Khủng hoảng con tin ở Đài Loan, 6 tù nhân tự sát
Sáng 12.2, cuộc khủng hoảng con tin nghiêm trọng tại trại giam Cao Hùng thuộc thành phố Cao Hùng của Đài Loan đã kết thúc sau 14 tiếng giằng co căng thẳng giữa lực lượng an ninh với 6 tù nhân.
Cảnh sát Đài Loan bao vây nhà tù Cao Hùng – Ảnh: Reuters
Theo hãng tin CNA, cả 6 người này đều tự sát trong khi tất cả con tin đều an toàn. Vụ việc bắt đầu vào chiều 11.2 (giờ địa phương) khi một phạm nhân giả vờ bị đau để lôi kéo sự chú ý của quản giáo rồi cùng 5 người khác tấn công và cướp chìa khóa phòng giam.
Sau đó cả nhóm tiến vào phòng chứa vũ khí và lấy đi 4 khẩu súng trường tấn công, 6 súng lục và 200 viên đạn để khống chế 3 nhân viên quản giáo. Những kẻ bắt cóc yêu cầu được nói chuyện với báo chí và giao 2 chiếc xe để tẩu thoát. Theo tờ Taipei Times, cả 6 người đều đang thụ án hàng chục năm tù về nhiều tội danh như giết người, cướp của và buôn bán ma túy. Trong đó, kẻ cầm đầu là Trịnh Lập Đức, thành viên cốt cán của nhóm xã hội đen Trúc Liên Bang khét tiếng Đài Loan.
Chính quyền một mặt ra sức thương lượng với nhóm tù nhân, mặt khác triển khai lực lượng an ninh mà theo lời một nhân chứng là “lớn chưa từng thấy” đến nhà tù. Theo AFP, khoảng 250 cảnh sát đặc nhiệm và cả biệt kích của Lực lượng phòng vệ bao vây nhà tù nhưng không tấn công để tránh gây ra hỗn loạn, tạo cơ hội cho các tù nhân khác nổi loạn. Sau một hồi giằng co, nhóm tù nhân chịu thả 3 quản giáo để lấy Giám đốc trại giam Trần Thế Chí cùng trưởng đội quản giáo, đồng thời một quan chức của Cơ quan Tư pháp đọc thông điệp của họ trên truyền hình. Trong đó, nhóm tù nhân cho rằng mình bị xử oan và đòi được thả.
Đến rạng sáng qua, hai bên có đọ súng qua lại nhưng không có ai bị thương. Vào khoảng 4 giờ sáng, bất ngờ một trong 2 con tin được thả và có nhiều tiếng súng vang lên. Sau đó, con tin còn lại cũng bước ra an toàn còn 6 tù nhân đều chết do tự sát. AFP dẫn lời Phó lãnh đạo Cơ quan Tư pháp Trần Minh Đường hôm qua phát biểu: “Chúng tôi đã hết sức kiềm chế và sử dụng biện pháp thương lượng nhưng rất tiếc là vụ việc kết thúc bằng cái chết của 6 tù nhân”. Theo một số nguồn tin, ngay từ đầu cả 6 người đều có tâm lý không ổn định và luôn có ý định tự sát.
Vinh Sơn
Theo Thanhnien
Video đang HOT
Kênh liên lạc với IS bị Nhật loại bỏ trong khủng hoảng con tin
Nhật Bản từng tìm kiếm sự giúp đỡ từ một học giả Hồi giáo được cho là có liên quan đến nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) để liên lạc với chúng nhằm giải cứu hai con tin, nhưng sau đó đã bỏ qua nguồn này.
Hassan Ko Nakata, cựu giáo sư luật Hồi giáo. Ảnh: Reuters.
Hassan Ko Nakata, 54 tuổi, bị nghi ngờ là một nhà tuyển mộ cho IS. Ông này cho biết đã được Bộ Ngoại giao Nhật Bản yêu cầu chuyển thông điệp đến nhóm cực đoan trong đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng con tin hồi tháng trước.
Yêu cầu mới được tiết lộ này cho thấy Tokyo từng sẵn sàng đối thoại với IS để giải cứu hai con tin bị IS cầm tù, mặc dù Nhật Bản giữ chính sách không nhượng bộ khủng bố.
Cầu nối với IS
Nakata là cựu giáo sư luật Hồi giáo tại Đại học Doshisha ở Kyoto. Nakata cải đạo sang Hồi giáo năm 1979. Ông này bày tỏ sự ủng hộ đối với IS trên Twitter và còn chụp hình khi đang cầm súng, đứng trước lá cờ của nhóm. Ông nói rằng ông không còn hỗ trợ IS nhưng vẫn duy trì tình bạn với các chiến binh cực đoan.
Nakata tuyên bố đã tự đến Syria trong nỗ lực giải cứu Haruna Yukawa, con tin Nhật đầu tiên bị bắt, hồi tháng 9 năm ngoái nhưng không thành công. Kenji Goto cũng đến Syria cuối tháng 10 với mục đích tương tựnhưng cuối cùng bị IS cầm tù.
Một thời gian ngắn sau đó, vợ của Goto là Rinko nhận được email từ đại diện IS và cố gắng tham gia đàm phán cùng nhóm cực đoan với sự giúp đỡ của một cơ quan tư vấn an ninh Anh và những người từng làm việc với Goto ở Trung Đông, theo 4 người có liên quan. Các quan chức Nhật Bản nói riêng với gia đình Yukawa và Goto rằng họ sẽ không trả tiền chuộc nếu IS ra yêu sách.
Sau khi trở về Nhật Bản từ Syria, Nakata cuối tháng trước nói rằng ông trở thành trung gian giữa Bộ Ngoại giao Nhật Bản và một chiến binh IS người Chechnya, Umar Ghuraba ở bắc Syria.
Ngày 21/1, một ngày sau khi IS đòi Tokyo trả 200 triệu USD trong vòng 72 giờ để đổi lấy mạng Goto và Yukawa, các quan chức chống khủng bố của lực lượng đặc nhiệm Nhật Bản gửi một email cho phụ tá của Nakata, Shiko Ogata, 31 tuổi. Email chứa một thông điệp gửi đến IS rằng "chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu nhóm không làm hại đến hai công dân Nhật Bản và phóng thích họ ngay lập tức" và lời yêu cầu chuyển tiếp nó đến nhóm cực đoan. Ogata sau đó gửi email này tới Nakata.
Tuy nhiên, Nakata từ chối gửi tin nhắn đến IS vì thông điệp này không đề cập đến việc trả tiền chuộc."Nếu tôi chuyển tin nhắn này, nó sẽ giống như là gửi thông điệp để giết chết các con tin", ông nói với Reuters.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản sau đó không liên lạc với ông về thông điệp này hay hỏi ông về phản ứng của IS, Nakata nói thêm.
Ngày 23/1, khi thời hạn trả tiền chuộc sắp đến gần, Nakata nhận được một tin nhắn từ Umar qua một ứng dụng di động "Không còn nhiều thời gian nữa. IS sẽ thực hiện lời đe dọa". Danh tính của Umar và kết nối của người này với những kẻ nắm giữ các con tin chưa được kiểm chứng.
Umar nhờ Nakata xác minh đoạn ghi âm mà các chiến binh thu được thông qua "các kênh đàm phán". Trong đó, một người đàn ông tự xưng là Masayuki Magoshi, nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Jordan nói rằng Tokyo rất "nghiêm túc" về việc đảm bảo an toàn cho con tin và nêu tên, ngày tháng năm sinh của họ.
"Đoạn ghi âm này đáng tin cậy", Nakata trả lời Umar sau khi ông gọi điện cho người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản để xác nhận vào giữa đêm. "Quan trọng là các điều kiện của IS phải được đáp ứng", Umar đáp lại.
Ngày hôm sau, một đoạn video cho thấy Yukawa bị chặt đầu được công bố, Goto bị hành quyết một tuần sau đó. Nakata nói rằng lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố không liên lạc lại với mình và ông này cũng không liên lạc với Umar từ sau đó.
Chỉ trích
Mặc dù Nhật Bản có thời gian ngắn sử dụng Nakata như một trung gian, Tokyo đã sớm đóng cửa kênh liên lạc này và dựa hoàn toàn vào Jordan, khi Amman cũng đang cố giải cứu phi công Muath al-Kaseasbeh.
Tuy nhiên, có thông tin cho rằng Kaseasbeh đã bị hành quyết vài tuần sau khi bị bắt vào tháng 12, sau khi IS tuyên bố nhóm bắn hạ chiến đấu cơ do anh này điều khiển.
Jordan thiết lập kênh liên lạc với IS thông qua các bộ tộc địa phương, và thậm chí đã đồng ý trao đổi tù nhân Sajida al-Rishawi để cứu Kaseasbeh. Tuy nhiên, IS không cung cấp cho Jordan bằng chứng thể hiện Kaseasbeh vẫn còn sống. Điều này khiến khủng hoảng con tin bế tắc, và cuối cùng dẫn đến vụ hành quyết nhà báo Goto.
Quyết định phối hợp với Jordan của Nhật Bản cũng dẫn đến việc đóng kênh liên lạc giữa IS và vợ của Goto, Rinko, người đã nhận được một email từ nhóm. Tokyo hiện bị chỉ trích về quyết định bỏ qua các kênh liên lạc riêng và chỉ dựa vào Amman.
"Chính phủ bỏ qua tất cả kênh liên lạc riêng có sẵn và cuối cùng cũng không thể liên hệ hiệu quả được với các chiến binh", Nils Bildt, chủ tịch công ty tư vấn bảo mật CTSS Nhật Bản nói.
Tuy nhiên, Tokyo đã bảo vệ quyết định của mình. "Nhật Bản thực hiện các biện pháp có thể và xem xét tất cả lựa chọn để đối phó với cuộc khủng hoảng con tin, nhưng tôi muốn không bình luận về các bước đi cụ thể của chính quyền", quan chức thuộc lực lượng đặc nhiệm Nhật Bản Takanori Hayashi nói.
Nakata cũng lên tiếng về vụ việc này. "Tôi chỉ muốn sử dụng kết nối của tôi với IS để giúp giải quyết khủng hoảng".
Phương Vũ
Theo Reuters
Vợ kẻ bắt cóc con tin Paris trả lời phỏng vấn tạp chí của IS Một tạp chí của Nhà nước Hồi giáo tự xưng cho biết vợ kẻ bắt cóc con tin tại Paris đang ở trên phần lãnh thổ nhóm phiến quân này chiếm giữ ở Iraq và Syria. Hayat Boumeddiene (trái) và Amedy Coulibaly. Ảnh: Mirror. Tạp chí trực tuyến tiếng Pháp Dar al-Islam của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) số ra hôm...