Kỉ niệm đêm trung thu
Một mùa Trung thu nữa lại về. Ngay đầu ngõ, khắp các quán hàng bày bán la liệt nào là đèn ông sao, đèn lồng, mặt nạ, bánh Trung thu
Sớm nay, mẹ tôi ra chợ, mua về cho thằng em tôi một cái đèn lồng nhỏ, có những chùm đèn sáng lấp lánh và bật ra tiếng nhạc mỗi khi gạt công tắc. Nhìn chiếc đèn lồng trên tay em, thấy dáng vẻ vui tươi của cu cậu, tôi lại nhớ tới cuộc hẹn chiều nay. Một kỷ niệm ấu thơ hiện về.Trung thu năm tôi học lớp hai…
Ở chợ không chỉ có đèn ông sao mà có cả đèn lồng, thứ vẫn được chúng tôi nhắc đến như một món đồ chơi xa xỉ. Tôi thích thú nhìn Vi, cô bạn hàng xóm đang cầm trên tay cái đèn lồng sáng lấp lánh và nhạc reo vui nhộn. Cũng chẳng lâu nữa đâu, khi mẹ tôi đi chợ về, tôi sẽ có một cái đèn còn đẹp hơn thế cho mà xem.
Tiếng phanh xe của mẹ vừa kêu ở cổng, tôi vội chạy ra, háo hức bám theo mẹ đòi quà. Mẹ rút từ trong làn ra một cái đèn lồng nhỏ vuông chằn chặn như hộp bánh, không có hoa xung quanh cũng chẳng có nhạc, chỉ bật sáng được thôi, thua xa cái đèn của Vi. Tôi thất vọng, miễn cưỡng cầm lấy cái đèn, phụng phịu. Tôi chẳng buồn đem khoe nó với Vi. Hẳn con bé sẽ vui lắm khi nhìn thấy cái đèn xấu xí của tôi.
Tôi chạy tìm mẹ. Lúc này, mẹ tôi đang giặt một thau đầy quần áo do hôm qua tôi ngã mấy lần, mẹ bắt thay liên tục. Thêm cả quần áo của cu Phúc nữa, mấy đêm nay nó tè dầm nhiều quá. Tôi ngồi xuống cạnh mẹ, thì thầm thật khẽ.
- Mẹ ơi, mẹ mua cho con cái đèn giống của Vi nhớ! Đèn này chẳng đẹp gì.
- Chọn hết chợ rồi đấy chị ạ. Đẹp thế còn gì.
- Ứ, con chẳng thích đâu.
- Không vớ vẩn – mẹ tôi gắt lên – hay đem trả rồi lấy đèn ông sao nhớ?
Tôi vùng vằng đi vào nhà. Ghét mẹ!
Bữa trưa hôm ấy, tôi ăn mỗi lưng cơm rồi bỏ vào giường nằm. Có tiếng mẹ gọi lại, tôi mặc kệ. Tôi nằm ôm gối khóc thút thít. Bố tôi bước vào, ngồi lên giường, bế tôi dậy, đặt tôi ngồi vào lòng. Lau nước mắt cho tôi, bố hỏi:
- Con sâu róm của bố sao thế?
Nghe bố gọi mình là sâu róm, tôi càng khóc to hơn, giẫy ra khỏi vòng tay bố. Nhưng bố vẫn ôm chặt tôi, dỗ dành. Trong hàng nước mắt ngắn dài, tôi nức nở kể lể với bố:
- Con…hức…không thích…cái đèn lồng…hư…kia.
- Đâu, để bố xem nào, đẹp thế này còn gì.
- Nó… nó chẳng có hoa. Con thích đèn nhiều hoa như của cái Vi cơ. Nhạc cũng không có. Đèn của cái Vi có nhạc Xuân Mai, hay lắm. Con ứ chơi đèn này đâu!
Video đang HOT
Mẹ tôi bước vào, tay cầm cây đũa cả vung lên:
- Khóc lóc gì? Bao đứa còn chẳng có đèn đi chơi kìa.
- Kệ nó, kệ con sâu róm của bố (tôi không dám vùng ra nữa vì sợ cây đũa cả trong tay mẹ). Rồi, chiều nay bố đi làm về, cho con ra chợ, tha hồ chọn.
- Không phải chiều nó.
- Cả năm có mỗi ngày Trung thu. Mua cho nó thích. Vả lại hôm trước nó được hai điểm 10 liền, coi như thưởng quà. Rồi bố quay lại nói với tôi, thế có đèn mới rồi phải ngoan, nghe lời bố mẹ, chăm học nghe chưa?
- Dạ vâng. Tôi mếu máo gật đầu. Mẹ tôi không nói gì, bỏ ra ngoài.
- Bố tôi xoa đầu, hỏi nhỏ:
- No chưa?
- Con chưa.
Vừa lúc đó mẹ tôi gọi:
- Hai bố con có ra ăn cơm không hả? Đói thì tối nay không đi rước đèn được đâu.
Bố tôi giả làm ngựa ông, nhong nhong chở tôi ra ăn cơm.
Phải đợi mãi, tận đến chiều muộn bố tôi mới về. Tôi leo vội lên xe bố để ra chợ.
Lúc này trời đã nhá nhem tối, đâu đó đã thấy rộn ràng tiếng trống. Tôi càng cuống quýt hơn vì sợ hàng quán về hết. Vậy mà vẫn còn mấy cô bé, cậu bé đang mua đèn. Bố tôi gặp người quen ở quán cô Loan, chỗ mẹ tôi mua đèn sáng nay. Trong lúc bố nói chuyện, tôi tự do lựa đèn.
- Không thích cái ban sáng mẹ mua cho hả? Thế cháu thích cái nào, cứ chọn đi. Cô đổi cho!
Tôi nhanh chóng tìm được cái đèn giống của Vi. Toan gọi bố thì giật mình thấy cô Loan quát lên:
- Con bé kia, đi chỗ khác chơi. Cứ luẩn quẩn ở đây mãi. Ám người ta à?
Tôi nhận ngay ra đó là cái Chi, đứa bạn cùng lớp. Hôm nay là Trung thu rồi mà nó vẫn mặc cái áo trắng đã ngả màu cháo lòng, ống tay rách toác. Dắt theo thằng em mặt mũi lem luốc, hai chị em nó đứng nép vào gốc cây, ngay cạnh quán cô Loan. Vẻ mặt thèm thuồng nhìn những chiếc đèn ông sao. Thấy tôi, nó ái ngại cúi mặt xuống và dắt em đi. Đứa em vẫn còn tiếc nuối, cứ ngoái cổ lại nhìn.
- Luẩn quẩn từ sáng tới giờ. Hết bố lại con.
- Bố bạn ấy làm sao hở cô?
- Say rượu, lê la khắp xóm.
- Nghe nói bố mẹ nó bỏ nhau. Bố nó say rượu suốt. Đánh chửi chị em nó suốt ngày! – Một cô bé đang chọn đèn cùng tôi kể vậy.
Tôi chợt nhìn xuống chiếc đèn lồng trong tay, chẳng còn thấy thích thú gì nữa. Tôi bảo cô:
- Cháu chẳng thấy cái đèn nào đẹp cả! Cháu lấy đèn ông sao thôi.
- Bao đèn đẹp này mà không chọn được à? Thì tùy cháu đấy! Lấy cái nào?
- Cho cháu hai cái đèn ông sao nhỏ thôi.
Cô lấy xuống đưa cho tôi:
- Sáng mẹ vẫn thiếu của cô mười nghìn. Tính ra thì vừa đủ hai cái đèn ông sao. Cháu cầm về đi này. Nhớ bảo lại như vậy với mẹ đấy!
Tôi và bố nhìn nhau. Có cái gì buồn trong ánh mắt của cả bố và tôi. Bố cũng chẳng hiểu sao tôi lại thay đổi nhanh như thế. Bố gạn hỏi tôi sao lại mua hai đèn ông sao. Tôi không nói. Bí mật mà bố!
Trăng bắt đầu lên, cái Vi chạy sang rủ tôi ra đình.
- Đèn lồng của Hạnh đâu?
- Năm nay tớ chỉ chơi đèn ông sao thôi.
- Cũng đẹp mà. Nếu Hạnh thích, lát mình cho mượn nhớ!
