“Khu nhà giàu” Sài Gòn mênh mông như mùa nước lũ miền Tây, dân “bơi” về nhà
Khu vực vốn được coi là sang trọng, cao cấp ở Sài Gòn không thể thoát khỏi cảnh ngập như sông vì triều cường vượt đỉnh.
Chiều 28/10, triều cường dâng cao gây ngập hàng loạt tuyến đường ở TP.HCM. Khu Thảo Điền tại quận 2 được mệnh danh là “khu nhà giàu” Sài Gòn do tập trung nhiều biệt thự, trường quốc tế, căn hộ sang trọng là một trong những nơi chịu cảnh ngập nước nặng nề.
Từ khoảng 16h, các tuyến đường khu vực này bắt đầu ngập dù trời không mưa. Ở khu vực cống, hố ga nước trào lên cuồn cuộn trên đường khiến việc lưu thông của người dân rất khó khăn.
Mỗi khi có xe ô tô chạy qua tạo thành sóng nước văng tung tóe hai bên đường.
Nước bao vây trước cổng trường.
Phụ huynh đón con đi học trở về nhà phải “bơi” trong nước ngập
Nhiều gia đình dùng bao cát làm “đê” ngăn nước nhưng vẫn bị nước từ ngoài đường chảy cuồn cuộn vào nhà.
“Đường này ngập hoài, ngập riết. Mưa cũng ngập, không mưa cũng ngập. Sống ở Sài Gòn mà giống cảnh mùa nước lũ miền Tây quê tôi”, chị Đặng Thị Giang, quê huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết.
Nước bao vây khắp nơi, nhiều em nhỏ muốn ra trước nhà chơi nhưng không thể.
Đến 19h40, “khu nhà giàu” Thảo Điền vẫn còn mênh mông nước. Trong đó, đường Nguyễn Văn Hưởng là tuyến liên tục chịu tình trạng ngập trong những đợt triều cường diễn ra gần đây.
Do ảnh hưởng của triều cường, nhiều tuyến đường như: Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Trần Xuân Soạn (quận 7), Hồ Học Lãm (quận Bình Tân)… cũng bị ngập nặng. Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ, đỉnh triều chiều 28/10 dự báo đạt 1,67 m, còn tại trạm Nhà Bè đạt 1,68 m – cao hơn mức báo động III (mức báo động III là 1,5 m).
Đỉnh triều dự báo cao hơn vào ngày mai, đạt 1,7 m tại trạm Phú An và 1,72 m tại trạm Nhà Bè. Khung giờ đỉnh triều như trên xuất hiện từ khoảng 17 giờ. Đỉnh triều vượt mức báo động III sẽ kéo dài đến hết 31/10.
Theo Phùng Lâm (Dân Việt)
Ai chịu trách nhiệm vụ 2 bé trai bị điện giật tử vong ở Vành Đai 2?
"Phải nhìn vào hợp đồng giữa đơn vị cung cấp điện và đơn vị thi công, đồng thời xem lại quy trình để xác định sai sót của bên nào dẫn đến cái chết của hai bé", luật sư đề nghị.
Nhân chứng kể lúc phát hiện 3 trẻ em bị điện giật ở Sài Gòn
3 em bé chơi đùa tại bãi đất thuộc công trình đường Vành Đai 2, phường Tam Phú, quận Thủ Đức (TP.HCM), bị điện giật khiến 2 bé trai tử vong, một bé gái bị thương.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Công ty Điện lực Thủ Đức cho biết đã báo cáo Tổng công ty Điện lực TP.HCM về sự cố rò rỉ điện tại công trường dự án đường Vành Đai 2 (đoạn qua phường Tam Bình, quận Thủ Đức) khiến 2 trẻ thiệt mạng hôm 20/7. Công ty điện lực đã cắt điện và phối hợp với Công an quận Thủ Đức điều tra nguyên nhân.
Công ty Điện lực Thủ Đức cho rằng trách nhiệm khi để xảy ra sự cố này là lỗi của đơn vị thi công chứ không phải của ngành điện. "Chúng tôi cấp điện cho công trường cũng giống như cấp điện kế cho nhà dân. Phía sau điện kế, đơn vị thi công kéo dây điện thắp sáng công trường thì phải đảm bảo an toàn", đại diện Công ty Điện lực Thủ Đức nói.
Để thi công dự án, đơn vị thi công dựng văn phòng làm việc và lán trại cho công nhân sinh hoạt ở cạnh công trường và làm thủ tục lắp đặt một trạm biến thế để phục vụ thi công dự án, phát sáng công trình vào ban đêm.
Xác định sai sót của ai dẫn đến cái chết của 2 bé
Sau khi Công ty Điện lực Thủ Đức lên tiếng, luật sư cho rằng việc từ chối trách nhiệm của công ty điện lực là quá vội vàng và cần điều tra, làm rõ nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan của từng bên.
Theo luật sư Nguyễn Trần Ngọc Diễm (Đoàn Luật sư TP.HCM), để xét trách nhiệm, cần xác định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc rò rỉ điện gây chết người và xem xét nghĩa vụ của từng bên trong quá trình truyền tải, sử dụng điện.
"Phải nhìn vào hợp đồng giữa đơn vị cung cấp điện và đơn vị thi công, đồng thời xem lại quy trình để xác định sai sót của bên nào dẫn đến cái chết của hai bé. Ví dụ đơn vị cung cấp điện phải đảm bảo yếu tố liên quan đến chất lượng và an toàn của đường dây truyền tải điện", luật sư Diễm nhận định.
