“Không tử hình tội tham nhũng, xã hội tất sẽ loạn!”
Trong khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh phải bỏ tội cố ý làm trái quy định quản lý về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến phản đối và cho rằng đó là tội tham nhũng; dung túng cho tham nhũng, nhân dân sẽ không tha thứ.
Phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội về Bô Luât hinh sư sưa đôi sáng nay (16/6) được đa số các đại biểu đặt trọng tâm vào vấn đề xử lý hình sự đối với tội danh kinh tế. Dự thảo Luật đưa ra đề xuất loại bỏ tội danh “kinh doanh trái phép” và tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên rất nhiều đại biểu đã bác bỏ đề xuất này, đề nghị Ban soạn thảo phải cân nhắc kỹ để không làm mất lòng tin của nhân dân.
Mở đầu phần thảo luận của mình, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đoàn Lai Châu) nêu quan điểm trước Quốc hội rằng khi xem xét các điều Luật hoặc sửa đổi Bộ Luật cần phải căn cứ Hiến pháp sửa đổi năm 2013 để tránh tình trạng Hiến pháp mở ra còn Bộ Luật và điều Luật thì đóng lại. Trong lĩnh vực kinh tế, điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, vì vậy theo nguyên tắc thông lệ của quốc tế là không hình sự hóa các quan hệ dân sự.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (ảnh: Ngọc Châu)
Theo Bộ trưởng Vinh, trong một đất nước đang chuyển đổi như Việt Nam, không phải mọi thứ đều rõ ràng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Mục tiêu của những sai phạm kinh tế là thu lợi nhuận bất chính, không đúng các quy tắc quy định. Vì thế phải có giải pháp để xử lý cho đúng bằng các biện pháp kinh tế nhằm mục tiêu thu hồi lợi nhuận phi pháp, thậm chí phạt nặng hơn để ngăn chặn hành vi trong tương lai; trừ những trường hợp đặc biệt gây ra hậu quả nặng nề thì truy tố hình sự.
“Trong nhiều trường hợp xử lý hình sự chưa chắc đã tốt, vì không thu hồi lại được khoản tiền phi pháp, không thu hồi được tài sản bị thất thoát. Nếu để cho tội phạm này được sống thì tài sản được thu hồi, thậm chí có những trường hợp sai phạm được miễn xử phạt, ngoài khoản tiền đền bù họ còn phát triển kinh tế rất tốt và trở thành anh hùng.
Việc hình sự hóa mà tội danh không rõ ràng sẽ là rào cản, cản trở sự phát triển kinh tế. Khi làm Luật, phải đảm bảo lợi ích cho số đông, một số vi phạm thì phải có chế tài xử lý riêng biệt, không phải vì một số ít vi phạm mà đưa ra Luật phổ cập để áp dụng đối với tất cả mọi người… Tội kinh doanh trái phép, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng… Dự thảo Luật đã bỏ, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng không nên bỏ, nhưng tôi đề nghị phải bỏ” – Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Vị Bộ trưởng này dẫn rằng, bỏ ở đây không phải là không xử lý sai phạm mà là quy định cụ thể ở từng danh mục… Trong nền kinh tế chuyển đổi thì cố gắng hạn chế hình sự hóa, cần xử lý bằng các biện pháp kinh tế và thu hồi lại những khoản tiền cho Nhà nước, tạo ra động lực cho đất nước phát triển. Đây là vận mệnh của đất nước.
Ngay sau thảo luận của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) thẳng thắn nêu quan điểm không ủng hộ.
Video đang HOT
Đại biểu Nguyễn Thị Khá – đoàn Trà Vinh (ảnh: Ngọc Châu)
“Tôi chưa đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Bởi nếu không bị phát giác thì họ sẽ tự tung tự tại để sống sang trọng cả đời, nếu bị phát giác mà có tiền nộp thì vẫn mua được mạng sống, điều này làm cho pháp luật mất cân bằng, méo mó! Ngân sách nhà nước rất cần tiền nhưng không phải bất chấp nguy hại để thu tiền. Thế nào là khắc phục xong hậu quả nghiêm trọng? Hình thức này chỉ áp dụng đối với người giàu tiền nhiều của” – đại biểu Khá khẳng định.
Với Dự án Luật, quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình vì các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết tội đã chủ động khắc phục hậu quả đối với những vi phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực đối với các cơ quan chức năng trong việc điều tra phát hiện và xử lý các tội phạm và có công lớn, nữ đại biểu đoàn Trà Vinh đề nghị cần cân nhắc hết sức thận trọng để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo ra công bằng trong xã hội.
Không lấy tiền “đánh đổi” lòng tin của nhân dân!
Nhấn mạnh về tội danh tham nhũng, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh – Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương (đoàn Phú Thọ)cho rằng dự thảo Luật mới quy định ở tội nhận hối lộ, còn các tội về đưa hối lộ, môi giới hối lộ thì chưa đề cập. Đặc biệt, chưa lượng để có cơ sở lượng hóa trong định hình và định khung hình phạt, cho nên cần phải cụ thể hóa bổ sung.
Về phòng, chống tham nhũng, đại biểu Khánh đề nghị không nên bỏ tội danh cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
“Tội tham nhũng là tội ẩn, cho nên trong nhiều trường hợp vì lý do khách quan và chủ quan mà chúng ta không làm rõ được tính vụ lợi thì hiện nay chúng ta đang sử dụng tội cố ý làm trái này để xử lý những trường hợp liên quan đến tội tham nhũng mà chúng ta chưa chứng minh được động cơ vụ lợi như đã nêu trên. Do vậy, nếu bỏ tội này sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội tham nhũng trong giai đoạn hiện nay” – đại biểu Khánh khẳng định.
Cùng chung quan điểm không đồng tình bỏ phạt tử hình đối với tội phạm kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) cho rằng: Nếu bỏ xử phạt tử hình án kinh tế là không công bằng với các án tử hình khác, tạo kẽ hỡ cho tội tham nhũng, lợi dụng dùng tiền để đổi mạng.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn – đoàn Bình Thuận (ảnh: Ngọc Châu)
“Tham nhũng là tội có mục đích kinh tế, tham nhũng là quốc nạn, là lũng đoạn đất nước, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Chúng ta đã kiên quyết phòng, chống tham nhũng nhưng đến nay kết quả không đạt được như mong muốn mà tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, dư luận xã hội hết sức bất bình, đòi hỏi chúng ta cần phải có hành động kiên quyết hơn nữa. Để ngăn chặn loại bỏ quốc nạn này lý ra chúng ta cần phải có hình phạt nghiêm khắc hơn thì chúng ta lại làm ngược lại.
Chúng ta có thể cần tiền, cần rất nhiều tiền, cần thu hồi đầy đủ tài sản tham nhũng nhưng không vì thế chúng ta đánh đổi lòng tin của nhân dân, làm thay đổi cán cân công lý, dung túng cho tham nhũng với việc giảm hình phạt tù thay bằng phạt tiền để khắc phục hậu quả. Áp dụng điều luật này khác gì bỏ hình phạt tử hình với tội tham nhũng, làm như vậy xã hội tất sẽ loạn, nhân dân sẽ không tha thứ cho chúng ta” – đại biểu Niễn nêu quan điểm.
Châu Như Quỳnh
Theo dantri
Không bỏ án tử hình đối với các tội tham nhũng
Một loạt vấn đề "nóng" trong pháp luật hình sự và tố tụng hình sự như giảm án tử hình, tạm tha có điều kiện, quyền không khai báo của bị can, bị cáo... đã được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến tại Phiên họp lần thứ 18 diễn ra sáng 30/1.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) yêu cầu, các đề án giảm hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình, qui định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi)... phải được hoàn thiện để góp phần triển khai Hiến pháp 2013, xây dựng nền tư pháp công bằng, bảo vệ công lý, quyền con người và quyền công dân.
Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh- phải tử hình
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, dự kiến sẽ bỏ hình phạt tử hình đối với 07 trong số 22 tội danh có qui định hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự (giảm 31,81% so với với qui định hiện hành). Bà Lê Thị Thu Ba - Phó trưởng BCĐ Cải cách tư pháp Trung ương (CCTP TƯ) đề nghị: "Không bỏ hình phạt tử hình với tội phá hoại tài sản để không "bó tay" mình khi cần xử lý".
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ.
Song, theo Bộ Tư pháp và đa số thành viên BCĐ CCTP TƯ, việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ - hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất - là chưa phù hợ.Việc làm này sẽ dẫn đến cách hiểu pháp luật "nương tay" với các quan chức tham nhũng và không được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Còn GS.Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam - nhấn mạnh, bỏ án tử hình đối với tội phạm liên quan đến hàng giả là "nhân đạo với người này nhưng không nhân đạo với người khác" vì hàng giả ảnh hưởng đến quyền sống, sức khỏe của cộng đồng. Do đó, đa số thống nhất cần duy trì hình phạt tử hình đối với 3 tội danh này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như đề cao tính răn đe, phòng ngừa chung.
Từ thực tế có một số tội phạm trong nhiều năm không áp dụng hình phạt tử hình hoặc chỉ áp dụng khi có hậu quả chết người - như hiếp dâm trẻ em, cướp, sản xuất hàng giả, ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TANDTC - đề nghị có thể qui định áp dụng hình phạt chung thân không ân giảm đối với những tội trên, nhưng "phải qui định cụ thể những trường hợp áp dụng hình phạt tử hình để áp dụng công tâm, minh bạch, không phải do ý chí chủ quan".
Bộ Tư pháp đề xuất không bỏ hình phạt tử hình đối với 3 tội danh trên nhưng có thể nghiên cứu vận dụng cơ chế không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân (có thể là chung thân không ân giảm) để tạo cho người bị kết án tử hình một cơ hội được sống khi có đủ những điều kiện nhất định, đáp ứng yêu cầu hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế và đáp ứng mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng.
Đơn giản hóa thủ tục tạm tha để tránh chạy chọt
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị như vậy vì cho rằng qui trình, thủ tục tạm tha theo đề xuất của Bộ Công an "quá rườm rà, phức tạp, dễ nảy sinh tư tưởng chạy chọt".
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, Bộ Công an đề xuất chính sách tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù đối với những phạm nhân có đủ các điều kiện.Đó là: phạm tội lần đầu và phải chấp hành được ít nhất 1/2 mức án (một số đối tượng ưu tiên phải chấp hành được ít nhất 1/3 mức án); thực sự ăn năn, hối cải, có kết quả cải tạo khá, tốt; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có); có nơi cư trú rõ ràng và khi được tạm tha không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Vấn đề được quan tâm nhiều trong chính sách tạm tha trong thi hành án hình sự là việc tổ chức trực tiếp quản lý giám sát đối với những người được tạm tha. Bên cạnh đó, với qui trình đưa ra, việc tạm tha sẽ được xem xét theo từng đợt sẽ khiến "nhiều người sẽ bị thiệt thòi, không đảm bảo công bằng cho những người có điều kiện được tạm tha" nên ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó trưởng ban Nội chính T.Ư đề nghị việc xem xét tạm tha cho phạm nhân đủ điều kiện phải được làm thường xuyên để họ kịp thời được hưởng chính sách nhân đạo này.
Phải mở rộng các trường hợp bắt buộc mời người bào chữa
Tranh luận xung quanh qui định của Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) về mở rộng các trường hợp bắt buộc mời người bào chữa, một số ý kiến lo ngại mở rộng sẽ tốn kém kinh phí nhưng bà Lê Thị Thu Ba cho rằng, đây là qui định để đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo thì "dù tốn kém cũng phải mở rộng".
Đồng tình, ông Nguyễn Doãn Khánh nhấn mạnh: "Công lý là lớn hơn cả, nếu vì đồng tiền mà hạn chế quyền con người thì không được".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lưu ý, nếu mở rộng các trường hợp bào chữa bắt buộc nhưng không có kinh phí đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến quá trình tố tụng vì "kinh phí thấp như hiện nay thì nhiều luật sư sẽ "trốn" bào chữa khiến vụ án không thể được giải quyết".
Các ý kiến cũng đồng tình qui định "quyền không đưa ra các chứng cứ bất lợi" chứ không qui định "quyền im lặng" trong TTHS như đề xuất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.Việc làm này để tránh bị hiểu nhầm là quyền không tố cáo, khai báo các hành vi phạm tội. Đồng thời đề nghị bỏ qui định về cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) để hoạt động bào chữa không bị phụ thuộc vào việc cơ quan tố tụng "thích hay không thích" luật sư tham gia.../.
Theo Pháp luật Việt Nam