‘Kịch bản’ không ai mong của giao thông Việt Nam
Nếu GTCC chậm trễ, người dân giàu lên và xe hơi rẻ hơn, họ sẽ từ bỏ xe máy chuyển sang xe hơi. Đến lúc đó sẽ rất khó để thuyết phục họ rời khỏi xe hơi để chuyển sang sử dụng các phương tiện GTCC. Đó là một kịch bản mà không nhiều người mong muốn cho giao thông đô thị Việt Nam.
Hiện nay có khoảng 1/3 dân số Việt Nam chính thức được gọi là thị dân nhưng trên thực tế, tỷ lệ này còn cao hơn do có một lực lượng lớn lao động không đăng ký đang sinh sống và làm việc ở các thành phố.
Trong những năm qua tốc độ đô thị hóa trung bình của các đô thị ở Việt Nam là khoảng 3,4%, hay nói cách khác cứ sau mỗi năm thì dân số đô thị trên cả nước sẽ tạo thêm được một TP Đà Nẵng và sau 7 năm sẽ có thêm một TP.HCM.
Về mặt không gian, trong tương lai không xa, có thể chúng ta sẽ không nhìn thấy ranh giới giữa các đô thị như TP.HCM, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Bình Dương (mới).
Nếu GTCC chậm trễ, người dân giàu lên và xe hơi rẻ hơn, họ sẽ từ bỏ xe máy chuyển sang xe hơi. Đến lúc đó sẽ rất khó để thuyết phục họ rời khỏi xe hơi để chuyển sang sử dụng các phương tiện GTCC.
Thực tế đó chỉ ra rằng, bài toán giao thông đô thị sẽ tiếp tục “ nóng” hơn trong những năm tới và để giải quyết bài toán đó chúng ta không thể tiếp tục tư duy theo từng đô thị riêng rẽ mà phải nhìn trên quan điểm của cả khu vực.
Bên cạnh vấn đề đô thị hóa, những thay đổi về kinh tế xã hội sẽ làm cho nhu cầu đi lại của người dân tiếp tục tăng nhanh và người dân cũng sẽ đòi hỏi những chuyến đi ngày càng có “chất lượng” hơn (an toàn, thuận tiện, tiện nghi, tin cậy, nhanh chóng).
Vì vậy, hệ thống giao thông sẽ phải thay đổi để đáp ứng được nhu cầu cả về “chất’ và “lượng” đó. Diện tích đất dành cho giao thông trong đô thị sẽ khó mà tăng lên nhiều, nguồn lực tài chính dành cho giao thông cũng có giới hạn, vì vậy chúng ta sẽ không thể cứ tiếp tục xây mới, mở rộng thêm các tuyến đường hay bãi đỗ xe để phục vụ cho giao thông cá nhân.
Chúng ta không có con đường nào khác mà các thành phố của các nước văn minh đi trước đã làm – đó là hướng đến một hệ thống giao thông phát triển bền vững, dựa trên một mạng lưới GTCC phát triển, lấy con người làm trung tâm. Giao thông hướng đến việc phục vụ cho con người chứ không phải phục vụ cho phương tiện.
Do vậy, công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch sử dụng đất cần được quan tâm đặc biệt. Nó không phải cho ra đời những con đường rộng hơn để đáp ứng cho nhiều xe cộ lưu thông hơn, thậm chí cũng không phải cho nhiều người đi lại dễ dàng hơn mà là làm sao đó để nhu cầu đi lại ít hơn.
Điều đó tưởng như vô lý nhưng thực sự đó là cách mà các thành phố của các nước phát triển đang hướng tới.
Chúng ta chỉ đạt được mục tiêu đó khi bài toán phát triển đô thị phải tích hợp với bài toán giao thông, đặc biệt là GTCC. Nếu không có sự tích hợp này thì hệ thống GTCC xây dựng dù đầu tư nhiều đến mấy cũng khó có thể khuyến khích được người dân rời bỏ các phương tiện cá nhân.
Một nghiên cứu gần đây ở TP.HCM chỉ ra rằng, nếu không có những thay đổi cơ bản về quy hoạch sử dụng đất, thì sau khi toàn bộ mạng lưới vận tải hành khách khối lớn hoàn thành, cả hệ thống này và xe buýt chỉ đảm nhận chưa đến 30% nhu cầu đi lại của người dân thành phố, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 50% như đề ra như yêu cầu ban đầu.
Điều đáng tiếc là trong đề án gần đây của Bộ GTVT, vấn đề tích hợp giữa quy hoạch giao thông và quy hoạch sử dụng đất đã không được đề cập, hướng dẫn một cách đầy đủ.
Video đang HOT
Thêm vào đó, việc giao cho UBND các thành phố tự rà soát để xây dựng lộ trình triển khai thực hiện không phải là việc dễ dàng. Đành rằng bài toán giao thông đô thị lâu nay thường là công việc của chính quyền các thành phố, tuy nhiên có thể cách tiếp cận này sẽ không hiệu quả trong điều kiện nước ta.
