Kịch bản nào cho Tổng thống Trump sau cú “ngã ngựa” của 2 cựu trợ lý?
Hàng loạt những câu hỏi đặt ra cho tương lai của Tổng thống Donald Trump nói riêng, cũng như nền chính trị Mỹ nói chung, sau các vụ bê bối rùm beng của 2 cựu trợ lý của ông Trump, theo CNN
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: EPA)
Ngày 21/8 theo giờ Mỹ dường như là một ngày không mấy may mắn với Tổng thống Trump, khi ông liên tiếp nhận được “tin dữ” từ tòa án Mỹ. Ông Paul Manafort, cựu lãnh đạo chiến dịch tranh cử năm 2016 của ứng viên Donald Trump, bị tòa án tuyên có tội, liên quan tới 8 cáo buộc gian lận tài chính.
Ngay sau đó, tại New York, trước tòa án quận Manhattan, cựu luật sư riêng của ông Trump là Micheal Cohen thừa nhận mắc 8 tội danh, trong đó có 2 tội vi phạm quy định tài chính trong cuộc bầu cử năm 2016. Tội của ông Cohen liên quan tới việc ông chịu trách nhiệm trả tiền nhằm đổi lấy sự im lặng của 2 phụ nữ, những người nói rằng họ có cái gọi là “quan hệ tình ái” với Tổng thống Trump, ngay trước thềm cuộc bầu cử năm 2016.
Tuy văn bản tòa án Manhattan không nêu rõ tên của người đứng sau chỉ đạo ông Cohen trả tiền cho các phụ nữ, song giới quan sát cho rằng đây chính là ông Trump. Theo lý giải của phóng viên CNN Kara Scannell, theo luật pháp Mỹ, biên bản tòa án không được phép nêu tên của những cá nhân hay pháp nhân không bị cáo buộc có tội, vì vậy tên ông Trump không xuất hiện trong các văn bản này.
CNN nhận định, chỉ trong một ngày, nền chính trị Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đã bị “rung chuyển” bởi những thông tin trên.
Theo đánh giá của giới quan sát, cả 2 vụ việc đều có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng tới Tổng thống Trump, nhưng lời khai của ông Cohen về việc trả tiền để “giấu nhẹm” nghi vấn quan hệ tình ái của ông Trump có ảnh hưởng lớn hơn. Việc không công bố các khoản tiền 130.000 USD trả cho cựu sao khiêu dâm Stormy Daniels và 150.000 USD cho cựu người mẫu Playboy Karen McDougal là hành động vi phạm quy định tài chính trong bầu cử liên bang. Thêm vào đó, việc ông Cohen thừa nhận ông nhận được sự chỉ đạo “của một ứng viên cho cơ quan liên bang” (ám chỉ ông Trump) được coi là một đòn “phản bội” có tác động nghiêm trọng tới Tổng thống Mỹ.
Không dễ để luận tội ông Trump
Ông Micheal Cohen (Ảnh: Reuters)
Theo CNN, ông Trump gần như sẽ không bị luận tội, không phải vì ông chưa làm bất cứ điều gì không đúng, mà vì theo một quy định của Bộ Tư pháp. Theo đó, điều khoản này quy định rằng Tổng thống đang tại vị sẽ không bị luận tội vì lo ngại có thể ảnh hưởng tới việc điều hành đất nước. Luật sư riêng của ông Trump đã từng nói về vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 5. Ngược lại, một số ý kiến cho rằng tổng thống vẫn có thể bị luận tội vì mọi người đều phải bình đẳng như nhau trước pháp luật.
Dù đây là một vấn đề gây tranh cãi, như trên thực tế để có thể luận tội hay bãi nhiệm ông Trump, cần có sự đồng thuận của cả hai viện trong quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khi đảng Cộng hòa đều giành ưu thế ở cả Thượng viện và Hạ viện, việc luận tội hay bãi nhiệm ông Trump là điều khó xảy ra, ít nhất là trong lúc này.
Video đang HOT
Những mâu thuẫn về vấn đề luận tội hay không cũng khiến đảng Dân chủ “phân hóa” theo 2 luồng ý kiến. Những người ủng hộ trung thành của đảng này dĩ nhiên mong muốn ông Trump phải bị luận tội vì họ cho rằng 2 vụ việc trên cùng với vụ điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ cho thấy ông Trump dường như đã vi phạm nghiêm trọng luật bầu cử liên bang. Họ cho rằng việc luận tội có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực tới cục diện cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 và khiến đảng Dân chủ “lật ngược thế cờ” ở lưỡng viện.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ như Elizabeth Warren hay Nancy Pelosi dường như lại tỏ ra “chần chừ” với việc này. Ngày 22/8, bà Pelosi nói rằng luận tội ông Trump không phải là vấn đề ưu tiên của đảng ở thời điểm này.
