Khuất tất nghi án giết người sau 4 năm chuyển thành… cố ý gây thương tích
Dù không quen biết, không mâu thuẫn, 3 bị cáo vẫn chặn đường đánh chết anh Dương chỉ vì nghe tin em trai một bị cáo sắp bị anh Dương đuổi việc.
Vụ án kéo dài 4 năm nhưng vẫn chưa có hồi kết. Ban đầu, cơ quan tố tụng cáo buộc 3 bị cáo ở tội “Giết người có tính chất côn đồ”, khung hình phạt lên đến tử hình. Sau khi tòa trả hồ sơ, cơ quan tố tụng lại chuyển thành tội “Cố ý gây thương tích”.
Các bị cáo tại phiên xét xử sáng 5/11
Sáng 5/11, TAND TX Dĩ An, Bình Dương tiếp tục hoãn lần thứ 2 phiên xử sơ thẩm các bị cáo Nguyễn Văn Nguyên (SN 1992, quê Phú Thọ) cùng đồng bọn là Huỳnh Văn Quân (SN 1991, quê Sóc Trăng) và Lê Văn Huynh (SN 1988, quê Trà Vinh) về tội “Cố ý gây thương tích”.
Cái chết tức tưởi
Theo cáo trạng, Lầu Sú Há (SN 1989, quê Đồng Nai) làm công nhân Công ty xe đạp Bình Minh (khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An) có quen biết với Quân. Đầu tháng 11/2014, Há xin việc cho Quân và Nguyên vào công ty mình làm việc. Tuy nhiên, chỉ làm được 1 ngày, Quân và Nguyên xin nghỉ vì công việc không phù hợp.
Khoảng ngày 18/11/2014, Há nghe được tin anh Vũ Xuân Dương (SN 1985, quê Ninh Bình) làm quản lý xưởng hàn tại công ty chuẩn bị đuổi công nhân mới tuyển, trong đó có em của Nguyên là Nguyễn Văn Dưỡng (SN 1995). Khoảng 11h50, ngày 22/11/2014, Há gọi điện hẹn gặp Nguyên ở một quán cafe và bảo Nguyên đi nói chuyện với anh Dương để không đuổi việc em trai Nguyên.
Khoảng 15h30 cùng ngày, Quân, Nguyên, Huynh đang đánh bi da thì Há điện thoại báo tin chiều nay công ty không tăng ca và yêu cầu Nguyên đến trước cổng công ty gặp Há. Nguyên lấy xe máy chở Huynh đi. Còn Quân nhờ người chở đi sau. Đến ngã tư, cách cổng công ty khoảng 140m, Quân đi bộ tới chỗ Nguyên và Huynh đang đứng.
Đến 16h cùng ngày, công ty tan ca, Há chạy xe từ công ty ra gặp Nguyên, Quân, Huynh đang đứng và chỉ tay về phía anh Dương đang điều khiển xe máy vừa ra khỏi cổng. Quân điều khiển xe máy chở Nguyên chạy theo, còn Huynh đi bộ. Được khoảng 100m, Quân đuổi kịp và ép xe anh Dương vào lề. Nguyên bước xuống xe và nói với anh Dương “mày lại đây, nói chuyện với tao một chút”. Anh Dương xuống xe, trả lời: “Tao không có chuyện gì để nói với chúng mày”. Hai bên cự cãi, anh Dương dùng tay đánh Nguyên nhưng không trúng.
Quân đứng gần xông vào nắm cổ áo anh Dương, còn Nguyên thì dùng tay đánh. Quân tiếp tục kéo đầu anh Dương xuống, Nguyên đá vào cổ của anh Dương. Huynh đi bộ đến cũng lao vào đánh. Quân dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu và xô anh Dương ngã xuống đường.
Sau khi gây án, cả ba lên xe tẩu thoát. Anh Dương được mọi người đưa đi cấp cứu. Nhưng ngày 24/11/2014, anh Dương tử vong. Nghe tin, anh Dương tử vong, cả ba ra đầu thú.
Video đang HOT
Gia đình bị hại rất bức xúc vì 4 năm trôi qua nhưng những kẻ đánh chết anh Dương vẫn chưa bị trừng phạt
Điều tra lại… kết luận tử vong do đập đầu xuống đường?
Ban đầu, CQĐT tỉnh Bình Dương xác định vết thương khiến anh Dương tử vong là do tác động ngoại lực của vật tày, cứng vào vùng đầu phải gây chấn thương sọ não, xuất huyết não, giập não. Nguyên, Quân và Huynh bị truy tố tội “Giết người” với tình tiết tăng nặng “có tính chất côn đồ”.
Ngày 19/7/2016, TAND tỉnh Bình Dương đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần đầu và quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung: Cần giám định trước, trong và sau khi gây án, bị cáo Quân có bị tâm thần hay không, có kiểm soát được hành vi của mình hay không? Làm việc với Công ty xe đạp Bình Minh về mâu thuẫn nội bộ giữa Há và anh Dương. Làm rõ thẩm quyền của anh Dương có được đuổi việc công nhân hay không để xác minh lời khai của Há là đúng hay sai? Yêu cầu làm rõ vai trò của Há trong việc có tham gia đánh anh Dương hay không và có vai trò gì trong vụ án?
Trong quá trình điều tra bổ sung, tháng 12/2016, CQĐT tỉnh Bình Dương cho Nguyên và Huynh tại ngoại, còn Quân sau khi giám định tâm thần thì được đưa đi chữa bệnh.
Đến tháng 2/2018, CQĐT tỉnh Bình Dương ra kết luận mới. Cũng tình tiết vụ án như trên, lần này nguyên nhân gây tử vong cho anh Dương là do “ngoại lực tác động của vật tày, cứng vào vùng đầu phải gây chấn thương sọ não, xuất huyết não, giập não. Cơ chế hình là do đầu nạn nhân va đập vào mặt phẳng, cứng, có bề mặt thô nhám gây khối u, tụ máu… Khả năng đầu nạn nhân va đập xuống đường ở trạng thái ngã ngửa hoặc nghiêng trái. Nón bảo hiểm không thể gây ra thương tích trên”.
CQĐT còn cho rằng cả ba bị cáo cùng chung ý chí, mục đích là đánh gây thương tích cho anh Dương nên chỉ bị khởi tố ở tội “Cố ý gây thương tích”. Hồ sơ chuyển xuống VKSND TX Dĩ An truy tố theo thẩm quyền. Người nhà bị hại đặt câu hỏi: Với cùng một hồ sơ, một tình tiết, lúc thì cáo buộc các bị cáo côn đồ đánh chết anh Dương, lúc lại nói mục đích đánh bị thương. Điều bất nhất này gây ra sự phẫn uất của gia đình nạn nhân.
8 lần xét xử vẫn chưa thể kết án
Tính tới nay, vụ án đã kéo dài 4 năm, tòa án đã 8 lần đưa ra xét xử. Phiên tòa ngày 5/11 là lần thứ 2 TAND TX Dĩ An phải hoãn với lý do vắng mặt nhân chứng, người liên quan. Trước đó, ngày 25/9, TAND TX Dĩ An đưa ra xét xử sơ thẩm lần thứ nhất nhưng buộc phải hoãn giữa chừng vì bị cáo Quân có biểu hiện mất bình tĩnh, kêu khóc trong khi được xét hỏi.
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết, việc dựa vào một công văn về cơ chế hình thành vết thương gây ra cái chết cho anh Dương của CQĐT tỉnh Bình Dương mà chuyển đổi tội danh nhẹ hơn cho các bị cáo và cho 2 bị cáo tại ngoại là không phù hợp với vụ án. “Ngoài ra, vai trò chủ mưu trong vụ án chưa được làm rõ. Nhất là những tác động của nhân chứng Lầu Sú Há. Theo hồ sơ, anh Phạm Vũ Khanh (SN 1989, quê Vĩnh Long) khai khi thấy anh Dương bị đánh có chạy xe lại can ngăn nhưng bị Há và Sẩm Phúi Khìn (SN 1993) chạy xe lại chặn đầu và đuổi đi chỗ khác”.
Lời khai của anh Khanh cũng hoàn toàn phù hợp với lời khai của Há: “Khi qua khỏi chỗ anh Dương té ngã đến gần ngã tư thì tôi gặp anh Khanh là người làm cùng trong Công ty xe đạp Bình Minh chạy xe ngược lề nên tôi và anh Khanh gặp nhau, ngừng xe lại tôi có nói đùa với Khanh là biến đi”.
LS Quynh nói: “Biến đi – theo nghĩa thông thường là để chỉ việc không mong muốn có sự xuất hiện của một người nào đó và muốn đuổi người đó đi chỗ khác không gây cản trở hay ảnh hưởng đến công việc hay hoạt động của mình. Như vậy, hành vi ngăn chặn sự can ngăn của anh Khanh của Há nhằm mục đích gì? Ngoài ra, nhân chứng còn cho thấy Há chính là người chỉ mặt anh Dương cho 3 bị cáo biết. Bởi lẽ, trước khi vụ đánh nhau diễn ra, 3 bị cáo không hề quen biết anh Dương và không biết mặt anh Dương. Tòa đã từng trả hồ sơ làm rõ vai trò của Há nhưng không thấy CQĐT nhắc đến”.
Xét về hành vi, tính chất và hậu quả xảy ra, LS Quynh cho rằng các bị cáo phải bị truy tố tội danh nặng hơn. “Các bị cáo không quen biết, không mâu thuẫn với anh Dương vẫn xông vào đánh hội đồng, bằng tay, nón bảo hiểm. Đánh vào các vùng trọng yếu. Sau khi anh Dương té ngã, Nguyên còn dùng chân đá vào người và dùng nón bảo hiểm đánh tiếp vào mặt anh Dương. Thấy anh Dương nằm im, các bị cáo mới lên xe tẩu thoát. Trước đây, các bị cáo bị truy tố tội “Giết người” với tình tiết tăng nặng là có tính chất côn đồ là đúng người đúng tội, chỉ là bỏ lọt vai trò của Há”, LS Quynh nhận định.
Chị Trần Thị Hòa, vợ nạn nhân Dương cho biết cảm thấy bất lực vì tòa liên tục hoãn xử. Trong 8 lần mở phiên xét xử, chị có mặt đến 7 lần. Chị Hòa nói: “Từ Ninh Bình vào đây rất tốn kém. Mỗi lần nghe tin vụ án được đưa ra xét xử, gia đình khăn gói, bắt xe đi vào Nam. Tới nơi, có lúc chưa kịp đến tòa đã được thông báo hoãn. Mỗi lần đi vào Nam tốn không dưới 10 triệu đồng. Gia đình chúng tôi khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Bốn năm, 8 lần đưa ra xét xử, nhiều lần hoẵn nhưng hoãn mà không có kết quả khả quan. Kẻ chủ mưu vẫn không bị đưa ra trước pháp luật”. Theo chị Hòa, CQĐT bỏ lọt kẻ chủ mưu là Há. Bởi vì Há có mâu thuẫn với anh Dương trong công ty. Cụ thể, một số người vào làm trong công ty do Há đưa vào không có năng lực, không phù hợp công việc nên bị lãnh đạo đuổi. Há nghĩ anh Dương là người đề xuất đuổi nên căm thù anh Dương.
Được biết, anh Dương là công nhân có tay nghề, đi xuất khẩu bên Đài Loan. Khi công ty thành lập chi nhánh lấy tên là Công ty xe đạp Bình Minh ở Bình Dương, anh Dương được lãnh đạo tin dùng đưa về nước tiếp tục công việc. Anh Dương là người tạo ra thu nhập chính trong gia đình. Một mình anh lao động nuôi vợ con và cha mẹ già. Hai đứa con anh Dương còn rất nhỏ, một vừa mới lên 7 tuổi, 1 mới lên 5 tuổi. Bây giờ anh Dương mất đi, gia đình thêm khó khăn. Trong tương lai, một mình chị Hòa phải bươn chải nuôi con.
Về bồi thường thiệt hại, chị Hòa yêu cầu tổng cộng là hơn 1,5 tỷ đồng bao gồm tiền viện phí, mai táng, cấp dưỡng cho hai con và tiền tổn thất tinh thần. “Gia đình quá mệt mỏi, mong chờ một kết quả xứng đáng để anh Dương được yên lòng nhưng chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Hết hoãn xử, rồi trả hồ sơ, mà trả hồ sơ thì tội càng nhẹ. Tôi chỉ mong cái ác phải bị trừng phạt”, chị Hòa chia sẻ.
Bùi Yên
Theo baophapluat
Vụ đánh bạc nghìn tỉ qua mạng: Tại sao người chơi game bị coi là tổ chức đánh bạc?
Theo cơ quan tố tụng, việc vận hành, phát hành hoặc tham gia chơi game bài Rikvip/Tip.club, 23Zdo, Zon/Pen có việc đổi thưởng đều bị coi là hành vi Tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc trái phép.
Game bài Rikvip. Ảnh: Zing
Ngày 29.10, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương (Chánh tòa kinh kế - TAND tỉnh Phú Thọ) ký Quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án: "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Vụ án xét xử cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) Phan Văn Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), 2 chủ mưu Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm.
Thời gian diễn ra phiên xét xử bắt đầu từ 8h ngày 12.11 đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm. Địa điểm mở phiên tòa là trụ sở TAND tỉnh Phú Thọ.
Người chơi game Rikvip bị coi là tổ chức đánh bạc?
Cơ quan tố tụng lý giải căn cứ pháp lý để quy kết các đối tượng trong vụ án phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng nhiều quy định.
Theo đó, hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng trò chơi điện tử trên mạng phải tuân theo quy định 72/2013/NĐ-CP ngày 15.7.2013 của Chính phủ và Thông tư 24/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT).
Trong nguyên tắc quản lý trò chơi điện tử trên mạng, doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi G1 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau, đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp) khi có giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối với từng trò chơi điện tử do Bộ TTTT cấp.
Song, trong vụ án này, dịch vụ Win2ll do Công ty CNC phát hành không có Quyết định phê duyệt nội dung kịch bản của Bộ TTTTT.
Khoản 3 Thông tư 24 cấm việc cung cấp, sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Doanh nghiệp chỉ được khởi tạo các vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử theo đúng nội dung, kịch bản đã báo cáo trong hồ sơ được cấp quyết định phê duyệt.
Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử.
Đặc biệt, thông tư nhấn mạnh: "Không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau".
Như vậy, việc vận hành, phát hành hoặc tham gia chơi game bài Rikvip/Tip.club, 23Zdo, Zon/Pen có việc đổi thưởng đều bị coi là hành vi Tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc trái phép.
Đối chiếu với các quy định trên thì trong vụ án này, chỉ trong 2 ngày (8.8.2016-9.8.2016) đã có 518 tài khoản người chơi có đủ dấu hiệu cấu thành tội Đánh bạc.
Do bị hạn chế bởi thời hạn điều tra theo luật nên trong vụ án này, các cơ quan tố tụng hình sự tỉnh Phú Thọ mới khởi tố, điều tra được 105 bị can, trong đó có 12 bị can trốn, truy nã chưa có kết quả, 1 bị can mắc bệnh hiểm nghèo nên tách ra.
CƯỜNG NGÔ
Theo Laodong
"Phó giám đốc bù nhìn" kêu cứu bị án oan Cáo trạng truy tố và xét xử của các cơ quan tố tụng Quảng Ninh chỉ nêu vắn tắt bị cáo chiếm đoạt 900 triệu đồng. Trần Ngọc Trung là bị án trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Quảng Ninh từ năm 2013, hiện thụ án 14 năm tù nhưng liên tục kêu oan từ giai đoạn...