Chúng ta chưa có những chính quyền đô thị thực sự như ở các thành phố của các nước phát triển khác. Chính quyền địa phương hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền trung ương, không những vấn đề về ngân sách mà còn nhiều vấn đề khác.
Vì vậy, nếu không có sự chỉ đạo, định hướng trực tiếp từ Chính phủ, và sự tham mưu của các Bộ ngành liên quan thì bản thân các thành phố sẽ rất bị động.
Hà Nội hay TP.HCM, đến nay cũng đã có rất nhiều nghiên cứu, quy hoạch về giao thông cho bản thân họ, thậm chí được Chính phủ phê duyệt theo các đề án riêng nhưng việc triển khai vẫn còn cách rất xa so với quy hoạch và tiến độ đã đề ra.
Sự chủ động vào cuộc của cả chính quyền trung ương và địa phương có vai trò quyết định. Phát triển mạng lưới GTCC cũng đồng nghĩa với việc động chạm đến lợi ích nhiều đối tượng trong xã hội, từ chủ các hãng sản xuất, kinh doanh xe hơi, xe máy, những công ty kinh doanh xăng dầu, những nhà đầu tư vào đường bộ,…
Hơn 10 năm trước, nhờ quyết tâm thay đổi, thị trưởng khi đó là ông Lee Myung-bak đã biến Seoul từ một thành phố toàn bê tông cốt thép trở thành một đô thị xanh như hiện nay.
Gần đây hơn, chính phủ Trung Quốc đã dốc toàn lực cho việc phát triển GTCC, không những hệ thống đường sắt quốc gia mà cả hệ thống đường sắt đô thị. Tổng chiều dài đường sắt ở các thành phố vào năm 2015 sẽ lên đến 3000km, tăng gấp đôi so với năm 2010.
Về mặt thể chế, họ thành lập Cục giao thông đô thị, trực thuộc Bộ GTVT, là cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu và định hướng về GTCC và phối hợp trực tiếp với chính quyền các thành phố để triển khai việc tích hợp quy hoạch giao thông và quy hoạch sử dụng đất, với tham vọng GTCC sẽ đảm nhận 45% nhu cầu đi lại trong tương lai.
Theo thời gian, nhu cầu đi lại và đòi hỏi của người dân đối với giao thông đô thị sẽ không ngừng tăng, do vậy tình trạng giao thông của các thành phố hoặc sẽ tốt hơn hoặc sẽ xấu đi trong tương lai.
Đối với chúng ta, thời điểm này là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội để xây dựng được một hệ thống giao thông đô thị văn minh, hiện đại và bền vững.
Nếu GTCC chậm trễ, người dân giàu lên và xe hơi rẻ hơn, họ sẽ từ bỏ xe máy chuyển sang xe hơi.
Đến lúc đó sẽ rất khó để thuyết phục họ rời khỏi xe hơi để chuyển sang sử dụng các phương tiện GTCC. Đó là một kịch bản mà không nhiều người mong muốn cho giao thông đô thị Việt Nam.
Theo_VietNamNet
Giảm tắc đường: Chờ phương tiện bánh sắt?
Trong tương lai, khi mạng lưới vận tải hành khách công cộng khối lớn hoàn thành, nó sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị nói chung và giao thông đô thị nói riêng.
Vận tải bằng bánh sắt
Thực tế cho thấy, tất cả các quốc gia và các thành phố giàu có, văn minh trên thế giới (trừ Hoa Kỳ và Úc do mật đô dân số rất thấp) đều có hệ thống vận tải bằng bánh sắt phát triển.
Phương tiện này có khả năng chuyên chở lớn, tốc độ di chuyển cao và thân thiện với môi trường.
Đường sắt 1 ray.
Tuy nhiên, trong mấy chục năm qua, Việt Nam đã xem nhẹ vai trò của loại hình vận tải này, trên cả bình diện quốc gia lẫn các đô thị.
Chủ trương xây dựng hệ thống vận tải hành khách khối lớn cho các thành phố trực thuộc trung ương do vậy là không có gì phải bàn cãi, thậm chí như Hà Nội và TP.HCM đã quá chậm so với thực tiễn đặt ra.
Hai thành phố hiện nay nằm trong số 30 siêu đô thị đông dân nhất thế giới và là 2 trong 4 siêu đô thị chưa có bất cứ một đoạn đường sắt nào được khai thác (2 thành phố còn lại là Karachi của Parkistan và Dahka của Bangladesh).
Kinh nghiệm từ các đô thị của các nước phát triển cũng chỉ ra rằng, không phải là thành phố đầu tư cho giao thông công cộng (GTCC) nhiều nhất, cũng không phải là đô thị có hệ thống GTCC hiện đại nhất sẽ đưa đến những thành công.
Một hệ thống GTCC thành công là hệ thống được quy hoạch và thiết kế hài hòa với quy hoạch sử dụng đất.
Một hệ thống GTCC bền vững cũng không chỉ dựa vào một loại hình phương tiện mà đó phải là sự tích hợp của nhiều loại phương tiện với nhau, từ loại hình có khả năng chuyên chở lớn nhất là tàu điện ngầm cho đến loại nhỏ hơn như tàu điện một ray, xe điện mặt đất, thậm chí kể cả xe buýt nhanh, xe buýt có làn đường riêng và xe buýt thông thường.
Việc tích hợp này được thực hiện trên nguyên tắc các phương tiện có sức chuyên chở thấp, tốc độ thấp nhưng tính linh hoạt cao sẽ hỗ trợ hoặc trung chuyển cho các phương tiện có sức chuyên chở lớn hơn để từ đó tạo thành một mạng lưới GTCC hoàn chỉnh.
Động mạch chính của giao thông đô thị
Khu vực nội đô của Hà Nội hay TP.HCM hiện nay có mật độ thậm chí còn đông hơn rất nhiều thành phố ở châu Á, do vậy, với nhu cầu đi lại ngày càng tăng trong tương lai thì việc xây dựng một hệ thống GTCC lấy các phương tiện bánh sắt làm chủ đạo là điều bắt buộc.
Dự án đường sắt đô thị đang 'lỡ hẹn'. (Ảnh: Giao thông vận tải)
Mạng lưới giao thông bánh sắt này sẽ như là những động mạch chính trong cơ thể cho hệ thống giao thông đô thị bền vững trong tương lai.
Tuy nhiên, hệ thống này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư không hề nhỏ. Do vậy, kinh nghiệm các nước cho thấy rằng, nguồn vốn đầu tư cho hệ thống GTCC thường là sự kết hợp từ nhiều nguồn khác nhau.
Khác với lĩnh vực đường bộ, việc đầu tư vào GTCC, đặc biệt là các phương tiện bánh sắt thường khó thu hút nhà đầu tư tư nhân. Nguyên nhân là do vốn đầu tư ban đầu rất lớn trong khi lợi ích tài chính thu được thường không nhiều.
Trên thế giới, chỉ duy nhất Hồng Kông là nơi chính quyền không phải trợ giá cho GTCC.
Tuy nhiên, đặc khu hành chính này là nơi có tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện GTCC cao nhất thế giới và thêm vào đó cơ quan quản lý GTCC của Hồng Kông được phép khai thác một quỹ đất rất lớn xung quanh (thậm chí cả phía trên) các nhà ga.
Các thành phố khác nếu có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân thì thường cũng theo hình thức công tư kết hợp (PPP) vì bên cạnh hiệu quả tài chính thấp thì những dự án này cũng thường có mức độ rủi ro cao.
Hiệu quả tài chính của dự án chủ yếu đến từ việc khai thác quỹ đất xung quanh các nhà ga chứ không phải từ nguồn bán vé.
Một vấn đề khác cũng đáng nói là trong các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai hiện nay ở cả Hà Nội và TP.HCM thì chi phí xây dựng thường cao hơn tương đối nhiều so với mức chung của thế giới.
Điều này có lẽ bắt nguồn từ việc đây là những dự án đầu tiên nên chúng ta chưa có kinh nghiệm và thực tế là chúng ta phải nhập khẩu thiết bị, công nghệ 100% từ nước ngoài.
Hơn nữa, điều này xảy ra không chỉ có ở Việt Nam mà ở rất nhiều nước khi bắt đầu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.
Tuy nhiên, với các nước khác thì mọi thứ sẽ thay đổi ngay sau dự án đầu tiên, bằng cách họ đứng ra làm chủ công nghệ như Trung Quốc, Hàn Quốc hay đảm nhận một phần lớn các phần việc không liên quan đến thiết bị như Tây Ban Nha để giảm bớt chi phí.
Trong tương lai, nếu chúng ta chủ động thực hiện một số hạng mục của các dự án như việc đào hầm, xây cầu cạn, xây nhà ga, depot, thậm chí sau này nếu chủ động được cả việc đóng mới toa xe, làm đường ray và cung cấp các thiết bị phụ trợ khác thì chắc chắn vốn đầu tư sẽ giảm nhiều.
Khi mạng lưới vận tải hành khách công cộng khối lớn hoàn thành, nó sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị nói chung và giao thông đô thị nói riêng. Một nghiên cứu của Tập đoàn Siemens phỏng vấn các chính trị gia và thị trưởng của hàng trăm thành phố trên thế giới cho thấy rằng, hạ tầng giao thông - trong đó chủ yếu là mạng lưới vận tải hành khách khối lớn, chứ không phải là giáo dục, an ninh, môi trường,... mới là yếu tố quyết định để thúc đẩy kinh tế và thu hút đầu tư.
Bên cạnh lợi ích về kinh tế và thay đổi diện mạo đô thị, việc đầu tư vào hệ thống GTCC cũng là cách thức tốt nhất để giải quyết bài toán môi trường và góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
TS Nguyễn Quốc Hiển
Theo_VietNamNet
Hà Nội xây nhà chờ xe buýt chuẩn quốc tế đầu tiên Ngày 4/3, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã khởi công xây dựng nhà chờ xe buýt mẫu đầu tiên trong chuỗi nhà chờ hợp phần xe buýt nhanh Hanoi BRT. Phối cảnh nhà chờ xe buýt nhanh đầu tiên tại Hà Nội Đây là một phần trong Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội do Ngân hàng Thế...