Kì công nuôi gà “3 chung”, HTX vừa tăng đàn vừa bán được giá cao
Trong bối cảnh người chăn nuôi trong cả nước lao đao thì những xã viên nuôi gà của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh ở xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, Thái Nguyên vẫn tự tin duy trì tổng đàn, kỹ thuật chăn nuôi và đặc biệt là giữ giá bán.
Nuôi gà sạch không lo mất giá
Chung giống – chung kỹ thuật – chung giá bán
HTX Đông Thịnh được thành lập trên cơ sở tổ hợp tác, trước đó là câu lạc bộ chăn nuôi gà. Tên Đông Thịnh được đặt từ việc ghép tên Phó Giám đốc HTX là Hà Văn Đông và Giám đốc là Nguyễn Văn Thịnh.
HTX Đông Thịnh được thành lập tháng 10/2014. Đến tháng 11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH – CN đã cấp chứng nhận nhãn hiệu cho chủ Giấy chứng nhận là UBND huyện Phú Bình đối với sản phẩm “ gà đồi Phú Bình”. Sản phẩm được bảo hộ mở ra cơ hội lớn đối với những hộ chăn nuôi gà ở Phú Bình. Cac đia phương, các chủ hộ chăn nuôi gà bày tỏ sự vui mừng và cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc quy trình để sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng theo bộ tiêu chuẩn quy định.
Với 20 hộ xã viên, HTX Đông Thịnh có tổng đàn gà lên tới 150 ngàn con. Ông Hà Văn Đông và ông Nguyễn Văn Thịnh đã tự bỏ kinh phí để vào tỉnh Tiền Giang học hỏi kinh nghiệm bán hàng và cách thức quản lý của HTX Gò Công.
Ông Đông cho biết, nhờ người quen giúp đỡ tận tình nên hai ông mới có điều kiện được tiếp cận với ban lãnh đạo HTX Gò Công để học tập kinh nghiệm quản lý cũng như quy trình chăn nuôi. Đó là việc áp dụng chế độ thưởng – phạt rõ ràng, công minh. HTX sẽ quản lý việc chăn nuôi của xã viên theo quy trình mà HTX đưa ra (quy trình đã được kiểm nghiệm, mang lại hiệu quả cao trên thực tế: thịt gà chắc, thơm, tốt cho sức khỏe người ăn). Cách thức quản lý cũng sẽ được thực hiện giống như của VietGAHP – nghĩa là cũng có sổ theo dõi từ việc tiêm phòng, sử dụng loại thức ăn, trọng lượng gà từng giai đoạn…
Đổi lại, các xã viên sẽ được bao tiêu sản phẩm với 1 mức giá ổn định trong cả năm, dù giá thị trường có liên tục bấp bênh. Tất cả những việc làm này đều nhằm hướng đến mục tiêu đưa HTX trở thành thương hiệu mạnh, giúp các xã viên cũng như người chăn nuôi trên địa bàn hình thành thói quen làm việc theo chuỗi liên kết, có trách nhiệm trước cộng đồng về những sản phẩm mình làm ra.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Tuyên, kiểm sát viên HTX Đông Thịnh cho biết, từ chủ trương của Ban quản trị, 20 thành viên HTX cùng chăn nuôi gà với 2 giống là Vạn Phúc và J-Dabaco. Nguồn cung ứng giống cũng được kiểm định chặt chẽ mới được chăn nuôi. Các hộ phải cùng nhau áp dụng đồng bộ quy trình, kỹ thuật nuôi. Gọi gà đồi nên người chăn nuôi trước hết phải có diện tích chăn thả lớn. Việc làm chuồng chỉ đơn thuần là cho gà tập trung về ngủ. Quá trình chăm sóc vật nuôi được ghi chép kỹ lưỡng. Thức ăn chăn nuôi phải đồng bộ.
Đặc biệt, các hộ đã dùng men sinh học hoạt tính được làm từ các loại thảo dược để ủ thức ăn sử dụng cho gà. Theo đó, 1kg men vi sinh sẽ trộn với khoảng 150kg thức ăn hỗn hợp. Loại men vi sinh này có tác dụng kích thích tiêu hóa, ổn định vi sinh vật và hạn chế một số bệnh về đường ruột và hô hấp nên gà hấp thụ chất dinh dưỡng tốt.
Mặt khác, men còn ngăn ngừa phân sống, sình bụng, nếu cho ăn trong 5 ngày đầu mùi hôi giảm 50%, từ ngày thứ 10 trở đi có thể giảm 80%. Khi sử dụng men sinh học ủ với thức ăn, tỷ lệ sống của con gà đạt trên 95%, có hộ đạt 100%. Khi sử dụng men vi sinh của Học viện Nông nghiệp VN, thay vì cứ 10 ngày, người dân phải thực hiện rắc trấu dọn chuồng 1 lần thì đến nay, 1 tháng mới phải dọn vệ sinh chuồng trại một lần, tiết kiệm thời gian và nhân công.
Bán chung một giá
Thương hiệu gà đồi bay xa, tên tuổi HTX Đông Thịnh được chắp cánh. Người quản lý một siêu thị lớn ở Hà Nội đã tìm về tận Tân Khánh để đặt vấn đề với HTX mỗi ngày sẽ mua 300 con gà thịt sẵn. Hợp đồng được ký kết theo năm. Nếu HTX chấp nhận đơn hàng này sẽ đồng nghĩa với việc HTX sẽ phải có ít nhất 9.000 con gà mỗi tháng và như vậy, mỗi năm phải có 110.000 con gà. Ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết, khi thực lực chưa đủ, Ban quản trị HTX đã mạnh dạn thống nhất tạm thời từ chối đơn hàng, vì nếu cố làm chắc chắn sẽ khó đảm bảo đúng cam kết.
Với suy nghĩ gìn giữ chắn chắn và phát triển thương hiệu bền vững, một trong những nguyên tắc cốt lõi được Ban quản trị HTX đưa ra và giám sát thực hiện chặt chẽ là các hộ chăn nuôi phải cùng nhau bán hàng chung một giá. Nguyên tắc nói trên được đưa ra với mục đích hạn chế rủi ro do giá bấp bênh và ngăn chặn người bán phá giá để trục lợi cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, thành viên HTX cho biết, nếu không thống nhất, kiểm sát và cùng nhau thực hiện được quy định về giá thì sẽ diễn ra cảnh mạnh ai nấy chạy, giá bán xô bồ sẽ làm mất thương hiệu và không bao giờ lấy lại được nữa.
Thời điểm hiện tại, trong khi giá gà Mía lai ở thị trường đang ở mức trên dưới 40.000 đồng/kg thì giá bán ngay tại chuồng của các các thành viên HTX Đông Thịnh vẫn đạt trên 50.000 đồng/kg. Giá gà ta cũng cao hơn mức giá thị trường từ 15.000 – 30.000 đồng/kg với giá trên 80.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phong NN-PTNT huyện Phú Bình cho biết, kê tư khi thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” đươc câp, số lượng người mua gà thương phẩm trên toàn huyện tăng khoảng 10% và giá mua cũng tăng 2 – 3%.
Nếu như trước đây, gà chủ yếu được bán cho các thương lái trên địa bàn và một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn thì năm nay, người chăn nuôi còn nhận được đơn đặt hàng từ các siêu thị, nhà hàng lớn như và một số cơ sở giết mổ quy mô lớn tại Hà Nội hợp đồng mua với số lượng lớn. Chung giống, chung kỹ thuật chăn nuôi an toàn và bán chung một giá chính là giải pháp, bí quyết để HTX Đông Thịnh phát triển chăn nuôi ổn định.
Theo Đồng Văn Thưởng (NNVN)
Bỏ cách làm cũ, dân Sóc Sơn bán 36.000 con gà đồi/năm ngon ơ
"Không chỉ phát triển được thế mạnh của địa phương, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi huyện Sóc Sơn đã xây dựng thành công chuỗi chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm gà đồi khép kín" - anh Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ.
Định hướng năm 2017, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi huyện Sóc Sơn tiếp tục hoàn thiện và mở rộng chuỗi sản xuất đáp ứng quy mô từ 60.000 đến 70.000 con/năm và nâng dần vào các năm tiếp theo.
Tham gia vào chuỗi chăn nuôi từ sản xuất đến giết mổ, tiêu thụ giúp người nuôi gà ở huyện Sóc Sơn nâng cao giá trị sản phẩm của mình. Ảnh: L.S
Anh Nguyễn Văn Đông là một trong những người có thâm niên nuôi gà đồi hàng chục năm. Hiện gia đình anh có 6 khu nuôi gà riêng biệt, với tổng đàn gần 7.000 con. Theo anh Đông, tại huyện Sóc Sơn, 2 xã Nam Sơn và Bắc Sơn có truyền thống chăn nuôi gà đồi với số lượng lớn.
Không gian thoáng, gà được bay nhảy tự do trên diện tích rộng. Chính vì vậy, ít có nguy cơ dịch bệnh hơn chăn nuôi tập trung, các bệnh lý được kiểm soát ở mức thấp nhất. Ngoài sử dụng một số vaccine phòng dịch ở giai đoạn đầu chăn nuôi, sau 2 tháng tuổi, gà rất ít khi bị nhiễm bệnh. Gà xuất chuồng thường nặng từ 1,8-2,1kg, thịt săn chắc.
Đầu năm 2015, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn đã được thành lập và xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ khép kín đã góp phần nâng cao giá trị gà đồi Sóc Sơn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Vấn đề quan tâm nhất đối với người chăn nuôi đó là đầu ra đã được giải quyết thông qua liên kết với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, tiêu thụ.
Gà Sóc Sơn được chăn nuôi theo mô hình liên kết, sạch từ khâu nuôi cho tới giết mổ
Năm qua, Hội đã thí điểm chăn nuôi theo chuỗi cho các gia đình hội viên với 36.000 con gà thương phẩm, cung cấp cho thị trường khoảng 70 tấn sản phẩm chất lượng, với giá bán tăng hơn 10% so với giá bán của các hộ chăn nuôi ngoài Hội.
Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Sóc Sơn đã tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển chăn nuôi vùng tại các xã Bắc Sơn, Minh Phú; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức khi tham gia chuỗi cho 60 hộ nông dân và lựa chọn 10 hộ tiêu biểu có đủ điều kiện, trách nhiệm và tâm huyết tham gia thực hiện mô hình thực nghiệm và huấn luyện chăn nuôi cho người dân trên địa bàn.
Mới đây, sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gà đồi huyện Sóc Sơn. Hiện Sóc Sơn đang hoàn thiện và mở rộng chuỗi sản xuất đáp ứng quy mô từ 60.000 lên 70.000 con vào cuối năm 2017 và ký thỏa thuận hợp tác về nguyên tắc với các đơn vị phân phối của Fivimart, Sacomart.
Theo Danviet
Lạ mắt, ngon miệng với giống gà "Râu" xã đảo Cái Chiên Khi lớn lên, bên dưới mỏ của gà mọc ra một cụm lông dài rủ xuống, trông như một chùm râu nên được gọi là gà Râu. Đây là giống gà bản địa của xã đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) nổi tiếng với chất lượng thịt thơm ngon, chọn lọc giống kĩ. Gà râu Cái Chiên có đặc điểm chân...