Khủng hoảng COVID-19 trầm trọng, người dân Ấn Độ tuyệt vọng lên mạng cầu cứu
Những lời kêu cứu khẩn cấp, tuyệt vọng trên mạng xã hội cho thấy quy mô khủng khiếp của đại dịch COVID-19 tại Ấn Độ – quốc gia ghi nhận trên 300.000 ca mắc mới mỗi ngày trong thời gian gần đây.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong ánh đèn điện thoại tại sân vận động Jawahar Lal Nehru Stadium ở New Delhi. Ảnh: Bloomberg
Theo Bloomberg, trong bối cảnh thiếu đủ thứ tại bệnh viện, nhiều người buộc phải lên Twitter và Instagram cũng như các mạng xã hội khác để tìm kiếm giúp đỡ.
Một sinh viên luật 20 tuổi tên Bharath Pottekkat cho biết mỗi khi mở ứng dụng Instagram, cô thấy một loạt tin nhắn khẩn thiết. Ví dụ như: “Mumbai, xin hãy giúp tôi. Phổi bị tổn thương do viêm. Cần giường chăm sóc đặc biệt”, “Cần huyết thanh khẩn cấp để điều trị bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện Max, Dlhi”, “Cần tiêm Tocilizumab khẩn cấp. Hãy cho tôi biết nếu bạn biết chỗ nào quanh Mumbai có”…
Bệnh nhân COVID-19 được đưa vào viện ở Kolkata. Ảnh: Getty Images
Pottekkat cho biết cứ mỗi lần vào ứng dụng là lại có lời cầu xin mới xuất hiện. Cô nói: “Đầu tôi quá tải thông tin trên mạng xã hội. Tôi không biết mình đang đọc gì”.
Pottekkat cho biết có một bài đăng khiến cô giật mình. Một phụ nữ chăm mẹ ốm đã mô tả cảnh như tận thế tại bệnh viện ở thành phố Lucknow – nơi mà người ta đánh nhau để giành giật các bình ô xy mới được mang tới.
Sự tuyệt vọng còn thấy rõ hơn trên tài khoản Twitter của ông Ranjan Pai, đồng sáng lập Tập đoàn Y khoa và Giáo dục Manipal, điều hành chuỗi bệnh viện lớn thứ hai Ấn Độ là Tập đoàn Y tế Manipal. Tài khoản của ông Pai tràn ngập hàng trăm tin nhắn từ người lạ, hỏi ông về giường chăm sóc đặc biệt, ô xy và thuốc chữa COVID-19. 7.000 giường bệnh trong chuỗi 27 bệnh viện của ông đã kín chỗ.
Ông nói: “Chúng tôi hoàn toàn không lường được. Không nước nào đủ trang thiết bị để xử lý đợt COVID-19 bùng phát nhanh và nghiêm trọng thế này”.
Người dân chờ bơm ô xy tại thành phố Allahabad. Ảnh: AFP
Hồi tháng 2, bệnh nhân COVID-19 chỉ chiếm 4% giường bệnh ở Manipal. Vài tuần sau, con số đó tăng lên 65% và các giường còn lại dành cho các bệnh nhân cấp cứu khác. Các bệnh viện, bác sĩ và nhân viên của ông Pai đều bị quá tải.
Video đang HOT
Nhà báo Barkha Dutt cho biết đang xảy ra tình trạng thiếu nơi hỏa táng khắp Ấn Độ. Nhà báo đã đăng lên Twitter hình ảnh về một khu vực hỏa thiêu ở thành phố Surat.
Giống như Instagram, Twitter, Facebook WhatsApp và Telegram đều tràn ngập lời cầu cứu từ gia đình, bạn bè đang khổ sở tìm kiếm mọi thứ cho người thân mắc COVID-19, từ giường bệnh tới thuốc men, chụp cắt lớp, xét nghiệm và cả đồ ăn cho người già đang bị cách ly. Họ hy vọng có ai đó sẽ hồi đáp nhanh chóng thay vì phải chờ đợi mòn mỏi trong bệnh viện.
Xe cứu thương bên ngoài một nhà xác ở New Delhi. Ảnh: Bloomberg
Những lời kêu cứu cho thấy bi kịch COVID-19 ở đất nước 1,3 tỷ dân, đang trở thành nơi mà số ca mắc COVID-19 tăng nhanh nhất thế giới. Nhiều người dân đang hoảng sợ và tuyệt vọng khi thiếu thuốc men, giường bệnh và ô xy trong các bệnh viện.
Ngày 21/4, Ấn Độ 2.101 ca tử vong và 315.802 ca mắc mới, cao chưa từng có. Quốc gia Nam Á này chỉ xếp sau Mỹ về tổng số ca mắc và trước đó đã vượt Brazil lên vị trí thứ hai.