Tôi mỉm cười nhìn Vi. Thì ra con bé chẳng kiêu căng gì chuyện cái đèn lồng. Tôi nghĩ đến Chi. Thể nào hai chị em nó cũng ra đình cho xem. Nhưng chỉ đứng ngoài cổng thôi vì nó làm gì có đèn để rước. Tôi sẽ tặng nó một cái đèn ông sao rồi kéo hai chị em nó vào chơi. Vui lắm đây! Nghĩ vậy, tôi hăm hở cầm hai cái đèn đi, tung tẩy cùng Vi đi gọi thêm vài đứa bạn cùng xóm nữa. Mong chúng nó đều có đủ đèn rồi!
Trung thu năm nay thể nào Chi cũng về. Hiện cô bé đang sống cùng bố mẹ nuôi ở Hải Phòng.
- Chi nhất định sẽ về. Về để cùng Hạnh rước đèn ông sao nữa chứ! Con bé gọi điện cho tôi nói vậy.
Theo Guu
Đi qua những chênh vênh
Chênh vênh là không tìm được một điểm cân bằng, chưa tìm thấy được sự an yên và rồi có khi chênh vênh đó làm con người ta như muốn té ngã.
Nhưng sau bao lần thì nhận ra mình cũng đã không ít lần chênh vênh, ở bất kì độ tuổi, giai đoạn nào nó cũng có thể xuất hiện. chỉ là đôi chân mình cứng cáp tới đâu, khả năng của mình đã đã sẵn sàng để đón nhận tất cả.
Tôi đang lần từng trang sách chênh vênh hai lăm, em ngăn tôi lại, em gửi cho tôi bài viết chênh vênh tuổi hai ba, tôi nhoẻn miện cười. tôi cũng chưa chạm đến tuổi này mà, hay là cứ cho tôi đọc chênh vênh hai lăm... rồi em nhìn tôi:
Sao mà tuổi nào cũng chênh vênh vậy chỉ nhỉ?
Từ bao giờ cụm từ chênh vênh như một từ khóa cho những tháng ngày ta cảm thấy mình bất an, khi trong lòng chất chứa những lo toan về những gì diễn ra xung quanh thì lại thấy nó chênh chao, cứ cảm giác như thuyền đang ra khơi mà gặp phải những con sóng dữ.
Không bận tâm nữa em nhé! Sắp thi rồi, tập trung vào hai kì thi trước mắt đi. Tôi xoa đầu em như một đứa trẻ.
Nhưng tháng năm đang qua đó chị, tới trường nhìn những tán phương trước cửa lớp là em cứ nghĩ về giây phút chia tay trường lớp, cả những cuốn nhật kí các bạn truyền tay nhau nữa!
Những ngày xưa chị cũng đi qua những ngày tháng như vậy. Mùa hè, cái nắng nhiều hơn và với những học sinh cuối cấp thì chất chứa thêm bao nhiêu là tâm trạng. Những khoảnh khắc gần kề khi mỗi người bạn trong lớp biết rằng chỉ sau mùa hè năm nay nữa thôi tất cả trở thành kỉ niệm thì ai cũng cảm thấy buồn, rất khó để sau này gặp lại đông đủ, cả dãy hành lang dài vắng tiếng cười đùa. Trong lớp sẽ có người tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, nhưng cũng có bạn phải dừng chân trước lo toan cuộc sống.
Chính ngay trong khoảng khắc nói cùng em như vậy, từ bao giờ tôi cũng đã muốn khóc, vì như mình của những năm tháng tuổi mười tám trước đây, như mình của khi đứng trước những ngã rẻ, những cung đường được gắn tên kỉ niệm. Chỉ biết rằng một ngày mai, dù có đi tới đâu, làm công việc gì, học tập ngành nghề nào thì vẫn nhớ lắm những tháng ngày chênh vênh như vậy.
Rồi khi đi qua những tháng ngày của tuổi mười tám đôi mươi, lại thấy trân quý hơn những tháng ngày mình đang sống, lại thấy nhớ lắm những ngày tháng chênh vênh vì dẫu nó mang đến trong ta những nỗi lo lắng, có khi mơ hồ và nhiều chờ mong nhưng sau tất cả nhận ra mình đã thực sự trưởng thành và khôn lớn hơn bao giờ hết.
Theo Guu
Những năm tháng ấy Những năm tháng ấy. Người ta giận nhau bằng những lý do kì lạ. Những năm tháng ấy. Người ta tổn thương nhau một cách vô lý. Những năm tháng ấy. Người ta thề thốt cả đời này sẽ chẳng bao giờ gặp nhau nữa. Rồi những năm tháng ấy đi qua... "Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho...