Kiếm 20 triệu/tháng: Ở sướng mang nợ hay ép xác cả đời?
Thị trường đa dạng nguồn cung, cộng với các chính sách cho vay mua BĐS khá hấp dẫn của ngân hàng, người mua đang có nhiều sự lựa chọn.
Hộ gia đình trẻ thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng hoàn toàn có thể mua được một căn hộ tầm trung.
Nhiều người trẻ mua nhà để ổn định
Vợ chồng chị Nguyễn Thu Hiền (quê Ninh Bình) đang thuê một căn hộ chung cư tại Mỹ Đình (Hà Nội). Anh chị nhiều lần đã tính chuyện mua 1 căn hộ giá rẻ để không phải thuê nhà, nhưng suy đi tính lại vẫn quyết định dành dụm để mua một dự án tốt hơn.
Sau một thời gian nghiên cứu, mới đây, vợ chồng chị Hiền đã xuống tiền một căn hộ cao cấp hơn 3 tỷ đồng tại quận Hai Bà Trưng. Với thu nhập ổn định trên 30 triệu đồng/tháng, cộng với sự hỗ trợ cho vay từ phía ngân hàng nên anh chị không ngần ngại đặt bút ký vào hợp đồng mua nhà.
Nguồn cung căn hộ trên thị trường tăng mạnh.
Chị Hiền cho hay: “Cách đây vài năm, mình không nghĩ là sẽ mua được căn hộ chất lượng tốt như vậy. Hiện giá nhà rất phù hợp với người mua, nhất là khi các ngân hàng dễ dàng cho vay với lãi suất khá mềm”.
Theo tính toán, mỗi tháng hai vợ chồng chị chỉ phải trả lãi và gốc ngân hàng trên 15 triệu đồng. “Nếu tiếp tục đi thuê, mỗi tháng chúng tôi cũng mất 8 triệu, trong khi đó lại không tích luỹ được nhiều. Nếu không nắm bắt cơ hội, cuối năm giá nhà tăng thì khó có thể với được”, chị Hiền phân tích.
Thực tế, những gia đình trẻ như chị Hiền đang có nhu cầu mua nhà khá cao. Theo khảo sát mới công bố của một nghiên cứu, khách hàng trẻ lần đầu tiên mua nhà có độ tuổi từ 25-35 tuổi, mua nhà vì mục đích muốn có chỗ ở ổn định hoặc khi lập gia đình. Họ là đối tượng khách hàng đã đi làm và có thu nhập.
Dân số Việt Nam có độ tuổi từ 25-45 hiện chiếm trên 32%, trong đó có hơn một nửa có độ tuổi từ 25-35. Mỗi năm, có khoảng 50.000 cặp vợ chồng mới cưới có nhu cầu về nhà ở.
Video đang HOT
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng nhu cầu nhà ở của người trẻ rất lớn, vì vậy các doanh nghiệp phải thấy được điều này để có kế hoạch phát triển sản phẩm phù hợp, ngân hàng có thể hỗ trợ bằng cách cho thế chấp chính căn hộ mua để vay vốn.
Tận dụng mọi ưu đãi
Theo phân tích của các chuyên gia, chưa khi nào hợp lý để mua nhà như hiện nay. Đặc biệt là khi, lãi suất ngân hàng đang xoay quanh mức 10-12%/năm.
Nghiên cứu mới nhất của CBRE và Savills đều cho thấy nguồn cung và cầu trên thị trường tiếp tục ổn định. Đặc biệt, tỷ lệ giao dịch thành công vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại Hà Nội, quý 3 có 6.800 căn mở bán thì có tới 5.279 căn hộ đã được bán ra, tăng 52% so với quý trước.
Cơ hội sở hữu nhà nếu biết nắm bắt đúng thời điểm.
Lượng giao dịch đạt 7.500 căn, tăng 7% theo quý và 43% theo năm (theo Savills Việt Nam). Điều đó cho thấy thị trường hấp thụ rất tốt. Nguyên nhân khiến thị trường tăng trưởng đều đặn và chắc chắn là do cơ cấu hàng hóa BĐS đã được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu ở thực và khả năng thanh toán thực của thị trường.
Các chủ đầu tư, ngoài các chương trình khuyến mãi còn mạnh tay kết hợp với ngân hàng để đưa ra lãi suất cho vay 0%. Người mua nhà có thể lựa chọn hàng loạt dự án có cho vay ưu đãi này.
Hiện tại, rất nhiều ngân hàng tham gia cho vay vốn mua nhà, với tỷ lệ cho vay lên tới 80%, mức lãi suất trong 1-2 năm đầu tiên rất ưu đãi. Đây là cơ hội để người có nhu mua nhà có thêm nhiều lựa chọn ở các dự án tốt.
Ông Nguyễn Xuân Quang, đại diện một chủ đầu tư, khuyên rằng, đối với các cá nhân, gia đình có tài chính vừa phải, việc lựa chọn sản phẩm có thể cân nhắc các tiêu chí theo thứ tự: chủ đầu tư có uy tín trên thị trường để giảm thiểu tối đa rủi ro về pháp lý, chất lượng sản phẩm, thời gian bàn giao nhà, hoàn tất chủ quyền,…
Những dự án chung cư có vị trí đắc địa, được đầu tư bài bản, xây dựng đúng tiến độ, tiện ích và thiết kế và có chất lượng sống cao… của chủ đầu tư uy tín luôn được quan tâm, và giao dịch mạnh. Thậm chí, theo CBRE, phân khúc trung cao cấp quý này giá còn tăng 6-8%.
Có thể nói, thị trường đang đa dạng nguồn cung như hiện nay, cộng với các chính sách cho vay mua BĐS khá hấp dẫn của các ngân hàng, cơ hội mua nhà của khách hàng trẻ ngày càng được mở rộng.
Theo_Phụ Nữ News
Giá dầu lại rớt xuống dưới 50 USD
Trước động thái giảm lãi vay ngắn hạn của các ngân hàng thời gian qua, thị trường tiếp tục chờ đợi lãi suất cho vay dài hạn cũng theo đà giảm. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của doanh nghiệp, lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận việc giảm lãi suất chỉ có thể áp dụng với kỳ hạn ngắn và với một số lĩnh vực ưu tiên.
Ngoại trừ xu hướng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các nhóm lĩnh vực ưu tiên, hiện các ngân hàng mới chỉ áp dụng hình thức cho vay lãi suất cho ban đầu rất thấp nhưng chỉ cố định trong vòng 3 tháng đầu, sau đó được áp theo mức lãi suất huy động 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ do ngân hàng quy định, thay đổi 6 tháng hoặc 3 tháng một lần.
Lãi suất vay dài hạn cao
Hiện mức lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng tại nhiều ngân hàng cổ phần khá cao, trung bình từ 9%-11%/năm. Trong khi đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường là 9,3%-11%/năm. Đơn cử, hiện lãi suất cho vay ưu đãi trung, dài hạn cố định trong năm đầu tiên của ngân hàng HD Bank là 9,69%/năm.
Hiện nay, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp nhiều hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cuối năm. Bên cạnh đó, nhiều DN muốn nâng sức cạnh tranh, cần đầu tư thêm máy móc, công nghệ, mở rộng quy mô thì phải vay trung - dài hạn. Nhưng với mức lãi suất hiện nay khá cao gây khó khăn cho DN.
Ông Nguyễn Văn Thiết - Giám đốc công ty Thuỷ sản Duy Nhất, cho biết: Công ty đang vay trung - dài hạn tại một ngân hàng quốc doanh với lãi suất 8,5%/năm trong năm đầu, từ năm thứ hai trở đi tăng lên 10,1%/năm. Bởi vậy, DN chỉ dám vay "cầm chừng" vì lo sợ khó chi trả lãi và vốn.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp gia công may mặc chia sẻ: dù đang đầu tư thêm một nhà máy trong KCN ở Bắc Ninh, nhưng công ty chỉ dám vay vốn ngắn hạn với mức lãi suất 6,2%/năm.
Khó giảm lãi vay dài hạn
Khi được hỏi tại sao không vay trung - dài hạn để xây dựng nhà máy, vị tổng cho rằng: "Mức lãi suất trung - dài hạn hiện nay quá cao và không ổn định nên rất khó cho DN tính toán hiệu quả để đầu tư lâu dài. Bởi vậy, chúng tôi đang cân nhắc các nguồn, trong đó ưu tiên huy động từ cổ đông, chứ không dám vay ngân hàng vì sợ lãi suất cho vay tăng trở lại như vài năm trước thì DN sẽ rất khó khăn. Chỉ cần trả lãi vay vượt mức 10%/năm là kinh doanh đã không có lãi, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay" - vị tổng giám đốc này giải thích.
Một số DN lại tính toán phương án, chia nhỏ khoản vay vào các gói vay ngắn hạn để hưởng ưu đãi và đủ khả năng chi trả. Ông Phạm Văn Khải - Giám đốc một công ty phân phối sữa nhập khẩu, cho biết công ty đang vay hơn 3 tỷ đồng tại ACB, lãi suất trên 10%/năm. Công ty vay vốn liên tục trong hai năm, nhưng ký hợp đồng thường chỉ dưới 6 tháng/lần.
"Khi mới vay, chúng tôi cũng được hưởng mức lãi suất ưu đãi khá thấp, nhưng sau thời gian khuyến mãi thì phải theo giá thị trường", ông Khải nói.
Sự điều tiết của thị trường
Theo các DN, hiện nay mức lãi suất cho vay cao hơn nhiều so với những nước lân cận. Nhiều ngân hàng nước ngoài cho vay lãi suất USD chỉ 4,5%/năm nên DN các nước có lợi thế cạnh tranh hơn.
Trả lời báo chí, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tại Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đang ở mức khá thấp, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-10%/năm; và không có sự khác biệt lớn so với các nước trong khu vực.
Theo các chuyên gia kinh tế, có ba lý do khiến lãi suất trung - dài hạn khó giảm. Đó là, vấn đề nợ xấu đang cản trở kinh doanh của ngân hàng. Nếu một phần vốn cho vay ra mà không quay trở lại thì ngân hàng phải huy động một nguồn vốn lớn để trả cho khách hàng những món nợ cũ.
Ngoài ra, quá trình tái cơ cấu, các ngân hàng đã phải lấy một phần lớn lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, khiến năng lực tài chính suy giảm đáng kể. Như vậy, ngân hàng sẽ khó giảm lãi suất cho vay dài hạn.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng thừa nhận việc giảm lãi suất chỉ có thể áp dụng với kỳ hạn ngắn và với một số lĩnh vực ưu tiên, bởi chênh lệch lãi suất mà các ngân hàng duy trì rất thấp, chỉ hơn 2%.
Nhận xét về vấn đề này, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng: "Khách hàng đã quyết định lựa chọn thay đổi kỳ hạn dài hơn để được hưởng mức lãi suất cao hơn tại ngân hàng đang gửi tiền, thay vì tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh khác. Lãi suất huy động có cơ sở giảm thêm thì các ngân hàng tiếp tục cân đối lại lãi suất cho vay trung dài hạn".
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm ở mức 11,24%, trong đó tín dụng trung - dài hạn hiện chiếm khoảng 55,9% tổng dư nợ tín dụng.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng trung - dài hạn đã tăng chậm lại trong 8 tháng đầu năm 2016, chỉ tăng 11,1% (cùng kỳ năm ngoái tăng 18,7%).
Theo Thời báo kinh doanh
Bất động sản "tăng tốc" những tháng cuối năm Với tâm lý càng sát tết, người Việt càng mong chốt "chốn an cư" - dòng tiền đổ vào thị trường vào thời điểm này đự báo sẽ tăng. Thị trường bất động sản bắt đầu ấm hơn vào cuối năm Gần tết, thị trường "nóng" hơn Trải qua hơn 3/4 chặng đường, thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay...