Kiếm bạc tỷ nhờ đầu tư nhà phố, biệt thự
Trong 3 năm qua, biên độ tăng giá quá nhanh của phân khúc nhà liền thổ tại TP.HCM góp phần giúp nhiều nhà đầu tư đường dài kiếm tiền tỷ ở dòng sản phẩm nhà phố, biệt thự.
Cuối năm 2016, để giúp một người quen, chị Thu Thủy, trưởng phòng Tài chính một công ty tư vấn Du học tại quận 1 đồng ý mua lại một nền biệt thự tại khu vực Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, quận 9. Suất đầu tư có giá 4,3 tỷ đồng này được chị xem như một khoản để dành.
Không ngờ chỉ sau chưa đầy 3 năm, nền biệt thự của chị Thủy hiện đã có giá 13 tỷ đồng, mang lại khoản lời hơn 9 tỷ đồng.
“Thời điểm cuối năm 2017 cũng có khách hàng hỏi mua lại nền biệt thự này với giá gần 7 tỷ đồng, lúc đó tôi khá bất ngờ vì giá lên cao nhưng do chưa có nhu cầu về tài chính nên không bán lại. Không ngờ 2 năm sau giá tăng gần 6 tỷ đồng, đây là mức tăng mà tôi chưa từng trù tính sẽ đạt được khi mua nền đất này”, chị Thủy chia sẻ.
Cũng đầu tư theo diện mua đất để dành, năm 2015 ông Phạm Thông – một viên chức đã về hưu tại Củ Chi chọn mua 2 nền nhà phố thuộc một dự án trong khu vực bán đảo Hiệp Bình Phước với giá chỉ tầm 32 triệu/m2. Khi ấy thị trường chỉ mới chớm hồi phục, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn lấy lại niềm tin vào bất động sản nên việc bỏ ra cả chục tỷ vào 2 nền đất được xem là liều lĩnh.
“Lúc đó tôi chỉ nghĩ mua để dành sau này cho con cái chứ không tính lời cao lãi đậm. Thậm chí nhân viên bán hàng cũng chỉ dám tư vấn là sau 2-3 năm, dự án dần hoàn thiện thì giá có thể tăng từ 50-100% so với lúc mua. Ai mà ngờ giờ hai nền nhà phố của tôi tăng gần gấp 3 lần so với giá mua vào”, ông Thông cho hay.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, thị trường nhà liền thổ tại TP.HCM ghi nhận xu hướng tăng trưởng liên tục từ 2017 đến nay. Nếu quý 1/2018, giá bán biệt thự, nhà phố sơ cấp ghi nhận tăng 35% so với cùng kỳ 2017 thì đến quý 1/2019, giá nhà phố/biệt thự tiếp tục tăng gần 30% so với cùng thời điểm 2018. Riêng thị trường thứ cấp, giá nhà gắn với đất tiếp tục tăng gần 50-60%. Sự tăng trưởng ấn tượng nhất là sản phẩm nhà phố thương mại xây sẵn.
Cụ thể, nếu năm 2017, giá bán sơ cấp đạt 2.400 USD/m2 đất thì cuối năm 2018 tăng lên mức 5.300 USD/m2 đất, tăng 2,2 lần so với năm 2017. Ba tháng đầu năm 2019, giá nhà phố thương mại lại tăng thêm 2-3% so với cuối năm 2018.
Video đang HOT
Cũng theo khảo sát của PV, khu Đông đang có biên độ tăng giá biệt thự, nhà phố mạnh nhất. Tại quận Thủ Đức, dự án KĐT Vạn Phúc Riverside City nằm dọc theo trục Quốc lộ 13 có giá bán tăng chóng mặt trong 3 năm trở lại đây.
Cụ thể, thời điểm tháng 8/2016, một căn nhà phố tại dự án này được chào giá 4,4-5,5 tỷ đồng (tương đương 50-53 triệu/m2). Cùng thời gian này năm 2018, các căn diện tích trên chào giá lên 8-9,5 tỷ (tăng lên mức 94-110 triệu/m2), còn hiện tại là 10-13 tỷ đồng/căn.
Riêng những căn vị trí đẹp hướng Đông Nam có giá lên tới 15-17 tỷ đồng (tương đương 120-135 triệu/m2). Nếu so với mức giá 28-35 triệu/m2 thời điểm đầu mở bán, hiện tại giá các nền đất tại dự án này đã tăng ít nhất là gấp 2 lần và cao nhất là gấp 4 lần.
Shophouse là dòng sản phẩm tăng giá mạnh nhất trong dự án với mức trung bình từ 135-160 triệu/m2. Thời điểm tháng 7/2017 giá shophouse mặt tiền đường Nguyễn Thị Nhung diện tích 140m2 là 10 tỷ đồng thì hiện tại chào bán từ 19,5-22 tỷ đồng. Giá sơ cấp nhà phố thương mại tại đây cuối năm 2017 chỉ khoảng 72 triệu/m2, năm 2018 tăng lên 110 triệu/m2 và hiện tại đã chạm ngưỡng 140-160 triệu/m2.
Với khu vực quận 2, dòng biệt thự đơn lập diện tích 322 m2 tại dự án KĐT Sala (Mai Chí Thọ) tháng 7/2018 từng ghi nhận giá 62 tỷ đồng/căn, đến tháng 3/2019 giá trung bình đã đạt khoảng 65 tỷ đồng/căn, tăng gần 3 tỷ chỉ sau 6 tháng.
Khu vực Đảo Kim Cương, đầu năm 2018 dự án Sài Gòn Mystery Villas chào bán giá 83-110 triệu/m2 hiện đã lên mức 120-200 triệu/m2. Các nền nhà phố thương mại tại dự án D2Eight Đồng Văn Cống năm 2018 còn có giá 170 triệu/m2 hiện đã lên mức trung bình vào khoảng 250 triệu/m2.
