Kịch bản phản đòn của Iran nếu bị tấn công
Nếu bị oanh kích từ Israel, Iran sẽ quật lại bằng tên lửa và những cuộc tấn công “theo kiểu khủng bố” với mức độ đủ mạnh để không mất mặt nhưng cũng đủ nhẹ để không mất mạng.
Binh sĩ Iran trong một cuộc tập trận gần đây. Ảnh: AFP
Đó là nhận đinh của các chuyên gia quân sự Mỹ và Israel, khi đánh giá hệ quả của một cuộc tấn công mà Israel thực hiện nhằm vào Iran.
Họ tin rằng nước cộng hòa Hồi giáo có thể trả đũa bằng cách phóng tên lửa vào các mục tiêu của Israel, đồng thời thực hiện những cuộc “tấn công theo kiểu khủng bố” nhằm vào các binh sĩ hay thường dân Mỹ ở nước ngoài.
Với việc đáp trả bằng tên lửa nhằm vào Israel gần như là không thể tránh khỏi một khi các cơ sở hạt nhân của Iran bị tấn công, giới chức Mỹ cho rằng Iran sẽ cố gắng điều tiết hành động trả đũa đối với các mục tiêu Mỹ. Mục đích của quốc gia Hồi giáo là để cường quốc số một thế giới không thể có cớ tiến hành hành động quân sự, bởi điều này có thể dẫn tới sự đổ vỡ lâu dài của chương trình hạt nhân mà Tehran đang theo đuổi.
“Người Iran luôn là bậc thầy trong việc kiểm soát sự leo thang”, tướng Mỹ về hưu James E. Cartwright nói. Cartwright từng là sĩ quan cấp cao nhất tại Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) đồng thời là phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân. Ông từng tham gia nhiều cuộc chiến, trong đó có cả những chiến dịch ngăn chặn và đáp trả những đối phương tiềm tàng giống như Iran.
Tướng Cartwright và nhiều nhà phân tích Mỹ tin rằng các mục tiêu mà Iran nhắm tới sẽ bao gồm cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở vùng Vịnh (vịnh Ba Tư) và binh sĩ Mỹ tại Afghanistan, nơi Iran từng bị cáo buộc chuyển vật liệu nổ cho các lực lượng phiến quân địa phương.
Video đang HOT
Cả giới chức Mỹ và Israel tin rằng một cuộc chiến tranh toàn diện trên lãnh thổ không phải là điều mà Iran mong muốn. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Washington và Tel Aviv cảnh báo rằng khó mà có thể biết các nhà lãnh đạo tối cao của Iran đang nghĩ gì.
Bất cứ một hình dung nào về phản ứng của Tehran cũng sẽ giúp quyết định liệu Israel có nên “động binh” hay không, cũng như vai trò của Mỹ sẽ như thế nào khi điều này thực sự xảy ra.
Iran liên tục có những cuộc thử nghiệm tên lửa từ năm ngoái tới nay. Ảnh: AFP
Israel, Iran đều sẵn sàng
Trong khi Iran vẫn được cho là tiếp tục hướng tới việc phát triển vũ khí hạt nhân, các quan chức tình báo Mỹ tin rằng không có bằng chứng chắc chắn nào về việc Iran đã quyết định chế tạo một quả bom hạt nhân. Tuy nhiên, khả năng Israel có thể phát động một cuộc tấn công phòng ngừa . Điều này là vấn đề quan tâm của những nhà hoạch định chính sách Mỹ, và dự kiến sẽ là chủ đề chính khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng tuần tới.
Hồi tháng 11/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cho rằng bất cứ một sự trả đũa nào của Iran với một cuộc tấn công của Israel đều “có thể chấp nhận được”, và Tel Aviv dự đoán rằng Iran cũng đang sẵn sàng trước khả năng có thể bị tấn công.
“Một khi các cuộc tấn công quân sự và cả những hành động đáp trả diễn ra, bạn coi như đã ở trên lưng cọp”, Ray Takeyh, cựu quan chức an ninh quốc gia chính quyền Obama và nay là thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho hay. “Và khi đã ở trên lưng cọp, bạn sẽ không thể luôn tìm được đúng chỗ để xuống”.
Nếu Israel thực sự “động binh”, Iran có thể sẽ trở nên liều lĩnh, thậm chí là tiến hành tấn công trả đũa nhằm thẳng vào các mục tiêu quân sự Mỹ, ví dụ như phóng tên lửa vào các căn cứ Mỹ tại vùng Vịnh. “Iran sẽ tìm cách gây ra những thiệt hại đáng kể, nhưng sẽ không đến mức khiến Mỹ phải tham chiến”, tướng Cartwright, nay là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), nói.
