Khung pháp lý của Việt Nam đối với Fintech còn sơ khai
Dù có tiềm năng lớn nhưng tại Việt Nam mới chỉ khai phá Fintech ở mức độ thấp và khuôn khổ pháp lý còn sơ khai…
Công nghệ tài chính hay còn gọi tắt là Fintech đã trở thành từ khóa “hot” trong giới tài chính thế giới từ năm 2008. Việc áp dụng công nghệ vào ngành tài chính không chỉ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính mà xu hướng này còn đem lại những ứng dụng sáng tạo và phát triển phương thức kinh doanh mới.
Khung pháp lý của Việt Nam đối với Fintech còn sơ khai. Ảnh minh họa: KT.
Năm 2015, Fintech mới bắt đầu xuất hiện và mở rộng tại Việt Nam, nhưng năm 2017, thị trường fintech của Việt Nam đã cán mốc 4,4 tỉ USD và được dự đoán sẽ tăng lên mức 7,8 tỉ USD vào năm 2020.
Nhờ có Fintech, thay vì phải trải qua những quy trình, thủ tục mất cả tuần trời, các ngân hàng giờ đây chỉ mất chưa tới 10 giây để duyệt khoản vay, máy rút tiền ATM dần bị thay thế bởi ngân hàng trực tuyến, giao dịch tiền mặt đang ngày một bị hạn chế và thay thế bởi thanh toán lướt, chạm hay vân tay…
Việt Nam hiện có 67 công ty Fintech đang hoạt động. So với các nước khác trong khu vực con số này còn rất khiêm tốn, ví dụ như trong năm 2017, Singapore có khoảng 490 công ty Fintech, Indonesia là 262 công ty, Malaysia 196 công ty thuộc lĩnh vực này.
Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia
Video đang HOT
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tuy Fintech tại Việt Nam đang phát triển rầm rộ nhưng hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ…
Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định, dù có tiềm năng lớn nhưng tại Việt Nam mới chỉ khai phá Fintech ở mức độ thấp và khuôn khổ pháp lý cho Fintech còn sơ khai, chủ yếu là một số đề án mang tính vĩ mô và quy định về thanh toán như: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020; Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo…
“Trên thực tế, hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ; Mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech; Bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân”, ông Tuấn cho hay.
Ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ
Cùng quan điểm, ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) – Đại học Quốc gia đánh giá, Fintech tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường, và những thách thức đối với các tổ chức quản lý nhà nước về tài chính, tiền tệ và các tổ chức kinh doanh về: khuôn khổ pháp lý; bảo mật và an toàn thông tin; những đòi hỏi về công nghệ, tổ chức kinh doanh các dịch vụ tài chính.
Ông Hà Huy Tuấn cho rằng, trước sự phát triển mạnh của Fintech và trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách mở để thúc đẩy mô hình này, Việt Nam cũng cần rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nhất định.
Đơn cử, Việt Nam cần tiến hành một số hoạt động mang tính lâu dài như xây dựng khung pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox) – cơ chế cho phép các công ty Fintech startup được thí điểm/thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ trước khi cung ứng sản phẩm chính thức ra thị trường; Xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh đối với Fintech bao trùm các hoạt động dịch vụ Fintech, bảo vệ người tiêu dùng, phòng chống rửa tiền…
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng trung ương và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của khung khổ pháp lý về Fintech; Phối hợp giữa cộng đồng Fintech trong nước và quốc tế./.
Theo vov.vn
FinTech Giải pháp thúc đẩy xu hướng tài chính toàn diện (Phần 2)
Nhờ các sáng kiến FinTech, những cá nhân chưa có lịch sử tín dụng có thể được hưởng quyền tiếp cận những nguồn hỗ trợ tài chính một cách bình đẳng hơn.
Tìm kiếm giải pháp thúc đẩy xu hướng tài chính toàn diện. Ảnh minh họa: TTXVN
Ở các quốc gia đang phát triển, nhiều người không có tài khoản ngân hàng cũng thường có rất ít hoặc không có lịch sử tín dụng.
Những khách hàng này thường có xu hướng bị "loại" và khó có thể được chấp nhận theo các phương thức cho vay và bảo lãnh truyền thống, bởi tổ chức tín dụng thiếu thông tin để đánh giá khả năng thanh toán của người được vay. Những cá nhân này cũng rất khó để chứng minh sự đáng tin cậy của mình.
Tuy nhiên, ngày nay một số tổ chức tín dụng đã tiến hành hợp tác cùng các công ty FinTech khai thác những cách tiếp cận mới để quản lý rủi ro. Bằng cách mở khóa các nguồn dữ liệu mới, những cá nhân chưa có lịch sử tín dụng có thể được hưởng quyền tiếp cận tương tự đối với những nguồn hỗ trợ tài chính một cách bình đẳng hơn.
Một phương thức nghe có vẻ khó tin, đã được nhiều tổ chức tài chính áp dụng, là thử nghiệm tâm lý học. Các bài kiểm tra tính cách và phản ứng trước tình huống có thể cho thấy khả năng chống chịu rủi ro hoặc tính mạo hiểm của một cá nhân trong việc quản lý tài chính của họ. Đây là một thông tin quan trọng góp phần quyết định cá nhân này có phải là khách hàng tiềm năng hay không.
Trong một ví dụ khác, ở châu Phi, các tổ chức tài chính vi mô có thể căn cứ vào điểm tín dụng của một cá nhân dựa trên siêu dữ liệu điện thoại thông minh. Bên cho vay có thể thu thập một khối lượng lớn thông tin về cuộc gọi và lịch sử tin nhắn, vị trí địa lý, danh bạ và lịch sử duyệt web, sau đó chúng được đưa vào một hệ thống phân tích tín dụng. Với sự cải tiến liên tục về chức năng của điện thoại thông minh ngày nay, chúng là nguồn dữ liệu quý giá và hữu ích hơn bao giờ hết.
Một số công ty FinTech đã bắt đầu áp dụng hình thức cho vay ngang hàng (peer-to-peer), một mô hình dịch vụ tín dụng mới kết nối trực tiếp người cho vay và người đi vay, xử lý toàn bộ quá trình cho vay thông qua các nền tảng trực tuyến. Mô hình này có thể giúp những người có nhu cầu vay vốn tiếp cận với nguồn tài chính linh hoạt hơn thay vì thông qua các kênh ngân hàng truyền thống.
Các giải pháp tài chính tiến bộ là sự kết hợp của rất nhiều công nghệ, bao gồm công cụ phân tích dữ liệu từ ngân hàng lõi, tổ chức tín dụng, ví điện tử, kết quả kiểm tra tâm lý và dữ liệu điện thoại di động, v.v... để rồi trí thông minh nhân tạo (AI) sau đó áp dụng các thuật toán để trình bày điểm tín dụng hay độ tin cậy của khách hàng, cũng như đưa ra những biện pháp phòng chống gian lận cần thiết.
Sự hợp nhất của nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, được trình bày thành những ứng dụng dễ sử dụng, cho phép tổ chức cho vay đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, đem lại cơ hội tiếp cận tài chính cho những cá nhân trước đây có thể đã bị từ chối cấp tín dụng.
Sự tiếp cận hạn chế về nguồn tài chính do thiếu hạ tầng công nghệ ngân hàng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến một người dân hay một doanh nghiệp cụ thể.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang ở trong tình trạng khan hiếm nguồn lực để tiếp tục đổi mới, phát triển nền kinh tế và gia tăng lực lượng lao động, bởi các doanh nghiệp tiềm năng đứng trước nguy cơ thất bại chỉ vì không tìm được nguồn vốn đầu tư đúng thời điểm.
Tuy nhiên, làn sóng đổi mới gần đây trong ngành quản lý rủi ro tín dụng hứa hẹn sẽ thu hẹp khoảng cách giữa thực trạng hiện nay và mục tiêu tài chính toàn diện trong tương lai không xa./.
TTXVN
Theo bnews.vn
Facebook lấn sân tiền kỹ thuật số Dự kiến, năm 2020, Facebook sẽ ra mắt tiền kỹ thuật số toàn cầu (tạm gọi là Global Coin) có kết nối với ngân hàng trung ương nhiều quốc gia Theo đề án của Facebook, bản chất của Global Coin khác biệt không nhiều so với Bitcoin, Etherium, Ripple Coin... Bởi lẽ, Global Coin và các đồng tiền kỹ thuật số này đều...