Khu nhà giàu Thảo Điền thành ‘rốn ngập’, chuyên gia hiến kế
Nổi tiếng là khu nhà giàu nhưng phường Thảo Điền ( quận 2, TP.HCM) giờ đây được biết đến với biệt danh “rốn ngập” sau mỗi đợt triều cường.
Ngày 30/9, đỉnh triều cường tại TP.HCM tiếp tục lập kỷ lục mới trong vòng 10 năm với mức 1,74 m. Theo ghi nhận của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, toàn thành phố có 13 điểm ngập. Trong đó, vị trí ngập sâu nhất là đường Nguyễn Văn Hưởng thuộc phường Thảo Điền, quận 2.
Các chuyên gia nhận định nền đất lún và giải pháp chống ngập chưa hiệu quả là nguyên nhân khiến “khu nhà giàu” Thảo Điền thường xuyên trở thành điểm ngập sâu nhất TP.HCM.
Nền đất lún, đường ngập khi triều cường dâng cao
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nói nước dâng do biến đổi khí hậu trong khi nền đất lún dần khiến đường phố TP.HCM ngập sâu.
Riêng khu vực Thảo Điền, TS Cương đánh giá đây là khu vực trũng, nền đất yếu. Mật độ xây dựng cao khiến tốc độ lún nền ngày càng nhanh vì phải gánh tải trọng lớn.
Người dân bất lực ngồi trong xe chờ nước rút để gọi cứu hộ trong đỉnh triều ngày 30/9. (Ảnh: Lê Quân)
Tình trạng loạn cao độ san nền cũng khiến công tác chống ngập càng khó khăn. Theo ông Cương, quá trình xây dựng, mỗi công trình sẽ thiết kế dựa theo cột mốc cao độ mua của Nhà nước. Thế nhưng, các cột mốc này đang bị lún theo thời gian dẫn đến thực trạng tính cao độ san nền “mỗi nơi một phách”, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác chống ngập của thành phố.
Theo nguyên lý thiết kế, mặt đường phải cao hơn mặt nước cao nhất tối thiểu là 0,5 m để đảm bảo an toàn cho con đường. Việc xác định chưa chính xác cao độ chuẩn khiến nhiều tuyến đường, công trình liên tục bị ngập, dẫn đến hư hỏng nhanh, tuổi thọ thấp.
“ Vòng luẩn quẩn là việc ngập nước liên tục khiến nền đất ngày càng yếu đi, độ lún tăng thêm“, tiến sĩ Cương nói.
Nói về cách “giải ngập” cho khu Thảo Điền, ông cho rằng quy hoạch chống ngập cho bờ đông chủ yếu là nâng nền nhưng theo chiều hướng biến đổi khí hậu hiện nay “sợ là không kịp”. Ông Cương đề xuất thành phố cô lập những khu vực như Thảo Điền để làm đê bao chống ngập cho “rốn nước” này.
Video đang HOT
Phải có đê bao và trạm bơm công suất lớn
Dự báo trước khả năng ngập do triều ở khu Thảo Điền, ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thành phố, cho biết ngoài trạm bơm 1.000m3, công ty đã trang bị thêm 2 máy bơm 250m3 nhằm “giải ngập” cho khu vực này. Thế nhưng, thực tế cho thấy, nỗ lực này là chưa đủ.
Nói về giải pháp giảm ngập bằng máy bơm, TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, thẳng thắn: “ Mấy trạm bơm bé tý ăn thua gì, giống như bị thương lấy tạm miếng băng dán lại chứ không có ý nghĩa. Trạm bơm để giảm ngập cho Thảo Điền phải công suất hàng chục m3/giây“.
Đồng ý với giải pháp TS Cương đề xuất, ông Phi nói thêm rằng những khu vực nằm thấp hơn mực nước triều như quận 2 thì phải có đê bao kết hợp cùng với trạm bơm hoặc hồ điều tiết mới có thể “giải ngập”.
