Khu mộ Đại tướng an toàn trong bão số 11
Mặc dù tại Quảng Trạch (Quảng Bình) đã có gió giật cấp 8, nhưng khu vực Vũng Chùa, Đảo Yến, nơi an táng Đại tướng là khu vực khuất gió, nơi mà trước đây ngư dân thường vào tránh bão nên rất an toàn – Giám đốc đài Khí tượng Quảng Bình cho biết.
Đêm qua và sáng sớm nay, cơn bão số 11 đã hoành hành dữ dội ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Nam và một số khu vực khác của miền Trung. Do ảnh hưởng của bão số 11, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cũng đã có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7 – 8, giật cấp 9, cấp 10.
Điều này khiến nhiều người dân lo lắng cho khu vực an táng Đại tướng, bởi hiện nay, mộ của Đại tướng chưa được xây dựng kiên cố, bàn thờ Đại tướng tại đây cũng mới được che tạm bằng bạt.
Tuy nhiên, trao đổi với VnMedia, Giám đốc Đài khí tưởng Quảng Bình, ông Ngô Hải Dương cho biết, lúc 5 giờ sáng nay, gió mạnh nhất ở khu vực Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình) giật đến cấp 8, còn các khu vực khác chỉ cấp 5-cấp 6. Riêng khu vực Vũng Chùa, Đảo Yến (cũng thuộc huyện Quảng Trạch), nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo ông Dương, đây là khu vực khuất gió, nơi mà trước đây ngư dân thường vào tránh bão. Do vậy, khu vực này rất an toàn.
“Ngay cả trong bão số 10 vừa qua, gió giật đến cấp 13-cấp 14 nhưng khu vực này không hề có cây nào bị gẫy đổ. Vì vậy, con bão số 11 này chắc chắn sẽ không ảnh hưởng gì đến nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” – ông Dương khẳng định.
Cũng theo ông Dương, từ 19h tối qua đến sáng nay, mưa lớn nhất là ở Mai Hóa (127mm), còn các khu vực khác phổ biến ở mức 40-80 mm, ở Đồng Hới mưa nhỏ hơn. Khu vực Vũng Chùa mưa khoảng 40-50mm.
Trước đó, trong ngày 14/10, theo quan sát của PV VnMedia, trên đường đi từ Đồng Hới đến lối rẽ vào khu vực Vũng Chùa, hai bên đường cây gây đỗ nhiều vô kể. Ngay cả những cây không bị đổ, gãy thì cành lá cũng bị khô táp. Cả một vùng rộng lớn của Quảng Bình là một màu vàng khô như vừa qua một cơn hỏa hoạn. Rất ít cây xanh còn trụ được sau bão số 10. Tuy nhiên, tại khu vực núi phía sau mộ của Đại tướng vẫn là một màu xanh bát ngát, không có biểu hiện nào về hậu quả của bão số 10.
Khu vực an táng Đại tướng vẫn một màu xanh bát ngát dù Quảng Bình vừa trải qua cơn bão số 10 khủng khiếp
Đà Nẵng: Gió đã giảm, mưa lớn
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của bão số 11, ở Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã có gió giật mạnh cấp 6 – 11, vùng gần tâm bão đi qua gió giật mạnh cấp 12 – 14.
Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6 – 9; các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 10 – 12.
Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tính đến 07 giờ sáng nay (15/10) khoảng 100 – 200mm, một số nơi có lượng lớn hơn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 396mm, Nam Đông (Huế) 345mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 340mm; A Lưới (Huế) 219mm.
Lúc 8 giờ sáng ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền các tỉnh Đà Nẵng – Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Video đang HOT
Trao đổi với VnMedia, một người dân Đà Nẵng cho biết, hiện tại Đà Nẵng đã không còn gió mạnh nhưng mưa vẫn to. Hàng nghìn cây xanh, cột điện đêm qua và sáng sớm nay đã bị bão quật đổ. Nhiều đường phố bị ngập nặng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đến 8 giờ ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 102,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) sáng nay có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh.
Ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7 – 8, giật cấp 9, cấp 10.
Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 2 – 3 mét, sóng biển cao từ 5 – 8 mét.
Tuệ Khanh
Theo_VnMedia
Đằng sau sự thành công của VOVTV tường thuật ngày Quốc tang Đại tướng
Những hình ảnh đặc biệt về hành trình đưa linh cữuĐại tướng Võ Nguyên Giáp từ Nhà tang lễ quốc gia, qua các con phố ra sân bay Nội Bài để về với đất mẹ Quảng Bình trên kênh VOVTV sáng 13/10 đã thực sự để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả.
Sức mạnh tập thể
Nhà báo Vĩnh Quyên, Phó Giám đốc kênh Truyền hình VOV (VOVTV) cho biết, sau thông tin Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chỉ tường thuật trực tiếp Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà tang lễ quốc gia và Lễ an táng Đại tướng tại Quảng Bình, trên các mạng xã hội cũng như có nhiều ý kiến của khán thính giả bày tỏ nguyện vọng muốn tận mắt chứng kiến đầy đủ chặng hành trình này.
"Trước nhu cầu cấp thiết của người dân chúng tôi suy nghĩ rất nhiều: Nhiệm vụ của truyền thông là gì nếu không phải là đáp ứng như cầu lớn lao của đông đảo người dân? Chúng tôi cũng xác định Lễ Quốc tang Đại tướng là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt về chính trị, xã hội nói chung và truyền thông nói riêng", nhà báo Vĩnh Quyên chia sẻ.
Ekip VOVTV họp bàn chương trình trực tiếp hành trình đưa linh cữu Đại tướng ra sân bay
Phó TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Minh Tuấn đã đưa ra ý tưởng tận dụng lợi thế hình ảnh camera của kênh VOV Giao thông để tường thuật trực tiếp hành trình đưa linh cữu Đại tướng từ Nhà tang lễ quốc gia, qua các tuyến phố và đến sân bay Nội Bài.
Ngay sau đó ông Đồng Mạnh Hùng, Giám đốc VOVTV đã triệu tập họp khẩn để đi đến quyết định cuối cùng. Tất cả mọi người đều hào hứng và quyết định dứt khoát: Sẽ tường thuật trực tiếp trên kênh VOVTV ngay sau khi VTV ngừng phát sóng trực tiếp.
Một cuộc họp "Hội nghị Diên Hồng" đã diễn ra trong suốt 2 giờ đồng hồ để cùng lên phương án "tác chiến". Mặc dù quyết định thì có phần đột xuất song điều quan trọng nhất, hạ tầng cơ sở đã có sẵn.
"Lúc ấy chúng tôi cũng hơi băn khoăn vì hình ảnh từ camera giao thông chất lượng không được hoàn hảo. Nhưng sau khi phân tích, chúng tôi cho rằng điều khán giả quan tâm nhất lúc này là muốn theo dõi lộ trình để nắm được thông tin nên chất lượng hình ảnh lúc này lại là chuyện thứ yếu", bà Quyên chia sẻ.
Sau khi rà soát các điểm chốt và thấy có 17 điểm camera bắt được trên lộ trình đoàn xe đi qua, kíp làm thực sự vô cùng mừng rỡ khi biết trước đó mấy hôm PTGĐ Vũ Minh Tuấn đã chỉ đạo bộ phận kỹ thuật viên lau lại tất cả màn hình camera để tăng độ nét cho hình ảnh.
Nhà báo Vĩnh Quyên cho biết: "Chúng tôi cố gắng dồn công sức và lực lượng cho chương trình sẽ kéo dài gần 3 giờ đồng hồ sáng 13/10. 23h đêm hôm trước, bộ phận kỹ thuật vẫn kiểm tra lại tín hiệu đường truyền để đảm bảo chương trình được kết nối thông suốt.
Bên cạnh đó, các bộ phận chia nhau người viết kịch bản, người làm phóng sự, chuẩn bị các tư liệu bên lề, âm nhạc, tiếng động... kết nối với phóng viên của các hệ khác. 6 giờ sáng 13/10, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Cả kíp làm việc cùng có mặt để rà soát lần cuối các khâu và chuẩn bị lên sóng.
PTGĐ Vũ Minh Tuấn (áo đen đứng thứ 2) trực tiếp chỉ đạo ekip làm chương trình
"Vì đây là chương trình rất quan trọng nên đích thân PTGĐ Đài Vũ Minh Tuấn lên trực tiếp chỉ đạo anh em, toàn bộ Ban Giám đốc của VOVTV cũng có mặt trực chiến cùng anh em ở vòng ngoài", bà Quyên nhớ lại.
Cũng theo nhà báo Vĩnh Quyên, chương trình thành công là nhờ sức mạnh tập thể, nhờ sự phối hợp ăn ý với các kênh, các bộ phận trong Đài như kết hợp với kênh VOV giao thông về phần hình ảnh, kết hợp với phóng viên Đặng Linh (Trung tâm tin VOV) để kết nối trực tiếp bằng điện thoại chia sẻ không khí lúc linh xa rước Linh cữu Đại tướng tới sân bay Nội Bài.
Ngoài ra chương trình cũng sử dụng tin, bài từ PV thường trú gửi về phản ánh tại Mường Phăng, Quảng Bình... Đây có thể nói là sự hiệp đồng vô cùng nhịp nhàng. Ngay khi VOVTV vừa phát sóng, lập tức các BTV của Kênh Giao thông, Hệ thời sự chính trị tổng hợp VOV1 đã thông báo ngay trong chương trình trực tiếp về thông tin này nên rất nhiều thính giả đã mở truyền hình VOV và theo dõi trực tuyến trên báo điện tử VOVnews của Đài TNVN.
Cũng theo bà Quyên, ngay từ khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhân vật lịch sử được nhân dân cả nước và thế giới ngưỡng mộ, từ trần ngày 4/10, ngày 5/10 sau bản tin 18h phát Thông cáo đặc biệt về lễ Quốc tang Đại tướng, VOVTV cũng thực hiện nhiều chương trình về Đại tướng.
Dù ngày 12 mới là Quốc tang nhưng VOVTV đã có ý thức thay đổi nội dung, một số chương trình giải trí không phù hợp được tạm dừng. Suốt cả tuần, nhiều kíp PV, BTV đã thay phiên nhau chia 3 ca liên tục để thực hiện những phóng sự về tình cảm của người dân đối với Đại tướng.
Dấu ấn trong lòng khán giả
Chia sẻ về cảm xúc của mình khi làm MC trong chương trình tường thuật trực tiếp về hành trình đưa linh cữu Đại tướng từ Nhà tang lễ tới sân bay Nội Bài, nhà báo Vĩnh Quyên cho biết, trong suốt cả tuần duyệt tin, bài của PV, mọi người đều rất xúc động. Có lẽ cảm xúc ấy được tích tụ lại nên khi dẫn chương trình đặc biệt này, bà cũng không giấu được cảm xúc của mình dù luôn tự nhủ rằng mình đang nói trên sóng, phải cố gắng hạn chế cảm xúc cá nhân.
Chị Vĩnh Quyên trong phòng thu mặt đầy nước mắt không giấu nổi xúc động
Nhưng đến gần cuối chương trình, khi màn hình chiếu cảnh đoạn đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài. Cả một đoạn đường dài mênh mông không một bóng xe, khi chiếc xe đầu tiên của đoàn xe đặc biệt đi vào, bà thực sự xúc động. Đọc thông tin bên lề về ước nguyện của Đại tướng được trở về quê hương thân yêu mà nghẹn cả giọng.
"Nhưng ấn tượng nhất là cảnh sân bay Nội Bài. Ở thời điểm đó, tất cả các chuyến bay đều ngừng cất cánh, hạ cánh. Cả sân bay rộng thế chỉ có 2 chiếc máy bay đặc biệt, mang số hiệu đặc biệt VN103 - số tuổi của Đại tướng và VN1911- năm sinh của Đại tướng. Điều mà Vietnam Airlines đã làm đủ cho thấy mỗi tập thể có những cách tri ân, tưởng nhớ Đại tướng khác nhau khiến mình thực sự xúc động", bà Quyên tâm sự.
"Khi PV Đặng Linh gọi điện thoại trực tiếp từ sân bay về, đến đoạn cuối giọng anh Linh cũng lạc đi, nghẹn ngào. Tôi nhìn vào màn hình thấy những hình ảnh cận cảnh đưa linh cữu Đại tướng lên máy bay, nhìn hàng người lên hết máy bay, lúc này trên màn hình những chiếc ô tô màu đen chở đại biểu đến tiễn Đại tướng bắt đầu quay đầu, chuyên cơ từ từ khởi động chạy trên đường băng, lúc ấy là khoảnh khắc xúc động nhất.
Tim có cảm giác đau thắt lại. Nước mắt cứ thế tuôn rơi trong giọng đọc nghẹn ngào:"Chỉ còn rất ít phút nữa máy bay đưa linh cữu Đại tướng sẽ chào tạm biệt nhân dân Hà Nội để cất cánh bay vào khoảng không bao la đưa Đại tướng về với quê hương Quảng Bình- nơi bao người đang dang tay chờ đón Ông".
Rồi đến lời kết: "Nhân dân Hà Nội nói riêng và nước Việt Nam xin kính nghiêng mình vĩnh biệt Ông - Đại tướng của lòng dân - chúng con xin bái biệt Người" thì nước mắt nhòe hết. Anh Văn Chính ngồi bên cạnh tôi cũng mắt đỏ hoe", nhà báo Vĩnh Quyên nhớ lại mà mắt vẫn rưng rưng.
Phó GĐ VOVTV cũng cho biết thêm, giá như có thêm 24 giờ chuẩn bị thì nội dung chương trình sẽ sâu sắc và phong phú hơn nữa. Nhưng ý nghĩa nhất là ekip đã thực hiện được một chương trình mà được đông đảo nhân dân cả nước mong mỏi. Khi thực hiện tất cả chỉ làm hết sức nhưng không ngờ lại nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của nhiều khán giả đến vậy.
"Khán giả từ các tỉnh gọi về, thậm chí nhiều người từ nước ngoài cũng nhắn tin chúc mừng và khen ngợi. Chúng tôi phấn khởi nhưng cũng bảo nhau đấy thực sự là do khán giả vô cùng yêu mến Đại tướng nên đã thể tất cho một vài chỗ mà chương trình chưa thật tốt", bà Quyên tâm sự.
Chương trình này thực sự là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với ê kíp thực hiện. Trên mạng xã hội, status chia sẻ của bà Quyên chiều tối 13/10 sau khi kết thúc một ngày làm việc đầy tâm huyết, cũng nhận được hàng nghìn lượt like, comment và share đã cho thấy sức lan tỏa của chương trình đặc biệt này.
Cũng theo bà Quyên, sau chương trình này, khi họp rút kinh nghiệm, nhiều câu chuyện về truyền thông cũng được đặt ra như: Việc xác định được đúng nhu cầu khán giả, ra đúng thời điểm, thời cơ, chương trình sẽ tạo sức hút; Nếu quyết tâm có thể vượt qua nhiều trở ngại để đạt mục đích, nếu ban đầu trước khi làm chỉ cần có ý kiến phản đối, bàn lùi thì sẽ khác. Ngược lại khi tất cả cùng quyết tâm làm mọi việc đều trôi chảy.
Và ekip chương trình cũng rút ra bài học vô cùng sâu sắc về sự phối hợp, liên kết, hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị trong Đài.
Có thể nói VOVTV, VOV1, VOV Giao thông, VOVnews những ngày qua đã tạo nên dấu ấn đặc biệt trong lòng khán thính giả với các chương trình phản ánh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và đó chắc chắn sẽ là niềm hạnh phúc của những người làm báo VOV.
Theo Infonet
Khó quên cảnh người Quảng Bình bất chấp thời tiết chờ đón linh cữu Đại tướng Mặc áo chống nắng, bịt khẩu trang che kín mặt; ngồi gọn lỏn dưới những chiếc ô, che tàu lá, tờ báo trên đầu... là những cách chống nắng mà người dân ở Quảng Bình nghĩ ra trong lúc chờ đón linh cữu Đại tướng. Biết tin thi hài Đại tướng được đưa bằng máy bay về Đồng Hới, ngay từ sáng sớm...