Kì lạ: Nhận gạo cứu trợ phải nộp tiền
Để được nhận gạo cứu trợ lũ lụt, mỗi hộ nghèo phải nộp từ 5.000 đồng – 10.000 đồng cho thôn để thuê người chở gạo về nhà.
Tình trạng này xảy ra ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế khi những hộ nghèo nhận gạo cứu trợ lũ lụt của Chính phủ được UBND xã phân bổ về cho người dân vào ngày 19-11.
Mượn tiền đi lấy gạo cứu trợ
Thôn Phước Yên chỉ cách trụ sở UBND xã Quảng Thọ hơn 1,5 km, trong đợt nhận gạo cứu trợ người nghèo sau lũ, thôn được phân bổ 765 kg cho 26 hộ nghèo. Trong đó, có 11 hộ nhận 20 kg, 7 hộ nhận 35 kg, 5 hộ nhận 30 kg và 3 hộ nhận 50 kg. Tuy nhiên, những hộ nghèo này phải trả tiền theo mức nhận gạo từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng cho thôn mới được nhận gạo.
Ông Nguyễn Đình Bồng, 74 tuổi, thuộc diện hộ nghèo của thôn Phước Yên, là người nhận được 35 kg gạo trong đợt cứu trợ này. Ông Bồng cho biết: “Trước khi đến trung tâm thôn nhận gạo, tôi được ban dân chính thôn thông báo phải mang theo 10.000 đồng để trả tiền vận chuyển. Do gia đình khó khăn không có tiền nên tôi phải chạy qua hàng xóm mượn lên trả cho thôn”.
Còn bà Nguyễn Thị Hàu nhận được 20 kg nên chỉ nộp cho thôn 5.000 đồng. Bà Hàu cho biết nếu thôn thông báo lên UBND xã nhận thì sẽ nhờ con cháu lên nhận giùm, đỡ phải sang hàng xóm mượn 5.000 đồng.
Ông Trần Phụ Phú, trưởng thôn Phước Yên, thừa nhận phải thu tiền của dân để chi trả phí vận chuyển gạo từ xã về thôn và trả tiền cho người đi thông báo cho những hộ này tới nhận gạo.
“Những hộ nghèo đa số là người già cả, neo đơn, tàn tật, không có điều kiện để lên xã nhận gạo. Ban điều hành thôn đã họp bàn với những hộ dân này và họ đã thống nhất nộp tiền, mức thu tùy thuộc vào số lượng gạo được nhận” – ông Phú khẳng định.
Thôn Tân Xuân Lai nằm sát trụ sở UBND xã Quảng Thọ nhưng người dân cũng nộp 5.000 đồng/hộ để chi trả tiền công thuê 2 người bốc vác, vận chuyển gạo về thôn với quãng đường 100 m.
Ông Nguyễn Đình Bồng, ở thôn Phước Yên, cho biết ông nhận 30 kg gạo phải nộp 10.000 đồng cho thôn
Bà Thiều Thị Ba (71 tuổi, thôn Tân Xuân Lai) thuộc hộ nghèo lại neo đơn nên chỉ nhận được 20 kg gạo cứu trợ. Bà Ba bức xúc: “Tôi nộp 5.000 đồng để trả tiền vận chuyển gạo về trung tâm thôn, sau đó tôi phải tới đó mang gạo về nhà. Quãng đường từ nhà tôi lên xã cũng bằng quãng đường tới trung tâm thôn, rứa mà cũng phải nộp tiền”.
Video đang HOT
Nhà bà Hoàng Thị Oanh (thôn Tân Xuân Lai) bị hư hại nặng, đây là gia đình đặc biệt nghèo. “Hôm được hỗ trợ 30 kg gạo tôi mừng lắm, hai mẹ con sẽ có gạo ăn. Nhưng khi đi nhận gạo trên trung tâm thôn tôi phải đi mượn nhà hàng xóm 5.000 đồng lên trả” – bà Oanh tâm sự.
Ông Trần Văn Kính, trưởng thôn Tân Xuân Lai, cho biết đợt gạo cứu trợ này thôn được nhận 595 kg về chia cho 20 hộ nghèo. Mỗi hộ phải nộp 5.000 đồng để thuê 2 người dân tới xã bốc vác, chở gạo về trung tâm thôn để các hộ này ra nhận.
Ông Kính phân trần: “Ban điều hành thôn trích tiền từ các quỹ ra để thuê người vận chuyển cũng được nhưng để chi trả cho một số hộ dân như thế thì không đáng nên phải thu từ dân. Từ sau cơn lũ năm 1999 đến nay, năm nào thôn chẳng làm như thế rồi nên chúng tôi cũng chẳng họp dân lấy ý kiến trước”.
Sẽ buộc trả lại tiền cho dân
Ông Hoàng Công Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, cho biết do số hộ được nhận gạo quá đông nên xã căn cứ vào danh sách hộ nghèo phân bổ cho từng thôn. Sau đó các thôn lên trụ sở UBND xã nhận gạo đưa về phát cho từng hộ dân dưới sự giám sát của cán bộ xã.
Cũng theo ông Phong, trước khi phát gạo cho người dân, UBND xã Quảng Thọ đã mời trưởng thôn lên họp. Xã đã thống nhất sẽ chi trả tiền vận chuyển gạo từ xã về thôn phát cho người dân.
Trước mắt, các thôn trích từ các quỹ đã thu ra trả trước, sau đó UBND xã sẽ khấu trừ lại. Còn việc thuê người đi thông báo người dân đến nhận gạo, ông Phong cho biết đây là nhiệm vụ của trưởng thôn. Nếu phải thuê người khác đi thay thì chi phí do thôn trả chứ không được thu tiền của người nghèo.
