Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị 31/2018/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Ảnh minh họa: Internet
Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương kiểm soát chặt chẽ các khoản vay; hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; không chuyển vốn vay về cho vay lại.
Video đang HOT
Các địa phương thực hiện huy động để bù đắp bội chi ngân sách địa phương trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; bố trí chi trả nợ lãi trong chi cân đối ngân sách địa phương; chi trả nợ gốc ngoài chi cân đối ngân sách địa phương được bố trí từ nguồn vay, bội thu ngân sách cấp tỉnh, kết dư ngân sách cấp tỉnh và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định.
Đồng thời, tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức; đẩy mạnh việc xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí thất thoát tài sản công.
Theo báo Đấu thầu
Nợ công dự kiến giữ mức 61,4% GDP
Đây là số liệu mới nhất được Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính về quản lý, sử dụng nợ công. Bộ Tài chính khẳng định, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP được kiểm soát chặt chẽ và nằm trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội.
Bộ Tài chính cho biết, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý, huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2018 đã đạt nhiều kết quả tích cực, đã giảm tốc độ tăng nợ công: Giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 18,1%/năm, 3 năm 2016-2018 tăng bình quân khoảng 10%/năm; sau nhiều năm đã kéo tỷ lệ nợ công giảm từ mức cuối năm 2016 là 63,7%GDP xuống còn 61,4%GDP cuối năm 2017; năm 2018 dự kiến giữ nguyên ở mức 61,4%GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,1% GDP.
"Việc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP trong giới hạn cho phép đã góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong năm 2018. Theo đó, ngày 14-5-2018, Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức BB- lên mức BB với triển vọng Ổn định; ngày 10-8-2018, Moodys nâng mức tín nhiệm của Việt Nam từ mức B1 lên mức Ba3 với triển vọng Ổn định", Bộ Tài chính cho biết.
Nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp có xu hướng tăng nhanh. Ảnh minh họa
Riêng về nợ nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đã tích cực cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỷ trọng nợ nước ngoài, từ 60% năm 2011 xuống còn khoảng 40% vào cuối năm 2018. Tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ mức 24% GDP vào cuối năm 2011 xuống còn 21% GDP của giai đoạn 2016-2018. Đối với nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, đã hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án mới, do đó dư nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm từ mức 10,9% GDP năm 2015 xuống còn 8,7% GDP năm 2018.
Về những rủi ro đối với danh mục nợ công, Bộ Tài chính cho biết với cơ chế huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài theo nhu cầu đề xuất của các bộ, ngành và địa phương như hiện nay, khả năng kiểm soát tổng mức vay vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn (tối đa 300 nghìn tỷ đồng) gặp khó khăn, gây sức ép lên trần bội chi, trần nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ của NSNN.
"Để kiểm soát rủi ro, các biện pháp đặt ra là phải kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, nâng cao quản lý việc huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển; tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay trên cơ sở kế hoạch đầu tư công, kế hoạch vay trả nợ công trung hạn và hằng năm; tiếp tục tái cơ cấu nợ công, thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn trong nước; đồng thời kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đặc biệt là các khoản vay ngắn hạn để đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép của Quốc hội...", Bộ Tài chính cho biết.
Hà An
Theo cand.com.vn
Nới trần vay nước ngoài 60.000 tỷ: Bình thường nhưng... Vay được vốn nước ngoài thì phải tính toán, sử dụng cũng phải sòng phẳng, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Dùng tiền ODA không dễ PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, việc Quốc hội cho phép tăng mức trần nguồn vốn vay nước ngoài từ 300.000 tỷ đồng lên 360.000 tỷ đồng, tức tăng 60.000 tỷ...