Khủng hoảng Ukraine: Đức đang giữ vai trò hướng đạo EU
Xuyên suốt khủng hoảng tại Ukraine, muốn xem châu Âu hành xử, phán quyết ra sao, hãy nhìn vào cách làm của người Đức trong vấn đề này.
Gấu Nga sốt ruột
Chiến sự tại các thành phố phía đông nam và đông Ukraine ngày càng nóng bỏng. Người ta đã liên tưởng đến một cuộc nội chiến phức tạp giữa các phe phái chồng lấn. Thậm chí, nhiều luồng ý kiến cho rằng Ukraine sẽ chia năm sẻ bảy trong cuộc nội chiến trước mắt, còn nếu đơn thuần đấu tay đôi giữa những người thân Nga với những người thân phương Tây vẫn còn là điều may mắn với quốc gia Đông Âu này.
Vì sao có những suy nghĩ như vậy? Bởi lẽ, bản thân các nhà lãnh đạo châu Âu, như Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hay Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đều đã cho rằng Nga không còn đủ khả năng chi phối, kiểm soát những hành động tại miền đông Ukraine. Thực tế cho thấy, đã xuất hiện những nhóm vũ trang không thân Moscow, cũng không thân Kiev, và sự xuất hiện này đang làm tình hình thực sự trở nên phức tạp.
Người ta đã lo ngại đến vấn đề Nga sẽ can thiệp quân sự để giải quyết dứt điểm tình hình tại miền đông Ukraine bởi những lý do sau. Trước hết, sự bất ổn tại khu vực này lại nằm ngay trước cửa nhà Nga, và chẳng quốc gia nào, đặc biệt là cường quốc muốn để người ta châm lửa đốt trước cửa nhà mình.
Người dân Slavyansk (Ukraine) lập chiến lũy trên các tuyến đường
Thứ hai, những toan tính tại Ukraine của Nga đang dần lệch khỏi quỹ đạo khi Nga cần một sự ổn định để kiểm soát, bảo vệ Crimea một cách tốt nhất, đồng thời đưa Ukraine vào thể chế liên bang, trù bị cho những bước đi sau này.
Ngoài ra, bất ổn tại quốc gia Đông Âu này chỉ khiến việc làm ăn với các nước EU bị ảnh hưởng, gián đoạn. Mà công cuộc đòi nợ Kiev của Nga ngày càng thêm vất vả.
Một vài lý do đó đã đủ để ông chủ điện Kremlin không muốn ngồi yên. Putin không phải là nhà lãnh đạo theo đuổi đường lối ôn hòa, đặc biệt liên quan đến lợi ích quốc gia. Cách làm của vị nguyên thủ này tại bán đảo Crimea, hay tại Gruzia đã đủ chứng tỏ sự quyết đoán của ông.
Bài toán đặt ra lúc này, nếu để Ukraine nội chiến, phương Tây còn tranh thủ vớt vát được chút ít quyền lợi và có quyền đặt hi vọng. Nhưng để Nga xắn tay vào trận, công sức thời gian qua của phương Tây sẽ thành muối bỏ bể. Lúc này, phương Tây hay cụ thể là Mỹ và liên minh châu Âu cần phải có những sức ép đủ để con gấu Nga phải lui bước, nhưng không dồn nó vào bước đường cùng.
Trong bối cảnh đó, Đức đang là quốc gia được trông chờ nhiều nhất. Nhìn vào những động thái của Đức, có thể thấy được châu Âu đang nghĩ gì và sẽ làm gì.
Vì sao Đức giữ cờ soái của EU?
Câu hỏi đặt ra, vì sao Đức nắm giữ cờ soái của liên minh châu Âu? Bởi quốc gia này đang hội tụ mọi yếu tố cần và đủ để vừa làm trung gian hòa giải cho những hiềm khích giữa Nga – Mỹ, và cũng đủ sức mạnh để có thể gây sức ép theo kiểu tay đôi với Nga.
Trước hết, tại EU, phải nói rằng liên minh này đang rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công với những suy thoái nặng nề về kinh tế của các quốc gia thành viên. Tham dự cuộc đấu với Nga tại sân chơi Ukraine, EU đang không ở trong tình trạng thể lực sung mãn nhất. Trong khi đó, Đức đang giữ vai trò đầu tàu kinh tế EU, nền kinh tế quốc gia này đang đóng góp tích cực vào việc bảo vệ sự sống cho đồng Euro.
Với Nga, Đức có một sự giao thoa, tương tác không chỉ từ kinh tế, địa lý, lịch sử, mà còn có ở đây cuộc đấu trí giữa hai nguyên thủ Angela Merkel và Vladimir Putin.
