Khủng hoảng vùng Vịnh: Chìa khóa nằm trong tay Qatar
Có nhiều nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về vùng Vịnh cho rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng này, vấn đề mang tính quyết định là Qatar phải thay đổi cách tiếp cận của mình bằng cách tuân thủ những cam kết đã ký với các nước vùng Vịnh.
Ảnh: AP
Lịch sử tranh chấp giữa Qatar với các nước láng giềng ở vùng Vịnh đã phơi bày một thực tế rằng, vấn đề của Qatar bắt đầu vào những năm 1990 sau khi nước này khơi lại tranh chấp với Bahrain liên quan đến chủ quyền đối với một nhóm đảo ở Vịnh Bahrain.
Năm 1995, một cuộc đảo chính không đổ máu đã xảy ra tại Qatar và tân Quốc vương của nước này Sheikh Hamad khi đó đã bác bỏ nỗ lực trung gian hòa giải của Saudi Arabia, đồng thời khăng khăng đòi đưa tranh chấp ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng của ICC lại nghiêng về Bahrain, qua đó Bahrain được quyền kiểm soát hầu hết các đảo tranh chấp.
Nếu Qatar chấp nhận sự dàn xếp của cố Quốc vương Saudi Arabia Fahd, chính quyền Doha đã được nhiều hơn hoặc ít nhất là công bằng với Bahrain.
Sau sự kiện này, chính quyền Doha đã quay sang chống lại Saudi Arabia khi khởi động lại tranh chấp liên quan đến chủ quyền các khu vực biên giới giữa hai nước. Doha và Riyadh đã từng giải quyết bất đồng tương tự nhờ nỗ lực hòa giải của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.
Tuy nhiên, Qatar đã bội ước và không tuân thủ các cam kết của mình, đồng thời tiến hành các cuộc chiến kích động trên truyền thông nhằm chống lại Saudi Arabia.
Video đang HOT
Doha đã chứa chấp và dung dưỡng những phần tử chống đối Saudi Arabia, ủng hộ mạng lưới khủng bố al-Qaeda và cựu thủ lĩnh của tổ chức khủng bố này là Osama Bin Laden – kẻ trước kia từng kêu gọi thay đổi chế độ ở Saudi Arabia bằng vũ lực.
Bất chấp một loạt cuộc hòa giải, Qatar vẫn tiếp tục cung cấp tài chính và ủng hộ những nhóm chống đối luôn tìm cách lật đổ các chính phủ ở Saudi Arabia và Bahrain.
Đặc biệt, sau các cuộc nổi dậy Mùa xuân Arập năm 2011, Qatar đã tìm cách mở rộng chiến dịch kích động và bắt đầu hướng mục tiêu vào Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) bởi UAE ủng hộ những nhân vật chống đối Doha.
Hiện có một số giải pháp có thể giúp tháo gỡ căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh, song có vẻ những giải pháp đó không phù hợp vì chúng lặp lại các cách tiếp cận hồi năm 2013 và năm 2014. Ở thời điểm đó, Qatar đã ký với Riyadh một cam kết gồm 20 điểm, trong đó chỉ một điểm được Doha thực hiện.
Trong Thỏa thuận hòa giải cuối cùng được ký với Riyadh năm 2014, Qatar đã cam kết chấm dứt “cỗ máy kích động”. Tuy nhiên, chính quyền Doha lại bí mật thiết lập các trang web và các kênh truyền hình để thực thi sứ mệnh kích động. Qatar có thể đã trục xuất một số nhân vật chống đối các chính phủ ở vùng Vịnh, song Doha lại cung cấp cho họ nhà ở tại Thổ Nhĩ Kỳ và London (Anh).
Quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này vẫn tiếp tục cung cấp tài chính và ủng hộ các nhân vật chống đối thông qua những mạng lưới bí mật được thiết lập ở các quốc gia này.
Theo các chuyên gia về vùng Vịnh, tất cả những động thái trên của Qatar là nguyên nhân chính khiến một loạt các nước vùng Vịnh dẫn đầu là Saudi Arabia đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với cáo buộc Doha hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các tổ chức khủng bố với mục tiêu “gây bất ổn và mở rộng ảnh hưởng” trong khu vực.
Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, Qatar đã và đang áp dụng cách tiếp cận cũ. Nếu chính quyền Doha không thay đổi cách tiếp cận này, mà vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu lật đổ các chính phủ Saudi Arabia, UAE và Bahrain, hoặc kích động chống lại những quốc gia này, chính quyền Doha sẽ phải tiếp tục sống trong sự cô lập.