Ông Phong khẳng định: “Thôn thu tiền người nghèo để chi trả chi phí vận chuyển và tiền thuê người đi thông báo tới nhận gạo là sai hoàn toàn. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và buộc các thôn phải trả lại tiền cho người dân”.
Thu gạo lại để chia đều Ngày 29-11, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) tổ chức trao 250 suất gạo (mỗi suất 20 kg) hỗ trợ người dân bị thiệt hại nặng do lũ ở xã Quảng Thọ.
Theo danh sách được phát ban đầu, thôn Phước Yên được nhận 46 suất, thôn Tân Xuân Lai nhận 36 suất.
Tuy nhiên, sau khi nhận gạo thì người dân bị ban điều hành các thôn này thu lại gạo và phát cào bằng cho tất cả các hộ trong thôn, trừ những hộ nghèo đã được nhận gạo trước đó.
Cụ thể, thôn Phước Yên chia ra thành 295 suất (mỗi suất 3 kg); thôn Tân Xuân Lai chia thành 234 suất (mỗi suất 2,9 kg).
Ông Trần Thanh Giới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quảng Thọ, cho biết đây là sự thỏa thuận giữa ban điều hành thôn và người dân, họ muốn phân chia cho đều.
“Lũ lụt thì ai cũng thiệt hại nên phải chia đều như thế để sau này đi vận động các quỹ người nghèo, phòng chống thiên tai, lũ lụt… cho thuận lợi” – ông Giới nói.
Theo Người lao động
Miền Trung: Lũ dâng bất ngờ
Đường vào xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân bị nước lũ chia cắt hồi đầu tháng 11
Chiều tối 29/11, ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh (huyện Tuy An, Phú Yên) cho biết, xã vừa có người chết do lũ dâng bất ngờ.
Nạn nhân là ông Nguyễn Chấn (55 tuổi), Trưởng ban Mặt trận thôn Phong Thái, An Lĩnh.
Khoảng 17h20 ngày 28/11, ông Chấn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Giáo đi từ nơi làm rẫy là xóm Thái Nghiệp về qua suối Lỗ Đập trong lúc lũ đang lên, hai người đã bị dòng nước cuốn trôi.
Nghe tiếng kêu cứu của đôi vợ chồng, một số người gần đó đã chạy đến cứu được bà Giáo và tiếp tục tìm được xác ông Chấn sau đó khoảng 30 phút.
Theo bà Giáo, trong lúc bị lũ cuốn, ông Chấn đã cố sức đẩy bà tấp vào một bờ cây mọc giữa dòng nước, nên bà mới bám được; còn chồng bà đã bị trôi trên 500m và bị đuối sức. Trước đó, khi từ xóm Thái Nghiệp để qua suối về nhà, một số người thân đã ngăn cản vợ chồng ông Chấn.
Chủ tịch UBND xã An Lĩnh cho hay, chính quyền địa phương và họ hàng đã chung tay lo mai táng ông Chấn vào lúc 15h ngày 29/11. Ông mất, để lại vợ và 4 con, hoàn cảnh rất vất vả; chính quyền xã đã hỗ trợ gia đình 500.000 đồng.
Theo ông Dũng, nhiều địa phương tại huyện Tuy An và Đồng Xuân hiện đang lại bị ngập lũ do trời tiếp tục mưa, gây chia cắt nhiều khu dân cư, lưu thông lại hết sức khó khăn.
* Do mưa lớn kéo dài từ 28/11 đến chiều ngày 29/11, nước lũ các sông trên địa bàn tỉnh Bình Định lại dâng cao, nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh lại bị nước lũ cô lập.
Đến 13h chiều 29/11, lượng mưa đo được tại hồ Núi Một (An Nhơn) là 190mm, hồ Hội Sơn (Phù Cát) là 104mm, hồ Thuận Ninh (Tây Sơn) là 96mm, hồ Quang Hiển (Vân Canh) là 292mm, tại hồ Long Mỹ (Quy Nhơn) lên đến 373mm.
Bình Định huy động các phương tiện di chuyển dân vùng trũng
Trong ngày 29/11, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Quy Nhơn như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Định, Chương Dương... chìm trong biển nước. Đến 20 giờ tối cùng ngày, nước lũ tiếp tục dâng nhanh, nhiều hộ dân tại các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú... phải tự di dời khẩn cấp để tránh lũ.
Tại huyện Tuy Phước, tuyến đường ĐT 640 nối thị trấn Tuy Phước với các xã khu đông như Phước Thắng, Phước Hoà, Phước Sơn và các xã đông nam huyện Phù Cát như: Cát Chánh, Cát Thắng... đã bị lũ chia cắt, nhiều nơi ngập sâu hơn 1m.
Đường phố Quy Nhơn ngập trắng nước
Tại huyện Phù Cát, các xã Cát Thành, Cát Khánh, Cát Minh, Cát Tài, Cát Hanh... đã bị lũ cô lập hoàn toàn. Tại các huyện khác như huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Nhơn... nước lũ cũng bắt đầu dâng cao.
Chiều ngày 29/11, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện Phù Cát đã huy động lực lượng, dùng ca nô tiếp cận những vùng cô lập để sơ tán những người già và trẻ em đến nơi an toàn, đồng thời đưa lương thực và nước uống đến với người dân.
Theo Bee
Tha hương sau lũ Sau lũ lụt, người dân Quảng Ngãi tiếp tục lên đường vào Nam tìm kế sinh nhai Trắng tay sau thiên tai, người dân vùng nông thôn các tỉnh miền Trung lũ lượt rời quê vào Nam hoặc lên Tây Nguyên kiếm sống. Nhiều làng quê giờ đây chỉ còn lại người già và trẻ em. Chúng tôi trở lại vùng lũ Hương...