Dự án Villa Park (quận 9) thời điểm tháng 1/2018 chào giá sơ cấp 43-47 triệu/m2 hiện tăng lên mức 65-70 triệu/m2. Nhà phố, biệt thự thuộc các dự án nằm gần trung tâm có giá 81-120 triệu/m2.
Xu hướng tăng giá nhà liền thổ được nhận định là do nguồn cung phân khúc này ngày càng ít ỏi, lượng hàng tồn sụt giảm mạnh trong khi dự án mới chưa ra. Bên cạnh đó, việc giá đất các tỉnh vùng ven liên tục tăng cũng là yếu tố tác động giúp giá đất TP.HCM vượt ngưỡng.
Tình trạng khan hiếm nguồn hàng có thể sẽ được hóa giải trong các năm tới khi nhiều quỹ đất lớn ở TP.HCM đã có chủ trương được phê duyệt triển khai. Tuy có thêm nguồn cung mới, giá nhà đất tại TP.HCM sẽ khó giảm hay chững lại do nhu cầu mua cao và nhà đất các tỉnh lân cận cũng có xu hướng tăng giá.
Phương Uyên
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
"Cò" thổi giá nhà đất, mức phạt không thấm vào đâu
Môi giới thổi giá, tạo sốt ảo, gây bất lợi cho người mua nhà nhưng hiện nay chế tài xử phạt vẫn quá nhẹ.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, lực lượng tham gia hành nghề môi giới bất động sản của Việt Nam có khoảng 300.000 người, trong đó chỉ 27.000 người có chứng chỉ hành nghề theo luật cũ; 8.000 người đã có chứng chỉ hành nghề theo luật mới. Số còn lại khoảng 265.000 chưa có chứng chỉ hành nghề.
Môi giới thổi giá, tạo sốt ảo, gây bất lợi cho người mua nhà nhưng hiện nay chế tài xử phạt vẫn quá nhẹ.
Từ đầu năm 2019, tại Hà Nội, sau thông tin huyện lên thành quận, giá đất tại các huyện vùng ven như Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức được các môi giới thổi lên tăng chóng mặt. Mức tăng giá trung bình ghi nhận dao động 30%, thậm chí có những khu đất ở vị trí đẹp, giá tăng gấp đôi chỉ sau chưa đầy 3 tháng.
Cơn sốt này không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM mà còn lan ra các tỉnh như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang)... khiến nhiều nhà đầu tư lao vào cuộc buôn đất, đẩy giá đất ở các khu vực này tăng 20 - 30%. Cá biệt, đất ở Đà Nẵng tăng tới 50 - 60%.
Chiêu thức được các môi giới không chuyên và "cò đất" thường hay sử dụng là mua gom đất tại khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, sau đó sang tay nhau trong nhóm, hoặc sang tay cho khách hàng nào chưa nắm được thông tin với giá rất cao so với lúc mua để tạo mặt bằng giá mới.
Để lôi kéo được các nhà đầu tư khác, nhóm môi giới này tung ra thị trường những thông tin như quy hoạch thành quận, quy hoạch trung tâm văn hóa, hành chính kinh tế của tỉnh, quy hoạch thành khu kinh tế đặc biệt... để lôi kéo các nhà đầu tư thứ cấp.
Như vậy, nhà đầu tư đến sau phải trả giá cao hơn nhà đầu tư đến trước, tâm lý đầu tư theo đám đông đã kéo theo một hệ luỵ là nhóm khách hàng ban đầu sẽ thoát hàng, còn người mua sau ngậm trái đắng.
Ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), cho rằng những môi giới không chuyên này một mặt vì cá nhân, mặt khác họ thoả hiệp và tiếp tay cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường và quyền lợi người tiêu dùng. Chính điều này khiến thị trường thiếu bền vững, thiếu niềm tin từ khách hàng và dễ dẫn đến đổ vỡ.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho rằng vấn đề nóng cần xử lý hiện nay là đạo đức của người làm môi giới bất động sản. Môi giới bất động sản lệch chuẩn đạo đức là nguyên nhân chính tạo nên các cơn sốt đất, giá ảo và bong bóng bất động sản. Lực lượng này cũng sẽ khiến thị trường không minh bạch, mang đến nhiều rủi ro cho khách hàng.
Hiện nay mức xử phạt đối với các hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không chính xác hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới còn khá nhẹ, chỉ từ 10 - 50 triệu đồng.
Ông Trần Minh Hoàng chia sẻ, giá trị một thương vụ môi giới bất động sản tầm 5 - 10 tỷ đồng, nếu so với chế tài xử phạt được quy định tại Nghị định 139 là 10 - 50 triệu đồng rõ ràng chưa bảo đảm tính răn đe.
Hơn nữa, chưa có một trường hợp môi giới nào bị xử lý về vi phạm đạo đức, ứng xử nghề nghiệp và khó có thể xác định chính xác ai là người tung tin, thổi giá, đẩy giá lên, nên thời gian tới vẫn có thể tiếp diễn tình trạng này.
"Do vậy, khách hàng cần cẩn trọng trước các thông tin sốt đất tại các vùng ven đô, vùng trong quy hoạch và tìm hiểu thật kỹ các thông tin từ chính quyền địa phương", ông Hoàng khuyên./.
Ngọc Vy
Theo VTC News
Đất nền Hà Nội tăng giá, căn hộ đi ngang Theo ghi nhận của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Hà Nội quý 1 năm 2019 có nhiều biến động. Theo đó, đất nền một số khu vực ven trung tâm tăng giá mạnh, trong khi giá căn hộ lại đi ngang. Diễn biến đáng chú ý nhất của thị trường bất động sản Hà Nội...