyển hàng cấm, hàng trái phép qua biên giới, không tiếp tay, bao che cho các đối tượng buôn lậu, chủ động phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm.
Nguyệt Hằng
Theo bienphong.com.vn
Bài cuối: Phòng chống buôn lậu cần bắt đầu từ gốc
Để công tác phòng chống buôn lậu tuyến biên giới Tây Nam có hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Các ngành chức năng không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tuần tra kiểm soát, bắt giữ và xử lý... mà còn phải lấy dân làm gốc.
Nắm chặt các địa bàn trọng điểm, nơi "đầu sóng, ngọn gió", tăng cường kiểm tra trên toàn tuyến... Để từ đó có các biện pháp đấu tranh hiệu quả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong công tác phòng chống buôn lậu.
Phát huy sức mạnh của người dân vùng biên giới
Tại khu vực vành đai biên giới vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống, làm phát sinh nhiều đường mòn lối mở ở khu vực cánh gà cửa khẩu dẫn đến khó kiểm soát. Các hộ dân nơi đây nhận thức về pháp luật chưa cao. Mặt khác thiếu việc làm để ổn định cuộc sống dẫn đến dễ bị các "đầu nậu" lợi dụng...
Thượng tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an An Giang, kiến nghị: "Cần phải xây dựng chính sách phát triển thương mại mậu dịch vùng biên giới, kết hợp phòng chống buôn lậu, gắn với giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập để người dân không tham gia, tiếp tay buôn lậu. Các cấp ủy, chính quyền cần phân công tổ chức đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền, vận động giúp đỡ tạo điều kiện cho các đối tượng chuyển đổi ngành nghề có thu nhập đảm bảo cuộc sống.
Cần phải tuyên truyền có chiều sâu để người dân vùng biên hiểu về trách nhiệm của công dân trong đấu tranh chống buôn lậu, không bao che tiếp tay cho buôn lậu, tích cực phối hợp, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng để phòng chống buôn lậu".
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an An Giang, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã nhận được trên 1.000 tin báo, trong đó có gần 700 tin giá trị phục vụ cho công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu.
Ông Lý Việt Thái, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm Cục Hải quan An Giang, cho biết: "Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, tại các trụ sở đơn vị và nơi làm thủ tục Hải quan, thiết kế bảng niêm yết về các quy định pháp luật, về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, thủ tục khai báo hàng hóa, hành lý của người xuất nhập cảnh trên một khổ giấy với 3 thứ tiếng: Việt - Anh - Campuchia, bước đầu thu được những hiệu quả tích cực".
Ông Lê Văn Nưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh An Giang cho rằng: Thời gian tới các ngành, các cấp tỉnh An Giang cần tập trung mọi nguồn lực để công tác phòng chống buôn lậu có hiệu quả cao. Phối hợp với báo, đài, kịp thời phát hiện khen thưởng những tập thể, cá nhân đấu tranh có hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu. Đồng thời, phản ánh, xử lý những trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác huấn luyện nghiệp vụ cho các lực lượng chống buôn lậu, đặc biệt chú trọng kĩ năng trong mùa nước nổi sắp tới...
Nếu cần thiết, tổ chức đối thoại, gặp gỡ những đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, các "đầu nậu"... để vận động, tuyên truyền thật sự có chiều sâu, hiệu quả. Đưa cộng đồng tham gia phòng chống buôn lậu, cần có cơ chế khen thưởng đặc biệt cho công tác phòng, chống buôn lậu.
Cụ thể, có thể khen thưởng 50% trên giá trị hàng hóa buôn lậu. Cần nâng cao chất lượng của thuốc lá, đường trong nước và xem xét giá thành phù hợp để "cạnh tranh" với hàng lậu. Cán bộ phải "giữ mình" và hoàn thành nhiệm vụ bằng tâm huyết, trách nhiệm.
Công an An Giang bắt quả tang một vụ vận chuyển hàng lậu.
Có chính sách hợp lý trong nội địa
Ngoài việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu trên tuyến biên giới, trong nội địa cơ quan Công an các huyện thị, thành phố đã phát hiện, ngăn chặn hàng loạt vụ vận chuyển hàng lậu. Đại tá HuỳnhVăn Sách - Trưởng Công an thị xã Hồng Ngự cho biết, so với những năm trước, tình trạng vận chuyển, tàng trữ thuốc lá, hàng lậu trên địa bàn giảm đến 80%.
"Hoạt động buôn lậu trên địa bàn Đồng Tháp ít so với nhiều địa phương khác. Một số bị truy cứu trách nhiệm hình sự, một số do bị bắt hàng hóa nhiều dẫn đến cụt vốn, bỏ nghề" - Trưởng Công an thị xã Hồng Ngự nói.
Tuy nhiên, một thực tế phải nhìn nhận, hiện nay khu vực biên giới Đồng Tháp, hoạt động buôn lậu vẫn còn tiếp diễn, nhưng chủ yếu nhỏ lẻ. Nhiều đối tượng lợi dụng sự sơ hở của lực lượng chức năng tham gia tàng trữ, vận chuyển hàng lậu từ khu vực biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ là khó tránh khỏi.
Hiện, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hoá hập lậu vẫn còn bộc lộc nhiều sơ hở, do các quy định còn chồng chéo, khó thực hiện. Đối tượng bị xử phạt không chấp hành quyết định mà tiếp tục tái phạm. Sự chênh lệch về giá, nhu cầu tiêu thụ trong nội địa ngày càng cao, lợi nhuận lớn nên tình hình vận chuyển hàng nhập lậu, nhất là thuốc lá điếu ngoại và đường cát diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, các đầu nậu lớn, chủ yếu tập trung tại nội địa vì tại khu vực biên giới chỉ vận chuyển hàng hoá nhỏ lẻ, không có nơi tập trung với số lượng lớn. Lực lượng QLTT cần phối hợp với các ngành giải quyết thực tại ở nội địa, như: từ nơi bán, nơi tiêu thụ và nơi sử dụng thì chắc chắn hoạt động buôn lậu trên khu vực biên giới sẽ giảm.
Mặt khác, tiêu thụ chậm, tồn kho cao, giá đường thấp là hậu quả từ tình trạng buôn lậu đường cát gây ra. Theo ước tính của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi năm có khoảng 500.000 tấn đường nhập lậu, bằng 30% lượng sản xuất trong nước. Tỉnh An Giang là địa bàn trọng điểm của việc buôn lậu đường cát. Hiện đối diện với biên giới nước ta có 26 kho hàng chứa đường, thuốc lá, rượu, bia chờ vận chuyển trái phép vào nội địa tiêu thụ.
Trong 6 tháng qua, ngành chức năng đã phát hiện, tạm giữ 124 tấn đường. Phương thức, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, táo bạo. Do đó, ngoài các biện pháp ngăn chặn, việc cơ cấu lại ngành mía đường phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập, phát triển mạnh kinh tế biên mậu cũng cần được tính đến.
Theo Nhóm PV ĐBSCL
Vào tù vì bán 2 phụ nữ cùng quê sang Trung Quốc Từ Trung Quốc trở về, Ngọc biết được có 2 người phụ nữ cùng quê cũng có nhu cầu sang Trung Quốc lấy chồng nên đã bán 2 người này qua bên kia biên giới. Ngọc đã phải chịu hình phạt tù về hành vi "mua bán người". Sáng 30/8, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ...