Kỉ niệm vụ 11/9: Nước Mỹ ngày càng mất tự do
12 năm sau vụ khủng bố 11/9, khi nỗi sợ hãi khủng khiếp ngày nào đã lắng xuống, người Mỹ nhận ra rằng nước Mỹ đang dần biến thành một “quốc gia do thám” khổng lồ.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử gần 300 năm tồn tại của nước Mỹ, một đất nước luôn đề cao giá trị của sự tự do và quyền con người, sự cân bằng giữa an ninh và tự do luôn dao động tùy theo những diễn biến của hơi thở thời đại.
Sự kiện đình đám nhất liên quan đến an ninh quốc gia và quyền tự do của con người trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ có lẽ là việc hơn 100.000 người Mỹ gốc Nhật Bản bị lùa vào các trại tập trung ở miền tây nước Mỹ sau khi nổ ra trận chiến Trân Châu Cảng giữa quân đội Nhật Hoàng và lực lượng hải quân Mỹ, khiến nước Mỹ chính thức đưa ra lời tuyên chiến với nước Nhật và tham gia cùng phe Đồng minh trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Hàng ngàn người Mỹ gốc Nhật bị dồn vào các trại tập trung ngay trong nước Mỹ
Sau sự kiện khiến nước Mỹ bị tổn thất nặng nề cả về con người và danh dự này, Tổng thống Mỹ thời đó là Franklin D. Roosevelt cho rằng việc giam giữ cả trăm ngàn người Mỹ gốc Nhật trong các trại tập trung là biện pháp phòng ngừa cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia. Thế nhưng ngày nay, hành động đó lại bị coi là một phản ứng thái quá đáng xấu hổ xâm phạm quyền tự do của con người.
Ngày mai, ngày 11/9/2013, nước Mỹ sẽ kỷ niệm 12 năm ngày xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử tại tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Quốc tế, cướp đi sinh mệnh của hàng ngàn con người và đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu liên miên bất tận cho đến tận hôm nay.
Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, vụ tấn công còn gây chấn động và cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn cả trận Trân Châu Cảng, tất cả những gì người dân Mỹ mong muốn là chính phủ đảm bảo an toàn cho họ trước chủ nghĩa khủng bố mà không quan tâm lắm đến những chi tiết rắc rối khác, ngay cả khi chính phủ áp dụng những biện pháp chống khủng bố như tra tấn hay nghe lén bất hợp pháp.
Video đang HOT
Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 làm chấn động nước Mỹ và cả thế giới
Nhưng sau 12 năm, khi nỗi sợ hãi khủng khiếp ngày nào đã lắng xuống, người Mỹ từng ngày nhận ra rằng nước Mỹ của họ đang dần dần biến thành một quốc gia do thám khổng lồ. 12 năm là quãng thời gian đủ để người Mỹ đánh giá lại một cách toàn diện cái gì là cần thiết để bảo vệ đất nước, đặc biệt là để ngăn chặn những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân, và cái gì là sự vi phạm trắng trợn quyền tự do cá nhân của con người.
Nhờ những tài liệu mà cựu nhân viên cơ quan an ninh quốc gia Mỹ NSA công bố, giờ đây người dân Mỹ đã biết tới những chương trình do thám khổng lồ của nước Mỹ, và những chương trình do thám này nhiều tới mức khó có thể theo dõi được hết.
Những tài liệu do Snowden công bố xác nhận sự tồn tại của một chương trình do thám của NSA thu thập dữ liệu điện thoại của hàng chục triệu người Mỹ vào một cơ sở dữ liệu khổng lồ. Một chương trình khác của NSA cho phép cơ quan này lấy được các thông tin cá nhân của người sử dụng Google, Facebook, Yahoo và các công ty Internet khác.
Các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh cũng đang tìm cách xâm phạm thông tin cá nhân trên mạng bằng cách sử dụng “siêu máy tính” để phá vỡ các cơ chế bảo mật được thiết kế để bảo vệ an ninh cho người sử dụng trong các giao dịch cá nhân.
Cộng đồng tình báo Mỹ có tới 16 cơ quan tình báo với 107.035 nhân sự và một nguồn “ngân sách đen” lên tới 52,6 tỉ USD trong năm 2013. Nguồn “ngân sách đen” dành cho các cơ quan tình báo này còn hơn cả số tiền mà Washington chi cho các Bộ Giao thông Vận tải, Lao động, Nội vụ và Thương mại gộp lại.
Đối với NSA, những chương trình do thám mang mật danh PRISM và Bullrun này đều là các công cụ hợp pháp để “bảo vệ an ninh quốc gia”. Nhưng vấn đề đối với người dân Mỹ là một khi những chương trình như thế này được khởi động, chúng sẽ rất dễ bị lạm dụng nhưng rất khó để dừng lại.
Người dân Mỹ biểu tình phản đối các chương trình do thám
Không khó để hình dung một vị tổng thống tương lai của nước Mỹ nắm trong tay những công cụ do thám khủng khiếp như thế này sẽ dễ dàng “bóp chết” đối thủ chính trị của mình như thế nào. Cũng không khó hình dung những người có vị trí thấp hơn một chút hoặc các nhà thầu tư nhân dễ dàng như thế nào trong việc lợi dụng các hệ thống do thám này phục vụ cho mục đích riêng hoặc ý đồ xấu.
Đó là lý do nước Mỹ cần phải điều chỉnh lại các hệ thống này trước nguy cơ khủng bố ngày một phức tạp hơn, khi chúng không còn đến từ tổ chức al-Qaeda đã suy yếu rất nhiều mà đến từ những nhóm nhỏ hơn, hay thậm chí là những tên Hồi giáo cực đoan hoạt động riêng lẻ lớn lên trong lòng nước Mỹ như trong vụ đánh bom Boston.
Hoạt động đánh giá lại này cần phải được thực hiện bởi Quốc hội Mỹ và nhóm chuyên gia do chính Tổng thống Obama vừa thành lập nhằm xem xét lại mọi thứ liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ, từ hệ thống an ninh sân bay cho tới các chương trình theo dõi điện thoại và Internet.
Dịp kỷ niệm 12 năm ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9 này cũng là dịp để người Mỹ đánh giá lại mức độ cần thiết của các chương trình mang tên chống khủng bố nhằm bảo vệ quyền tự do cá nhân vốn được Hiến pháp Mỹ bảo hộ. Nếu cần thiết, có thể Mỹ sẽ phải thành lập một ủy ban đặc biệt giống như Ủy ban 11/9 với đầy đủ quyền hại để phát huy những mặt tích cực và hạn chế hiện tượng lạm quyền trong các chương trình do thám này, làm cân bằng lại cán cân giữa an ninh và tự do cho người dân nước Mỹ.
Theo khampha
Nga cảnh báo thảm họa hạt nhân ở Syria
Nga tuyên bố nếu tên lửa Mỹ đánh trúng lò phản ứng hạt nhân ở Syria, người dân thủ đô nước này sẽ phải gánh chịu thảm họa hạt nhân khủng khiếp.
Ngày 4/9, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng cảnh báo rằng cuộc tấn công của Mỹ vào Syria có thể biến thành một thảm họa kinh hoàng nếu tên lửa bắn trúng một lò phản ứng hạt nhân nhỏ chứa urani phóng xạ ở gần thủ đô Damascus.
Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi Cơ quan Hạt nhân Liên Hợp Quốc khẩn cấp đánh giá nguy cơ này trong bối cảnh Mỹ đang xem xét thực hiện hành động quân sự trừng phạt chính phủ Syria.
Người dân Syria sẽ gánh chịu thảm họa nếu tên lửa Mỹ đánh trúng lò phản ứng hạt nhân
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho hay: "Nếu một tên lửa dù vô tình hay cố ý bắn trúng lò phản ứng nguồn neutron nhỏ (MNSR) ở gần Damascus, hậu quả do nó gây ra sẽ là một thảm họa."
Khi đó những khu vực xung quanh sẽ bị nhiễm urani làm giàu cao và việc quản lý các vật liệu hạt nhân sau cuộc tấn công như vậy là không thể, do đó các vật liệu hạt nhân này có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố.
Nga đã hối thúc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA "phản ứng nhanh chóng" và đưa ra cho các thành viên IAEA "một bản phân tích về nguy cơ liên quan tới việc Mỹ đánh trúng vào lò MNSR cũng như các cơ sở khác ở Syria."
Nga hiện là đồng minh mạnh nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi đứng ra bảo vệ nước này khỏi các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc, đồng thời cảnh báo rằng hành động tấn công quân sự nhắm vào Syria sẽ làm gia tăng căng thẳng và hủy họa các nỗ lực kết thúc cuộc nội chiến ở nước này.
Một phát ngôn viên của IAEA cho biết: "IAEA chưa nhận được yêu cầu chính thức từ Nga. Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này sau khi nhận được yêu cầu này."
Trong một bản báo cáo hồi tuần trước, IAEA cho biết Syria từng tuyên bố sở hữu một "lượng nhỏ vật liệu hạt nhân" tại lò phản ứng này.
Chuyên gia hạt nhân Mark Hibbs thuộc tổ chức tư vấn Carnegie Endowment cho biết MNSR là một lò phản ứng rất nhỏ và không chứa nhiều vật liệu hạt nhân. Tuy nhiên ông này cho biết có thể sẽ có "nguy cơ nhiễm xạ nghiêm trọng" với người dân địa phương nếu các vật liệu hạt nhân này bị phát tán ra ngoài dưới tác động của vụ tấn công bằng tên lửa.
Cựu thanh sát viên IAEA Olli Heinonen cho biết bên trong lò phản ứng này thường có khoảng 1 kg urani làm giàu ở mức độ cao, ít hơn rất nhiều so với số lượng 25 kg cần thiết để chế tạo một quả bom nguyên tử.
Năm 2007, Israel đã từng đánh bom một cơ sở bỏ hoang của Syria mà tình báo Mỹ cho là một lò phản ứng hạt nhân ngụy trang do Triều Tiên thiết kế nhằm sản xuất Plutoni để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên Syria nói rằng cơ sở có tên là Deir al-Zor này chỉ là một căn cứ quân sự bình thường.
Theo khampha
Nga "bật đèn xanh" cho Mỹ tấn công Syria? Nga không loại trừ khả năng ủng hộ Mỹ tấn công Syria nếu Washington chứng minh được chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học và chiến dịch được Liên Hợp Quốc chấp thuận. Tổng thống Nga Putin tại cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin AP và đài truyền hình First Channel hôm qua, 3/9 ....