Kiểm định khí thải xe máy: Có khả thi?
Người đi xe máy ở Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ có thể phải đóng phí kiểm định khí thải từ 100.000-150.000 đồng/lần trong 2 năm.
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự thảo quy định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với mô tô, xe gắn máy (gọi tắt là xe máy), dự kiến áp dụng tại 5 TP trực thuộc trung ương từ ngày 1-7-2018.
Thủ phạm chính gây ô nhiễm
Đây không phải là đề xuất mới bởi trước đó, đề án “ Kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các đô thị” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định 909/QĐ-TTg ngày 17-6-2010. Tuy nhiên, đến nay, đề án chưa được thực hiện. Lý giải việc này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng việc kiểm tra khí thải xe máy là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều thành phần xã hội; mặt khác, thiếu căn cứ pháp lý đủ mạnh và các cấp chính quyền chưa vào cuộc quyết liệt.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia cho thấy 70%-90% ô nhiễm không khí đô thị xuất phát từ các hoạt động giao thông. Việc kiểm soát khí thải với xe máy rất cần thiết bởi theo thống kê của Cục CSGT – Bộ Công an, đến hết năm 2015, cả nước có 49 triệu xe cơ giới được đăng ký, trong đó xe máy chiếm 95% (tương đương 46,5 triệu chiếc). Riêng 5 TP trực thuộc trung ương là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, số lượng xe đăng ký là 14,26 triệu chiếc. Tại Hà Nội và TP HCM, xe máy chiếm khoảng 25% lượng xe cả nước; thải ra 94% hydro carbon, 87% carbon, 57% ôxit nitơ trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
“Xe máy là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm. Không đơn thuần do tập trung đông lượng xe tham gia giao thông mà mỗi xe cũng là nguồn phát thải rất lớn do chưa được kiểm soát khí thải” – Cục Đăng kiểm nhận định.
Do vậy, theo đề án trình Bộ GTVT, sẽ kiểm tra xe lưu thông từ 15 năm; rồi đến xe 10 năm và 5 năm trở lên, thời hạn kiểm tra 2 năm/lần. Dự kiến, phí kiểm định từ 100.000 – 150.000 đồng/xe. Muộn nhất đến năm 2025 sẽ áp dụng đối với tất cả mô tô, xe máy (trừ xe máy của công an, quân đội, xe dùng cho người khuyết tật).
Đề án đề xuất không kiểm tra khí thải đối với xe máy trong 5 năm đầu bởi xe đã được kiểm tra lần đầu khi xuất xưởng hoặc nhập khẩu và được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của nhà sản xuất.
Cục Đăng kiểm cho hay trước tiên áp dụng đối với các xe có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên. Đối với các xe dưới 175 cm3, do số lượng rất lớn nên lộ trình triển khai ít nhất 5 năm (2020-2025). Cục Đăng kiểm đưa ra 3 phương án kiểm soát khí thải với loại phương tiện này.
Video đang HOT
Phương án 1: Từ ngày 1-7-2018, kiểm tra khí thải đối với xe từ 175 cm3 trở lên ngay tại các trung tâm đăng kiểm ô tô. Ước tính có khoảng 15.200 xe loại này.
Phương án 2: Chia đối tượng kiểm tra theo tuổi sử dụng xe. Trước tiên, các xe cũ trên 15 năm sử dụng (từ ngày 1-7-2020, khoảng 6 triệu xe); sau đó đến các xe có niên hạn 10 năm (từ ngày 1-7-2022, khoảng 4 triệu xe), 5 năm (từ ngày 1-7-2025, ước tính có khoảng 12 triệu xe).
Tại Hà Nội và TP HCM đã có gần 12 triệu xe máy đăng ký hoạt động
Phương án 3: Từ ngày 1-7-2020, sẽ kiểm tra xe từ 130 cm3 trở lên; từ ngày 1-7-2022, bắt đầu kiểm tra xe từ 105 cm3 trở lên; từ ngày 1-7-2025, kiểm tra đối với tất cả xe máy thuộc đối tượng quy định.
Thiếu chế tài
Nhìn nhận mức phí này không đáng kể so với chi phí nhiên liệu nhưng Cục Đăng kiểm cảnh báo việc thu phí trực tiếp từ người dân có thể gây bức xúc vì người sử dụng xe máy đa số là người có thu nhập chưa cao.
Dẫn ví dụ từ Đài Loan, Cục Đăng kiểm cho biết các cơ sở kiểm tra khí thải không thu tiền trực tiếp từ người sử dụng xe mà họ được cấp kinh phí thực hiện từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu dựa trên số lượng xe được kiểm tra khí thải. Vì vậy, Cục Đăng kiểm khuyến nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu, ban hành quy định liên quan đến giá, phí và hình thức thu cho phù hợp.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định đề án này khó thành công. “Tôi không biết người dân có ủng hộ hay không nhưng có lẽ mọi người đều chưa quên câu chuyện về thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Các đơn vị chức năng cũng rất quyết liệt để thực hiện nhưng sau đó thất bại vì người dân không ủng hộ” – ông Thủy nêu vấn đề.
