Khúc bạch, nấm tuyết táo đỏ và 7 món chè ngon miệng giải nhiệt ngày hè
Chè luôn là món giải khát được nhiều người yêu thích vào ngày nóng. Bạn có thể tham khảo 7 món ngon dưới đây để tự tay chế biến cho gia đình những bát chè ngon miệng.
Chè khúc bạch là món giải khát quen thuộc những ngày hè. Món ăn này gồm phần nước đường và topping. Để làm topping thạch, thành phần làm nên đặc trưng của chè khúc bạch, bạn cần chuẩn bị sữa tươi không đường, phô mai, kem tươi, sữa đặc, bột gelatin. Ngoài ra, nhãn tươi, hạnh nhân lát, hạt é là những topping không thể thiếu. Để làm nước chan, bạn dùng đường phèn. Món chè là sự kết hợp giữa vị ngậy của thạch, vị ngọt thanh của đường phèn, ngọt sắc của nhãn và hương thơm bùi từ hạnh nhân.
Chè nấm tuyết táo đỏ là thức uống bổ dưỡng, giải nhiệt cho cả nhà ngày nóng. Bạn cần chuẩn bị nấm tuyết, táo đỏ khô, hạt sen tươi hoặc khô, long nhãn khô, đường thốt nốt hoặc đường phèn và hạt é. Sau khi ninh hạt sen, bạn cho táo đỏ vào và thả thêm đường thốt nốt. Đến khi đường tan, bạn tiếp tục cho nấm tuyết và long nhãn khô vào nấu cùng đến khi sôi vài phút thì tắt bếp. Chè để ngăn mát tủ lạnh có thể dùng được từ 2-3 ngày.
Chè bánh lọt có nguyên liệu đơn giản, lại dễ làm, là thức uống bạn không thể bỏ qua trong ngày hè. Để làm bánh lọt, bạn cần xay lá dứa lấy nước, tiếp đến hòa bột năng và bột gạo với nước lá dứa đến khi thành phẩm mịn dẻo. Tiếp đến, bạn cho đường trắng và đun hỗn hợp bột nhỏ lửa đến khi sánh và thành thành phẩm có độ đặc, trong thì tắt bếp. Chè bánh lọt ăn cùng đậu xanh và cốt dừa vừa thanh mát lại hợp vị.
Chè Thái sầu riêng bao gồm nhiều loại topping, nước chan thơm ngậy vị sữa, dậy mùi sầu riêng, ăn kèm các loại thạch và hoa quả vừa thanh mát lại ngon miệng. Nguyên liệu chế biến chè thái bao gồm sữa tươi không đường, kem tươi, sữa đặc, hoa quả (sầu riêng, nhãn, mít), bột rau câu, đường, hạt đác, bơ chín. Nếu muốn tiết kiệm thời gian chế biến, bạn có thể mua sẵn thạch tại các cửa hàng chè.
Để làm chè sương sa hạt lựu, bạn cần chuẩn bị củ mã thầy, củ dền, lá nếp, bột năng, cốt dừa, đường cát, bột rau câu, đậu xanh. Món ăn này là sự kết hợp của những loại thạch nhiều màu sắc gồm thạch hạt lựu làm từ củ dền, lá nếp với nhân là củ mã thầy, bánh lọt, trân châu, cùng nước chan ngậy vị cốt dừa. Món chè là thức uống giải khát bắt mắt, phù hợp với những ai thích ăn thạch.
Bạn có thể biến tấu bí đỏ thành món chè hấp dẫn, đẹp mắt. Để làm chè bí đỏ, bạn cần chuẩn bị bí đỏ, bột gạo nếp, lạc rang, dừa nạo, nước cốt dừa, đường, gừng. Bí đỏ được hấp nhừ, trộn cùng bột gạo để tạo thành phẩm là hỗn hợp bột mịn màu vàng. Bạn nặn bột thành miếng vừa ăn và chuẩn bị nước chan. Nước chan có vị ngọt của đường, dậy hương thơm của gừng quyện cùng nước cốt dừa béo ngậy. Món chè thêm hấp dẫn với topping dừa nạo, lạc rang.
Thay vì dùng hoa quả tươi thông thường, bạn có thể biến tấu thành món chè hoa quả trân châu dẻo. Nước chan của chè gồm đường thốt nốt nấu chảy quyện cùng nước cốt dừa. Trân châu dẻo được làm từ bột năng trộn cốt dừa thành hỗn hợp bột mịn, viên bột vừa ăn và nấu đến khi bột đặc và trong. Trân châu và hoa quả được trộn cùng nước chan và thưởng thức lạnh.
Công thức 3 món chè ngon bổ, vừa giải nhiệt và tốt cho sức khỏe
Tranh thủ dịp nghỉ tại nhà tránh dịch Covid-19, hãy chiêu đãi gia đình những món ngon bồi bổ sức khỏe. Sau đây là công thức 3 món chè ngon bổ mà lại dễ làm.
Video đang HOT
Chè nấm tuyết táo đỏ
Nguyên liệu
- 2-3 cái nấm tuyết
- 15-20 quả táo đỏ khô
- 200gr hạt sen tươi hoặc khô
- 50gr quả long nhãn khô
- 3-4 viên đường thốt nốt (không có dùng 200gr đường phèn)
- Hạt é hoặc hạt chia
Cách làm
- Nấm tuyết ngâm vào nước cho nở, cắt gốc, rửa sạch thái nhỏ.
- Hạt sen tươi bỏ nhụy xanh bên trong rửa sạch, nếu dùng hạt sen khô thì rửa sạch ngâm nước ấm cho nở.
- Táo đỏ khô ngâm nước rửa sạch để ráo. Long nhãn ngâm nước ấm cho nở mềm và rửa sạch.
- Cho hạt sen vào nồi ninh đến khi mềm nhừ. Dùng hạt sen tươi thời gian ninh sẽ nhanh hơn hạt sen khô. Trong quá trình ninh thỉnh thoảng hớt bọt cho nước được trong.
- Khi hạt sen chín, cho táo đỏ khô vào nấu cùng. Chú ý hớt bọt cho nước được trong. Đợi sôi lại thì cho đường thốt nốt hoặc đường phèn, đường tan. Cuối cùng cho nấm tuyết và long nhãn khô vào nấu,đợi sôi vài phút tắt bếp bắc xuống.
- Đợi chè nguội cho vào ngăn mát tủ lạnh.
- Hạt é hoặc hạt chia ngâm nước cho nở. Múc chè ra bát, thêm đá và hạt é đảo đều thưởng thức.
Chè bí đỏ
Nguyên liệu
- Bí đỏ: 500gr
- Bột gạo nếp: 300gr
- Lạc rang. Dừa nạo
- Nước cốt dừa: 200ml
- Đường thốt nốt, đường vàng hoặc đường trắng
- Một mẩu gừng nhỏ
Cách làm
- Bí đỏ gọt vỏ, cắt nhỏ, luộc hoặc hấp chín, để nguội hoặc sờ còn âm ấm là được. Đem tán nhuyễn, thêm vào 2 thìa canh ăn phở đường.
- Cho từ từ bột nếp vào nhào cùng bí đỏ đến khi thành một khối dẻo mịn. Vo viên là được. Trong quá trình nhồi bột nếu khô thì cho thêm nước, nhão thì thêm bột nếp. Cứ từ từ mà làm đến khi vo tròn thành viên không dính tay là được.
- Nếu thích cho thêm nhân đậu xanh thì vo nhân đậu xanh vào giữa viên bột rồi vo tròn lại.
- Đun sôi nồi nước, thả các viên bí đỏ vào luộc đến khi viên bột nổi lên trên mặt nước, vớt ra cho vào bát nước lạnh.
- Cách nấu nước đường gừng: cho 800ml nước trắng vào nồi, thêm 300-350gr đường thốt nốt hoặc đường vàng, đường mật, đường trắng đều được. Đun sôi, đập dập một nhánh gừng thả vào nồi nước đường gừng. Hớt bọt, tan đường toả ra mùi đường gừng hạ nhỏ lửa ở mức thấp.
- Vớt các viên bí đỏ thả vào nồi nước đường gừng. Đun thêm khoảng 10 phút lửa nhỏ thì tắt bếp.
- Cách nấu nước cốt dừa: đổ 200ml nước cốt dừa đóng hộp vào nồi nhỏ, thêm vào 2 thìa canh ăn phở đường, 50ml nước trắng, một thìa canh ăn phở bột năng, một xíu muối. Hòa tan, bắc lên bếp đun nhỏ lửa, sôi nhẹ lăn tăn thì tắt bếp múc ra để nguội. Thu được phần nước cốt dừa sền sệt và béo ngậy.
- Khi ăn múc vài viên bí đỏ ra bát, chan nước đường gừng, rưới vài thìa nước cốt dừa lên trên, rắc lạc rang và dừa nạo, ăn nóng hay lạnh đều được.
Chè sắn
Nguyên liệu
- 400gr củ sắn (khoai mỳ)
- Bột năng
- Đường vàng hoa mai hoặc đường mật, đường thốt nốt
- Gừng
Cách làm
- Sắn lột vỏ ngâm qua đêm bằng nước muối loãng hoặc nước vo gạo là tốt nhất.
- Bổ sắn làm 4 phần. Tước bỏ gân lõi, cắt sắn thành miếng nhỏ như quân cờ. Cho sắn cắt nhỏ vào nồi luộc qua một nước. Đổ phần nước đó đi, sau đó đổ lại nước khác vào luộc đến khi sắn chín mềm nhưng đừng để nát thì vớt sắn ra để nguội.
- Đổ nước trắng vào nồi. Đun sôi nước, sau đó cho mật mía hoặc các loại đường khác vào nồi
Độ ngọt nhạt có thể tự điều chỉnh, nước đường sôi thì hớt sạch bọt, thêm gừng thái sợi. Đổ hết phần sắn đã thái miếng vuông quân cờ vào, hạ lửa vừa phải đun liu riu để nước đường gừng ngấm vào miếng sắn. Thỉnh thoảng hớt bọt để nồi chè được ngon mắt hơn và luôn mở vung để nồi chè sắn không bị đục, tránh đảo nhiều làm cho sắn bị nát.
- Đun đến khi sắn mềm chuyển sang trong. Lúc này hoà tan 3 thìa canh bột sắn dây, bột năng hoặc bột đao...với chút nước nguội, một tay đổ bột năng từ từ, một tay khuấy đều đến khi sền sệt theo ý muốn thì dừng lại. Nếu nồi chè vẫn chưa sánh đặc thì lại cho thêm bột năng.
- Khi ăn múc chè sắn ra bát, thêm nước cốt dừa lên trên và ăn nóng.
- Cách nấu nước cốt dừa như trên.
Tô Hưng Giang
Cách nấu chè khúc bạch ngon tới miếng cuối cùng Chè khúc bạch có tác dụng thanh độc, giải nhiệt đặc biệt thích hợp vào mùa hè tiết trời oi bức với hương vị ngọt thơm ngon khó cưỡng. Cùng tham khảo cách nấu chè khúc bạch sau đây để có ngay món ngon mùa hè. Chè khúc bạch là món ăn có nhiều nguyên liệu "Tây" do đó được trẻ em và...