Không tự điều trị bệnh đường hô hấp cho trẻ
Thời gian gần đây, trẻ nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp tăng đột biến. Riêng một số ca phải can thiệp thở máy, dùng kháng sinh liều cao.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bác sĩ Đặng Thị Thúy (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, thời gian qua, tình trạng trẻ nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi… tại đây tăng đột biến, tập trung ở nhóm tuổi từ 1 – 3 tuổi.
“Căn nguyên gây bệnh thường gặp là virus theo mùa như cúm A, virus hợp bào hô hấp… Trên cơ địa trẻ bị nhiễm những loại virus này sẽ dễ xảy ra hiện tượng bội nhiễm kèm theo. Đa phần các bệnh nhi đều không nặng, chỉ điều trị căn nguyên. Tuy nhiên, có một số trường hợp phải can thiệp thở máy, dùng kháng sinh liều cao”, BS Thúy nói.
Cũng theo BS Thúy, việc xử trí các bệnh đường hô hấp ở trẻ không quá phức tạp, kèm theo chế độ dinh dưỡng hợp lý trẻ sẽ mau khỏi bệnh. Với các trường hợp trẻ không được chăm sóc, điều trị viêm phổi kịp thời, trẻ có thể bị bội nhiễm kèm theo, nhiễm khuẩn huyết, khiến bệnh lâu khỏi, thời gian nằm viện dài ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Thời tiết lạnh như hiện nay tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, nhất là cúm, bệnh đường hô hấp… BS Thúy chia sẻ, từ các biểu hiện ban đầu là hắt hơi, chảy nước mũi, dẫn đến trẻ bị ho có đờm khiến các cháu bị bội nhiễm viêm phế quản phổi, tình trạng nặng hơn có thể bị nhiễm khuẩn huyết. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ xuất hiện những biểu hiện, triệu chứng như vậy, cha mẹ không nên tự ý điều trị cho con.
Còn tại Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương), có 155 giường bệnh, cả tháng nay luôn chật kín, nhiều bé mắc virus hợp bào suy hô hấp rất nguy hiểm, trong đó có khoảng 60 trẻ phải thở oxy.
Video đang HOT
Theo PGS.BS Lê Thị Hồng Hanh (Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương), virus hợp bào hô hấp lây lan qua không khí, qua tiếp xúc với vật bị nhiễm virus. Triệu chứng gồm sổ mũi, thở khò khè, thở nhanh, khó thở, ho và sốt. Nếu nhiễm virus hợp bào hô hấp bệnh thường nặng hơn, dễ bị suy hô hấp hay kéo dài và dễ tái phát.
“Hầu hết bệnh nhi điều trị tại đây bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, ngoài ra còn các bệnh lý chuyên sâu như tràn dịch màng phổi, dị dạng đường thở. Bệnh nhi từ 1 tháng tuổi đến 15 tuổi. Trong đó, viêm phổi nặng kèm suy hô hấp hầu hết là trẻ dưới 6 tháng tuổi”, BS Hanh cho biết.
Có rất nhiều căn nguyên gây viêm đường hô hấp, do vi khuẩn hoặc virus. Đặc biệt, virus hợp bào hô hấp gây bệnh lý hô hấp cho trẻ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Nhiều bệnh nhi nhiễm virus này kèm bệnh nền phải thở oxy.
Để tránh lây nhiễm chéo và đảm bảo không trẻ nào phải nằm ghép, Trung tâm Hô hấp đã bố trí kê thêm hai cũi di động vào một phòng trước tình trạng có nhiều trẻ bệnh nặng phải nhập viện điều trị. Những bé nhiễm virus hợp bào hô hấp được nằm cách ly riêng một khu.
Thời tiết lạnh, ẩm thấp thường kèm với nguy cơ cao mắc bệnh cảm lạnh hoặc cúm. Đây là đợt cao điểm của các chứng bệnh như viêm họng, ho và sổ mũi. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cha mẹ cần nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ để phòng các bệnh đường hô hấp. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý đảm bảo vệ sinh cho trẻ, tránh tụ tập đông người. Các virus gây bệnh đường hô hấp lây lan qua giọt bắn. Vì vậy, cần cho trẻ đeo khẩu trang khi ở nơi đông người. Hạn chế tối đa việc người lớn hôn má trẻ vì có thể lây bệnh.
Trẻ mắc tay chân miệng biến chứng lở loét nặng vì cha mẹ tự điều trị
Thấy con có các nốt phỏng nước xuất hiện trên da, phụ huynh đã tự ý mua thuốc bôi cho con. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không thuyên giảm, ngược lại các nốt phỏng vỡ ra lở loét, trẻ đau đớn, ngứa nhiều... và phải nhập viện cấp cứu.
Thời tiết giao mùa hiện nay là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang có nguy cơ gia tăng. Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị cho nhiều trẻ mắc tay chân miệng. Đáng chú ý trong đó có trường hợp bé 4 tháng tuổi được chẩn đoán mắc tay chân miệng kèm theo bội nhiễm da nặng.
Bác sĩ Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi của bệnh viện cho biết: Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, có nhiều vết lở loét trên da, trẻ ngứa ngáy, khó chịu... Theo lời kể của gia đình, khi thấy con có các nốt phỏng trên da đã tự điều trị cho con bằng đơn thuốc cũ.
Trong khi đó, theo Bác sĩ Thúy, hầu hết các ca bệnh tay chân miệng đều diễn biến nhẹ, điều trị không quá phức tạp. Nhưng nếu không được điều trị đúng cách, bố mẹ tự mua thuốc, tự xử lý tại nhà thì các bệnh nhi sẽ dễ bị bội nhiễm.
"Ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Do đó, cha mẹ tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị cho con..." - chuyên gia Nhi khoa cảnh báo.
Trẻ mắc tay chân miệng có bội nhiễm da kèm theo.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3 - 5 và tháng 9- 10.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận 38.704 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.536 trường hợp nhập viện, không có tử vong.
So với cùng kỳ năm 2019 (61.226), số mắc cả nước giảm 36,3%, số trường hợp nhập viện giảm 31,4%, so với cùng kỳ giai đoạn 2013-2017, số nhập viện giảm 57,6%. Tuy nhiên một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng. Ảnh: D.Hải.
Để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Cha mẹ cần lưu ý những gì khi chăm sóc trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên? Thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường vào thời điểm giao mùa khiến cơ thể không thích ứng kịp. Đây chính là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp trên hoạt động mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người, đặc biệt là trẻ em. Theo Tổ chức Y tế...