Kí ức hãi hùng của 2 bé gái bị xâm hại
Bộ Công an mới đây đã công bố mỗi năm có đến gần 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục. Con số về những bé gái chưa kịp lớn – những nụ tầm xuân còn chưa nở bị vùi dập ấy, làm nhiều người thảng thốt.
Phía sau mỗi số phận này còn biết bao góc khuất, bao điều ẩn ức chìm trôi theo suốt phần đời còn lại của các em (vì một số lý do, tên của một số nhân vật trong hồ sơ này đã được thay đổi).
Chúng tôi về Xuân Giao – Bảo Thắng (Lào Cai) vào ngày rét cuối mùa. Dù đã là một thị tứ nhưng vùng đất biên ải này vẫn thưa thớt và yên ả. Thứ duy nhất tưởng có thể khuấy động cuộc sống chỉ là tiếng xình xịch của những đoàn tàu ngược xuôi từ mỏ apatit. Nhưng nay điều đó đã không còn.
Bé Thảo (trái) đang trò chuyện với PV. Thảo nói không còn sợ “gã điên” ấy nữa nhưng cuộc sống của em vẫn đầy nỗi ám ảnh
Hai bé gái tuổi vừa mới đến trường bị kẻ xấu xâm hại như tiếng sét rạch ngang trời vùng đất yên bình này. Nhiều người ở Xuân Giao còn kể lại câu chuyện đau lòng ấy bằng những lời ngắt quãng, khuôn mặt lặng im vì thương xót nhưng lòng ai cũng sôi lên sự căm phẫn.
Video đang HOT
Đóng chặt cửa vì sợ hãi
Chúng tôi gặp Thảo, cô bé 8 tuổi với mái tóc đầy trứng chí được búi thành hai búi khá gọn gàng. Vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt mảnh mai xinh xắn, trông Thảo không khác gì những đứa trẻ cùng trang lứa nếu không nhìn vào đôi mắt. Đôi mắt đầy hoài nghi, dò xét với bất kỳ người lạ nào…
Được phép của ông ngoại Thảo, và sau một hồi rất lâu làm quen, chúng tôi mới trò chuyện được với cô bé. “Con học không giỏi cô ạ!” – Thảo bắt đầu câu chuyện bên bờ ao, nơi đón mạch nước trong vắt chảy suốt ngày đêm mà “cái bé nhất là của mẹ, cái vừa vừa là của ông, còn cái rộng nhất là của cậu Minh” – Sau một lúc rụt rè Thảo đã cởi mở và hồn nhiên.
Tay nắm khư khư con quay bằng sắt được bán kèm trong gói bim bim, Thảo mím môi rồi bật ra: “Đó là lão điên cô ạ. Nhưng giờ lão bị bỏ tù rồi, lão không thể giết được con, mẹ con bảo thế!” – Thảo nói, giọng lạc đi và thở hổn hển với gương mặt tái mét. Ký ức kinh hoàng đó đã qua hơn một năm, cô bé học lớp 2 đang lon ton trên đường đi học về đã không thể quẫy cựa trước thú tính của một gã đàn ông hơn 50 tuổi. Căn nhà nơi Thảo gặp nạn ấy ở giữa làng, khuất sau bụi tre đằng ngà, hiền hòa như bao ngôi nhà khác trên con đường mà em vẫn đi học mỗi ngày. Còn “lão điên” ấy là người mà mỗi ngày em vẫn gặp, vẫn lễ phép “cảm ơn bác” khi được cho kẹo…
Nhưng ngày hôm ấy, sau một hồi rất lâu, người đi đường mới nghe được tiếng hét thất thanh của Thảo và xông vào đạp cửa. Khi cánh cửa bật ra thì cô bé đã tả tơi ở giữa nhà.
Bây giờ thì kẻ ác ấy đã vào tù, bản án 15 năm, chừng ấy thời gian chắc sẽ đủ để đưa Thảo rời xa, có thể là xa hẳn xóm Hợp Giang này khi kẻ đã hãm hại mình chưa kịp mãn tù. Nhưng biết đến bao giờ Thảo mới rời xa được sự sợ hãi? Ông ngoại Thảo kể rằng cứ đến chập tối là Thảo bắt ông phải khóa chặt các cửa lại và ngồi co mình trong lòng ông. Cả những đoàn tàu chở quặng apatit quen thuộc giờ cũng trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi còi tàu rúc lên những hồi dài trong đêm vắng.
“Cô giáo và các bác thì thương con nhưng các bạn hay trêu con lắm, lúc nào nó trêu con lại trốn đi” – Thảo kể. Và chuyện học hành của em vì thế cũng thất thường, phụ thuộc phần nhiều vào nhịp độ trêu chọc của bạn cùng lớp: “Có hôm con đến trường rồi gặp mấy bạn trêu, con lại đi về. Con cũng chẳng thích đi học đâu” – Thảo nói vậy và ném tõm con quay bằng sắt xuống ao.
Những trứng chí ken dày trên tóc Thảo, mái tóc mà có lẽ lâu rồi không có bàn tay tắm, gội vì mẹ mải làm ăn xa, Thảo thủ thỉ: “Con chỉ thích một con búp bê có đôi chân dài bán ở ngoài cửa hàng gần chỗ con đi học. Con muốn các bạn chơi với con, ngủ với con…”. Ước mơ của cô bé ấy giản dị đến mức tưởng như bất kể đứa trẻ nào cũng có thể có được. Nhưng tương lai nào cho Thảo khi cuộc sống bày ra trước mắt đứa trẻ quá nhiều ngáng trở.
Cô bé Lù Thị Chinh
Muốn đưa con đi thật xa
Cái bẫy mà những kẻ ác giăng ra thường rất giống nhau, giăng vào niềm tin và sự ngây thơ của con trẻ. Cô bé Lù Thị Chinh, ở cuối nguồn con suối Mường, cách nhà Thảo không xa cũng gặp phải kẻ ác chính là gã thanh niên hàng xóm vẫn ẵm bế mình từ lúc trong nôi.
Mẹ của Chinh ràn rụa nước mắt, chỉ về phía đồi sắn cách nhà có vài trăm mét là nơi Chinh bị hại. Khoảng cách quá gần nhưng trong giờ phút điên cuồng, gã hàng xóm đã không từ thủ đoạn để thỏa được thú tính. “Tôi chỉ đi có một giờ, nhưng ruột gan như lửa cháy. Trở về thì không thấy con bé đâu nữa…” – mẹ Chinh kể. Đến khi cả nhà tìm được Chinh thì bé đã như tấm giẻ nhàu nát…
Năm đó Chinh 11 tuổi, giờ thì em đã học lớp 7. Không như Thảo, Chinh vẫn đi học mỗi ngày nhờ có mẹ và chị đưa đến lớp và cô bé đã lớn để hiểu rằng kẻ ác tâm hại em đã ở mãi trong tù. Đủ lớn để bớt phải hoảng loạn, phải giật mình vì tiếng còi tàu vào mỏ quặng… Nhưng cô bé người Tày ấy cũng đủ lớn để nhớ rất rõ ký ức kinh hoàng hai năm trước. Con đường đến trường của Chinh vì thế dù không phải bỏ ngang ngày nào vì sự trêu chọc của bạn bè nhưng mỗi ngày đang nhiều thêm nỗi gập ghềnh.
Căn nhà của Chinh ghép bằng những tấm ván mỏng, không đủ che những trận gió mùa tê tái thổi từ biên cương. Nhưng mẹ Chinh bảo nhà ở thế cũng quen rồi, mùa sắn năm qua và năm nay bết bát lắm, thêm vài mùa sắn nữa, đợi Chinh lớn sẽ gom tiền để gửi cô bé về một nơi khác thật xa để học hành, để rời xa góc đồi sắn ám ảnh…
Nhưng khi gặng hỏi thì nơi thật xa đó ở đâu, mẹ Chinh cũng không nói được, hình như đó chỉ là mong muốn vô thức của một bà mẹ đang nghẹn ngào vì con. Đường tìm đến với mong ước ấy cho Chinh, như những ngày thơ bé trong trẻo đã bị tước đoạt mỗi lúc mỗi xa.
“Không có ai đưa con đi học cả, con đi bộ. Con cũng không biết đi xe đạp. Con rất nhớ bố mẹ” – Thảo cầm con quay bằng sắt vạch xuống đất, nói một cách bất lực, khi mẹ đi làm ăn xa, còn bố thì đã có vợ khác. Mỗi ngày đến trường, đôi chân bé nhỏ của Thảo phải cuốc bộ cả đi lẫn về hơn 7km. Nhưng đó không phải là điều quá sức nhất với một cô bé 8 tuổi, điều ám ảnh nhất trên con đường ấy chính là có ngôi nhà nơi “lão điên” đã hại cô bé. Cuộc đời cô bé rồi sẽ còn phải bước trên những con đường lớn hơn và xa hơn. Nhưng để đến con đường lớn ấy, bây giờ em phải vượt qua con đường bé nhỏ và đầy nỗi ám ảnh này chỉ có một mình.
Theo PLXH