Kỉ niệm chương nhà giáo người trao không trân trọng, kẻ nhận chẳng đoái hoài
Bộ Giáo dục cần sửa lại việc cấp kỷ niệm chương, được vinh danh, được phần thưởng, được ghi nhận như một thành tích thì người nhận sẽ hào hứng và đỡ tủi lòng hơn.
Bài viết “Kỷ niệm chương “3 không” và sự hờ hững của giáo viên” của tác giả Đỗ Quyên đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 7/4 đã nhận được sự đồng cảm rất lớn từ các thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước.
Tổng Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Panasonic Việt Nam và bà Yoshiko Hamazaki nhận bằng khen và kỷ niệm chương từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà giáo cũng mong muốn khi nhận kỷ niệm chương của ngành, được nhà trường, đơn vị tổ chức đàng hoàng, trang trọng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn
Bài viết được chia sẻ trên các diễn đàn xã hội, các hội nhóm của ngành giáo dục , có hàng trăm lượt tải về, hàng ngàn lượt bình luận. Tất cả những ý kiến đều đồng cảm với những gì tác giả bài viết đã phản ánh.
Những tiếng lòng của các thầy cô về kỷ niệm chương
Thầy giáo Công Đức cho biết: “Tôi là nhà giáo đã về hưu. Khi đọc bài viết này, thấy người viết phản ánh đúng thực trạng của ngành giáo dục. Phải công nhận rằng một nhà giáo công tác trong ngành được 20 năm, họ đã đóng góp công sức, tâm huyết vì sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ trẻ cho quê hương đất nước.
Họ có công nên tôn vinh họ là đúng ! Rất nên! Chỉ nên bàn đến trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền với phương thức phong tặng! Khen thưởng đúng nghĩa.”
Một giáo viên dạy Toán cho biết: “Bài báo nói đúng. Tôi cũng nhận được trong thầm lặng, giờ không biết bỏ nó ở nơi nào. Chả thấy hứng thú gì!”
Nhà giáo Dương Hải Hà: “Em nhận về theo kiểu để trên bàn ở phòng hội đồng ấy, của ai thì người ấy đến mà lấy (đó là nơi công tác cũ).
Còn khi em về nơi công tác mới, Hiệu trưởng rất quan tâm nên thường nhân dịp 20/11 sẽ tổ chức trao tặng kỉ niệm chương và trích quỹ nhà trường khen tặng 1 bó hoa tươi thắm, người nhận cũng được động viên lắm”.
Giáo viên Bạch Thái An: “Hình thức tôn vinh đang bỏ ngỏ, âm thầm cống hiến và âm thầm nhận. Chủ trương thì tuyệt vời nhưng bộ phận tham mưu thì quá dở, ngành mình mà còn không biết trân trọng tôn vinh giáo viên mình thì biết nói gì nữa?”.
Thầy giáo Cao Long: “Vật chất đã không có thì ít nhất cũng được tổ chức trao tặng đàng hoàng cũng còn có tinh thần. Đằng này, gọi đến phòng văn thư đưa cho, như kiểu vụng trộm”.
Cô giáo Hương: “Tiền đã không có thì thôi, mà tôi chỉ được mỗi cái huy chương trong cái hộp còn chẳng thấy có tờ giấy chứng nhận gì. Mà nghề giáo đâu chỉ dạy riêng kiến thức, còn vừa làm bác sĩ, vừa làm quan tòa, vừa làm huấn luyện viên thể thao, vừa là nhà thiết kế thời trang, vừa làm cô nuôi, vừa là người vệ sinh môi trường”.
Cô giáo Nhiên An nói rằng: “Kỷ niệm chương của ngành giáo dục chỉ là loại chứng nhận “đến hẹn lại lên thôi “. Văn thư nhận về rồi giáo viên vào ký nhận là xong”.
Video đang HOT
Cô giáo Linh Lê Bích thì: “Ngậm ngùi khi nhận tấm huy chương không một lời động viên từ cấp trên, nó như sự bố thí cho các ông, bà giáo mà thôi”.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngà: “Tôi cũng buồn mình là nhà giáo có hai kỉ niệm chương nhưng chưa hề được đeo lên ngực vì không có quy định đeo kỉ niệm chương, hoặc huy chương vì sự nghiệp giáo dục.
Ở bên các ngành bộ đội công an các ngày lễ có quy đinh đeo các huy chương đã được nhận và rất nghiêm trang tự hào. Còn giáo viên chúng tôi để trong tủ chẳng quy định đeo lúc nào cả, nghĩ cũng buồn!
Là giáo viên tôi đề nghị Bộ Giáo dục sửa lại việc cấp kỷ niệm chương thành Huy chương vì sự nghiệp giáo dục như trước đây mới xứng tầm, chứ cống hiến 20 năm cũng chỉ bằng người ta tham gia một trò chơi trên đài truyền hình. Thật chả ra làm sao”…
Những dòng chia sẻ như thế của các thầy cô giáo khắp mọi miền còn rất nhiều. Rất nhiều ưu tư, rất nhiều suy nghĩ. Người trao không nâng niu, người nhận chẳng đoái hoài.
Cần có quy định về lễ tôn vinh và chế độ tiền thưởng cho nhà giáo
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng một lần cho cá nhân trong và ngoài ngành giáo dục.
Điều kiện được nhận kỷ niệm chương là giáo viên có thời gian công tác trong ngành giáo dục đủ 20 năm trở lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Vì thế, giáo viên cứ công tác đủ 20 năm trở lên (khoảng 15 năm đối với giáo viên nhiều năm đạt chiến sĩ thi đua) gần như đều được nhận kỷ niệm chương.
Có lẽ vì quy định ai cũng được nhận kỷ niệm chương nên bằng kỷ niệm chương không được xem trọng và cũng có thể số lượng nhiều người nhận quá nên chẳng có tiền đâu mà thưởng dẫn đến kỷ niệm chương lẽ ra phải rất danh giá trở nên quá bình thường và bị coi thường?
Không được coi trọng cả hình thức trao lẫn không có cả phần thưởng khuyến khích. Bởi thế, chúng tôi đề nghị:
Thứ nhất , quy định về thời gian như giáo viên có thâm niên công tác từ 25 năm trở lên trong ngành giáo dục.
Thứ hai , quy định về thành tích như có ít nhất 3 năm đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, 3 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thứ ba , có ít nhất một lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi từ cấp huyện trở lên.
Thứ tư có phẩm chất đạo đức tốt, luôn được học sinh và phụ huynh tin yêu.
Giáo viên được xét công nhận đạt kỷ niệm chương sẽ được tổ chức trao nhận vào dịp 20/11 hằng năm. Ngoài bằng kỷ niệm chương nên kèm theo phần thưởng ít nhất bằng 1.0 mức lương cơ bản tại thời điểm đó.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định tổ chức lễ vinh danh để trao – nhận kỷ niệm chương, quy định phần thưởng, các dịp đeo kỷ niệm chương; Mặt khác, hình thức bẳng kỷ niệm chương cần thay đổi để nhà giáo có thể treo trang trọng tại gia đình thay vì bỏ tủ như hiện nay khi nó chỉ là một tờ giấy bé xíu.
Khi được ghi nhận như một thành tích thì thầy cô giáo sẽ hào hứng và đỡ tủi hơn chứ vài chục năm cống hiến cho giáo dục cũng đã nỗ lực đạt được một số thành tích nhưng trao kỷ niệm chương lại âm thầm, lặng lẽ như người ta đưa cho nhau tờ giấy thì thật sự tủi lòng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Kỷ niệm chương "3 không" và sự hờ hững của giáo viên
Nhận bằng kỷ niệm chương mà vật chất, thành tích không có, cũng không có thêm quyền lợi gì, nên giáo viên thường thờ ơ cũng là lẽ thường tình.
Kỉ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" là một hình thức ghi nhận công lao đối với những nhà giáo, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT, kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng một lần cho cá nhân trong và ngoài ngành giáo dục.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: thukyluat.vn.
Nói kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì lẽ ra đây sẽ là niềm vinh hạnh tự hào cho những ai được công nhận.
Người ngoài ngành nghe cụm từ kỉ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" đôi khi cũng nghĩ to lớn, vĩ đại và đáng ngưỡng mộ lắm. Tuy nhiên theo quan sát của người viết cũng là một nhà giáo đang đứng lớp, trong thực tế nhiều giáo viên chẳng mặn mà gì khi được yêu cầu làm hồ sơ để được nhận kỷ niệm chương.
Vì sao lại thế? Vì cách người ta đang đối xử với danh hiệu này không đúng với tên gọi .
3 không cho kỷ niệm chương
Không phần thưởng, không làm lễ trao nhận, không ghi nhận thành tích cho người nhận kỷ niệm chương sau khi đã đạt đầy đủ quy định và bỏ thời gian, công sức làm hồ sơ cho việc xét duyệt.
Khi được công nhận, giáo viên sẽ nhận về một tờ giấy ghi "Bằng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục".
Nếu như nhiều năm về trước, nhận kèm bằng kỷ niệm chương là 200 ngàn đồng, số tiền quá nhỏ thì dăm năm trở lại đây số tiền thưởng nhỏ nhoi ấy cũng không còn.
Chỉ còn một tờ giấy chứng nhận be bé màu đỏ ghi dòng chữ Bằng vì sự nghiệp giáo dục cùng một chiếc huy hiệu.
Bằng kỷ niệm chương này, cũng được ngành giáo dục trao một cách đặc biệt. Có trường, văn thư qua phòng giáo dục lấy bằng kỷ niệm chương về đưa cho giáo viên ở bất cứ nơi nào gặp trong trường.
Có trường, chủ tịch công đoàn nhận tấm bằng và huy hiệu về để trong văn phòng. Chủ tịch công đoàn thông báo bằng miệng kiểu "có bằng công nhận vì sự nghiệp giáo dục rồi, đang để trong phòng khi nào rảnh thì các thầy cô lấy đem về".
Nếu chỉ là hình thức, có nên duy trì việc xét kỷ niệm chương?
Nói về bằng kỷ niệm chương nhiều nhà giáo đều có chung một cách nói: đến hẹn lại lên chứ có gì đâu.
Đến hẹn lại lên được hiểu là giáo viên có thời gian công tác trong ngành giáo dục đủ 20 năm trở lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Có thể vì những quy định thế này gần như ai đi dạy đến 20 năm hoặc gần 20 năm (có quy đổi số năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua nếu có) cũng đều được nhận kỷ niệm chương.
Nhận bằng kỷ niệm chương cũng không có thêm quyền lợi gì, vật chất không có, thành tích cũng không nên giáo viên thường thờ ơ cũng là lẽ thường tình.
Có thầy cô nói rằng không muốn nhận vì cũng chẳng được gì, đã thế còn mất công làm hồ sơ để nộp.
Nhưng chỉ khen mà không thưởng, cùng với cách trao kỷ niệm chương như chúng tôi đã phản ánh đã làm nhiều thầy cô không thấy hào hứng, không thấy vinh dự và tự hào.
Không ít giáo viên tới kỳ làm hồ sơ đề nghị xét tặng kỷ niệm chương mà nhà trường nhắc nhiều lần nhưng vẫn cương quyết không chịu làm.
Nhận bằng kỷ niệm chương - hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong tâm thế miễn cưỡng, bắt buộc. Vậy, có nên duy trì hình thức khen thưởng kiểu này không?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Giáo viên hạng I vốn đã ít nay càng hiếm hơn Phần đông giáo viên Trung học cơ sở hạng I hiện nay đều cho rằng khi xây dựng Thông tư 03/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa chú ý đến quyền lợi của họ. Ngày 20/3/2021, khi các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương...