Kí Sinh Trùng: Một hài kịch mà chẳng có anh hề, là bi kịch mà chẳng cần kẻ ác
Tác phẩm vừa giành Cành cọ vàng 2019, “Kí Sinh Trùng”, là minh chứng tuyệt vời nhất cho thấy Bong Joon Ho đang ở độ chín của nghề đạo diễn, đặc biệt là khả năng xử lý thể loại phim.
Kí Sinh Trùng ( Parasite) mở đầu với bối cảnh nửa u ám, nửa hài hước về gia đình họ Kim: cặp vợ chồng Kim Ki Taek và Choong Sook đều thất nghiệp, đứa con trai Ki Woo đã 4 lần thi trượt đại học, cô con gái Ki Jung phải nghỉ học nửa chừng, cả nhà kiếm sống qua ngày bằng việc gấp vỏ hộp pizza. Tin đáng ăn mừng là mỗi khi bắt được wifi chùa của nhà bên, thảm hoạ là mỗi khi có kẻ tè bậy trước tầng hầm nơi họ ở.
Rồi một sự tình cờ đã giúp tập thể những con người ở đáy bần cùng ấy biết đến sự tồn tại của thế giới khác. Một người bạn nhờ Ki Woo làm gia sư cho con nhà ông Park, giám đốc trẻ tuổi đang sống cùng người vợ Yeon Kyo, con gái Da-Hye, con trai Da-Song trong biệt thự sang trọng. Nhờ giấy tờ giả mạo, Ki Woo thuyết phục được bà vợ Yeon Kyo tin cậu là một thầy giáo trẻ tài năng. Nhận ra bà chủ mới quá ngây ngô, Ki Woo bèn tìm cách kéo luôn cô em gái Ki Jung vào dạy kèm cho cậu con trai Da Song.
Rồi kế đó cả bố mẹ cậu cũng lần lượt vào làm trong nhà Park, tất cả đều với vỏ bọc như những người có trình độ và không hề thân thích. Sự cộng sinh tréo ngoe của 2 gia đình này tưởng cứ thế diễn ra tốt đẹp, cho đến ngày nhà Kim phát hiện ra một bí mật còn lớn hơn của họ …
1. Hiện thực, siêu thực, hay gì khác?
Từ thời Vật chủ (The Host – 2006), xuất phẩm phòng vé từng đưa Bong Joon Ho đến gần hơn với khán giả thế giới, vị đạo diễn Hàn Quốc đã đề cập đến chủ đề giai cấp. Tuy nhiên, đến với Kí sinh trùng, một vế đối của Vật chủ, thay vì chuyển tải câu hỏi giai cấp thông qua các ẩn dụ sci-fi, Bong lại chọn bối cảnh rất thực tế. Ông tạo ra tình huống mà 2 gia đình đến từ hai đầu thang bậc xã hội Hàn Quốc có dịp ở cạnh nhau. Đây là một kịch bản đầy năng lượng – khi mà sự hoà hợp ban đầu của 2 gia đình trái ngược này, không nghi ngờ gì hết, chỉ là lớp bạt mỏng manh che chắn cái thùng thuốc súng chực chờ mồi lửa để phát nổ .
Hình ảnh trong phim The Host.
Nhưng dù là sci-fi hay thực tế, Bong vẫn là Bong – một đạo diễn “yêu các phim thể loại (genre movies), nhưng căm ghét các khuôn thói thể loại (genre conventions)”. Trong mọi tác phẩm, Bong luôn tìm cách pha trộn nhiều yếu tố, thách thức các công thức, và không chấp nhận để người ta dễ dàng gắn phim ông vào bất cứ định nghĩa nào. Bởi vậy, nếu khi nói “Vật chủ là một phim sci-fi” cần hiểu nó là “sci-fi và nhiều thứ khác”. Tương tự như thế, khi nói “Kí sinh trùng là một phim theo chủ nghĩa hiện thực”, ta biết rằng Kí sinh trùng là hiện thực hoà với nhiều thứ khác. Nhiều thứ khác ấy gồm: hài hước, đẫm máu, cuồng nộ, u buồn và một mớ những câu hỏi lẫn ám ảnh ta mang về sau khi kết phim.
Một mặt, phim mô tả các tình huống tréo ngoe giữa 2 gia đình với một giọng điệu khoái trá, nó làm khán giả phải bật cười kể cả trước chi tiết bi kịch, như thể đây là kịch bản tưởng chỉ nhằm bỡn cợt. Mặt khác vẻ hài hước có màu sắc bạo dâm này lại được đặt cạnh những sự thật không chối cãi. Như khi nhà Kim đang nín thở nấp dưới sofa và bên trên ông Park bắt đầu sờ soạng vợ. Khung cảnh ấy làm khán giả thấy hơi tức cười.
Cho đến khi ông Park thì thầm “Em mà mặc cái quần rẻ tiền bữa anh nhặt được trên xe thì anh sẽ lên tận nóc”. Cái quần đó là của cô con gái Ki Jung nhà Kim để lại. Chẳng có một logic rõ ràng nào, ông Park không biết cái quần đó của Ki Jung, hay dưới sofa có người nấp, nhưng kể từ giây phút ấy trở đi, ta chẳng còn nghe thấy tiếng vợ chồng nhà kia nữa. Cả căn phòng chỉ còn vang động âm thanh của một nỗi nhục nhã ê chề đang trùm lên và bóp nghẹt những con người vẫn khuất trong bóng tối.
2. Kí sinh trùng và vật chủ
Từ đầu phim, thiết kế bối cảnh đã minh hoạ sự đối lập giữa nhà Kim và nhà Park không thể rõ ràng hơn. Một bên là vùng trũng nhất của thành phố với một căn phòng bán hầm nơi gia đình 4 người chen chúc, cửa kính nhìn ngang mặt đường chỗ những kẻ say sỉn đi qua hay đái bậy. Còn bên kia lại là biệt thự sang trọng nơi trên đồi, với phòng ốc sạch đẹp ngăn nắp, thừa mứa không gian riêng tư, thứ xa xỉ mà ông Park thầm đòi hỏi cả với những người làm công “tôi mong họ biết chỗ của mình, và đừng vượt qua ranh giới”.
Nhưng cái hố giàu nghèo không chỉ sâu hun hút trong các biểu hiện vật chất, mà ở cả cách người ta nghĩ về vật chất ấy. Một hòn đá với một cậu công tử nhà giàu như Min là món quà đem lại may mắn, còn với gia đình Kim, chỉ là một thứ “trừu tượng ẩn dụ” mà họ khen qua loa cho phải phép. Tương tự, với bà vợ nhà Park, bức vẽ nguệch ngoạc của cậu con trai cho thấy những biểu hiện thiên tài, còn với Ki Woo, một lần nữa cậu lại ậm ừ “quả là một ẩn dụ”.
Cách nhìn về vật chất kéo theo cách nhìn về cuộc sống. Tất cả những mưu mẹo lừa đảo của nhà Kim có thể thành công không chỉ vì họ diễn giỏi, mà còn vì gia đình Park mở ra bao cơ hội để họ làm như vậy. Có thể nói nhà Kim ranh mãnh trải đời bao nhiêu thì nhà Park tốt bụng đến ngốc nghếch bấy nhiêu.
Giả định nào dường như cũng cực đoan hay nguỵ biện.
Và ta sẽ chọn ai?
Ở đây, không chỉ đặt các nhân vật vào những cảnh huống oái oăm, Bong Joon Ho dường như muốn trêu tức cả chính khán giả. Một cách lão luyện, ông khéo léo dẫn dắt họ từ chỗ chỉ châm chước đến chỗ còn thích thú với kế hoạch sai trái của nhà Kim, cho dù tại đó, không chỉ nhà Park, có cả những người xếp vào cùng khổ cũng chịu hệ luỵ.
Song nếu các nhân vật của Kí sinh trùng chẳng hoàn toàn tốt hay xấu, thì khán giả cũng vậy.
Liệu cái khoái trá trước những sự lừa đảo kia có đơn giản giống như cái khoái trá khi đọc các mẩu chuyện cười về ngài Jourdain của Moliere, hay đọc Xuân Tóc đỏ? Vì khán giả chúng ta quá ham vui? Vì trong tim mỗi người có một con quỷ nhỏ thầm mong người giàu bị người nghèo chơi lỡm? Hay vì ta quá tin người y như gia đình Park kia, và cả bộ phim này cũng chỉ là một trò mưu mẹo nữa, với kẻ bị lừa lần này là những người đang ngồi dưới màn hình?
Hay… còn điều gì khác nữa?
Nạn đề của Ký sinh trùng càng trở nên trúc trắc khi cùng lúc, ta biết nhà Park không hề làm điều gì xấu. Bong Joon Ho quả có giễu cợt sự trưởng giả học làm sang của những thành phần nhà giàu mới nổi ấy, bằng các diễn biến cường điệu, bằng việc họ hay xổ tiếng Anh ở những tình huống “deadly serious”, bằng cả nhạc cổ điển được sử dụng xuyên suốt – gần như một cái cười nụ lấp ló của đạo diễn. Song Bong Joon Ho đã tỉnh táo không sa vào khắc hoạ gia đình này như kẻ ác. Sự ngốc nghếch phù phiếm của nhà Park đặt trong giọng điệu tưng tửng của phim thì không đến độ phản cảm.
Ngay những câu nói gây tổn thương của ông Park cũng không chủ ý, chúng chưa bao giờ lấn sang lằn ranh của hợm hĩnh, chứ đừng nói là độc ác. Đơn giản vì ở đây không phải người đang tàn nhẫn với người, mà sự thật tự nó đã tàn nhẫn. Xét công bằng ở hoàn cảnh ấy, mấy ai biết nói cách nào đây để người nghèo không chạnh lòng? Cách nào để che đi sự xấu xí khi cuộc sống vốn đã đầy xấu xí? Cách nào đây dối bản thân là ta không hề ngửi thấy mùi của nỗi khốn cùng?
Quả như Bong đã tự nhận định “Kí sinh trùng là một hài kịch mà chẳng có anh hề, là bi kịch mà chẳng cần kẻ ác”.
Nếu nhà Park không phải người xấu, thì nhà Kim cũng không phải những người gian ngoan hay độc ác. Họ không lười biếng theo cách người ta hay nghĩ về kẻ ăn bám hay các “kí sinh trùng”. Họ tháo vát, khôn khéo, nỗ lực để thay đổi hoàn cảnh, có cả kỹ năng lẫn sự chăm chỉ. Họ không trộm tiền từ nhà Park, mà được trả lương khi cung cấp các dịch vụ gia đình giàu có này yêu cầu và được thoả mãn. Giữa 2 gia đình cùng sống chung trong căn biệt thự này, đôi lúc người ta tự hỏi, đâu mới là ký sinh trùng, và đâu là vật chủ
Nhưng mỉa mai là, với tất cả những năng lực nói trên, nhà Kim lại không thể nào thoát khỏi kiếp sống khốn khổ khốn nạn. Và mỉa mai hơn nữa, gia đình Kim cũng chỉ bắt đầu có ý thức và khẩu khí bảo vệ phẩm giá – như lúc họ dám ra mặt đuổi kẻ tè bậy trước cửa nhà hay khi họ bắt đầu có tiền, và còn là tiền từ một sự lừa đảo. Vợ Kim nhận định “nhà Park chỉ tốt vì họ nhiều tiền”, vầy có phải với nhà Kim “cách duy nhất để từ nay được đàng hoàng đứng thẳng, là phải từng đủ vô đạo đức” hay không?
Nếu đạo đức không phải lựa chọn được ban phát công bằng, đâu sẽ là cánh cửa để tự tay giành cho mình một phẩm giá? Đâu là nguyên do của tất cả những sỉ nhục chua xót này? Đâu là kẻ thù thực sự? Có phải rằng cái mâu thuẫn giữa đạo đức và sinh tồn rồi sẽ được giải quyết nhờ cao trào gây bàng hoàng cuối phim? Hay nhờ vào cú twist đỉnh cao sau đó? Hay chẳng có cái nào cả?
3. Vĩ thanh
Phim của Bong thường hay kết cấu theo kiểu đầu cuối tương hợp. Sau bao biến cố, dường như đã chẳng có điều gì lớn lao thay đổi với những nhân vật và cuộc sống ấy. Chỉ có trong lòng khán giả là ngổn ngang xao động. Những câu hỏi trong Kí sinh trùng cũng lần lượt mở ra rồi đọng lại một niềm phân vân lơ lửng như thế.