Luật sư cũng cho rằng đơn vị thi công chắc chắn phải có trách nhiệm nhưng mức độ tới đâu cần chờ kết luận từ cơ quan điều tra. Đây có thể là trách nhiệm liên đới giữa cả bên sử dụng và bên cung cấp điện, chưa hẳn là lỗi hoàn toàn của đơn vị thi công.
Hiện trường xảy ra vụ điện giật khiến 2 bé trai tử vong tại công trình thi công đường Vành Đai 2. Ảnh: Thu Hằng.
Tán thành với ý kiến của luật sư Diễm, luật sư Đinh Hồng Hạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định phía công ty điện lực đã quá vội khi từ chối trách nhiệm.
"Theo Luật Điện lực 2004, nghĩa vụ của đơn vị điện lực là phải bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị truyền tải điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy. Do đó, bên điện lực vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới, còn trách nhiệm của đơn vị thi công là chắc chắn", bà Hạnh bình luận.
Bà Hạnh phân tích theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, đường dây điện được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật. Tức là chủ sở hữu nguồn điện phải lường trước mọi rủi ro có thể xảy tới để có biện pháp cảnh báo, ngăn chặn người dân tiếp cận với nguồn điện gây nguy hiểm tính mạng.
Cũng theo khoản 3 điều này, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hay tình thế cấp thiết.
"Không loại trừ khả năng đơn vị thi công có cảnh báo và người bị hại vi phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nạn nhân chưa đủ 18 tuổi nên chưa đủ nhận thức hành vi. Hơn nữa, tình huống cho thấy nguồn điện hở gây nguy hiểm cho mọi người, bao gồm công nhân thi công cũng như người dân, nên đơn vị thi công không thể tránh trách nhiệm", nữ luật sư phân tích thêm.
Xem xét trách nhiệm liên đới
Luật sư Diễm cho rằng vụ việc gây tử vong tới 2 người nên khả năng cao sẽ được công an khởi tố vụ án, trừ trường hợp cơ quan điều tra xác định lỗi không thuộc về đơn vị nào.
Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cơ quan công an vẫn cần xác định rõ lỗi thuộc về cá nhân nào mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự bởi theo luật, trường hợp này không thuộc diện truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong 33 điều luật, bao gồm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, và an toàn công cộng, trật tự công cộng. Theo đó, tội xâm phạm tính mạng do không đảm bảo an toàn khi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không thuộc 33 tội danh được liệt kê trong bộ luật.
Cáp điện bị vứt trên ụ đất. Ảnh: Thu Hằng.
Tương tự, luật sư Hạnh cho rằng phải xác định lỗi trực tiếp của người thi hành công vụ để truy cứu trách nhiệm hình sự, còn đơn vị thi công và công ty điện lực chỉ có nghĩa vụ bồi thường dân sự.
"Ví dụ, xe khách gây tai nạn chết người có hai cá nhân liên đới trách nhiệm. Một là tài xế phải chịu trách nhiệm hình sự. Hai là chủ sở hữu phương tiện, tức chủ xe, phải chịu trách nhiệm dân sự. Trừ khi chủ xe thuê tài xế sai luật, ví dụ lái xe dưới 18 tuổi, thì hai bên cùng phải chịu trách nhiệm hình sự", bà Hạnh so sánh để làm rõ vấn đề.
Ngoài ra, theo luật sư Hạnh, vụ việc này cần xem xét trách nhiệm liên đới của rất nhiều bên liên quan khác như đơn vị giám sát thi công, thanh tra xây dựng trên địa bàn, lãnh đạo địa phương... khi để nguồn nguy hiểm cao độ tồn tại trong thời gian dài gần khu vực dân sinh đe dọa tính mạng người dân.
Chiều 20/7, Lê Minh Châu (10 tuổi, ngụ Bình Thuận), Trương Đặng Văn Bình (10 tuổi, ngụ quận Thủ Đức), Trương Mỹ Ngọc (13 tuổi) cùng nhóm bạn đến chơi tại bãi đất trống thuộc khu vực thi công dự án đường Vành Đai 2, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Trong lúc chơi đùa, Châu, Bình và Ngọc không may bị điện giật. Châu tử vong tại chỗ, hai em còn lại được người dân phát hiện đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng Bình không qua khỏi.
Vành Đai 2 được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài hơn 64 km. Sau hơn 10 năm, Vành Đai 2 đã khép kín được 51 km với các đoạn từ cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức) trên quốc lộ 1 đến vòng xoay An Lạc (huyện Bình Chánh); đoạn từ nút giao Bình Thuận (đường Nguyễn Văn Linh với đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, huyện Bình Chánh) đến cầu Phú Hữu (quận 9). Hiện còn hơn 13 km với bốn đoạn chưa hoàn thành.
Báo cáo giữa tháng 3/2019 của Sở GTVT TP.HCM cho biết tuyến Vành Đai 2, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,75 km dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Bác Ái.
Theo Zing
Nhân chứng kể lúc phát hiện 3 trẻ em bị điện giật ở Sài Gòn 3 em bé chơi đùa tại bãi đất thuộc công trình đường Vành Đai 2, phường Tam Phú, quận Thủ Đức (TP.HCM), bị điện giật khiến 2 bé trai tử vong, một bé gái bị thương. Theo Zing