Khúc samba ‘lạc điệu’ của Tổng thống Brazil tại Thượng đỉnh BRICS
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro sẽ phải thi hành chính sách ngoại giao “đu dây” vào ngày mai (13/11) khi tiếp đón người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh BRICS trong bối cảnh Brasilia tìm cách tăng cường quan hệ với Bắc Kinh và tránh làm phiền Washington.
Cuộc gặp tại Thượng đỉnh BRICS lần thứ 11 là cuộc gặp lần thứ 2 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong hơn 2 tháng qua. (Nguồn: Getty)
Chỉ vài tuần sau chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc (24-26/10), ông Bolsonaro sẽ gặp lại ông Tập Cận Bình tại thủ đô Brasilia trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh từ ngày 13-14/11 với các đối tác BRICS đến từ Nga, Ấn Độ và Nam Phi. Diễn ra vào thời điểm thương chiến Mỹ – Trung đang gây chấn động nền kinh tế toàn cầu, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 11 sẽ tập trung vào tăng trưởng và đổi mới kinh tế.
Vốn là người hâm mộ mạnh mẽ Tổng thống Donald Trump, ông Bolsonaro cũng chia sẻ với ông chủ Nhà Trắng sự coi thường chủ nghĩa đa phương và hệ tư tưởng cánh tả. Trong chiến dịch bầu cử Tổng thống vào năm ngoái, nhà lập pháp cực hữu thậm chí đe dọa sẽ phá hoại quan hệ với Trung Quốc – với cáo buộc đây là “kẻ săn mồi”, tìm cách thống trị các lĩnh vực chủ đạo trong nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ.
Tuy nhiên, tình thế giờ đã khác. Với áp lực từ các ngành thịt bò, nông nghiệp và khai thác khoáng sản, ông Bolsonaro có lý do để duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Mỹ Latinh này từ năm 2009.
Sự phụ thuộc ngày càng lớn
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sắp tới sẽ là lần đầu tiên ông Bolsonaro chủ trì một hội nghị quốc tế lớn kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1. Ông Luis Fernandes thuộc Trung tâm Chính sách BRICS ở Rio de Janeiro cho biết, điều này có thể giúp Tổng thống Bolsonaro hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc mà không cần phải chứng tỏ không trung thành với Trump.
“Có một lòng trung thành mạnh mẽ với chính quyền Trump, nhưng ông ấy vẫn muốn giữ các kênh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cởi mở với Trung Quốc”, ông Fernandes nói với AFP.
Ông Fernades cho rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc rất thực dụng và ông Bolsonaro không có sự lựa chọn nào khác việc phải tham gia cuộc chơi này.
Bản thân vị Tổng thống theo khuynh hướng cực hữu này đã gửi một tín hiệu tích cực trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng trước khi ông tuyên bố Trung Quốc do đảng Cộng sản nắm quyền là “một nước tư bản”.
Tán đồng quan điểm đó, Oliver Stuenkel, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Tổ chức Getulio Vargas cho biết, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Brazil và Trung Quốc sẽ đảm bảo chủ nghĩa thực dụng chiếm ưu thế trong mối quan hệ đặc biệt này.
“Tương lai của Brazil phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc hơn là Mỹ”, Giáo sư Stuenkel nói.
Và tương tự, “người Trung Quốc biết rằng họ sẽ phụ thuộc vào Brazil không chỉ vào ngày mai hay 5 năm nữa mà còn trong 50 năm nữa vì họ không thể tự nuôi sống mình. Đây là mối quan hệ chiến lược lâu dài đối với Trung Quốc”.
Trong thương chiến Mỹ – Trung, Brazil nổi lên là nguồn nhập khẩu đậu tương lớn nhất của Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Tarique Aziz)
Một dẫn chứng rõ ràng nhất là, kim ngạch thương mại giữa Brazil và Trung Quốc đạt 100 tỷ USD trong năm 2018 và đầu tư của Trung Quốc ở Brazil ước chừng khoảng 60 tỷ USD. Những con số “khủng” đó càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung leo thang và Bắc Kinh càng cần mua nhiều nông sản của Brazil hòng thay thế các mặt hàng của Mỹ.
Cụ thể hơn là với đậu tương, Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới còn Mỹ là nhà xuất khẩu đậu tương lớn thứ nhì thế giới thì Brazil là nguồn cung dồi dào giúp Trung Quốc tự tin quyết định ngừng mua mặt hàng này từ Mỹ.
Một trụ cột không thể thiếu
Sự chênh lệch đáng kể về sức mạnh kinh tế giữa các thành viên BRICS và sự khác biệt sâu sắc về các vấn đề như biến đổi khí hậu, khủng hoảng Venezuela đã đặt ra câu hỏi lớn về vị thế và tương lai của tổ chức 28 tuổi này.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P hồi tháng trước cho hay, BRICS “có thể không còn ý nghĩa”. Báo cáo của S&P đánh giá, “quỹ đạo kinh tế dài hạn mang tính chia rẽ của 5 nước đã làm giảm giá trị phân tích của việc xem BRICS như một tổ chức kinh tế chặt chẽ”.
Tuy vậy, sự hiện diện của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Brasilia vẫn cho thấy sự cần thiết của BRICS trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động như hiện nay.
Chiếm 42% dân số thế giới và đóng góp 23% GDP toàn cầu cùng khoảng 17% thương mại thế giới, BRICS vẫn là một tập hợp lực lượng quan trọng đối với Bắc Kinh, Moscow và cả New Delhi. (Nguồn: Brics2019)
Giáo sư Stuenkel nhận định BRICS vẫn đóng vai trò quan trọng đối với Bắc Kinh và Moscow. “Trung Quốc cho rằng đây là một trụ cột trong mô hình trật tự quốc tế với Trung Quốc giữ vai trò trung tâm hơn. Còn đối với người Nga, tổ chức cực kỳ hữu ích trong việc cho thấy là họ không bị cô lập”, ông nói.
Kể cả với New Delhi, việc tăng cường tiếng nói tại một tập hợp lực lượng bắc cầu qua 3 châu lục cũng là một trọng tâm trong chính sách ngoại giao đa phương của Thủ tướng Modi. Xây dựng một thế giới đa cực là một trong những chủ đề thảo luận của chính giới Ấn Độ và BRICS vẫn là một diễn đàn để New Delhi theo đuổi mục tiêu hướng tới cường quốc khu vực.
Ông Bolsonaro đã phá vỡ truyền thống tại Hội nghị Thượng đỉnh năm nay bằng việc gạt bỏ cuộc họp BRICS Mở rộng, vốn tạo điều kiện cho 5 quốc gia thành viên gặp gỡ các nước láng giềng của nước chủ nhà.
Điều này có thể là do sự bất đồng trong BRICS về việc mời Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hay lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido được Mỹ hậu thuẫn tới dự Hội nghị. Brazil là thành viên BRICS duy nhất ủng hộ ông Guaido.
Theo đánh giá của ông Stuenkel, quyết định trên cho thấy Bolsonaro “không có tham vọng lãnh đạo khu vực”.
Với sự “thiếu nhiệt tình” của nước chủ nhà, giới quan sát dự báo khó có tuyên bố lớn nào được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này. Cuộc họp cũng không có khả năng thảo luận về các phong trào biểu tình đang bùng phát ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó Chile buộc phải hủy bỏ Thượng đỉnh APEC vốn được ấn định vào ngày 16/11.
“Đó cũng là điều mà Trung Quốc không muốn phát biểu công khai”, ông Stuenkel nói.
Vinh Hà
Theo baoquocte.vn
Tổng thống Brazil không dự họp về cháy rừng Amazon vì sắp phẫu thuật
Brazil đang cân nhắc cử quan chức khác tham dự hoặc thậm chí đề nghị hoãn cuộc họp thượng đỉnh với các nước trong khu vực.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro
Hãng AFP ngày 3.9 dẫn lời phát ngôn viên Otavio Rego Barros của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho hay nhà lãnh đạo sẽ vắng mặt tại cuộc họp thượng đỉnh các nước trong khu vực nhằm đối phó với hỏa hoạn lớn tại rừng Amazon.
Theo đó, Tổng thống Bolsonaro sẽ vắng mặt theo khuyến cáo của bác sĩ vì ông cần phải chuyển sang chế độ ăn lỏng từ ngày 6.6 nhằm chuẩn bị cho ca phẫu thuật sắp tới. Đây cũng là ngày diễn ra cuộc họp tại Colombia.
Brazil đang cân nhắc cử quan chức khác tham dự hoặc thậm chí đề nghị hoãn cuộc họp, theo ông Barros.
Dự kiến Tổng thống Bolsonaro sẽ trải qua phẫu thuật vào ngày 8.9 để chữa thoát vị vết mổ. Trước đó, ông đã được phẫu thuật 3 lần sau khi bị đâm trong lúc vận động tranh cử cách đây gần 1 năm.
Các bác sĩ cho biết tổng thống sẽ cần nghỉ ngơi 10 ngày sau ca mổ dự định sẽ tiến hành tại Sao Paulo. Trước đó vào ngày 2.9, Tổng thống Bolsonaro tuyên bố sẽ biện hộ cho chính sách liên quan đến rừng Amazon của ông tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
"Tôi sẽ xuất hiện trước LHQ dù ngồi xe lăn hay trên cáng. Tôi sẽ xuất hiện vì tôi muốn nói về Amazon", ông phát biểu với báo giới tại Brasilia.
Cháy rừng Amazon sẽ dẫn đến 'vòng xoáy tử thần'?
Số liệu do Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia (INPE) của Brazil công bố cho thấy gần 80.000 vụ cháy đã xảy ra tại nước này kể từ đầu năm, trong đó đa phần là ở khu vực rừng Amazon.
Là nước sở hữu khoảng 60% diện tích rừng Amazon, Brazil đang trở thành tâm điểm chỉ trích của cộng đồng quốc tế vì thái độ dửng dưng trước đó của chính quyền đối với vấn đề chung của hành tinh.
Các nhà hoạt động vì môi trường cho rằng chính việc khai phá rừng nhiệt đới để lấy gỗ và đốt rừng để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp đã khiến cho số vụ cháy gia tăng và diện tích rừng ngày càng giảm.
Tỷ lệ khai phá rừng đã tăng 67% từ tháng 1 - 7.2019 so với cùng giai đoạn năm ngoái. Bên cạnh đó, số vụ cháy rừng cũng nhảy vọt lên mức cao nhất từ năm 2013, trong đó bang Amazonas tăng đến 146%.
Theo thanhnien
TT Brazil đòi ông Macron rút chỉ trích rồi mới nhận cứu trợ cho Amazon Ông Jair Bolsonaro đưa ra điều kiện yêu cầu Tổng thống Macron rút lại những lời chỉ trích trước đó thì mới chấp nhận sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế để dập tắt cháy rừng Amazon. "Đầu tiên, ngài Macron phải rút lại những lời lăng mạ nhắm vào tôi. Đầu tiên, ngài ấy gọi tôi là kẻ dối trá. Sau...