Số ca mắc gia tăng đã buộc các trung tâm tài chính và chính trị như Mumbai và New Delhi phải áp đặt giới hạn di chuyển. New Delhi đã phong tỏa nghiêm ngặt trong 6 ngày từ 20/4. Bang Maharashtra, nơi có thành phố Mumbai, thắt chặt phòng dịch từ 15/4.
Thông báo hết vaccine COVID-19 và tấm che mặt ở Mumbai. Ảnh: AFP
Chỉ cần nhìn ảnh tràn ngập trên mạng xã hội cũng có thể thấy hệ thống y tế công của Ấn Độ đang sụp đổ. Nhiều bệnh nhân COVID-19 cùng nằm chung giường bệnh, xe cứu thương xếp hàng dài bên ngoài bệnh viện ở Mumbai, người bệnh hấp hối khi chờ ô xy. Các đường dây nóng của chính phủ đều tê liệt.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có thể giúp ích đôi chút trong khủng hoảng. Các sinh viên, nhân viên công nghệ, các tổ chức phi lợi nhuận và diễn viên Bollywood đang huy động nguồn lực để cung cấp bữa ăn, cung cấp thông tin về giường bệnh hay thuốc Remdesivir mà người dân cần. Nhiều người hoàn toàn xa lạ đã tình nguyện mang đồ ăn tới tận chỗ bệnh nhân.
Ông Vikas Chawla, đồng sáng lập công ty kỹ thuật số Social Beat, cho biết trong tình hình hiện nay, những người tập hợp nguồn lực đám đông, thông tin tin cậy trên mạng xã hội là những anh hùng ngày nay. Ông nói chỉ cần một vài người đứng ra và hành động là có thể huy động được nhiều nguồn lực”.
Ấn Độ chật vật trong chiến dịch tiêm chủng
Ấn Độ, cường quốc vaccine của thế giới, sản xuất 60% số liều toàn cầu, đang chật vật để tiêm chủng cho người dân của đất nước.
Quốc gia Nam Á này cần khoảng 120 triệu liều vaccine mỗi tháng để duy trì mục tiêu tiêm 4 triệu liều hàng ngày. Song các nhà sản xuất trong nước chỉ cung cấp đủ 65 triệu liều, dù đã hạn chế xuất khẩu. Người dân đến trung tâm y tế bắt gặp một cánh cửa im lìm và tấm biển "Không có vaccine".
Sau một khởi đầu tưởng chừng thuận lợi, các chuyên gia thắc mắc mắc tại sao Ấn Độ sa lầy trong cả cuộc khủng hoảng Covid-19 và chương trình tiêm chủng chậm chạp.
Trước đó, chính phủ chủ trương thực hiện cân bằng hai chính sách: ngoại giao vaccine và tiêm chủng nhanh chóng cho người dân. Quốc gia là nguồn cung của các nước láng giềng thu nhập thấp lẫn nước phát triển như Anh, Canada, Ả Rập. Viện huyết thanh sản xuất cả vaccine của AstraZeneca và vaccine nội địa. Điều này củng cố hình ảnh của đất nước khi nhu cầu thế giới tăng cao.
Tháng 1, Ấn Độ ghi nhận khoảng 10.000 ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày. Đất nước dần kiểm soát được đợt bùng phát đầu tiên. Xét nghiệm kháng thể diện rộng ở một số thành phố ghi nhận một phần ba công dân có thể đã nhiễm và khỏi Covid-19, quốc gia dần tiến đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Người dân tại một trung tâm tiêm chủng ở Mumbai phản ứng sau khi nghe tin thiếu vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters
Tình hình khả quan hơn khi chính phủ tuyên bố bắt đầu tiêm chủng trong cùng tháng, dự đoán có đủ lượng vaccine để triển khai cuốn chiếu và tiếp tục sản xuất cho đến cuối năm. Nguồn vaccine nhập khẩu dự kiến đến ngay sau khi cơ quan quản lý phê duyệt.
Tháng 2, thành viên đảng Bharatiya Janata (BJP) ca ngợi Thủ tướng Narendra Modi về cách xử lý"bậc thầy" đối với đại dịch. Song họ không biết rằng thành công ban đầu sắp bị vùi dập trong làn sóng thứ hai, quét qua đất nước cuối tháng 3.
Giáo sư K. Srinath Reddy, Chủ tịch Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ (PHFI), nhận định: "Chính phủ đã sai lầm khi kết luận rằng quốc gia đã đạt miễn dịch cộng đồng hồi tháng 1, rằng đại dịch kết thúc. Thay vào đó, virus tái bùng phát do biến thể, trong một xã hội cởi mở, nhộn nhịp, nơi nhiều người đã từ bỏ mọi biện pháp phòng ngừa".
Chiến dịch tiêm chủng "nhẹ nhàng", được lên kế hoạch trong tình huống không xảy ra đại dịch, có nguy cơ bị cuốn trôi theo làn sóng lây nhiễm mới, ông Reddy nói thêm. Chính phủ nhận ra vaccine của AstraZeneca và vaccine nội địa Covaxin không đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ.
Những người chỉ trích cho rằng đảng BJP quá tin tưởng vào "sản phẩm nhà làm" Covaxin - vốn đại diện cho chính sách "Ấn Độ tự lực" trong đại dịch - đến mức ngó lơ việc nhập khẩu các loại vaccine khác để bổ sung nguồn cung. Cơ quan quản lý dược phẩm đã nhanh chóng phê duyệt Covaxin trong khi hãng dược Bharat Biotech chưa kết thúc thử nghiệm lâm sàng.
Song Bharat Biotech chỉ đủ khả năng sản xuất 5 triệu liều mỗi tháng. Viện Huyết thanh chịu trách nhiệm cho 60 triệu liều AstraZeneca còn lại. Với mục tiêu tiêm 4 triệu liều mỗi ngày, một số bang đã phản ánh họ không có đủ vaccine vào thời điểm số ca nhiễm gia tăng. Mọi người bắt đầu thắc mắc vì sao Ấn Độ đưa quá nhiều vaccine ra nước ngoài.
Trước đó, thành viên đảng BJP cho biết quốc gia đã xuất khẩu 64 triệu liều vaccine kể từ tháng 1 đến tháng 3. Giáo sư Giridhar Babu, trưởng khoa dịch tễ tại PHFI, nhận định Ấn Độ cần tiêm 7 đến 10 triệu liều mỗi ngày để giảm tỷ lệ tử vong.
"Chúng ta khó lòng đạt được điều này với hai loại vaccine đang có", ông nói.
Hôm 12/4, một số bang yêu cầu New Delhi cung cấp thêm vaccine vì phải đóng cửa một số trung tâm tiêm chủng. Ấn Độ vượt Brazil, trở thành quốc gia có số ca nhiễm nCoV cao thứ hai thế giới. Ngày 16/4, Ấn Độ tăng kỷ lục hơn 217.000 ca nhiễm trong 24 giờ.
Nhận thấy nhu cầu đối với Viện Huyết thanh quá lớn, đặc biệt là sau khi mở rộng tiêm chủng cho người trên 46 tuổi từ 1/4, quốc gia hạn chế xuất khẩu xuống còn 1,2 triệu liều vaccine mỗi ngày.
Người dân Mumbai được tiêm vaccine tại một trung tâm tiêm chủng. Ảnh: AP
Theo chuyên gia phân tích chính trị Arati Jerath, nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt là sự chủ quan của nhà chức trách.
"Đất nước đã tụt hậu trong khâu sản xuất, dù là cường quốc vaccine toàn cầu. Chính phủ không lường trước được làn sóng Covid-19 thứ hai, bất chấp cảnh báo và ví dụ nhãn tiền từ châu Âu, Mỹ", ông nói.
Trong khi cả Viện Huyết thanh và cả Bharat Biotech đều yêu cầu cấp vốn để mở rộng sản xuất, chính phủ chưa có phán quyết. Một số nhà phân tích cho rằng mức giá giới chức đưa ra là 150 rupee (2 USD) cho mỗi liều quá thấp so với 250 rupee (3,3 USD) như Viện Huyết thanh yêu cầu.
Lý do khác dẫn đến tình trạng thiếu hụt là do chính phủ quá tin tưởng vào loại vaccine sản xuất trong nước, không đẩy nhanh phê duyệt vaccine nước ngoài như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, và Sputnik V. Chỉ đến ngày 13/4, Ấn Độ mới quyết định phê duye vaccine Sputnik V.
Hiện quốc gia đã tiêm chủng cho 115 triệu người trong 1,4 tỷ dân. Hàng triệu người đến lịch nhận liều hai trong tuần tới tự hỏi liệu có vaccine cho họ hay không. Theo các nhà phân tích, với tốc độ này, phải đến cuối năm 2023, quốc gia mới tiêm đủ cho người dân.
ECB hối thúc các nước Eurozone hành động để sớm triển khai Quỹ phục hồi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Ignazio Visco cho rằng, Quỹ phục hồi của Liên minh châu Âu đóng vai trò "rất quan trọng" trong việc giúp kinh tế khu vực phục hồi từ khủng hoảng COVID-19 và nhấn mạnh rằng việc trì hoãn triển khai quỹ này quá lâu sẽ là một "thảm họa". Các nhà hoạch định chính sách của...