Về địa lý, Đức nằm rất gần Lemberg, thành phố du lịch của Ukraine, bằng cách này Paris và Berlin có thể bước một bước là sang phương Đông. Sự bất ổn của Ukraine tương tự như việc ngay sát vách nhà của nước Đức đang có hỏa hoạn.
Video đang HOT
Nước Đức đang giữ vai trò lãnh đạo châu Âu
Về dân số, Đức có 3 triệu người nói tiếng Nga (gần bằng số người gốc Thổ Nhĩ Kỳ), chủ yếu đến từ các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Những người này đang theo dõi tình hình Ukraine từng ngày. Việc chính phủ Đức phải sát sao với vấn đề khủng hoảng Ukraine cũng là điều dễ hiểu.
Về kinh tế, Đức mua 1/3 nhu cầu dầu khí của mình từ Nga và kim ngạch trao đổi giữa hai nước đạt gần 80 tỷ euro. Đức không thể cắt đứt quan hệ với đối tác thương mại với Nga. Và ngược lại, Nga cũng không thể bỏ Đức, bởi một nửa ngân sách quốc gia của Nga trông vào xuất khẩu năng lượng. Và những nguồn lợi từ công nghiệp Đức khiến Nga phải chịu những sự ràng buộc nhất định.
Những điều này cho thấy Nga và Đức đang có những sự tương tác và không thể có một bên nào vuốt mặt mà không nể mũi. Còn với Mỹ, nước Đức hoàn toàn có tiếng nói trước những quyết sách của cường quốc này liên quan tới châu Âu, bởi lẽ, Washington hiểu rằng Berlin là thành trì hùng mạnh nhất vào thời điểm này tại Đông Âu. Sự thiếu tôn trọng đồng minh này chỉ dẫn đến những thiệt thòi đáng tiếc cho Washington.
Các yếu tố kể trên, khi kết hợp lại đã buộc Đức phải nhận trách nhiệm của người lãnh đạo liên minh trong cuộc khủng hoảng châu Âu. Cờ soái đã đến tay Đức, và quốc gia này buộc phải phất, bởi họ đang vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế, cũng là vừa đảm bảo quyền lợi của quốc gia.
Cuộc đấu trí giữa Merkel và Putin
Cần phải nhìn nhận khách quan, mối quan hệ Mỹ – Đức thời gian qua đã rất xấu, đặc biệt khi chính sách an ninh của Mỹ đã biến các cuộc điện thoại của Thủ tướng Đức không còn tính “riêng tư”.
Trong khi đó, mối quan hệ Nga – Đức lại đang ấm lên. Song song với những hợp tác thương mại hai bên, có lẽ ngài Putin cũng hiểu rằng người đàn bà thép của nước Đức là một đối thủ đáng gờm.
Con chó săn của ông Putin làm bà Merkel sợ chết khiếp
Một câu chuyện thú vị đến thời điểm này vẫn thường được nhắc lại, bà Merkel vô cùng sợ những con chó, nhưng trong chuyến tiếp xúc đầu tiên giữa hai nguyên thủ, ngài Putin đã tặng một con chó bông (2006). Và sau đó một năm, tại dinh thự của Tổng thống Nga, con chó săn yêu quý của ông Putin đã lao vào phòng khách khi ngài Putin đang tiếp đón bà Merkel.
Nhưng cách bà Merkel đáp lại? Những món quà vẫn được nhận. “Tôi đã vượt qua cuộc kiểm tra của KGB chỉ bằng cách nhìn vào mắt Putin, không né tránh” – Bà Merkel nói với những người trợ lý.
Bằng những ngôn ngữ ngoại giao, ông Putin có thể đã gửi đi một thông điệp tinh tế, rằng nước Nga đang sở hữu những thứ được gọi tên là nỗi sợ cho người Đức. Nhưng đổi lại, bà Merkel khẳng định họ có sự sợ hãi, nhưng không phải họ không vượt qua được. Reuters từng nhận định: “Putin, Merkel như một cặp vợ chồng già, họ hiểu hết miếng của nhau.”
Quay lại vấn đề Ukraine hiện nay, ngay từ khi xảy ra khủng hoảng, Mỹ đã chủ trương “rắn” với Nga, trong khi châu Âu, mà Đức được xem là người dẫn lối và chi phối lớn nhất, lại muốn một cách tiếp cận song hành, đó là đe doạ đi kèm với đối thoại.
Thực tế, khi nói về trừng phạt, Mỹ dễ dàng hơn rất nhiều so với châu Âu, bởi họ không phụ thuộc nhiều về kinh tế với Moscow như châu Âu và họ cũng không chịu nhiều thiệt hại nếu áp dụng biện pháp cứng rắn với Nga.
Đức khó có thể tìm kiếm một đốt tác nào tốt hơn Mỹ
Một châu Âu ôn hòa dưới ngọn cờ của Đức đã khiến Mỹ phải đắn đo. Bởi lúc này, EU hay Đức đều phải đứng trước lựa chọn, hoặc mối quan hệ với nước Mỹ, hoặc lợi ích với nước Nga.
Nhưng cuối cùng, Thủ tướng Đức đã có lựa chọn trong chuyến công du Mỹ hôm 5/5/2014 vừa qua. “Đức khó có thể tìm kiếm một đốt tác nào tốt hơn Mỹ” – Bà Merkel khẳng định. Như vậy để thấy, châu Âu đã hành động, một lần nữa, sự thống nhất giữa EU và Mỹ để tạo ra sức mạnh răn đe chỉ còn là thời gian.
Nước Mỹ có nhiều cách để trừng phạt đối thủ, quân sự chỉ là nước bài cuối cùng, đặc biệt khi áp dụng với một cường quốc quân sự như Nga. Nhưng đánh vào kinh tế với sự liên thủ toàn tâm toàn ý giữa EU – Mỹ sẽ là đòn hiểm khiến Nga phải toan tính lại từ đầu.
Như đánh giá của nguồn tin an ninh cấp cao tại Nga trên tờ Reuters rằng: “Điều quan trọng đối với ông Putin là bà Merkel nghĩ gì, Trung Quốc nghĩ gì và các nước CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập) nghĩ gì.”
Những giải pháp mang tính tượng trưng trước đó của Tổng thống Obama chẳng mảy may tác động gì đến ông Putin. Nhưng có một điều ông Obama đã làm rất tốt, đó là tạo được lòng tin của nước Đức.
Theo Báo Đất Việt
Mỹ lại "giơ móng vuốt", Nga... mỉm cười
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (24/4) cảnh báo, những biện pháp trừng phạt mới về kinh tế sắp được tung ra nhằm vào Nga, sau khi ông này cáo buộc Moscow không thực hiện thỏa thuận đạt được hôm 17/4 tại hội nghị Geneva về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tiếp lời ông Obama, Ngoại trưởng John Kerry cũng đưa ra những lời đe dọa thẳng thừng tương tự.
Tổng thống Obama
Đáp lại những cảnh báo trên của giới chức Mỹ là thái độ điềm tĩnh, thản nhiên của cả Tổng thống Nga Vladimir Putin lẫn Thủ tướng Dmitry Medvedev. Cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây chỉ làm Nga thêm mạnh mẽ.
Mỹ lại "giơ móng vuốt"
Những cảnh báo được Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry đưa ra ngày hôm qua là mới nhất trong "cơn mưa" những cảnh báo, đe dọa mà giới chức Mỹ đưa ra nhằm vào Nga trong cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng qua ở Ukraine. Phát biểu trong chuyến công du Châu Á, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo, Mỹ sắp áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt mới về kinh tế nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, ông Obama vẫn thận trọng cho biết, Mỹ cần phải đảm bảo có được sự ủng hộ của các nước đồng minh về việc cần phải áp dụng thêm áp lực về kinh tế đối với Moscow. Tổng thống Mỹ thừa nhận, những biện pháp trừng phạt mới có thể sẽ chẳng làm thay đổi được những "tính toán địa chính trị" của người đồng cấp Vladimir Putin.
"Có một số thứ Mỹ có thể làm một mình được nhưng cuối cùng thì vấn đề này cần phải có một nỗ lực chung, một nỗ lực tập thể", ông Obama đã phát biểu như vậy trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Phát biểu trên của ông Obama đã phơi bày những khó khăn mà ông này phải đối mặt trong việc đưa ra những biện pháp đáp trả Nga về tình hình Ukraine. Tổng thống Obama không đưa ra thời gian biểu về việc khi nào những biện pháp trừng phạt mới về kinh tế sẽ được tung ra, chỉ nói đó là vấn đề vài ngày chứ không phải vài tuần.
Tổng thống Obama phàn nàn rằng, lực lượng dân quân địa phương ở miền đông Ukraine tiếp tục chiếm đóng các tòa nhà chính quyền và trụ sở cảnh sát, thách thức giới chức lâm thời cầm quyền mới ở Kiev.
"Cho đến giờ, chúng tôi thấy họ vẫn không tuân theo tinh thần hay những cam kết được đưa ra trong thỏa thuận ở Geneva", ông Obama nói đồng thời thêm rằng "sẽ phải có hậu quả cho chuyện đó và chúng tôi sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt".
Cùng với Ukraine, Mỹ đổ lỗi cho Nga không tuân theo thỏa thuận ở Geneva. Tuy nhiên, Moscow tố cáo, chính chính quyền lâm thời ở Kiev mới không thực hiện những cam kết đưa ra trong thỏa thuận tại hội nghị 4 bên khi tiếp tục bắt giữ người chống đối, không thực hiện lệnh ân xá và không giải trừ vũ khí của các nhóm vũ trang bất hợp pháp.