Dự báo phạm vi ngập thường xuyên của TP.HCM đến năm 2050 trong tình huống không có các biện pháp kiểm soát ngập. (Nguồn: ADB)
Tuy nhiên, TS Phi cho rằng giải pháp kỹ thuật là chuyện nhỏ, còn giải pháp căn cơ nhất là cơ chế chống ngập hiện tại chưa khuyến khích tư nhân tham gia làm công trình chống ngập. Dẫn tới các dự án này liên tục thiếu vốn, chậm tiến độ.
“ Công trình ngập hiện tại hoàn toàn là bao cấp, trong khi đó đô thị hóa thì tư nhân đầu tư ồ ạt. Giá thành trên đất thực chất là giá thành giả vì chưa tính chi phí thoát nước, chống ngập… Thành ra đô thị hóa mạnh nhưng tiền thì tư nhân bỏ túi, còn ai muốn gây ngập cứ gây, đã có Nhà nước gánh“, ông Phi bức xúc.
Chuyên gia chống ngập này dự báo trong tương lai, biến đổi khí hậu khiến triều cường càng lúc càng tăng khiến diện tích ngập ngày càng cao hơn. Ông cũng khuyến nghị TP nên ưu tiên hệ thống chống ngập do mưa bởi đây là nguyên nhân gây ngập cao, trên diện rộng. Còn hệ thống chống ngập do triều có thể thực hiện nhanh trên từng vùng cụ thể bởi chi phí thấp và dễ làm.
Năm 2050, đất cao dưới 1m ở TP.HCM có nguy cơ ngập vĩnh viễn
Theo Nghiên cứu “TP.HCM thích nghi với biến đổi khí hậu” (2010) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo đến năm 2050, trong tình huống ngập thường xuyên (ảnh hưởng của thủy triều và mưa gió mùa): Chỉ những diện tích cao hơn 3m sẽ không bị ngập; đất ở mức 1-3m bị ngập khi biên độ dao động thủy triều lớn; đất cao dưới 1m có nguy cơ bị ngập vĩnh viễn. Trong những sự kiện ngập cực đoan (xảy ra trong bão nhiệt đới), chỉ có những diện tích cao hơn 4,5m không bị ngập.
Với mực nước biển dâng khoảng 26cm đến 1m vào năm 2050, diện tích địa lý của vùng ngập dự báo ở TP.HCM sẽ tăng 3% với ngập cực đoan và 7% với ngập thường xuyên so với tình trạng ngập năm 2010. Độ sâu ngập tối đa trung bình được dự báo sẽ tăng gần 40% với ngập cực đoan và 21% với ngập thường xuyên. Thời gian ngập cực đoan tăng 12% và ngập thường xuyên tăng 22%.
Nguồn: Zing News
Đồng Tháp: Triều cường "tấn công", làng hoa Sa Đéc như "chạy giặc"
Triều cường dâng cao và chậm rút đã ảnh hưởng đến nhiều diện tích vườn hoa kiểng và cây ăn trái của bà con trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của triều cường nên hàng chục ha hoa, kiểng của người dân thuộc địa bàn TP Sa Đéc ngập trong lũ, nhất là ở xã Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây và phường Tân Quy Đông.
Nông dân trồng hoa phải di chuyển hoa lên giàn cao để chống ngập úng.
Theo đó, diện tích hoa, kiểng bị ngập nước hầu hết là do trồng ngoài đê bao hoặc ô bao xung yếu. Đây là những loại hoa cảnh trồng dưới đất hoặc để trên giàn quá thấp. Những diện tích hoa, kiểng bị ảnh hưởng nhiều nhất là cỏ nhung Nhật, cỏ lá gừng, cúc, hoa hồng...
Đang di chuyển các chậu hoa dưới thấp lên giàn cao, ông Trần Thanh Toản (ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc), cho biết chỉ trong vòng 3 ngày nay, triều cường lên cao khiến nhiều diện tích hoa, kiểng của gia đình ông bị đe dọa.
Các diện tích hoa, kiểng Tết bị đe dọa bởi tình hình triều cường lên cao.
Cách đó không xa, vườn hoa nhà ông Trần Thanh Khang đang mấp mé với mực thủy triều đe dọa hơn 1.000 giỏ hoa hồng trồng Tết. Ông Khang cho biết thủy triều dâng cao gây chết cây khoảng 5 - 10%. Do đó, ông phải nhanh chóng nâng cao giàn và thuê nhân công chuyển hoa lên vùng cao cho an toàn.
"Chưa thấy năm nào nước lên cao như năm nay, mọi năm nước có về lớn lắm cũng không đến như mức này. Do cây đang trong giai đoạn ra chồi non nên ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh trưởng", ông Khang chia sẻ thêm.
Chung cảnh này, hơn 500 m2 vườn hoa vạn thọ của ông Tùng (ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) cũng bị nước tràn vào, gây ngập sâu. Cầm cự không nổi, ông đành phải đem các chậu hoa đến chỗ cao hơn gửi nhờ. "Cây đang tốt mà đưa đi thì hoa nở không đẹp, bán không được giá", ông Tùng lo lắng.
Nông dân trồng hoa Sa Đéc phải dùng máy bơm để chống ngập.
Ông Đỗ Văn Thậm, Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, cho biết: "Triều cường dâng cao phần nào ảnh hưởng đến hoa, kiểng nông dân trên địa bàn. Song, số lượng này chỉ phần nhỏ so với diện tích trồng hoa, kiểng Tết của Thành phố. Để đảm bảo cho nông dân sản xuất ăn chắc, đơn vị sẽ thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra các đoạn đê bao, cống nước xung yếu để có cảnh báo tình hình thủy văn kịp thời cho nông dân nắm rõ".
Tại huyện Lai Vung, nước lũ lên nhanh và chậm rút đã ảnh hưởng nhiều đến vườn cây ăn trái của bà con, trong đó thiệt hại nặng là diện tích cam, quýt. Mặc dù, bà con đã tích cực bơm tát và trong những ngày gần đây triều cường đã bắt đầu rút dần nhưng do nước ngập, cầm chân quá lâu nên đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều vườn cây ăn trái. Ngoài tốn kém chi phí bơm tát, năng suất trái VÀ giá bán bị giảm, nhà vườn còn phải tốn nhiều chi phí và thời gian vài năm để khôi phục lại những vườn cây ăn trái bị chết.
Để đảm bảo cho vườn cây ăn trái, nông dân cũng phải bơm nước tháo úng.
Ông Nguyễn Văn Sữa (ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung) đang có số diện tích cam, quýt bị ảnh hưởng do triều cường. Ông Sữa cho biết: "Các chủ vườn đều chuẩn bị và có đập hết, nhưng bây giờ nước tràn tới bờ rồi, có dùng bơm cũng không kịp".
Tương tự, hơn 5 công vườn cam, quýt của gia đình ông Nguyễn Văn Gà (ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu) cũng đang nằm trong tình trạng ngập úng do triều cường. Ông Gà buồn rầu, nói: "Các vườn trong khu vực ở đây đều ngập hết. Gần đây, nông dân như tôi vừa phải lo chống chọi với dịch bệnh trên cây cam, quýt nay thì tới thêm nước ngập, giờ cầu trời cho vài bữa nước rút để còn hi vọng khôi phục lại vườn".
Các ngành chức năng thuộc huyện Lai Vung đang tìm cách để hỗ trợ nông dân trong vùng bị ngập khôi phục lại vườn cây. Bên cạnh đó, thường xuyên có những dự báo về mực triều cường cho người dân đề phòng.
Dự báo tình hình khí tượng thủy văn trong tuần, ông Khương Lê Bình - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp - cho biết: "Tuần đầu tháng 10, mực nước tại khu vực đầu nguồn của tỉnh xuống dần, mực nước khu vực Tháp mười biến đổi chậm, mực nước khu vực phía nam xuống trong khoảng 7 ngày đầu tuần, sau đó tăng nhanh trở lại trong những ngày cuối tuần".
Theo Tâm Minh (Báo Người lao động)
Triều cường dâng cao, người phụ nữ điều khiển xe lao thẳng xuống hồ đuối nước thương tâm Do triều cường dâng cao, người phụ nữ khoảng 50 tuổi đã không xác định được ranh giới giữa con đường và hồ nước nên cả người và xe đều rơi xuống hồ. Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm nạn nhân Theo thông tin ban đầu, khoảng 18h30 ngày 1/10, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại khu vực...