Theo CNN, các nghị sĩ này có thể cho rằng tình hình hiện tại vốn đã có lợi cho đảng Dân chủ, rằng với những gì ông Trump thể hiện trong hơn 1 năm qua, các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ có thể đã đủ quyết tâm để “gửi tới đảng Cộng hòa và ông Trump một thông điệp”. Vì vậy, điều mà đảng Dân chủ cần tập trung hiện tại là tác động tới những đối tượng cử tri ở giữa, chưa hẳn nghiêng về bên nào. Đây mới là những đối tượng có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Điều gì s ẽ xảy ra với 2 cựu trợ lý?
Tổng thống Trump và ông Manafort (Ảnh: Reuters)
Theo CNN, hiện tại ông Cohen có thể đang ở New York và chờ phiên tòa luận tội vào tháng 12. Dù các tội danh của ông có thể khiến cựu luật sư bị kết án tới 65 năm tù, nhưng do thành khẩn nhận tội và hợp tác, mức án này sẽ thấp hơn rất nhiều. Ông Cohen được cho là đã tại ngoại với số tiền bảo lãnh 500.000 USD và lệnh cấm túc di chuyển ra ngoài một số khu vực nhất định. Theo dự đoán của CNN, ông Cohen có thể sẽ hợp tác với công tố viên đặc biệt Robert Muller trong khuôn khổ vụ điều tra nghi án ông Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Với Manafort, ông hiện đang bị giam ở Alexandria, Virginia chờ kết án. Ông đã bị chặn không được bảo lãnh sau khi bị cáo buộc đã trò chuyện với nhân chứng của vụ việc khi được tại ngoại trước đó. Án phạt mà ông có thể đối mặt lên tới 80 năm tù giam.
Sau cùng, tất cả mọi ánh mắt đều đang đổ dồn vào cuộc điều tra của công tố viên Muller. Hàng loạt những câu hỏi được đặt ra về việc liệu 2 vụ án trên có gợi nhắc cho công tố viên này bất cứ tình tiết, hay tài liệu nào có lợi cho cuộc điều tra hay không hay liệu tính toán của ông Muller là gì cho giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra.
CNN cho rằng, kết luận cuối cùng của ông Muller có thể sẽ giống như một mảnh ghép lớn, quan trọng trong bức tranh toàn cảnh về tương lai của Tổng thống Donald Trump, cũng như chính trị Mỹ trong tương lai sau này.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Theo Dantri
Nguy cơ bị phế truất của Tổng thống Trump giữa "sóng gió" pháp lý
Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội sau khi vướng vào một loạt vụ lùm xùm liên quan tới các vấn đề pháp lý. Tuy vậy, Hiến pháp Mỹ có những quy định rất rõ ràng về vấn đề này.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Trước tòa án ở New York ngày 21/8, Michael Cohen, cựu luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, đã nhận tội vi phạm quy định tài chính trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 "theo chỉ đạo của một ứng viên". Dù ông Cohen không nói rõ ứng viên đó là ai, song mọi người đều hiểu đó là ông Trump.
Ông Cohen cho biết đã trả tiền cho diễn viên phim cấp 3 Stormy Daniels và cựu người mẫu Playboy Karen McDougal nhằm ngăn những người này tiết lộ về mối quan hệ tình ái giữa họ với ông Trump trong thời gian diễn ra cuộc tranh cử vào Nhà Trắng.
Theo hãng tin RT, lời khai nhận của ông Cohen chắc chắn sẽ làm gia tăng cơ hội bị luận tội của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Những gì cựu luật sư của Tổng thống Trump khai nhận trước tòa không phải là yếu tố duy nhất để xác định những diễn biến tiếp theo của vụ việc. Thực chất, phần quan trọng hơn của câu chuyện này phụ thuộc chủ yếu vào những gì sẽ diễn ra trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ vào ngày 8/11 tới. Sự kiện này có thể sẽ quyết định "số phận" của Tổng thống Trump.
Jim Jatras, người từng là nhà ngoại giao Mỹ, nói với RT rằng cơ hội luận tội của Tổng thống Trump hiện ở mức "khoảng 65% và đang tăng lên", tuy nhiên con số này có thể tăng hoặc giảm dựa trên những gì xảy ra vào tháng 11 tới. Ông Jatras dự đoán nếu phe Dân chủ thành công trong việc giành lại quyền kiểm soát tại Hạ viện, nguy cơ bị luận tội của Tổng thống Trump có thể tăng lên tới "ít nhất 85%". Còn trong trường hợp phe Cộng hòa vẫn nắm quyền kiểm soát Hạ viện, ông Trump có thể sẽ "an toàn hơn".
Trong khi đó, theo Gilbert Doctorow, nhà phân tích các vấn đề Nga tại Brussels, Bỉ, nguy cơ bị luận tội của Tổng thống Trump là bằng 0, "trừ khi" kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11 cho phép phe Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện.
Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, tổng thống có thể bị luận tội vì các hành vi như phản quốc, nhận hối lộ hoặc một số tội danh khác. Quy trình luận tội sẽ diễn ra tương tự cách thông qua một dự luật thông thường và quyết định luận tội cần được hơn 50% nghị sĩ ở Hạ viện thông qua. Hiện Hạ viện Mỹ vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Theo nhà báo Mỹ Dave Lindorff, vụ luận tội cựu Tổng thống Bill Clinton vào tháng 12/1998 đã đặt ra một tiền lệ và Tổng thống Trump cũng có thể bị chất vấn trong một vụ kiện dân sự do diễn viên phim người lớn Stormy Daniels khởi xướng. Các luật sư có thể tạo ra "bẫy khai man" tương tự trường hợp của ông Clinton trước đây, từ đó dẫn tới nguy cơ luận tội tổng thống.
Bãi nhiệm chức vụ tại Nhà Trắng?
Cựu luật sư của ông Trump Michael Cohen (Ảnh: UPI)
Ngoài vấn đề luận tội, Tổng thống Trump cũng đối mặt với nguy cơ bị bãi nhiệm chức vụ tại Nhà Trắng. Đối với những nghị sĩ Dân chủ không ưa Tổng thống Trump, việc phế truất nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí còn khó hơn nhiều so với việc luận tội. Theo quy định, việc phế truất tổng thống cần sự đồng thuận của ít nhất 2/3 nghị sĩ ở Thượng viện.
Trước Tổng thống Trump, cựu Tổng thống Clinton từng bị luận tội nhưng sau đó số đông nghị sĩ tại Thượng viện không thông qua quyết định phế truất và ông vẫn được tại nhiệm. Nếu tổng thống bị phế truất, phó tổng thống sẽ lên nắm quyền điều hành.
Theo nhà báo Lindorff, so với ông Clinton, xuất phát điểm của Tổng thống Trump "yếu hơn nhiều" vì các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ người Mỹ ủng hộ ông chỉ chiếm thiểu số. Theo khảo sát của Real Clear Politics, ông Trump nhận được 43,5% tỷ lệ ủng hộ trung bình.
Tuy ông Trump được đánh giá ở vị thế yếu hơn, song nếu muốn phế truất tổng thống, đảng Dân chủ vẫn cần "ít nhất 15 Thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ" và đảng này cũng cần giành lại quyền kiểm soát Thượng viện. Hiện đảng Cộng hòa đang nắm 51/100 ghế tại Thượng viện Mỹ và bài toán đặt ra với đảng Dân chủ không đơn giản.
Theo nhà ngoại giao Jatras, "nếu đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện, Tổng thống Trump sẽ bị luận tội và phế truất, ngay cả khi đảng Cộng hòa vẫn chiếm ưu thế tại Thượng viện".
"Đâu đó trong khoảng từ 1/4 tới 1/2 số Thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ chuyển sang quay lưng với ông Trump và đưa (Phó Tổng thống) Mike Pence vào Phòng Bầu Dục còn (Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc) Nikki Haley sẽ trở thành phó tổng thống", Jatras nhận định.
Nếu Tổng thống Trump bị luận tội và phế truất, người thay thế ông điều hành đất nước sẽ là Phó Tổng thống Pence. Theo chuyên gia Doctorow, ông Pence có thể "sẽ không tiếp nối các chính sách áp thuế và trừng phạt mạnh tay với các đồng minh của Mỹ" như cách ông Trump từng làm. Nhiều nhà phân tích cũng có chung quan điểm này.
Chuyên gia Doctorow cho rằng dưới thời ông Pence, thế giới có thể sẽ chứng kiến việc Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt Nga. Các lệnh trừng phạt này mới được Quốc hội Mỹ đẩy mạnh trong những tháng gần đây để buộc Tổng thống Trump phải thực thi các biện pháp chống Nga nhiều nhất có thể. Theo chuyên gia Doctorow, "các lệnh trừng phạt này thực chất là chống Trump nhiều hơn là chống Nga".
Nhà ngoại giao Jatras cho rằng nếu ông Pence trở thành chủ nhân Nhà Trắng, "một cuộc xung đột toàn cầu lớn" là gần như "không thể tránh khỏi" nếu xét đến lập trường đối ngoại thiên về truyền thống nhiều hơn của ông Pence. Trong khi đó, các vấn đề nội tại của nước Mỹ cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn cho người kế nhiệm Tổng thống Trump.
Thành Đạt
Theo Dantri/RT
Có thể đây sẽ là ngày quyết định tương lai chính trị của Tổng thống Trump Việc ông Trump có bị luận tội hay không phụ thuộc rất nhiều vào những gì sẽ diễn ra trong ngày 8/11, thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ. Hai vụ lùm xùm liên quan tới các thân tín đang khiến Tổng thống Trump rơi vào những ngày tháng bất an nhất kể từ khi...