Khủng hoảng nhân đạo ở Sudan có thể trở nên tồi tệ hơn
Ngày 12/4, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo cuộc khủng hoảng nhân đạo do xung đột ở Sudan gây ra có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới, khiến một số khu vực ở quốc gia châu Phi này đối mặt với nạn đói.
Trẻ em tị nạn tại Al-Eligat, Sudan. Ảnh: AFP/ TTXVN
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông báo của các cơ quan LHQ cho biết tình trạng khẩn cấp ở Sudan có thể sẽ lan sang các nước láng giềng, nếu như giao tranh còn tiếp diễn. Trong một phát biểu trước báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Christian Lindmeier nhấn mạnh, nếu giao tranh không dừng lại và việc tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo tiếp tục bị cản trở, cuộc khủng hoảng ở Sudan sẽ trở nên tồi tệ hơn và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. Xung đột sẽ dẫn đến làn sóng di cư, sự lây lan của bệnh dịch và tình trạng mất an ninh lương thực. Theo ông Lindmeier, hiện thế giới “chỉ đang nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm”.
Số liệu thống kê cho thấy xung đột tại Sudan giữa quân đội nước này và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) bán quân sự đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và đẩy hơn 8,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có gần 1,8 triệu người phải chạy sang các nước láng giềng. WHO cảnh báo hệ thống y tế ở Sudan đang sụp đổ, do thiếu trầm trọng đội ngũ nhân viên y tế cũng như thuốc men, vaccine, thiết bị và các vật tư y tế. Ông Lindmeier cho hay khoảng 70-80% cơ sở y tế ở Sudan không còn hoạt động do các cuộc giao tranh. Một số bang, trong đó có Darfur, không nhận được vật tư y tế trong suốt một năm qua.
Xung đột cũng đang đẩy các hộ gia đình ở Sudan vào cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ. Theo cuộc khảo sát do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) thực hiện với 4.504 hộ gia đình nông thôn từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, hiện có 2/3 dân số Sudan sinh sống ở vùng nông thôn đang bị khủng hoảng an ninh lương thực. Ông Thair Shraideh, Đại diện thường trú của UNDP tại Sudan, cho rằng quốc gia châu Phi này có thể sẽ đối mặt với nạn đói trong năm nay, đặc biệt ở hai bang Khartoum, Al-Jazira và các vùng Darfur, Kordofan. Theo ông, chuỗi sản xuất và cung ứng bị gián đoạn do xung đột, thu nhập của người dân giảm sút và lạm phát tăng cao sẽ ngày càng đẩy nhiều người dân Sudan vào tình cảnh khốn khó. Ngay cả các nguồn viện trợ lương thực và hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cũng không đủ để ngăn nạn đói đang rình rập.
Theo kế hoạch, một hội nghị nhân đạo quốc tế về Sudan và các quốc gia láng giềng sẽ được tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp vào ngày 15/4 tới nhằm tìm hướng giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn tài trợ hiện nay.
Hiện các bên mới chỉ huy động được 6% trong tổng số 2,7 tỷ USD cần cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Sudan.
LHQ cảnh báo nạn đói nghiêm trọng nhất thế giới tại Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 20/3 cảnh báo tình trạng bạo lực ngày càng diễn biến phức tạp tại Sudan đang gây ra nạn đói nghiêm trọng ở nước này.
Người tị nạn Sudan sơ tán tránh xung đột sang Adre, CH Chad ngày 7/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), bà Edem Wosornu, Giám đốc Bộ phận Hoạt động và Vận động tại OCHA, nêu rõ các các mức độ bạo lực khủng khiếp hiện nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân ở Sudan và quốc gia châu Phi này đang bên bờ vực của nạn đói tồi tệ nhất thế giới. Hiện tại, khoảng 18 triệu người, chiếm hơn 1/3 dân số của Sudan, đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Trong 11 tháng qua, Sudan đã phải hứng chịu những hậu quả của cuộc xung đột bùng phát từ ngày 15/4/2023 giữa quân đội và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF).
Bà Wosornu cho biết Khartoum, Darfur và Kordofan - những vùng có 90% dân số đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ khẩn cấp - đã phải chứng kiến các cuộc giao tranh khốc liệt trong 340 ngày qua. Theo LHQ, gần 28 triệu người trên toàn khu vực đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng, bao gồm 18 triệu người ở Sudan, 7 triệu người ở Nam Sudan và gần 3 triệu người ở Chad. LHQ lưu ý khoảng 730.000 trẻ em ở Sudan, trong đó có hơn 240.000 trẻ ở Darfur, đối mặt với suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Phó Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), ông Carl Skau cho hay tại Sudan, cơ quan này đang nỗ lực hết sức để giải quyết các nhu cầu nhân đạo, song các hoạt động cứu trợ bị cản trở do thiếu khả năng tiếp cận cũng như các nguồn lực. Ông Skau kêu gọi mở lại các cửa khẩu biên giới để tạo điều kiện cho hoạt động cung cấp viện trợ cho vùng Darfur mở rộng, nơi đang chứng kiến nạn đói và mức độ suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất.
Đầu tháng 3 này, HĐBA LHQ đã kêu gọi các bên xung đột ở Sudan ngừng bắn ngay lập tức trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động viện trợ nhân đạo.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cũng kêu gọi các bên tham chiến ở Sudan ngay lập tức đảm bảo quyền tiếp cận nhân đạo không bị cản trở, đồng thời bắt đầu tiến hành đàm phán trực tiếp để chấm dứt các hoạt động thù địch.
HĐBA LHQ thảo luận về an ninh lương thực và bất ổn khí hậu Ngày 13/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên thảo luận về vấn đề an ninh lương thực và các yếu tố gây ra nạn đói tại nhiều nơi trên thế giới. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (giữa) phát biểu tại phiên thảo luận về an ninh lương thực và bất ổn khí hậu của HĐBA...