Một cựu quan chức Israel cho rằng cách tốt nhất để hình dung về hành động trả đũa nhằm vào nước này đó là thông qua một công thức, được ông này gọi là “1991 cộng 2006 cộng Buenos Aires nhân với 3 hoặc 5″. Công thức này liên quan tới 3 vụ tấn công nhằm vào Israel trong hai thập kỷ qua. Năm 1991, các tên lửa Scud của Iraq được Saddam Hussein ra lệnh bắn vào lãnh thổ Israel trong Cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất. 15 năm sau, 3.000 tên lửa được các phiến quân Hezbollah bắn vào đất Israel. Ngoài hai sự kiện này, vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đại sứ quán Israel và một trung tâm Do Thái ở Argentina trở thành mục tiêu tấn công,
Mỗi cuộc tấn công kể trên khiến khoảng 200 người thiệt mạng và làm bị thương hàng chục người khác, kéo theo thiệt hại vật chất lên tới vài tỷ USD. Hàng trăm nghìn người ở miền bắc Israel đã phải bỏ nhà cửa để tới các vùng tránh bom hoặc chạy xa hơn xuống phía nam trong cuộc chiến năm 2006.
Hình vẽ mô tả phạm vi hoạt động của các tên lửa Iran. Đồ họa: Mcclatchydc
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một tâm lý phổ biến tại Israel rằng sự đáp trả của Iran sẽ ở mức hạn chế.
Đánh trả Israel, dè chừng Mỹ
“Chẳng có nghi ngờ gì đối với việc Iran sẽ trả đũa nếu bị tấn công”, cựu quan chức Israel kể trên chia sẻ quan điểm giống với suy nghĩ của Bộ trưởng Quốc phòng Barak. “Nhưng sự phản ứng của Iran sẽ được tính toán và ở mức phù hợp với năng lực của nước này. Iran sẽ không thể nổi lửa ở Trung Đông”. Theo quan chức này, việc Tel Aviv hứng tới 40 quả tên lửa (theo tính toán của giới quân sự Israel) không phải là một điều tốt đẹp gì, nhưng nó còn tốt hơn là việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trái ngược với nhận định trên, chính phủ và giới quan chức quân sự, tình báo Israel lại cho rằng khả năng cao nhất là Iran chọn những cuộc tấn công nặc danh và không trực tiếp vào những quốc gia bị coi là ủng hộ chính sách của Tel Aviv. Việc làm này là nhằm hy vọng Israel sẽ nhận được ít sự hậu thuẫn hơn. Iran cũng có thể sẽ tìm cách đóng, thậm chí là tạm thời, eo biển Hormuz để gây thêm khó khăn cho thị trường dầu mỏ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cả Washington và Tel Aviv, mục tiêu chính của Iran sẽ là nhanh chóng xây dựng và có thể là đẩy nhanh chương trình hạt nhân, để nhờ đó có thể tránh được một đợt tấn công trừng phạt thứ hai từ Mỹ.
Vali Nasr, giáo sư về chính trị quốc tế tại khoa Luật và Ngoại giao thuộc trường đại học Tufts (Mỹ), cho rằng Iran sẽ trả đũa một cách rõ ràng đối với Israel để bảo vệ hình ảnh của quốc gia Hồi giáo trước dư luận trong nước và khu vực. Song song với hành động đáp trả này, Iran cũng sẽ tìm cách tận dụng việc Mỹ còn đang bận rộn với những căng thẳng ở Libăng, Syria, Ai Cập, Iraq và Afghanistan.
Năm 2009, Viện Brookings (Mỹ) đã thực hiện một cuộc mô phỏng để đánh giá ngày thứ hai trong một cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran, trong đó phân vai cho các cựu quan chức chính phủ, các nhà ngoại giao và những chuyên gia khu vực vào vị trí của các quan chức Mỹ, Israel và Iran. Karim Sadjadpour, thành viên tổ chức phi lợi nhuận Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment, vào vai lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei của Iran. “Ông Khamenei” phải kiềm chế hành động trả đũa của Iran với sự chính xác tuyệt vời. “Nếu họ đáp trả quá yếu ớt, họ sẽ mất mặt, nhưng nếu quá tay, họ có thể mất mạng”, Sadjadpour nói.
Trong suốt cuộc mô phỏng này, “Iran” cũng bắn tên lửa vào các mục tiêu hạt nhân và quân sự của Israel, trong khi phiến quân Hezbollah, Hamas và Islamic Jihad nã tên lửa vào các trung tâm dân cư ở Israel, với mục đích tạo nên một không khí hoảng loạn cho người dân Israel. “Iran” còn tiến hành các hoạt động trả đũa ở cả châu Âu trong cuộc mô phỏng này.
Theo ông Sadjadpour, điều mà cuộc mô phỏng nói trên chỉ ra đó là mọi việc sẽ diễn biến xấu đi nhanh đến thế nào, và về lâu về dài thì bất cứ hành động tấn công nào cũng sẽ phải trả giá đắt.
Theo VNExpress