Khủng bố thách thức nước Pháp
Nước Pháp đang trải qua thời khắc đau thương mất mát nhất kể từ khi nền hòa bình được thiết lập. Một cú sốc khiến hàng triệu con tim quặn thắt khi chứng kiến những gì mà chủ nghĩa khủng bố đã gây ra tại tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo nổi tiếng về tranh biếm họa ngay tại thủ đô Paris. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì lại thêm một vụ xả súng ở ngoại ô Montrouge cũng tại thủ đô của nước Pháp.
Người dân Pháp tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố.
Không ít lần phải đối phó với các âm mưu khủng bố và gần nhất là vụ tấn công của tay súng Hồi giáo cực đoan Mohammed Merah tại Toulouse (hồi tháng 3-2012) làm 7 người thiệt mạng, tuy nhiên, trong vòng nửa thế kỷ qua, ở đất nước hình lục lăng chưa bao giờ xảy ra một cuộc tàn sát đẫm máu đến như vậy. Điều đáng nói là sự xuất hiện ngang nhiên của các tay súng giữa trung tâm của Paris hoa lệ trong bộ dạng các nhóm phiến quân Hồi giáo chuyên nghiệp cùng cách “xuống tay” không thương tiếc với các nạn nhân. Cái chết của 12 người, trong đó có Tổng Biên tập Tạp chí Charlie Hebdo và nhiều họa sĩ được coi như những “cây đa, cây đề” trong làng tranh biếm họa không chỉ là một mất mát lớn đối với nước Pháp mà còn là một lời đe dọa về nguy cơ khủng bố có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Phẫn nộ vì sự tàn bạo của khủng bố, bàng hoàng vì sự tấn công vào giá trị của nước Pháp, hơn một trăm nghìn người Pháp đã xuống đường tuần hành phản đối chủ nghĩa khủng bố. Nhiều người gọi đây là vụ “11-9″ của nước Pháp, không phải ở số nạn nhân mà ở phương diện tư tưởng. Tấn công một tòa báo ngay giữa thủ đô Paris chẳng khác nào cuộc tấn công trực diện vào một trong những giá trị lớn nhất mà người Pháp đã tạo dựng: tự do biểu đạt, tự do báo chí. Vốn được coi là một trong những cái nôi của dân chủ, là đất nước của triết học khai sáng và các tư tưởng nhân sinh, tấn công vào các giá trị đó là đánh thẳng vào niềm tự hào của nền dân chủ Pháp.
Video đang HOT
Trên thực tế, cách đây ít ngày, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã lên tiếng cảnh báo nước này đang đối mặt với mối đe dọa khủng bố lớn nhất từ trước đến nay. Theo thông báo của Bộ Nội vụ nước này, có khoảng 930 công dân Pháp, bao gồm 60 phụ nữ, đang chiến đấu hoặc có ý định đến Iraq và Syria để đầu quân cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong số 3 nghi phạm thực hiện vụ tấn công Tạp chí Charlie Hebdo bị cảnh sát nêu danh, ngoài Hamyd Mourad (18 tuổi), là hai anh em Said Kouachi (34 tuổi) và Cherif Kouachi (32 tuổi), từ Syria về Pháp mùa hè vừa qua. Trước đó, Cherif Kouachi từng bị “bóc lịch” 3 năm vì tham gia nhóm Thánh chiến Hồi giáo (Jihadists).
Tương tự như vụ bắt cóc con tin tại tiệm cafe Lindt ở Sydney (Australia) vào tháng trước, thảm họa tại Tạp chí Charlie Hebdo cũng như vụ xả súng ở Montrouge thêm một lần nữa cho thấy những hiểm họa khó lường từ các cuộc tấn công theo phương thức đơn lẻ của các nhóm khủng bố. Tức là, thay vì thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn, thủ lĩnh của các nhóm khủng bố hiện khuyến khích thuộc hạ tiến hành những vụ tập kích theo kiểu “những con sói cô độc” với nguồn lực ít hơn, mục tiêu nhỏ hơn nhưng không kém phần nguy hiểm vì rất khó nhận diện và giám sát. Những vụ việc không chỉ đặt nước Pháp trong tình trạng báo động mà cũng là lời cảnh báo về sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố tại các quốc gia phương Tây.
Theo_Hà Nội Mới
Tạp chí biếm họa Charlie Hebdo tiếp tục in triệu bản số báo mới
Tờ báo biếm họa của Pháp ra số thứ 2 sau ngày bị khủng bố và tiếp tục được in với số lượng lớn.
Số báo thứ 2 của Charlie Hebdo được in với số lượng 2,5 triệu bản và chính thức được bán ra tại các sạp báo trên khắp nước Pháp từ sáng sớm thứ Tư, 25/2. Các nhà phát hành hy vọng số báo này sẽ tiếp tục thu hút được sự chú ý của công chúng so với số phát hành hôm 14/1/2015 vốn đã được in tới 7,5 triệu bản và hiện vẫn đang tiếp tục được bán ra công chúng.
Không còn cảnh xếp hàng từ sáng sớm
Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên VOV tại Pháp cho thấy, dù được kỳ vọng nhưng số báo thứ 2 này không còn gây được cơn sốt như số ngày 14/1. Cảnh xếp hàng dài trên các sạp báo ngay từ sáng sớm đã không còn tái diễn. Một chủ sạp báo ở ga Saint-Lazare ở quận 8 Paris cho biết hôm 14/1 ông bán hết hơn 200 tờ chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng và mỗi người chỉ được mua tối đa 2 tờ nhưng hôm nay, dù đã đặt 240 tờ nhưng đến 10h sáng, ông mới chỉ bán được 30 tờ.
Charlie Hebdo được in với số lượng lớn 2,5 triệu bản
Nhiều người cho rằng, đây là điều có thể dự đoán được bởi lẽ hôm 14/1, tức chỉ một tuần sau vụ khủng bố đẫm máu sát hại gần như toàn bộ tòa soạn Charlie Hebdo, người dân Pháp vẫn còn sôi sục và họ muốn thể hiện tình đoàn kết với tờ báo bằng cách mua ấn phẩm "sống sót" của báo. Tuy nhiên, khi thời gian trôi đi, chỉ có những người thực sự trung thành với Charlie Hebdo mới tiếp tục mua báo.
Tái thiết khó khăn
Hiện tại, hơn 1 tháng sau sự kiện lịch sử, Charlie Hebdo đang trong quá trình tái thiết với rất nhiều vấn đề nan giải. Khó khăn nhất là chuyện nhân sự. Vụ xả súng đã giết hại gần như toàn bộ ban biên tập và những họa sỹ tài hoa nhất của Charlie Hebdo. Người sống sót trong vụ xả súng đó, họa sĩ Riss, giờ được bầu làm Giám đốc xuất bản thay Charb. Luz, một họa sỹ khác, giờ trở thành tay vẽ chính của Charlie Hebdo. Nhưng từ hơn 1 tháng nay, trụ sở cũ của Charlie Hebdo ở phố Nicolas Appert, quận 11, vẫn bị bỏ hoang. Không ai còn đủ can đảm trở lại với tòa soạn đẫm máu đó và Charlie Hebdo giờ vẫn phải làm việc nhờ ở trụ sở của tờ Liberation.
Để tồn tại lâu dài, Charlie Hebdo cần nhanh chóng chuyển ra một trụ sở mới và đào tạo một thế hệ họa sỹ-biên tập mới. Tuy nhiên, vụ khủng bố kinh hoàng vào tòa soạn khiến việc tuyển nhân sự không đơn giản. Mới nhất, vụ tấn công ở Copenhagen nhằm vào họa sỹ biếm họa Lars Vilks càng khiến nhiều người e dè khi dấn thân vào con đường nguy hiểm như Charlie Hebdo.
Cần tạo một diện mạo mới
Một câu hỏi lớn khác về Charlie Hebdo cũng được tranh luận nhiều trong thời gian qua ở Pháp là về đường lối xuất bản của báo. Tờ Le Monde vừa xuất bản một điều tra cho thấy trong 10 năm qua, từ 2005 đến 2015, tờ Charlie Hebdo không biếm họa đạo Hồi nhiều hơn các tôn giáo khác. Trong 523 trang Nhất mà tờ Charlie Hebdo làm trong 10 năm qua, chỉ có 38 trang Nhất là về tôn giáo và trong số đó chỉ có 7 trang Nhất biếm họa đạo Hồi, 21 trang về Công giáo và 10 trang Nhất về các tôn giáo khác. Vì thế, vấn đề, theo nhiều ý kiến từ chính báo giới, là Charlie Hebdo cần phải có một chút thay đổi theo hướng khoan dung hơn trong việc chỉ trích và biếm họa, đặc biệt với chủ đề tôn giáo nhạy cảm.
Điều đáng mừng với Charlie Hebdo là một trong những lo lắng nhất của họ trước kia - tài chính, giờ đã được giải quyết. Số tiền mang lại từ việc bán hơn 7,5 triệu số báo ngày 14/1 lên tới hàng chục triệu euro. Ngoài ra, 1,75 triệu euro được quyên góp từ những người ủng hộ và khoảng 500.000 euro từ các tổ chức khác như Google... Chưa hết, đã có thêm khoảng 200.000 người đăng ký mua Charlie Hebdo định kỳ mỗi tuần. Tương lai tài chính của Charlie Hebdo ít nhất được bảo đảm trong vài năm tới. Vấn đề bây giờ là phải nhanh chóng dựng lên một diện mạo mới cho tờ báo./.
Theo Thuỳ Vân/VOV - Paris
Vụ tranh biếm họa mới: Biểu tình chống Pháp nổ ra ở nhiều nơi Hàng loạt cuộc biểu tình chống Pháp diễn ra ở châu Phi, Pakistan sau khi tạp chí Charlie Hebdo đăng thêm ảnh châm biếm nhà tiên tri Mohammed. Hãng tin Reuters cho biết, vào ngày ngày 16/1, 4 người đã thiệt mạng tại Niger sau khi đám đông biểu tình trở nên kích động. Họ tấn công Trung tâm Văn hóa Pháp và...