Bằng cách thừa nhận Mỹ vẫn cần sự hợp tác từ các đồng minh trong việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, Tổng thống Obama đã phơi bày ra thực tế về một trong những cản trở chính trong việc thiết lập một mặt trận thống nhất chống lại Nga. Nhiều nước Châu Âu dựa vào nguồn năng lượng của Nga và vì thế, họ hoàn toàn không muốn gia tăng áp lực lên Moscow bởi điều đó đồng nghĩa với hành động làm tổn thương chính nền kinh tế của nước họ.
Cùng góp giọng với Tổng thống Obama ngày hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng lên tiếng cáo buộc Nga không thực hiện thỏa thuận Geneva nhằm làm dịu tình hình căng thẳng ở Ukraine.
Trong những phát biểu thẳng thừng một cách bất thường, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố, nếu Moscow không ngay lập tức tiến hành các bước đi nhằm làm dịu căng thẳng ở Ukraine, Washington sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt. Ông Kerry cảnh báo, đó sẽ là một hành động "nghiêm trọng", "một sai lầm đắt đỏ".
Tổng thống Putin, Thủ tướng Medvedev xem thường đòn trừng phạt của Mỹ
Phản ứng trước lời đe dọa mới nhất của Tổng thống Obama nói trên, Tổng thống Putin hôm qua tuyên bố, những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ chỉ phản tác dụng và thực sự chỉ làm lợi cho nền kinh tế Nga.
Tổng thống Putin
"Phụ thuộc quá nhiều vào các nước khác có thể dẫn tới một sự mất mát nhất định về chủ quyền", Tổng thống Putin đã phát biểu như vậy tại một diễn đàn ở St. Petersburg ngày hôm qua.
Theo lời ông chủ điện Kremlin, những biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đem lại nhiều lợi thế cho Nga.
Lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt kinh tế thực sự đang giúp thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, đưa nguồn đầu tư ở bên ngoài trở về Nga nhiều hơn và tạo cho các nhà lập chính sách cơ hội để thúc đẩy một chế độ thanh toán nội địa.
Giảm đầu tư ra bên ngoài từ lâu đã là ưu tiên trong chính sách của điện Kremlin và những biện pháp trừng phạt của phương Tây đã giúp cho điều này.
Người Nga có tài sản ở phương Tây lo lắng nguồn tiền của họ có thể bị phong tỏa bất kỳ lúc nào nên điều đó khuyến khích họ giữ tiền trong nước và trả thuế vào ngân sách của Nga chứ không phải đóng thuế ở bên ngoài. Ước tính 111 tỉ USD tiền của Nga, khoảng 20% giá trị xuất khẩu của cả nước, bị "mất" ra bên ngoài,
Các nhà lập chính sách cũng khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký ở trong nước thay vì ở nước ngoài để tránh bị trừng phạt.
Đợt trừng phạt đầu tiên của Mỹ đã gây rối loạn đối với Visa và Mastercard bằng việc phong tỏa bất hợp pháp những khoản thanh toán ở ít nhất 3 ngân hàng của Nga hồi tháng 3. Các dịch vụ sau đó đã được nối lại nhưng Tổng thống Putin nghĩ rằng, sự việc trên dẫn đến mất mát cho chính hai công ty thẻ tín dụng khổng lồ chứ không phải cho phía Nga. Theo ông Putin, đó là "một sai lầm rất lớn".
Ông Putin tin rằng, các hệ thống thanh toán Visa và MasterCard sẽ mất thị phần ở Nga nếu có bất kỳ hoạt động ngắt quãng nào trong hoạt động thanh toán trong tương lai. Hiện, hai công ty trên đang chiếm tới 90% thị phần ở Nga. "Tôi chắc rằng, họ biết rõ điều đó", ông Putin nói thêm.
Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng rắn rỏi và tự tin tuyên bố, những biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây không thể giáng đòn chí tử vào nền kinh tế Nga mà thực sự chỉ đem lại lợi ích cho Nga.
Trong khi Mỹ đang nhăm nhe tung ra thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga thì EU đang trì hoãn việc này bởi họ không có được sự nhất trí của tất cả các nước thành viên.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Nước cờ tàn của Mỹ tại Ukraine Mưu kế của CIA và Kiev đã lộ rõ, CIA và Kiev đang xem hành động của Nga trước nguy cơ người Nga bị "tắm máu" ở miền Đông Ukraine ra sao. Chỉ cần Nga điều quân đội sang miền Đông Ukraine, với Mỹ, thế là đủ. Tuy nhiên, ở nước Nga, không chỉ là "nhà tình báo" như ngài Giám đốc CIA...