Kịch bản phục hồi thị trường từ bài học của Trung Quốc
Theo JLL, Trung Quốc là thị trường đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, lệnh đóng cửa biên giới các thành phố và hạn chế đi lại đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế giảm 6,8% trong quý đầu năm 2020.
Các nhà đầu tư vẫn đang thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến thị trường bất động sản thương mại Trung Quốc. Ảnh: Ngô Ngãi
Hai tháng sau khi các biện pháp chống dịch được áp dụng, ổ dịch COVID-19 này dường như đang ổn định với số ca bệnh mới ở Trung Quốc đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, diễn biến ở các nơi khác trên thế giới cho thấy loại virus khó lường này có thể dễ dàng xuất hiện trở lại. Trung Quốc hiện đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong khi cả thế giới đang siết chặt.
Video đang HOT
Ở đỉnh điểm, COVID-19 đã đẩy hầu hết các ngành công nghiệp Trung Quốc vào tình trạng bế tắc. Hiện nay, nhiều ngành công nghiệp truyền thống đang dần trở lại hoạt động bình thường. Nhân viên văn phòng cũng đã bắt đầu quay lại làm việc ở các thành phố lớn. Khối lượng cho thuê văn phòng tăng trưởng chậm lại và các công ty tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê.
Các trung tâm thương mại cũng đang dần quay lại hoạt động, với các biện pháp phòng dịch như kiểm tra nhiệt độ và bắt buộc giữ khoảng cách. Hoạt động cho thuê vẫn đang chững lại và tác động của tình hình dịch bệnh lên thị trường bán lẻ sẽ còn kéo dài đến quý 2 năm nay.
Các thương hiệu quốc tế đang tiếp tục trì hoãn kế hoạch mở rộng, trong khi các cửa hàng tạp hóa và siêu thị đang được hưởng lợi vì là dịch vụ thiết yếu. Các nhà bán lẻ đã đẩy nhanh việc áp dụng bán hàng trực tuyến vì người tiêu dùng ngại đến các khu vực mua sắm đông đúc.
Ngành hậu cần vẫn tương đối năng động trong thời gian dịch bệnh nhờ nhu cầu thuê từ các công ty thương mại điện tử. Giao thông vận tải hàng hóa và kho bãi đã hoạt động trở lại. Xu hướng như giao hàng thực phẩm tươi đang tăng tốc và JLL dự kiến điều này sẽ sẽ đẩy mạnh nhu cầu về kho lạnh.
Báo cáo JLL cho thấy có 87% lượng khách sạn tại Trung Quốc hiện đã mở cửa trở lại, mặc dù hầu hết đều báo cáo tỷ lệ lấp đầy thấp (dưới 30%). Chính sách hạn chế di chuyển liên tỉnh và cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài vẫn còn được áp dụng. Các khu nghỉ mát nằm gần các thành phố lớn đang có dấu hiệu phục hồi.
Với phân khúc thị trường vốn, các nhà đầu tư vẫn đang thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến thị trường bất động sản thương mại Trung Quốc. Trong khi dịch bệnh có thể đã hoãn một số thỏa thuận, các cuộc đàm phán khác vẫn được thúc đẩy với sự tin tưởng từ các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư trong nước. Các nhà đầu tư ít quan tâm đến tình hình hiện tại mà chú ý hơn đến tiềm năng dài hạn của một thành phố.
COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành công nghiệp; tuy nhiên, nó cũng đã tạo ra các cơ hội tăng trưởng tiềm năng. Tại Trung Quốc, báo cáo JLL ghi nhận các ngành công nghiệp cung cấp các dịch vụ rất thiết yếu vẫn hoạt động tốt và kỳ vọng nhóm ngành này sẽ thúc đẩy thị trường cho thuê khi tình hình ổn định.
Nhu cầu bảo hiểm đã tăng vọt ở Trung Quốc. Khi nền kinh tế lớn đầu tiên bị tác động bởi COVID-19, các cá nhân và doanh nghiệp đã buộc phải xem xét bảo hiểm diện rộng để phòng ngừa những rủi ro tương tự. Sự gia tăng nhận thức đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về không gian từ các công ty bảo hiểm trong nước, nhiều công ty trong số họ đã ghi nhận khối lượng giao dịch tăng đột biến.
Chủ nhà đang bắt đầu tập trung hơn vào việc phát triển công nghệ bất động sản, nhất là các ứng dụng liên quan đến sức khỏe cho tòa nhà của họ, như camera thân nhiệt và hệ thống điều khiển tòa nhà kỹ thuật số. Song song, người thuê cũng đã được trang bị tốt hơn bằng cách đầu tư vào các giải pháp trực tuyến để khuyến khích làm việc từ xa.
Báo cáo của JLL cho biết, trong lúc COVID-19 tiếp tục định hình lại cuộc sống và nền kinh tế theo cách chúng ta khó lường trước, nhưng điều ưu tiên nhất sẽ vẫn là sức khỏe và an ninh của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp.
Lô vải thiều đầu tiên vẫn vững tin xuất Nhật
Lô vải thiều đầu tiên dự kiến xuất sang Nhật Bản vào cuối tháng 5 vẫn đang được gấp rút hoàn thành các thủ tục xuất khẩu cần thiết, đại diện địa phương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đều khẳng định như vậy với phóng viên báo Tin tức.
Chỉ chưa đầy một tháng nữa, vải tươi sẽ chín rộ. Ảnh: TTXVN
Trước thông tin lô vải thiều đầu tiên sang thị trường Nhật Bản lỡ cơ hội xuất khẩu do phía Nhật Bản không thể cử chuyên gia kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam, phóng viên báo Tin tức đã tìm hiểu về vấn đề này.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, việc Nhật Bản không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch COVID-19, tỉnh đã nhận được thông tin và vẫn đang chủ động chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng những hộ trồng vải trong tỉnh sản xuất vải theo đúng những gì đối tác yêu cầu, cũng như đúng quy trình, tiêu chuẩn yêu cầu.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng cho biết thêm, với lô vải thiều tươi đầu tiên sang thị trường Nhật Bản vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, tỉnh Bắc Giang đang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tìm giải pháp kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam.
Đại diện Bộ NN&PTNT trả lời về vấn đề này:
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng khẳng định đã nắm được thông tin này từ cách đây khá lâu và ngành nông nghiệp đã có chuẩn bị cụ thể khi phối hợp làm việc giữa các địa phương và phía Nhật Bản.
"Các yêu cầu kỹ thuật để xuất khẩu quả vải tươi sang Nhật Bản đã rất rõ ràng, vì vậy chúng tôi vẫn đảm bảo sản xuất theo đúng yêu cầu phía bạn ở cả các vùng trồng Bắc Giang và Hải Dương. Trước thông báo của phía Nhật Bản gửi tới đại sứ quán Việt Nam và Cục Bảo vệ thực vật về những khó khăn trong việc cử chuyên gia sang, chúng tôi có đề xuất giải pháp đề nghị họ ủy quyền cho cơ quan đại diện kiểm dịch của Việt Nam với các phương án kỹ thuật tối ưu nhất." - ông Hoàng Trung phân tích.
"Nhật Bản đã từng áp dụng phương pháp ủy quyền kiểm dịch với quả xoài và thanh long xuất sang thị trường này trong giai đoạn diễn ra dịch COVID-19 vừa qua. Tiếp tục hướng xử lý này, chúng tôi cũng đã đề xuất phía bạn áp dụng quy trình này lên quả vải và đang ở giai đoạn chờ phía bạn thông qua để tiến hành các bước tiếp theo.
Như vậy, với sự phối hợp của cả cơ quan nông nghiệp trong nước và phía Nhật Bản, tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm ra giải pháp tốt nhất đưa quả vải Việt Nam xuất đi." - đại diện ngành nông nghiệp Việt Nam khẳng định.
Để chuẩn bị xuất khẩu lô vải thiều tươi đầu tiên sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha, sản lượng ước đạt 600 tấn ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn. Tỉnh đã hợp tác với 3 công ty Ameii, Chánh Thu, Toàn Cầu trong nước để liên kết tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Trước đó, Bộ Công Thương cho biết nhận được công hàm số 02/shouan/333 ngày 20/4/2020 của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) thông báo không thể cử chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch bệnh COVID-19. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản làm dấy lên lo ngại một vụ mùa khó khăn cho bà con nông dân các vùng sản xuất vải tươi Bắc Giang và Hải Dương khi không xuất khẩu được sang thị trường này.
Trong cuộc làm việc với Bộ NN&PTNT cuối tháng 4 vừa qua, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, tỉnh đã lường trước những khó khăn trong xuất khẩu nông sản nếu tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới.
"Tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các kịch bản tiêu thụ vải. Kịch bản thuận lợi nhất là xuất khẩu sang tất cả các thị trường; kịch bản thứ hai là xuất khẩu có khó khăn, nhưng vẫn có thể xuất khẩu được; kịch bản thứ ba trong bối cảnh khó khăn nhất là không xuất khẩu được, thì khi đó tập trung lớn nhất sẽ là tiêu thụ tại thị trường trong nước." - ông Dương Văn Thái chia sẻ.
Từ bài học kinh nghiệm của các năm trước, tỉnh Bắc Giang tập trung đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là đối với thị trường truyền thống, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, tập đoàn, nhà phân phối tới ký kết hợp đồng sớm với các hợp tác xã, các doanh nghiệp và các tổ hợp tác, trang trại thu mua, tiêu thụ vải.
Giá xăng trong nước có thể giảm thêm 5 10% Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), giá dầu Brent có thể sẽ giảm về vùng giá 9 - 10 USD/thùng trong kịch bản các quốc gia tiếp tục duy trì sản xuất dầu nhằm giữ thị phần. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) Trong báo cáo đánh giá tác động của giá dầu và các kịch bản, YSVN cho biết giá xăng, dầu...