Nhưng đây lại chính là phẩm chất của tác phẩm này. Một bộ phim hay đôi lúc không trao tặng câu trả lời, mà thường xuyên hơn là một câu hỏi. Cũng như, có những vấn đề đủ hóc búa và việc vội vàng đưa ra đáp án chỉ hứa hẹn không dối trá cũng hẳn là ngạo mạn. Đó là 2 hố sâu mà Kí sinh trùng đã khéo léo nhảy qua trong khi Chúng ta (Us), phim với chủ đề mâu thuẫn giai cấp còn rõ ràng hơn gần đây, đã không làm được. Đôi khi thì, trì hoãn đưa ra giải pháp có thể là cách nghiêm túc duy nhất để tìm ra giải pháp.
Có những bộ phim hay bởi làm người ta thấy vui.
Có những phim hay bởi đẹp và lãng mạn.
Có những phim hay bởi trao tặng một câu trả lời hữu ích cho cuộc sống.
Kí sinh trùng không đem lại bất cứ điều gì trong số trên.
Nó là một phim hài mà xem xong không thấy vui, một phim đẹp mà ta không thấy lãng mạn, và một phim đưa câu hỏi song vĩnh viễn không cung cấp một câu trả lời.
Nhưng tin tôi đi, bạn rồi sẽ vẫn thấy bộ phim ấy xuất sắc.
Và cảm ơn tất cả những gì đã đem tới, lẫn không hề được đem tới trong bộ phim này.
Trailer PARASITE (KÝ SINH TRÙNG)
Kí Sinh Trùng hiện đang công chiếu trên toàn quốc.
Theo trí thức trẻ
'Ký sinh trùng': Cả người giàu lẫn kẻ nghèo đều là ký sinh trùng
Tựa phim Ký sinh trùng không chỉ dành riêng cho gia đình của Ki Woo. Thực chất, cả những người giàu cũng là ký sinh trùng.
Chuyện phim Ký sinh trùng (Parasite) theo chân gia đình nghèo bốn người gồm ông bố Ki Taek (Song Kang Ho), bà mẹ Choong Sook (Jang Hye Jin) thất nghiệp ở nhà, con trai cả Ki Woo (Choi Woo Sik) phụ việc bố mẹ sau bốn lần thi trượt đại học và em gái Ki Jung (Park So Dam) phải nghỉ học do không đủ tiền trả học phí. Cuộc sống gia đình sang trang mới sau khi Min Hyuk (Park Seo Joon) - bạn thân của Ki Woo - mang đến tặng hòn đá tài lộc và nhờ Ki Woo làm gia sư thay mình tại một gia đình giàu có.
Trailer phim
Tựa phim Ký sinh trùng không chỉ dành riêng cho gia đình của Ki Woo. Thực chất, cả những người giàu cũng là ký sinh trùng.
Cuộc sống ký sinh trùng của tầng lớp thấp kém tận cùng xã hội
Trước khi Ki Woo được Min Hyuk giới thiệu làm gia sư tại nhà ông Park, gia đình ông Ki đã sớm bộc lộ tư duy "ký sinh trùng". Cả nhà thường tìm những Wifi không đặt mật khẩu để sử dụng Internet, thậm chí còn thoải mái ngồi lên bệ nhà vệ sinh chỉ vì bắt Wifi "chùa". Trong một cảnh quay khác, Ki Woo cùng em gái Ki Jung nài nỉ người bán pizza đuổi việc nhân viên làm part-time để mình được thế chỗ. Sau này, cả nhà ông Ki cũng lên kế hoạch làm người khác bị sa thải để gia đình mình thế chân.
Một cảnh quay vừa đậm chất châm biếm, vừa báo hiệu về số phận ký sinh trùng của gia đình ông Ki là lúc xe phun thuốc diệt côn trùng đi qua, cả nhà không đóng cửa sổ để được diệt côn trùng miễn phí. Chất xịt côn trùng làm ba mẹ con ho sặc sụa còn ông Ki Taek thì cố lờ đi. Thực chất sau này, cả nhà Ki đều trở thành loài ăn bám giống như bầy gián trong nhà họ: sống ở nhà người khác rồi chạy toán loạn khi thấy họ trở về nhà.