Bởi sự thật là các nước vùng Vịnh chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar có thể sống trong hòa bình mà không có Doha. Nhưng dường như Qatar không thể chịu đựng được tình huống này, chính quyền Doha không thể sống được nếu thoát khỏi thế giới vùng Vịnh.
Như vậy, chỉ khi nào Qatar thực sự thay đổi cách tiếp cận của mình, khi đó cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh mới được giải quyết êm thấm.
Theo Đức Thức (Tiền Phong)
Khủng hoảng vùng Vịnh: Saudi Arabia bất ngờ hạ giọng với Qatar
Bộ ngoại giao Mỹ khẳng định rằng "điều tồi tệ nhất đã ở đằng sau chúng ta" sau khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Saudi thảo luận về khủng hoảng ngoại giao Qatar ở Washington hôm 13.6.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc gặp ở Washington.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa một nhóm nước do Saudi Arabia dẫn đầu và Qatar đang diễn ra theo chiều hướng tích cực.
Người phát ngôn Heather Nauert đã phát biểu như vậy trong cuộc họp báo hôm 13.6 sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Saudi, Adel al-Jubeir và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ở Washington.
Theo bà Nauert, cuộc đối thoại giữa 2 nhà ngoại giao hàng đầu về khủng hoảng Qatar là "đầy hy vọng".
"Họ cùng nhau nói về sự cần thiết để ngồi xuống cùng nhau và làm việc cùng nhau. Tôi sẽ mô tả thái độ đó và cách tiếp cận đó giống như một người đang đầy hy vọng và tin rằng, mọi chuyện tồi tệ nhất đã ở phía sau chúng ta", bà Nauert nói. Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và một số nước vùng Vịnh khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar tuần trước với cáo buộc nước này ủng hộ các nhóm khủng bố và Iran.
Riyadh cũng đóng cửa biên giới với Qatar - biên giới đất liền duy nhất mà Saudi Arabia có. Ngoài ra, Saudi, Bahraini và UAE còn đóng cửa không phận đối với các các hãng hàng không Qatar, gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng về xuất nhập khẩu hàng hóa và đi lại cho Qatar. Trước cuộc họp ở Washington, Ngoại trưởng Saudi, Adel al-Jubeir nhấn mạnh với các phóng viên rằng, các biện pháp chống lại Qatar không tương ứng với một cuộc phong tỏa.
Ông tuyên bố rằng, chính phủ của ông đang thực thi "quyền chủ quyền" của nước này khi cấm Qatar sử dụng không phận, lãnh hải cũng như biên giới chung giữa 2 nước. "Không có sự phong tỏa nào đối với Qatar. Qatar tự do đi lại. Các cảng mở cửa, các sân bay mở cửa. Giới hạn về việc sử dụng không phận Saudi chỉ áp dụng đối với hãng hàng không Qatar hoặc các máy bay do chính phủ Qatar sở hữu chứ không phải bất cứ ai khác", ông Jubeir tuyên bố.
Bình luận về diễn biến trên, ông Marwan Bishara, chuyên gia phân tích chính trị cao cấp của Al Jazeera cho rằng, Saudi Arabia dường như đang "hạ giọng điệu" chống lại Qatar thông qua những tuyên bố của ông Jubeir.
"Thay vì nhắc lại những lời đe dọa trước đây của Saudi dành cho Qatar, ông Jubeir đã cố gắng nhấn mạnh rằng, Qatar không bị phong tỏa và Riyadh chỉ thực hiện các quyền chủ quyền của nước này với các biện pháp cần thiết. Ông ấy đã cố nói rằng Saudi Arabia không áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc với Qatar", ông Marwan tuyên bố.
Qatar là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm và nước. Doha nhập khẩu phần lớn lương thực từ các nước láng giềng Ả Rập vùng Vịnh trước khi bị cắt đứt quan hệ ngoại giao. Hiện nước này đang hợp tác với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo an ninh lương thực và nước.
Theo danviet
Qatar thề không đầu hàng các quốc gia vùng Vịnh Qatar nói nước này "không sẵn sàng đầu hàng" trước bất kỳ mối đe dọa nào, trong bối cảnh quốc gia giàu có nhất thế giới đang bị các nước láng giềng cô lập. Binh sĩ Qatar trong một cuộc duyệt binh. Theo CNN, đây là tuyên bố mới nhất của Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thanin, trong cuộc...