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hoàn toàn ủng hộ việc kiểm soát khí thải để giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cần chọn chương trình, đề án nào có tính khả thi để thực hiện chứ không phải cứ áp đặt hay ban hành quy định bằng mệnh lệnh hành chính.
Theo ông Liên, chúng ta nên bắt đầu bằng việc kiểm soát khí thải ở các nhà máy, xí nghiệp. “Với kiểm soát khí thải xe máy, chúng ta có quyết định rồi thì sao? Liệu có thực hiện được hay không? Chế tài cụ thể thế nào? Chúng tôi không phản đối việc này nhưng đưa ra thì phải thực hiện được. Rõ ràng là cơ quan quản lý chưa đưa ra được chế tài để kiểm soát việc này” – ông Liên nói.
Nếu cơ quan quản lý cố ban hành quy định nhưng cuối cùng không khả thi sẽ dẫn đến “lờn” hay vô hiệu hóa các quy định của pháp luật. Chưa kể, hàng triệu xe máy lưu thông, cơ quan quản lý liệu có đủ người để quản lý và kiểm soát, nhất là những người không tự giác đi kiểm định. Vì vậy, ông Liên cho rằng Chính phủ cần đưa ra giải pháp để giảm khí thải của toàn xã hội. Đó là bảo vệ môi trường, sử dụng những năng lượng tái tạo. “Nếu Bộ GTVT cứ kiên quyết làm thì tôi tin chắc sẽ thất bại như quy định thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy mà thôi” – ông Liên nhấn mạnh.
Đại lý xe sẽ kiểm định khí thải
Cục Đăng kiểm đề xuất sử dụng các đại lý được ủy quyền chính thức của các hãng sản xuất, lắp ráp xe máy tham gia kiểm định khí thải. Hiện nay, 5 nhà sản xuất xe máy lớn: Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki đã có hệ thống lên đến 1.526 đại lý trên cả nước; riêng tại 5 TP trực thuộc trung ương, các hãng này có 529 đại lý, sẽ đủ kiểm định khí thải cho 8,7 triệu xe máy vào năm 2022. Xe máy sau khi được kiểm tra đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ được cấp giấy chứng nhận. Xe có kết quả kiểm tra không đạt phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp, thay thế phụ tùng và phải kiểm tra lại. Xe không thực hiện kiểm tra khí thải sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
Bài và ảnh: Văn Duẩn
Theo_Người lao động
Từ 2017 sẽ kiểm định các chung cư, biệt thự cũ nguy hiểm
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, hiện nay số lượng nhà ở và các công trình công cộng, đặc biệt là nhà chung cư và biệt thự cũ ở cấp độ nguy hiểm trên cả nước đã lên đến con số hàng nghìn. Do vậy, từ năm 2017, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành kiểm định toàn bộ các công trình cũ nguy hiểm tại các đô thị.
Hà Nội vẫn còn nhiều khu chung cư cũ xuống cấp. (Nguồn: TTXVN)
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Triển khai Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đánh giá mức độ an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, tổ chức ngày 10/6 tại Hà Nội.
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, thành phố Hà Nội có khoảng hơn 1.500 chung cư cũ với quy mô từ 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước 1954; trong đó, không ít công trình đã xuống cấp và hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chịu lực của công trình, đe dọa đến tính mạng của người dân trong công trình.
Tuy nhiên, việc đánh giá mức độ an toàn của các công trình này đến nay là không hề đơn giản. Thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xây dựng một quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng cụ thể, thống nhất để có thể áp dụng tại tất cả các địa phương.
Từ nay đến cuối năm 2016, Bộ Xây dựng sẽ cùng với các Sở Xây dựng, các địa phương rà soát, đánh giá sơ bộ toàn bộ các công trình cũ tại đô thị.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, việc đánh giá các công trình để xác định tuổi thọ và tình trạng của nó là công việc rất phức tạp và đòi hỏi nhiều nghiên cứu chuyên sâu.
Ở Việt Nam, những kết quả như thế vẫn còn hạn chế, các tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn ban hành trực tiếp liên quan đến vấn đề này chưa nhiều. Quy trình này được xây dựng dựa trên các quy định của nước ngoài được nghiên cứu để áp dụng phù hợp với tình hình Việt Nam, đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu thực hiện.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện quy trình đánh giá, và tổ chức triển khai tập huấn tại các địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Ngoài các Sở xây dựng, các địa phương và một số cơ quan chuyên môn thì nhiều chuyên gia uy tín và các tổ chức kiểm định có năng lực cũng sẽ được huy động tham gia...
Theo NTD
Không đáng quan ngại!? Chiều 23-5, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi- chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) đã có báo cáo kết quả kiểm định về khiếm khuyết tại cống chui dân sinh thôn Xuân Thuỵ (xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội), thuộc dự án xây dựng đường ô tô cao tốc...