Bắt đầu từ khi Ki Woo nhận được công việc gia sư mà người bạn Min Hyuk giới thiệu, gia đình họ Ki bắt đầu đời sống ký sinh trùng của mình: ký sinh trùng từng bước xâm nhập vào vật chủ, ký sinh trùng chiến đấu một mất một còn với loài ký sinh trùng khác và cuối cùng, ký sinh trùng lấy mạng vật chủ rồi tiếp tục đời sống ăn bám tại căn nhà.
Từ câu chuyện của các nhân vật trong phim, Ký sinh trùng đã phản ánh sự chênh lệch giai cấp giàu - nghèo trong xã hội Hàn Quốc hiện đại một cách vừa châm biếm, vừa chua chát. Bi kịch được đẩy lên đến cùng cực khi những kẻ nghèo hèn phải sống cuộc đời của loài gián, loài sâu bọ: ăn bám, hôi hám nhưng vẫn giữ lòng tự trọng của một con người.
Người giàu cũng là những ký sinh trùng
Có một sự thật cũng được khắc họa rõ ràng ở phim Ký sinh trùng: nhà giàu cũng là những ký sinh trùng. Họ vốn không thể sống được nếu không có kẻ nghèo: không có ai nấu nướng, dọn dẹp, không ai lái xe. Bà vợ ông Park thực chất cũng chỉ là người phụ nữ đầu óc đơn giản, sống lệ thuộc vào tiền của chồng. Cô con gái Da Hye không được bố mẹ quan tâm, phải bấu víu lấy tình cảm nam nữ đầy ảo mộng. Còn ông Park là ký sinh trùng của thứ ảo vọng về sự giàu có, tình yêu và hạnh phúc. Vậy nên, "Anh có còn yêu cô ấy không?" là câu hỏi mà ông Ki luôn dành cho ông chủ của mình.
Thứ ảo vọng này đã đem đến cái chết cho ông Park. Ông Park khen tài xế "chưa bao giờ vượt quá giới hạn", nhưng "mùi hôi của ông đã đi quá giới hạn", câu nói đánh thẳng vào lòng tự trọng của ông Ki. Sau đó, khi cả con trai, con gái lẫn vợ ông Ki đều trong tình thế nguy hiểm. Điều duy nhất ông Park quan tâm là muốn đưa con trai thoát khỏi nơi ồn ào, bẩn thỉu và đẫm máu này. Ông thậm chí bịt mũi lại khi lấy chìa khóa dưới lưng gã đàn ông trong hầm - người đàn ông mang mùi của những kẻ nghèo hèn, sống chui lủi.
Trong khi đó, cậu bé Da Song thích làm thổ dân và dựng lều vì cảm thấy sợ hãi, thiếu an toàn với chính nơi gọi là nhà.
Một nhân vật khác cũng được đánh giá là mang đến góc nhìn chua chát cho Ký sinh trùng: Min Hyuk do Park Seo Joon đảm nhận. Min Hyuk vốn có mọi thứ trong tay: gia thế, học vấn và vẻ ngoài. Anh trao cơ hội cho người bạn nghèo hèn Ki Woo không chỉ vì sự thương cảm dành cho gia đình bạn. Min Hyuk lựa chọn Ki Woo bởi trong thâm tâm anh ngầm đánh giá thấp Ki Woo, nghĩ rằng bạn thân sẽ không bao giờ có thể trở thành đối thủ khiến mình phải đề phòng.
Phim Ký sinh trùng có mở đầu như một câu chuyện đời thường nhưng càng về sau càng hấp dẫn, các nhân vật - những kiểu người mà ta có thể gặp ở bất cứ đâu trong xã hội - đã tương tác hoàn hảo với nhau để tạo nên bi kịch gây ám ảnh bậc nhất. Thậm chí, tựa phim Ký sinh trùng cũng khiến người xem suy nghĩ, dằn vặt.
Theo saostar
6 ranh giới giàu - nghèo rõ như ban ngày trong Kí Sinh Trùng: Số 3 trần trụi khiến người nghèo "tự ái" nhất Bên cạnh câu chuyện "ăn bám", Kí Sinh Trùng cơn phơi bày góc tối của xã hội không thương tiếc. Đó là ranh giới giàu - nghèo trong cuộc sống thời hiện đại thông qua 6 tình tiết sau đây! Bài viết có tiết lộ nội dung phim xin độc giả cân nhắc trước khi đọc tiếp. Điện ảnh phương Tây thường nổi...