Kiềm chế lạm phát năm 2018: Tháo gỡ những yếu tố liên quan
Dường như những lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát năm 2018 vẫn là một thực tế đang hiện diện, khi mà một số yếu tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng ( CPI) có thể gia tăng diễn biến bất lợi, hoặc khó đoán định. Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ, vấn đề kìm hãm đà tăng CPI là yêu cầu cấp bách khi chỉ còn ít thời gian nữa là hết năm kế hoạch 2018…
Sự điều hành linh hoạt, hiệu quả từ tầm vĩ mô sẽ góp phần kiềm chế CPI ở mức ổn định. Ảnh: Hải Anh
Nhiều yếu tố đẩy CPI tăng
CPI bình quân cả nước trong 9 tháng qua đã tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, mức tăng khá cao so với mục tiêu kìm giữ tốc độ lạm phát tăng không quá 4% trong cả năm 2018 như đề ra từ đầu năm. Như vậy, hạn mức cho sự tăng giá còn lại trong quý IV-2018 là hạn hẹp, đặt ra áp lực đối với hoạt động điều hành vĩ mô.
Một tác nhân sẽ kích đẩy CPI tăng trong thời gian tới là sự tăng giá xăng dầu khá cao vào ngày 6-10 vừa qua. Đây cũng là một diễn biến nằm trong dự báo ngắn hạn, bởi giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế vẫn đang trong chu kỳ tăng giá qua từng tháng. Vấn đề đáng quan tâm là giá xăng dầu vốn liên quan trực tiếp tới hầu hết các hoạt động, sinh hoạt của xã hội – sẽ là sự kích thích tăng giá đầu vào trên diện rộng và CPI chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng liên quan có nhu cầu tiêu thụ mạnh trong dịp cuối năm cũng thường xuyên diễn ra theo xu hướng tăng, trở thành những yếu tố đẩy CPI tăng lên.
Trong bối cảnh trên, CPI bình quân của Hà Nội 9 tháng năm 2018 tăng 3,99% so với cùng kỳ năm trước, tức tăng cao hơn mức trung bình cả nước và gần như đã “kịch trần”. Đơn cử, trong tháng 9, đã có 10/11 chỉ số cấu thành CPI trên địa bàn tăng so với tháng trước.
“Siết” chặt công tác quản lý
Nếu tình huống bất lợi, hoặc có yếu tố bất ngờ xảy ra ngoài ý muốn, CPI cả nước có thể sẽ vượt mức cho phép – tức cao hơn 4%; trong khi CPI Hà Nội sẽ còn tăng cao hơn. Dưới góc độ ổn định kinh tế vĩ mô, việc quản lý chặt CPI là rất cần thiết.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cũng nên xem xét vấn đề CPI ở hoàn cảnh cụ thể, hướng tới mục đích chung xét cả về mặt kinh tế và xã hội. Đơn cử, nếu nhu cầu tiêu thụ vật tư, nguyên liệu cũng như hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng một cách hợp lý thì điều đó có lợi cho hoạt động sản xuất, nhất là đối với sản xuất hàng phục vụ xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, CPI Hà Nội thường tăng cao hơn CPI của TP Hồ Chí Minh và điều này cho thấy sự cần thiết phải tìm cách khắc phục. Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, đến nay nhìn chung Hà Nội mới chỉ tự đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu hàng hóa tiêu dùng và phần còn lại phụ thuộc vào nguồn cung từ các địa phương khác. Vì vậy, hàng về đến thị trường Hà Nội bị đội giá do cộng thêm chi phí vận tải, quản lý, kho bãi… Mặt khác, sức mua của người dân Thủ đô cao hơn so với các tỉnh bạn, nên mặt bằng giá cao hơn là điều dễ hiểu.
Theo ông Vũ Vinh Phú, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá thịt lợn và có biện pháp khống chế hợp lý nếu có sự tăng giá trên diện rộng, bởi càng về cuối năm nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này càng gắn chặt với đời sống dân sinh.
Trong xu hướng gia tăng tiêu dùng, có thể làm tăng CPI trong quý IV-2018 như một thông lệ hằng năm thì các cơ quan quản lý càng cần tập trung kiểm soát tốt quan hệ cung – cầu, bảo đảm lưu thông hàng hóa liên tục kết hợp phòng tránh khả năng tăng giá đột ngột, bất hợp lý. Một vấn đề khác cần làm tốt là bảo đảm lưu thông, sẵn sàng hỗ trợ nhà sản xuất để họ có thể “đến thẳng” người tiêu dùng, tức là giảm tối đa tình trạng hàng hóa phải qua nhiều nấc trung gian…
Hoạt động bán hàng bình ổn giá dịp cuối năm cần được tổ chức có thực chất; trong đó bảo đảm hiệu quả và mục đích ban đầu. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nên có biện pháp can thiệp để giảm tỷ lệ chiết khấu khi nhà sản xuất đưa hàng vào siêu thị (hiện ở mức 20-30%) – là tác nhân gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng như hiện tại.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ nay đến hết năm 2018, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thúc đẩy tiêu dùng nội địa kết hợp chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố.
Dự báo, giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Sở Công Thương cũng đã chắp mối, tạo điều kiện cho 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết, trong khi một số tổ chức tín dụng đã đăng ký chấp thuận cho các doanh nghiệp vay vốn thực hiện mục đích trên, với tổng số vốn vay 2,7 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi tìm hiểu khả năng cung cấp nông sản tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang… Qua đó, các doanh nghiệp Hà Nội đã ký khoảng 400 biên bản ghi nhớ, hợp tác với đối tác; phục vụ kết nối cung – cầu hàng hóa, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định giá cả.
Thời gian thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI không còn nhiều, nhưng cần trông đợi, tin tưởng ở sự điều hành linh hoạt, hiệu quả từ tầm vĩ mô để kiềm chế CPI ở mức tối đa.
Hồng Sơn
Theo hanoimoi.com
"NHNN cần rất thận trọng với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới"
Đây là cảnh báo của Nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). Nhóm cũng đưa ra cảnh báo về những thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt, trong đó cảnh báo tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào DN FDI và cảnh báo lạm phát năm 2019 rất đáng chú ý.
Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng năm 2018 đạt mức kỳ vọng, nhưng sẽ không ít thách thức trong năm 2019 (Ảnh minh họa)
Tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào DN FDI
Theo nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của Quý 3.2018, mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay.
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2018 tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành được coi là động lực chính của tăng trưởng là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao (12,9%). Tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực FDI. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài.
Lạm phát quý 3.2018 tuy không còn tăng cao như quý trước nhưng vẫn giữ ở mức cao, chủ yếu đến từ việc giá thực phẩm tiếp tục phục hồi mạnh và sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu liên tục.
Phải nỗ lực mới kiểm soát được lạm phát năm 2019
Mặc dù lạm phát trong năm 2018 được đánh giá là vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng lạm phát trong năm 2019 sẽ ở mức đáng lo ngại nếu như giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao đồng thời Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít) kể từ 1.1.2019.
Việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu vào đầu năm sau sẽ tạo ra rủi ro lạm phát. Mức mục tiêu 4% như những năm vừa qua là khó có thể đạt được trong bối cảnh bất lợi như vậy.
Những tính toán sơ bộ của VEPR cho thấy NHNN cần rất thận trọng với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới nếu không muốn lạm phát vượt khỏi kiểm soát.
Đồng USD ngày càng mạnh lên khi Fed liên tục nâng lãi suất, khiến cho tỉ giá VND/USD sẽ tiếp tục có những biến động tương đối mạnh như thời gian qua. Việc tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất để ổn định giá trị đồng VND trong ngắn hạn đều có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế.
Tiếp đó, việc tăng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho DN trong năm 2019 và 2020. Vì vậy, việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của CNY so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại.
Cũng theo VEPR, Việt Nam cần nhanh chóng cải cách chuyển đổi thể chế theo hướng tạo lập nền kinh tế thị trường đầy đủ để tránh những đối xử bất lợi theo cách Mỹ đang muốn tạo ra tiền lệ với Trung Quốc.
Về mặt vĩ mô, Việt Nam cần tranh thủ nỗ lực tạo thêm dự địa chính sách để tăng sức chịu đựng trước những rủi ro sắp tới từ môi trường toàn cầu. Đó là việc tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách, tăng thặng dư thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy nhà nước và chống tham nhũng, v.v...
Theo laodong.vn
Giá dầu leo thang, khó kiềm chế lạm phát Trước các bất ổn về địa chính trị, giá dầu thế giới liên tục xác lập những đỉnh cao kỷ lục trong nhiều năm. Điều này gây lo ngại về khả năng kiềm chế lạm phát mục tiêu năm 2018 và sức ép với lạm phát năm 2019. Giá xăng dầu tăng sẽ tạo vòng xoáy tăng giá các mặt hàng tiêu dùng...